2022: Không chỉ nỗi lo đi chợ tốn nhiều hơn, còn nhiều thứ khác…

Giá nhu yếu phẩm tăng vọt là nỗi lo sát sườn nhất với người dân Mỹ (ảnh: Mehrad Vosoughi/Unsplash)

Thắt lưng buộc bụng chắc chắn là điều mà mọi người phải làm trong năm tới. Mọi thứ, từ cà phê đến mù tạt, từ sữa đến trứng… đều đắt đỏ hơn. Ngay thời điểm này, giá nhu yếu phẩm đã tăng như hỏa tiễn thăng thiên. Nhiều nhà sản xuất thực phẩm cho biết họ có kế hoạch tăng giá vào năm 2022 đối với loạt sản phẩm từ mì ống, pho mát đến đồ ăn nhẹ… Và không chỉ thực phẩm mới chứng kiến tình trạng gây méo mặt cho người tiêu dùng vì giá tăng…

Đi chợ cần “gói ghém” lại

Tony Sarsam, Giám đốc điều hành công ty phân phối và bán lẻ thực phẩm SpartanNash Co., cho biết chẳng đồ ăn thức uống gì trên đời này mà thoát khỏi tình trạng tăng giá. Theo công ty nghiên cứu thị trường IRI, giá thực phẩm ước tính tăng ít nhất 5% trong nửa đầu năm 2022, dù mức độ tăng khác nhau tùy khu vực và tùy siêu thị. Mondelez International Inc. gần đây cho biết họ “tăng nhẹ” giá bánh quy, kẹo cùng nhiều sản phẩm – từ 6% đến 7% – kể từ Tháng Giêng. General Mills Inc và Campbell Soup Co. cho biết việc tăng giá của họ cũng sẽ có hiệu lực vào những ngày đầu năm 2022. Trong khi đó, Kraft Heinz Co. nói rằng họ sẽ tăng giá nhiều sản phẩm trong đó có bánh pudding Jell-O và mù tạt Grey Poupon, và một số mặt hàng tăng tới 20%!

Chi phí lương, nguyên liệu và giá vận chuyển cao hơn là vài trong những yếu tố khiến các ngành từ sản xuất đến bán lẻ phải tăng giá. Bộ Lao động Hoa Kỳ cho biết chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 6.8% trong Tháng Mười Một 2021 so với một năm trước, tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1982. Chỉ số thực phẩm tại nhà (food-at-home index) đã tăng 6.4% trong 12 tháng qua, với thịt gia cầm, cá và trứng tăng 12.8%. Khoai tây, cần tây và rau củ cũng sẽ có giá cao hơn trong năm tới, một phần do chi phí vận chuyển cao. Và “dân nhậu” cũng sẽ buồn thắt ruột hơn vì rượu, bia có giá đắt hơn, đặc biệt hàng nhập khẩu. Nhìn chung, mức tăng giá vào năm 2022 dao động từ 2% đến 20%, ảnh hưởng tất cả các loại hàng tạp hóa, kể cả hàng sản xuất và đóng gói – theo Wall Street Journal (27-12-2021).

Giá nhà đất phi nước đại

Thị trường nhà đất Mỹ đã chứng kiến một năm nóng hực còn hơn lửa cháy rừng California. Thiên hạ đang rủ nhau ào ạt mua nhà. Doanh số bán nhà đang trên đà đạt mức cao nhất trong 15 năm, với ước tính khoảng 6 triệu căn được bán vào năm 2021. Giá nhà trung bình tăng gần 20% trong quý III-2021 so với một năm trước, theo Cơ quan Tài chính Nhà ở Liên bang (Federal Housing Finance Agency). Đây là mức tăng giá nhà thường niên lớn nhất trong lịch sử Chỉ số Giá nhà (House Price Index) của cơ quan này. Tại một số thị trường nóng, mức tăng thậm chí gấp đôi (tức khoảng 40%).

Giá nhà đất tăng chóng mặt (ảnh: Liz Sanchez-Vegas/Unsplash)

Đa số căn nhà đều được bán với tốc độ nhanh kỷ lục, khi người mua sẵn sàng “hào phóng” mặc cả mua giá cao hơn giá người bán định và thậm chí “chơi đẹp” đến mức trả cái rụp bằng tiền mặt. Ngay cả một số căn cũ nát hoặc bị cháy rụi cũng được mua cấp kỳ, như thể chậm một chút là “xôi hỏng bỏng không”, dù giá cả nóng bỏng tay. Đây là một năm (2021) “khùng điên ba trợn” – nhận xét của Matt Holm, nhà môi giới bất động sản thuộc công ty Compass ở Austin (Texas).

Hồi Tháng Một, Matt Holm rao bán một căn nhà nhỏ với $425,000 – vốn dĩ đã cao hơn giá thị trường chung. Ngay lập tức, nhiều người mua gọi hỏi ào ạt. Đến “offer” thứ 35 thì Matt Holm ngưng. Cuối cùng, căn nhà được bán với giá $545,000 (tăng 30% so với giá niêm yết). Cũng theo lời kể Matt Holm (dẫn lại từ CNN 27-12-2021), có một người mua một căn hộ cực sang bên bờ hồ với giá $6 triệu vào năm 2020; vài tháng sau, căn này được người khác trả $9 triệu; rồi hai tháng sau nữa thì có người năn nỉ đòi mua $11 triệu!

Thời điểm hiện tại, cái gọi là “hàng tồn kho” trong thị trường bất động sản Mỹ đang ở mức thấp nhất. Theo công ty dữ liệu bất động sản HouseCanary, những căn có giá dưới $200,000 bây giờ rất khó tìm. Theo dự báo của Realtor.com, hàng tồn kho sẽ vẫn ở mức hạn chế và chỉ tăng 0.3% vào năm 2022.

Cần nói thêm, doanh số bán nhà hiện tại đạt mức trung bình là $353,900 vào Tháng Mười Một 2021 – tăng 13.9% so với một năm trước. Với bất động sản mới xây, giá dĩ nhiên còn cao hơn. Theo Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ, nhà mới xây đạt mức giá trung bình $416,900 vào Tháng Mười Một, cao hơn khoảng 19% so với một năm trước. Tóm lại, theo một nhóm gồm 20 chuyên gia kinh tế và nhà ở được Hiệp hội môi giới bất động sản quốc gia (National Association of Realtors) mời hỏi ý kiến, thì họ dự đoán giá nhà trung bình tại Mỹ sẽ tăng 5.7% trong năm 2022.

Omicron phá đám

Tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể hồi phục vào năm 2022, được dự báo tăng trưởng GDP thực tế ở mức 3.5% – với một điều kiện tiên quyết: Không bị biến thể Omicron phá đám. Phần lớn tăng trưởng sẽ đến từ các lĩnh vực đang mở cửa trở lại, chẳng hạn nhà hàng, khách sạn, giải trí, dịch vụ cá nhân và vận tải hành khách. Tuy nhiên, đó cũng là những ngành dễ bị tổn thương nhất trước sự bùng phát dịch bệnh bởi biến thể Omicron. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh, một số ngành vẫn đang điêu linh và khó khởi sắc, kể cả khi không có nguy cơ đại dịch bùng nổ, do bị ảnh hưởng bởi thiếu hụt nhân công và và tình trạng làm việc từ xa. Tính đến Tháng Mười Một, không có dấu hiệu nào cho thấy tình trạng thiếu lao động giảm. Lạm phát cũng chẳng có dấu hiệu dừng.

Tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể hồi phục vào năm 2022, với dự báo tăng trưởng GDP thực tế ở mức 3.5% – với một điều kiện tiên quyết: không bị biến thể Omicron phá đám (ảnh: Paul-Alain Hunt/Unsplash)

Sự xuất hiện của Omicron cho thấy dịch bệnh sẽ duy trì sự hiện diện khó chịu của nó trong cuộc sống con người. Biến thể mới có thể làm trì hoãn việc quay trở lại môi trường làm việc. Điều đó dẫn đến sự điều chỉnh thị trường lao động xét theo yếu tố địa lý: Nhiều người Mỹ sẽ dịch chuyển chỗ ở trong năm 2022, chuyển sang làm việc từ xa, rời bỏ những nơi nhà cửa đắt đỏ ở các thành phố lớn để tìm nơi có mức sống rẻ hơn. Điều này có nghĩa các trung tâm thành phố lớn sẽ bị ảnh hưởng, do ngày càng ít người đi làm chi tiền tại các quán cà phê, nhà hàng và cửa hàng gần văn phòng của họ.

Hậu quả là sự đình trệ “nền kinh tế địa phương” ở một số trung tâm thành phố. Việc dịch chuyển cũng tạo ra thay đổi trên bức tranh kinh tế ở các khu vực khác nhau. Trên thực tế, người ta thấy xu hướng này đang diễn ra: Các công ty công nghệ ở Bờ Tây đang chuyển dịch sang các khu vực khác, làm tăng mức độ cạnh tranh về nhân tài trong các khu vực này. Giới công nghệ California đang “dọn nhà” sang Texas là một ví dụ.

Tuy nhiên, cũng không nên quá bi quan. Những con số thống kê cuối năm cho thấy tình hình không đến nỗi bi thảm. Thị trường lao động tiếp tục được cải thiện, với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4.2% từ 14.8% trong những ngày đầu đại dịch (Tháng Tư 2020). Sản xuất công nghiệp tăng 0.5% trong Tháng Mười Một sau khi tăng 1.7% trong Tháng Mười. Dây chuyền lắp ráp trong công nghiệp xe hơi cũng tăng. Khảo sát các chủ doanh nghiệp Hoa Kỳ về tình hình năm 2022 do Wilmington Trust thực hiện và được công bố gần đây cho thấy “sự lạc quan và niềm tin vào nền kinh tế Mỹ gần như đã trở lại mức trước đại dịch, với 77% nói rằng họ rất lạc quan về triển vọng kinh doanh, so với 81% thời điểm trước đại dịch” – dẫn lại từ US News and World Report (23-12-2021).

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: