Halloween có nguồn gốc từ lễ hội Samhain

Một bộ trang trí Halloween đã được đặt trong phòng khách để chào mừng đêm Halloween ở Nijmegen. (ảnh: Romy Arroyo Fernandez / NurPhoto qua Getty Images)

Đêm nay là Halloween, một ngày lễ có nguồn gốc khá xưa, trước xa thời đại của Thiên Chúa Giáo và Lễ Các Thánh, tức All Saints Day.

Theo các sử gia và những nhà nhân chủng học, lễ này bắt nguồn từ người Celtic (đọc là Keo-tích), một giống dân sống ở những vùng ven bờ Tây của Âu châu và trên các đảo quốc như Scotland, Ireland, Wales cách đây nhiều ngàn năm. Từ xa xưa các bộ lạc người Celt đã phát hiện ra được chu kỳ tuần hoàn của đất trời không thua gì các nền văn hoá lớn khác như Ai Cập hay Khmer cổ. Họ cũng biết tính toán những thời khắc quan trọng như Xuân-phân, Thu-phân (equinox) và Hạ-chí, Đông-chí (solstice). Họ còn xây những công trình lớn như những ngôi mộ cổ to bằng cả một ngọn đồi, hàng năm đến ngày Đông-chí mặt trời bình minh sẽ chiếu qua một khung cửa sổ nhỏ thẳng vào nơi họ tổ chức tế lễ.

Giống như người Việt ta có hai mùa mưa nắng, người Celt [Keo-tờ] chia một năm ra làm hai mùa: Sáng và tối. Vào mỗi đầu mùa họ tổ chức một lễ hội lửa (Fire Festival) để đánh dấu. Một trong những dịp lễ lớn trong lịch của họ là Samhain – dịch sát nghĩa là “cuối Hè”. Samhain rơi vào khoảng giữa hai mốc Thu-phân và Đông-chí. Người Celt tin rằng đây là thời điểm hai thế giới âm dương đến gần nhau nhất, dẫn đến các hiện tượng ma quỷ hiện hình để nhát con người. Họ bày ra các trò đùa ma quái để trêu chọc nhau và đổ thừa là do thần linh.

Các nhà sư Celtic, gọi là Druid, còn cho rằng đó là lúc họ có thể đoán biết được vị lai nhờ sự hiện diện của những linh hồn khuất bóng. Do đó tại các buổi lễ hội lửa, ngoài việc sát sinh để tế thần, các nhà sư Druid còn có màn coi bói để tiên đoán tương lai. Những người tham dự thì ăn mặc khác thường và đeo mặt nạ để đánh lừa ma quỷ.

Những cuộc lễ hội lửa dần biến hoá theo thời gian. Khi đạo Thiên Chúa xuất hiện trên các đảo quốc Celtic theo gót chân của đoàn quân La Mã vào đầu Thiên niên kỷ thứ nhất, thì những tục lệ này của người Celt cũng bị đổi thay. Theo nhà sử học Jack Santino, Giáo Hội La Mã đã tìm cách diễn giải những phong tục ấy theo chiều hướng Ki-tô giáo nhằm chinh phục và chuyển hoá người dân bản địa để họ theo đạo. Chính vì vậy mà trong ngày lễ Halloween hiện đại ta vẫn thấy còn sót lại nhiều yếu tố của người Celt cổ.

Câu chuyện bắt đầu vào ngày 13 Tháng Năm năm 609, khi Đức Giáo hoàng Boniface IV tuyên bố lập ra một ngày lễ cho các vị thánh tử vì đạo; tiếng Anh cổ gọi là All-hallows hay All-hallowmas, ngày nay ta gọi là All Saints Day. Do đó, đêm trước ngày lễ này được gọi là All-hallows Eve. Thuật ngữ này cũng giống như ta gọi đêm trước ngày đầu năm là New Year’s Eve vậy.

DJ người Đức Frans Zimmer hay còn gọi là Alle Farben biểu diễn trực tiếp trên sân khấu trong Lễ hội âm nhạc Halloween vào ngày 30 Tháng Mười năm 2022 tại Murska Sobota, Slovenia. (ảnh: Mario Skraban / Redferns)

Ban đầu All-hallows chẳng dính dáng gì đến lễ hội lửa cả. Nhưng đến khoảng giữa thế kỷ thứ Tám, Giáo hoàng Gregory III ra quyết định dời lễ All-hallows đến ngày 1 Tháng Mười Một để ăn khớp với lễ hội Samhain. Thế là ngày tưởng niệm linh hồn các vị thánh tử đạo được đặt trùng với ngày dân Celt ăn mừng lễ hội lửa của họ. Không những vậy, giáo dân tại những xứ khác cũng bắt chước tục lệ của người Celt là đốt lửa, ăn vận trang y khác thường, đeo mặt nạ…

Đặc biệt là họ cũng bày trò ăn uống, nhậu nhẹt như người Celt trong đêm trước lễ, tức All-hallows Eve. (Người Irish ngày nay, như ta biết, là một dân tộc nổi tiếng là thân thiện, thích ăn nhậu và làm rượu whiskey một cây!) Ngoài ra, phong tục cúng dường thức ăn cho người chết của người Celt cũng được Giáo Hội cải biên thành việc mang thức ăn đến đặt trước nhà các gia đình nghèo hay người già neo đơn. Từ đó All-hallows Eve trở thành một hình thức giúp đỡ người thế cô trong xã hội ngày xưa.

Dần dà chữ All-hallows Eve được nói gọn thành Halloween trong ngôn ngữ ngày nay. Dẫu vậy, những trò chơi như đeo mặt nạ, nhát ma thiên hạ hay cho bánh kẹo cho trẻ em thời nay đều có nguồn gốc từ lễ hội Samhain của người Celtic cổ xưa.

Tại các nước Á châu, Halloween chỉ mới thịnh hành khoảng vài chục năm nay, nhất là tại các nước kinh tế đã phát triển như Nhật, Đại Hàn,… Giới trẻ tại những nước ấy, tuy đa phần không theo Ki-tô giáo nhưng cũng bày ra những trò chơi bắt chước theo Tây phương. Có thể nói Halloween ngày nay đã được quốc tế hoá chẳng khác nào lễ Giáng Sinh, mà nguồn gốc cũng đến từ những lễ hội của người cổ đại có trước cả khi Giê-su ra đời (nhưng đó là đề tài nghiên cứu cho một dịp khác).

Riêng tại Việt Nam, những năm gần đây Halloween cũng được du nhập vào trong nước, dù chưa tràn lan như ở các nước Á châu khác. Tuy Halloween ngày nay chỉ là một dịp để vui chơi giải trí chứ không còn mang nặng tính cách tôn giáo nữa, nhưng hy vọng thanh niên Việt Nam mai đây sẽ không bị lôi cuốn vào những tình huống nguy hiểm như vừa xảy ra ở Seoul. Xin gửi một nén hương lòng đến những nạn nhân đã thiệt mạng trong đêm thứ Bảy vừa rồi, và cầu mong linh hồn họ sớm được siêu thoát.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: