“Ác chiến” quanh dự luật quyền bỏ phiếu liên bang của Biden

Tổng thống Joe Biden vất vả vận động thông qua dự luật bầu cử liên bang (ảnh: Kent Nishimura/Los Angeles Times/Getty Images)

Hai thượng nghị sĩ Dân chủ Joe Manchin III và Kyrsten Sinema đã công khai phản đối việc loại bỏ phương thức filibuster do Đảng Dân chủ đề xuất. Fillbuster là một chiến thuật câu giờ, trong đó một hoặc nhiều thành viên phe kia của Thượng viện cố ý kéo dài cuộc tranh luận về một dự luật được phe này đệ trình để trì hoãn hoặc ngăn cản bỏ phiếu thông qua.

Theo quy định Thượng viện, tranh luận câu giờ chỉ có thể dừng lại nếu 60 thượng nghị sĩ (TNS) bỏ phiếu đồng ý kết thúc trong một qui trình gọi là “cloture”. Đảng Dân chủ muốn loại bỏ phương thức fillbuster bằng bỏ phiếu đa số quá bán 50-50 (cộng thêm một phiếu của Phó Tổng thống) để có thể thông qua một dự luật bầu cử liên bang mới. Nhưng, vì chỉ còn 48 phiếu ủng hộ bỏ fillbuster, kế hoạch cải tổ quyền bỏ phiếu của Đảng Dân chủ để thêm phiếu bầu của các cử tri thiểu số với những tiêu chí thoáng hơn hầu như đã chết!

Đảng Cộng hòa ra tay trước

Như vậy, các ứng viên Dân chủ sẽ phải chi rất nhiều để đăng ký và vận động cử tri nếu họ muốn vượt qua hàng rào của các hạn chế bầu cử mới được ban hành tại các bang do Đảng Cộng hòa kiểm soát trên toàn quốc. Năm 2020, Đảng Dân chủ đã giành được kỷ lục số cử tri đi bầu để giành chức tổng thống và quyền kiểm soát Thượng viện sau khi áp dụng các chính sách giúp bỏ phiếu dễ dàng hơn đối với các lá phiếu vắng mặt, nêu lý do đại dịch.

Nhưng kể từ đó, các cơ quan lập pháp bang do Đảng Cộng hòa kiểm soát đã ban hành một loạt các biện pháp nhằm hủy bỏ các chính sách đó, dựng lên các rào cản mới đối với việc bỏ phiếu và loại bỏ một số rào cản từng ngăn cản nỗ lực lật ngược cuộc bầu cử của cựu Tổng thống Donald J. Trump. Thay đổi đó khiến Đảng Dân chủ tức giận; và nay, khi dự luật bỏ phiếu mới tiếp tục bị phe Cộng hoà dùng fillbuster để ngăn chặn, họ lại phải suy nghĩ về những tháng dài gian khổ để chuẩn bị cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, trong tình thế rất bất lợi, từ tỉ lệ chấp thuận thấp Tổng thống Biden, lạm phát, chia rẽ ngay trong đảng và đại dịch dai dẳng.

Ở nhiều bang do Cộng hòa kiểm soát, việc bỏ phiếu vào năm 2022 sẽ khó khăn và tốn kém nhiều hơn cho các ứng viên Dân chủ so với những thế hệ trước. Ví dụ, tại tiểu bang Wisconsin hôm Thứ Năm 13 Tháng Một, một thẩm phán ở Waukesha, county lớn nhất của tiểu bang, đã ra phán quyết với việc xem các hộp bỏ phiếu vắng mặt là bất hợp pháp trên toàn tiểu bang, một sự đảo ngược thông lệ lâu đời. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ ngày 15 Tháng Hai. Tính đến nay đã có 19 tiểu bang thông qua 34 luật hạn chế quyền bỏ phiếu vào năm 2021.

Các nhóm dân quyền có quan hệ mật thiết với các lãnh đạo Đảng Dân chủ đã mạnh mẽ kêu gọi hành động, cảnh báo “luật bầu cử của các bang Cộng hòa (GOP) có nguy cơ làm giảm tỷ lệ cử tri thiểu số đi bầu”. Các lãnh đạo Cộng hòa ở thủ đô cũng quyết liệt chống lại việc thay đổi luật bầu cử cấp liên bang và cho rằng luật của bang là hợp lý để khôi phục niềm tin của công chúng đang giảm sút sau các cuộc bầu cử vừa qua. Ngoài ra chính phủ liên bang không có quyền ra lệnh cho các tiểu bang điều hành cuộc bầu cử theo cách liên bang.

Đảng Dân Chủ phản công thất bại

Vậy ý đồ của Đảng Cộng hòa là gì? Nhìn chung, họ đang thực hiện hai mục tiêu: áp đặt thêm các hạn chế đối với việc bỏ phiếu (đặc biệt là bỏ phiếu qua thư) và trao cho các cơ quan lập pháp của bang do đảng mình kiểm soát nhiều quyền hơn về cơ chế bỏ phiếu-kiểm phiếu. Việc Đảng Cộng hòa thúc đẩy thắt chặt các quy tắc bỏ phiếu đã làm dấy lên nghi ngờ về tính toàn vẹn của tiến trình dân chủ ở Mỹ. Nhiều hạn chế có khả năng ảnh hưởng đến cử tri da màu một cách không cân xứng.

Đảng Dân chủ phản công thế nào? Tại Quốc hội, Đảng Dân chủ tập trung nỗ lực vào hai dự luật bảo vệ quyền bỏ phiếu và cách kiểm phiếu đại cử tri. Nhưng các đảng viên Cộng hòa tại Thượng viện 50-50 chia đều cho hai đảng đã đoàn kết tuyệt đối để chặn cả hai nhờ phương thức fillbuster. Trên thực tế, Hiến pháp cho Quốc hội phạm vi rộng để điều chỉnh việc tiến hành các cuộc bầu cử liên bang. Thượng viện đã cố gắng bốn lần trong năm qua để thông qua các dự luật về quyền bỏ phiếu. Mỗi lần, trừ một ngoại lệ, các đảng viên Cộng hòa lại tập hợp để ngăn chặn thành công nhờ fillbuster.

Đảng Dân chủ muốn chặn các cuộc phong tỏa của đối thủ dựa vào fillbuster trong tương lai. Nhưng hy vọng của Đảng Dân chủ đã bị chấn thương nặng khi vào ngày 13 Tháng Một sau khi hai TNS Dân chủ tuyên bố họ sẽ không ủng hộ việc bãi bỏ fillbuster. Những tuyên bố mới của TNS Joe Manchin III và TNS Kyrsten Sinema được đưa ra ngay khi Tổng thống Biden sắp đến Capitol Hill trong một cố gắng cuối cùng, để dự luật quyền bỏ phiếu cấp liên bang sớm được thông qua. Nhưng chuyến đi trở nên vô ích. Trước khi Biden đặt chân lên chiếc xe limousine của tổng thống, Sinema nhắc lại quan điểm dứt khoát của bà trong một bài phát biểu giữa trưa. Còn Manchin tuyên bố bằng văn bản nêu rõ lập trường của mình ngay sau khi Biden khởi hành.

Sự thất bại đến sớm là một đòn khác giáng vào một chính quyền vốn đang phải vật lộn để đối phó với làn sóng nhiễm coronavirus, lạm phát cao và những thách thức chính sách đối ngoại, bao gồm cả cuộc xâm lược tiềm tàng của Nga vào Ukraine, cũng như việc Tòa án Tối cao hủy sắc lệnh liên bang buộc xét nghiệm hoặc tiêm vaccine đối với các doanh nghiệp tư nhân sử dụng trên 100 nhân công. Trong một nỗ lực cuối cùng để cứu vãn, Manchin và Sinema đã được mời đến Tòa Bạch Ốc vào cuối ngày 13 Tháng Một để gặp riêng Tổng thống.

Không hy vọng gì trong ngày 18 Tháng Một

Tuy nhiên, hầu như không có hy vọng Manchin hoặc Sinema sẽ đảo ngược quan điểm lâu nay về fillbuster. Họ vẫn khẳng định phương thức này là “một công cụ tốt để tạo điều kiện hợp tác lưỡng đảng và bảo vệ chống lại những thay đổi không thể chứng minh tính hiệu quả trong chính sách liên bang”.

“Tôi sẽ không ủng hộ các hành động riêng rẽ làm trầm trọng thêm sự chia rẽ trong đất nước chúng ta. Nhiệm vụ của tôi và các vị là bảo vệ nền dân chủ” – Sinema nhấn mạnh trong bài phát biểu. Còn Manchin cũng nói đến việc “bảo vệ nền dân chủ trước những ham muốn nhất thời của đa số” và thề “tôn trọng ý kiến ​​của thiểu số trong Thượng viện. Tôi không thể ủng hộ một lộ trình nguy hiểm như vậy. Các nhà lãnh đạo được bầu để đoàn kết đất nước không nên quá nặng về chính trị và đảng phái nếu muốn đạt được một thỏa hiệp về một tương lai tươi sáng hơn cho tất cả người dân Mỹ”.

Tổng thống Biden, một cựu TNS sáu nhiệm kỳ, không chỉ trích cá nhân TNS nào mà chỉ nói về “sự cấp bách của đạo đức ở thời điểm này”, than thở về “sự suy tàn của một thể chế ngày càng bị xáo trộn bởi phân cực chính trị” và nhấn mạnh “trong cương vị thượng nghị sĩ đã 36 năm tôi biết rõ đây là một thời khắc rất quan trọng”.

Trong khi đó, lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện, TNS Mitch McConnell, cáo buộc đảng Dân chủ chỉ tập trung vào một vấn đề gây chia rẽ, tìm cách phá bỏ quyền biểu quyết và các quy tắc của Thượng viện trong khi xem nhẹ những thách thức cấp bách hơn đối với nền kinh tế và an ninh quốc gia. “Có một con đường phía trước để các đồng nghiệp Đảng Dân chủ của tôi phục hồi lại đất nước đang bị gặp thất vọng nặng nề. Vấn đề ở đây không phải là cố gắng phá vỡ Thượng viện và viết lại luật bầu cử. Hãy bắt đầu giải quyết những vấn đề mà các gia đình Mỹ đang cần” – ông nói.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: