Một năm sau ngày Quốc Hội Mỹ bị tấn công 

Toà nhà Quốc Hội bị tấn công ngày 6 Tháng Giêng, 2021. (Ảnh: Kalynh Ngô)

Tối ngày 6 Tháng Giêng, 2022, tại những bậc thang dẫn vào toà Quốc Hội Hoa Kỳ, diễn ra một buổi lễ cầu nguyện, tưởng nhớ cuộc bạo động lịch sử ngày 6 Tháng Giêng, 2021, với sự tham dự của các thành viên Hạ Viện và Thượng Viện. Vụ bạo loạn khiến 5 người thiệt mạng, trong đó có một sĩ quan Cảnh sát Capitol.

Một ngày trước, 5 Tháng Giêng, bài xã luận của Tổng thống thứ 39 của Hoa Kỳ, ông Jimmy Carter xuất hiện trên tờ NYTimes, viết rõ: “Tôi lo sợ cho nền Dân Chủ của chúng ta.” Cựu Tổng thống Carter chỉ đích danh “thủ phạm”: “Một năm trước, một đám đông bạo lực, được dẫn dắt bởi các chính trị gia vô đạo đức, đã tràn vào toà Quốc Hội và gần như họ đã thành công trong việc ngăn chặn quá trình chuyển giao quyền lực một cách dân chủ.” Ông viết, “những người tuyên bố dối trá rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp đã tiếp quản một đảng chính trị và gây mất lòng tin vào hệ thống bầu cử của chúng ta.”

Sự im lặng chết người

Không những “mất lòng tin vào hệ thống bầu cử”, không những “nền Dân Chủ đang bị đe doạ nặng nề”, không những sự rạn nứt ngày càng lớn giữa hai đảng chính trị, mà nghiêm trọng hơn, đó là “sự im lặng chết người của các thành viên đảng Cộng Hoà” – theo nhận định của cây bút chuyên về chính trị Aaron Blake.

Rất nhiều đồng minh thân cận với Trump từng đồng ý rằng ông ta phải chịu trách nhiệm, cho dù chỉ là một mức độ nào đó, đối với cuộc bạo loạn lớn nhất lịch sử Mỹ kể từ chiến tranh 1812. Có thể kể một số tên như Kevin McCarthy (California), Trưởng Khối Thiểu Số Thượng Viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky), Thượng nghị sĩ Ted Cruz (Texas), Thượng nghị sĩ Mitch Tom Cotton (Arkansas)…

Thế nhưng, sự thật cho thấy, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Hoà hầu như không còn bận tâm nào về cái gọi là “trách nhiệm” và cả “người chịu trách nhiệm chính.” Họ vẫn im lặng – một thái độ cho thấy họ ủng hộ, đứng về phía các thành viên Đảng Cộng Hoà, những người (với sự hậu thuẫn của Trump) liên tục đưa ra lời nói dối về kết quả bầu cử, đổ lỗi cho những người kiểm soát bầu cử gây ra cuộc bạo loạn.

Trong bài diễn văn dài 30 phút, Tổng Thống Biden hoàn toàn không nhắc đến chữ “Donald Trump”. Thay vào đó là 16 lần ông dùng chữ “tổng thống tiền nhiệm” (former president) và “thua cuộc”, “thất bại”, “dối trá”.

“Chúng ta đã không thấy điều gì? Chúng ta không thấy cựu tổng thống vừa kích động đám đông tấn công, vừa ngồi trong phòng riêng ở Phòng Bầu Dục để theo dõi tất cả những điều đó trên truyền hình.”

“Một cựu tổng thống của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ đã tạo và phát tán một mạng lưới tin tức dối trá về cuộc bầu cử 2020.”

“Những người ủng hộ cựu tổng thống đã cố gắng bẻ gãy lịch sử.”

“Lời nói dối to lớn thứ hai của những người ủng hộ cựu tổng thống là kết quả bầu cử 2020 không đáng tin cậy.”…

Một năm sau “cuộc nổi dậy” đó, Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ vẫn đang tiếp tục thúc đẩy cuộc điều tra lớn nhất trong lịch sử FBI – theo CNN. Khoảng 700 người đã bị bắt và hàng trăm cuộc điều tra khác với thời gian truy tố lên đến vài năm. Trong suốt một năm qua, sau nhiều lần bị các nghị sĩ Cộng Hoà ở Thượng Viện ngăn chặn, ngày 30 Tháng Sáu, 2021, Hạ Viện Hoa Kỳ đã thông qua việc thành lập một uỷ ban điều tra vụ tấn công lịch sử vào Capitol Hill do đám đông ủng hộ ông Trump thực hiện. 

(Ảnh: Kalynh Ngô)

Một trong những nỗ lực dân sự lớn nhất sau ngày 6 Tháng Giêng, 2021 là một nhóm bảy sĩ quan cảnh sát Capitol đệ đơn kiện Trump và gần 20 thành viên của nhóm cực hữu Proud Boys, Oath Keepers. Ngoài ra còn có ba vụ kiện khác đã được đệ trình, cũng tố cáo Trump và những kẻ cực hữu, những nhà tổ chức chính trị đưa ra nhiều lời nói dối vô căn cứ về kết quả cuộc bầu cử.

Không thể phủ nhận những cố gắng “hàn gắn vết thương” của những nhà lập pháp Hoa Kỳ, hoặc những lãnh đạo tiền nhiệm lên tiếng mạnh mẽ như cựu Tổng Thống Jimmy Carter. Kể cả những cuốn hồi ký “bom tấn” của các cựu nhân viên Toà Bạch Ốc – người thân cận với Trump, đã vạch trần nhiều sự thật phía sau cuộc bầu cử 2020 cũng như cuộc bạo loạn ở toà Quốc Hội, thì kết quả của một năm sau ngày lịch sử đó, vẫn là: “ ‘Đảng của Trump’ vẫn còn đó. Mối quan hệ mật thiết, sự ảnh hưởng chặt chẽ của Trump với các đảng viên Cộng Hoà trong suốt một năm sau khi ông ta thất cử là một khác biệt so với những gì thường xảy ra với lịch sử bầu cử Mỹ” – theo Aaron Blake.

Cũng như chính cựu Tổng Thống Jimmy Carter đã thừa nhận nỗi lo sợ của ông: “Bây giờ tôi lo sợ rằng những gì chúng ta đã đấu tranh để đạt được – quyền bầu cử tự do, công bằng, không bị cản trở bởi thế lực của các chính trị gia mạnh mẽ, những người không tìm kiếm gì hơn là phát triển quyền lực của mình – đã trở nên mong manh một cách nguy hiểm ngay chính trên đất nước mình.”

6 Tháng Giêng, 2021

Trưa hôm đó, tôi nhận được tin nhắn từ người bạn ở California: “Tôi chỉ biết khóc khi nhìn những gì đang diễn ra trên truyền hình, trực tiếp từ Capitol Hill”. Lúc đó, tôi đang giữa dòng người nhốn nháo đi bộ về hướng toà Quốc Hội. Không khó để nhìn thấy trong nhóm người Mỹ trắng đang cầm những lá cờ “Trump”, là những người da vàng tóc đen nhỏ bé, tay cầm cờ vàng, đầu đội mũ đỏ có chữ “Trump”. Họ đang cố bước nhanh theo đoàn người to cao phía trước. Họ là những người không còn trẻ. Tuổi già ghi rõ trên gương mặt.

(Ảnh: Kalynh Ngô)

Những người này không từ chối khi tôi ngỏ lời phỏng vấn. Tất cả đều cho rằng họ đang “đi đòi công lý cho nước Mỹ.”

“Kết quả cuộc bầu cử đã bị đánh tráo. Tôi không tin kết quả bầu cử.”

“Nhiều tiểu bang đã tái kiểm kết quả và đều khẳng định không có sự gian lận. Vậy theo ông, ai là người xứng đáng kiểm phiếu?”

“Tôi cho rằng kết quả là gian lận. Chỉ cần một học sinh cấp hai làm bài toán cũng biết được.”

“Vậy theo ông, các dân biểu, ngay cả người sắp đọc kết quả bầu cử là Phó Tổng Thống là những người không biết làm toán?”

Tôi biết nếu tiếp tục hỏi, những mái tóc “không còn đen” ấy sẽ mãi lẩn quẩn trong hai chữ “gian lận” chứ không có một căn cứ xác thực nào. Tốt nhất là tôi để họ đi tiếp để thực hiện sứ mệnh của họ.

Capitol Hill dần hiện ra trước mắt. Những tiếng la hét, tiếng trống, tiếng kèn hỗn loạn. Thỉnh thoảng có tiếng nổ, rồi khói mịt mù bao phủ. Những cánh cửa sắt của toà Quốc Hội đã đóng chặt. Chúng tôi không thể tiến vào sâu. Ngày càng nhiều người kéo đến những bậc thang dẫn vào Quốc Hội. Họ trèo lên cả những thanh sắt dùng để chuẩn bị cho ngày nhậm chức của tân tổng thống.

Một nhóm người trong trang phục Proud Boys đi hướng ngược lại với chúng tôi. Một trong những người đó nhìn thấy tôi mang máy ảnh. Ông ta xấn tới và hỏi “Tại sao mang máy ảnh? Gửi hình ảnh về cho PRC à?”. PRC là People’s Republic of China. Tôi trả lời “Tôi không phải người Trung Quốc. Đây là máy ảnh của tôi và tôi có quyền mang nó.” Người bạn đi cùng kéo tôi đi nhanh về phía trước.

(Ảnh: Kalynh Ngô)

Thấp thoáng phía xa, trên bậc cầu thang cao của toà Quốc Hội, tôi thấy một lá cờ vàng cắm ở đó. Tôi thật sự muốn lên tận nơi để xem ai là người đứng bên cạnh lá cờ ấy. Nhưng khung cảnh của Quốc Hội lúc ấy như một trận chiến. Tôi lọt thỏm giữa những người Mỹ cao to, lực lưỡng. Người vác cờ, vác cả thánh giá bằng gỗ. Thỉnh thoảng vài tiếng nổ vang lên, người ta cứ thế theo đó mà la, hét. Tôi đưa ống kính lên để ghi lại những hình ảnh mà tôi biết nó sẽ mãi mãi đi vào lịch sử của nước Mỹ. Khi nhìn vào ống kính, tôi có cơ hội thấy rõ hơn những gì đang diễn ra ở những thang đi lên toà Quốc Hội. Những người bạo loạn ngồi vắt vẻo, đong đưa trên thành trì của Capitol Hill, đầy vẻ hả hê.

Tôi tự hỏi và hình dung, nếu những mái đầu điểm bạc mang lá cờ vàng đi đòi công lý mà tôi đã gặp khi nãy, trông họ sẽ như thế nào nếu họ đứng giữa nhóm người đang ngồi vắt vẻo trên kia?

ĐỌC THÊM:

Cuộc nổi dậy 6 Tháng Một 2021 mới chỉ là màn thực tập?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: