Bầu cử và dân chủ: Ai đi bầu ở Mỹ?

Một chỉ dẫn điểm bỏ phiếu tại Wichita, Kansas ngày 2 Tháng Tám 2022, khi cử tri bày tỏ thuận hay không quyết định hủy án lệ Roe vs Wade của Tối Cao Pháp Viện (ảnh: Nathan Posner/Anadolu Agency via Getty Images)

Bầu cử là một yếu tố cốt lõi của nền dân chủ. Quyền làm chủ của người dân được thể hiện qua việc bỏ phiếu khi người dân chọn người đại diện cho mình vào các vị trí trong chính phủ (lập pháp, hành pháp, và tư pháp) để điều hành việc nước.

Vì dân chủ đến từ người dân, chứ không phải do ai ban phát từ trên xuống hay mang đến từ đâu đó, việc tham gia (hoàn toàn tự  nguyện) của người dân vào việc nước thông qua bầu cử được xem là một cách để đo lường “sức khỏe” của một nền dân chủ. Hoa Kỳ được xem là một biểu tượng của dân chủ trên thế giới, nhưng gần đây một số nhà nghiên cứu đã lên tiếng về tỷ lệ tham gia bầu cử thấp cũng như mức độ tham gia không đồng đều của các thành phần dân chúng. Vậy ai thường đi bầu ở Mỹ?   

Trong vòng bốn thập niên vừa qua, tỷ lệ tham gia bỏ phiếu tại Hoa Kỳ, tùy theo phạm vi của cuộc bầu cử, giao động từ khoảng 10% đến gần 70% tổng số cử tri hợp lệ (eligible voters). Nói chung, các cuộc bầu cử những chức vụ cao nhất và có phạm vi rộng lớn trên toàn quốc có đông người đi bầu nhất, và tỷ lệ đi bầu thấp dần trong các cuộc bầu các chức vụ nhỏ hơn, hay có phạm vi nhỏ hẹp tại địa phương.  

Các kỳ bầu cử tổng thống bốn năm một lần có trên dưới 60% cử tri hợp lệ tham gia. Kỳ bầu cử tổng thống năm 2020 có tỷ lệ đi bầu 67%, cao nhất từ trước đến nay, và được xem là do không khí chính trị “bất thường” khi  những người ủng hộ và những người chống đối Donald Trump đều muốn thể hiện quan điểm chính trị một cách mạnh mẽ qua lá phiếu. Trong khi đó, tỷ lệ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 là 60% và năm 2012 là 59% (1).   

Chiến dịch vận động tranh ghế thống đốc New York của ứng cử viên Lee Zeldin – Brighton Beach, Brooklyn, New York City ngày 3 Tháng Tám 2022 (ảnh: John Lamparski/Getty Images)

Các cuộc bầu cử giữa kỳ (mid-term elections) để bầu các nhà lập pháp liên bang và tiểu bang có tỷ lệ đi bầu thấp hơn rất nhiều. Tính trung bình, chỉ có trên dưới 40% cử tri hợp lệ tham gia bỏ phiếu. Thí dụ, 37% cử tri tham gia cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2014, 42% năm 2010, và 41% năm 2006 (1).  Năm 2018 có 50% cử tri tham gia bỏ phiếu, cũng là tỷ lệ cao bất thường đối với bầu cử giữa kỳ và được cho là do nhiều người bất mãn với Donald Trump muốn bày tỏ quan điểm qua lá phiếu.        

Tỷ lệ đi bầu thấp nhất được thấy trong các cuộc bầu cử hoàn toàn mang tính chất địa phương (tiểu bang, quận hạt và thành phố). Chỉ có dưới 30% cử tri hợp lệ tham gia các cuộc bỏ phiếu bầu các dân cử tiểu bang và địa phương (2).

Tại một nửa trong 30 thành phố đông dân nhất ở Hoa Kỳ, chỉ có dưới 20% cử tri hợp lệ tham gia bầu thị trưởng (3).  Thí dụ, trong các cuộc bầu thị trưởng gần đây (2015-2016), chỉ có 6% cử tri hợp lệ ở Dallas và Fort Worth (TX) tham gia bỏ phiếu, so với 9% ở Las Vegas (NV), 12% ỏ Miami (FL), 14% ở New York City (NY), 15% ở Baltimore ( MD), và 19% ở như Los Angeles (CA) (4). 

Ngoài vấn đề tỷ lệ tham gia bầu cử thấp, nhất là tại các cuộc bầu cử ở phạm vi địa phương, tỷ lệ tham gia bầu cử của các thành phần xã hội cũng không đồng đều. Trong khi khác biệt về tỷ lệ tham gia bỏ phiếu giữa nam và nữ giới không lớn lắm (65% nam giới và 68% nữ giới), khác biệt về tham gia bỏ phiếu giữa các lứa tuổi khá lớn. Những người lớn tuổi ở Mỹ có tỷ lệ tham gia bỏ phiếu cao nhất, trong khi nhóm trẻ tuổi nhất có tỷ lệ đi bầu thấp nhất.

Mẫu phiếu bầu cho cuộc bầu cử sơ bộ sắp tới tại Burnsville, Minnesota (ảnh: Stephen Maturen/Getty Images)

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, chỉ có hơn 50% cử tri thuộc lứa tuổi 18-29 đi bỏ phiếu so với 75% những người trên 65 tuổi. Trong khi đó, 71% những người thuộc lớp tuổi trung niên (45-64) tham gia bầu cử so với 63% những người thuộc lớp tuổi trưởng thành (30-44) (5). Một cuộc khảo sát của Pew Research năm 2014 ghi nhận thành phần cử tri trẻ tuổi nhất ỏ Mỹ (18-29) thường có khuynh hướng phóng khoáng (liberal), nhưng lại rất hờ hững với chính trị, chỉ thích đứng bên lề (6). Có lẽ đó là lý do họ lơ là với việc bỏ phiếu.

Ngoài ra, có cũng nhiều khác biệt trong tỷ lệ tham gia bỏ phiếu giữa các nhóm chủng/sắc tộc.  Trong kỳ bầu cử 2020, cử tri da trắng (không phải gốc Latin) có tỷ lệ bỏ phiếu cao nhất (71%), trong khi cử tri gốc Latin (gồm mọi chủng/sắc tộc) có tỷ lệ đi bầu thấp nhất (53%). Tính chung, chỉ có 58% cử tri da màu (bao gồm người Mỹ da đen, gốc Á châu và gốc Latin) tham gia kỳ bầu cử năm 2020 (7).  

Trình độ học vấn và mức thu nhập tỷ lệ thuận với mức độ tham gia bầu cử: Học vấn và thu nhập càng cao thì càng siêng đi bầu. Trong kỳ bầu cử năm 2020, 83% những người có trình độ học vấn cao hơn đại học và 85% những người có thu nhập gia đình trên $150,000/năm đi bầu so với 40% những người chưa tốt nghiệp trung học và gần 50% những người có thu nhập gia đình dưới $20,000/năm (5).            

Rebecca Kleefisch, ứng cử viên ghế thống đốc Wisconsin, và cựu Phó Tổng thống Mike Pence trong một chiến dịch vận động tại Pewaukee, Wisconsin. Wisconsin tổ chức bầu cử sơ bộ ngày 9 Tháng Tám 2022 (ảnh: Scott Olson/Getty Images)

Dân chủ xuất phát từ người dân nên sự tham gia của quần chúng được coi là huyết mạch của dân chủ mà một trong các sinh hoạt chính yếu là bầu cử. Do đó mức độ tham gia bỏ phiếu cũng như tỷ lệ đi bầu của các thành phần trong xã hội có nhiều ảnh hưởng đến phẩm chất của một nền dân chủ. 

Đông đảo người dân đủ mọi thành phần tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu vào các chức vụ trong chính phủ sẽ giúp cho việc vận hành dân chủ tốt hơn bởi một chính quyến của dân, do dân và vì dân. Ngược lại, tình trạng chỉ có thiểu số cử tri bỏ phiếu và có nhiều chênh lệch trong tỷ lệ bỏ phiếu giữa các thành phần trong xã hội sẽ làm mai một dân chủ. Qui tắc đa số của dân chủ không được thể hiện khi đại biểu dân cử chỉ được bầu lên bởi một thiểu số cử tri.

Cũng không có đại diện công bằng trong chính quyền khi các đại biểu được bầu bởi cử tri thuộc một vài thành phần vì cử tri thuộc các thành phần khác ít đi bầu hơn. Cử tri thường bầu cho những người chia sẻ quan điểm của mình, và các đại biểu được bầu vào các vị trí trong chính quyền thường quan tâm đến những yêu cầu của người bỏ phiếu. Vì vậy, những thành phần xã hội ít tham gia bỏ phiếu sẽ không có người đại diện cho quan điểm của các thành phần đó trong chính quyền. 

Với tỷ lệ tham gia bỏ phiếu thấp hơn trong nhóm cử tri trẻ tuổi, da màu và lợi tức thấp, khối cử tri tiêu biểu tại Hoa Kỳ hiện nay là người da trắng, lớn tuổi và có lợi tức cao. Do đó, các chính sách kinh tế xã hội có khả năng ngả theo khuynh hướng thủ cựu và phục vụ lợi ích của những người khá giả, chứ không phản ảnh quyền lợi và mối quan tâm của đa số dân chúng trong đó có nhiếu người lợi tức thấp và người da màu.  

Kari Lake, ứng cử viên ghế thống đốc Arizona (ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Phán quyết gần đây của Tối Cao Pháp Viện (TCPV) Hoa Kỳ  đảo ngược án lệ Roe vs. Wade, vốn bảo vệ quyền phá thai, là một thí dụ điển hình về quan điểm và đường lối của chính phủ (ngành tư pháp) trái với ý kiến của đa số quần chúng. Trong cuộc khảo sát ý kiến do Reuters/Ipsos thực hiện Tháng Năm 2022, trên hai phần ba dân chúng (71% những người trên 18 tuổi) ở Hoa Kỳ cho rằng phá thai nên là quyết định của người phụ nữ và bác sĩ, chứ không phải do chính quyền qui định (8).

Trong khảo sát của Pew Research thực hiện sau khi có rò rỉ về ý kiến của các thẩm phán theo khuynh hướng bảo thủ, đa số (61%) người Mỹ (trên 18 tuổi) cho rằng phá thai phải được coi là hợp pháp trong hầu hết mọi trường hợp (9). Tương tự, khảo sát do PBS/NPR/Marist thực hiện cho thấy gần 2/3 (64%) người Mỹ (trên 18 tuổi) không muốn án lệ Roe vs Wade bị hủy bỏ (10).  Phán quyết của TCPV đảo ngược Roe vs. Wade cũng đi ngược lại khuynh hướng cấp tiến bảo vệ quyền riêng tư cá nhân và quyền độc lập về thân thể vốn được bảo đảm tại hầu hết các nước phát triển trên thế giới.  

Mặc dù các phẩm phán TCPV không được bầu trực tiếp, họ được đề cử bởi tổng thống và chuẩn thuận bởi thượng viện. Do đó, bầu cử tổng thống và các thượng nghị sĩ có ảnh hưởng quan trọng đến ai sẽ được đề cử và được chuẩn thuận để trở thành thẩm phán TCPV với nhiêm kỳ suốt đời.  

Không phải chỉ các cuộc bẩu cử có phạm vi toàn quốc mới có ảnh hưởng quan trọng đến đời sống của cá nhân. Các cuộc bầu cử có tính chất địa phương cũng quan trọng không kém, và có khi còn quan trọng hơn, vì các dân cử trong phạm vi địa phương có trách nhiệm thiết lập các chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày của dân chúng, như an ninh và hình sự tư  pháp, giáo dục, sử dụng đất đai và phát triển gia cư, thuế (tiểu bang, tiêu thụ và bất động sản), vệ sinh, y tế, cũng như đường xá và giao thông. Sắp tới đây, các cuộc bầu cử tại địa phương còn trở nên quan trọng hơn khi TCPV để cho các tiểu bang qui định các quyền vốn từng được hiến pháp bảo vệ, như phá thai hay kế hoạch hóa gia đình. 

Dân biểu Cộng hòa Peter Meijer trong một buổi họp báo ngày 2 Tháng Tám 2022 tại Grand Rapids, Michigan. Peter Meijer – người từng bỏ phiếu thuận việc luận tội Tổng thống Donald Trump – hiện đối mặt đối thủ John Gibbs trong cuộc bầu cử sơ bộ (Kent Nishimura / Los Angeles Times via Getty Images)

Khi chỉ có một số ít người bỏ phiếu, các cuộc bầu cử tại địa phương thường bị lèo lái bởi các nhóm lợi ích  (interest groups) nhằm gây ảnh hưởng đến việc thiết lập các chính sách mang lại lợi ích cho một thiểu số, khiến tình trạng bất bình đẳng xã hội ngày càng gia tăng.   

Vận động hành lang (lobbying) là một thực tế trong việc thành lập chính sách và luật lệ tại Hoa Kỳ.  Nguồn lực tài chánh được xem là phương tiện chính yếu và hữu hiệu được các nhóm lợi ích sử dụng để ảnh hưởng đến quá trình xây dựng luật pháp. Người dân bình thường, nhất là người nghèo và người da màu, thường không có tổ chức và tiền bạc, nhưng lá phiếu là phương tiện rất hữu ích cho việc vận đông các dân cử. 

Vì sự quan trọng của lá phiếu, các dân cử thường quan tâm và đáp ứng nguyện vọng của cử tri ở  các khu vực có tỷ lệ bỏ phiếu cao. Liên lạc với các đại biểu dân cử để bày tỏ quan điểm và nguyện vọng và đe dọa không tiêp tục ủng hộ trong bầu cử tương lai là những cách vận động có hiệu quả. Khi các dân cử không thục hiện những điều họ hứa hẹn thì chỉ cần bỏ phiếu cho người khác

Một nền dân chủ sẽ không vận hành tốt khi người dân không đi bầu. Người dân cần bỏ phiếu để gạt bỏ các dân cử trong chính quyền khi họ không hành động vì lợi ích của đa số dân chúng, hay để thay đổi các chính sách không phù hợp với quan điểm của đa số dân chúng.

Khi người dân không đi bầu, sẽ khó có một chính phủ của dân, do dân và vì dân. Do đó, dân chủ không chỉ là một quyền mà còn là bổn phận của công dân có trách nhiệm với sự tồn tại của dân chủ vì dân chủ chỉ phát triển và nở hoa khi được vun xới và chăm bón bằng sự tham gia của toàn dân mà quan trọng nhất là tham gia bỏ phiếu.  

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: