Bị giết, thay vì được giúp!

Có một thực tế là nhân viên thực thi pháp luật bắn chết người mà họ được gọi đến để hỗ trợ. (minh họa: Getty Images)

Một số cuộc gọi đến cảnh sát nhờ giúp người đang gặp nguy hiểm về sức khoẻ tâm thần có thể tự tử hoặc làm hại cho bản thân, lại dẫn đến màn đối đầu gây chết người.

Một trường hợp điển hình

Anh trai của Brendan Daniels là Damian – người sống một mình trong căn nhà riêng ở thành phố San Antonio, tiểu bang Texas. Damian, người cựu chiến binh da đen 30 tuổi này ngày càng suy sụp sau ba cái chết liên tiếp của chị gái, cha và chú, và rơi vào cơn khủng hoảng tinh thần. Sự căng thẳng và cô lập trong đại dịch khiến tình hình của anh ngày càng tồi tệ hơn.

Khi Damian gửi những tin nhắn khó hiểu và hoang tưởng cho mình, Daniels sống ở Colorado, cách nhà người anh 800 dặm, linh tính có chuyện chẳng lành với anh, và nghĩ cần phải gọi người giúp can thiệp vào cuộc sống đơn độc của anh.

Đó là Tháng Tám, 2020, ba tháng kể từ khi người da đen George Floyd bị đè cổ chết dã man ở thành phố Minneapolis, Minnesota gây ra sự phẫn nộ toàn quốc về hành động bạo lực quá mức của cảnh sát đối với người da đen. Brendan quyết định gọi cảnh sát, nhưng để an tâm hơn, anh vừa gọi 911, vừa gọi cho cả Hội Hồng thập tự để nhờ họ hợp sức kiểm tra tình trạng sức khoẻ của anh mình.

Các cảnh sát thuộc văn phòng Cảnh sát trưởng Quận hạt Bexar đến nhà Damian ba lần, trong 48 giờ sau đó. Hai lần đầu không có gì xảy ra, nhưng đến lần thứ ba, khi các cảnh sát có mặt, là lúc Damian đứng trước cửa với một khẩu súng để trong bao. Đó là khẩu súng được sở hữu hợp pháp của người cựu quân nhân này. Sau cuộc tranh cãi giữa hai bên chưa rõ nội dung cũng như hành vi của Damian thế nào, nhưng hình ảnh cho thấy viên cảnh sát rút súng bắn hai phát vào ngực người đang có vấn đề về tâm thần. Damian gục chết tại chỗ.

Gần hai năm sau, gia đình nạn nhân vẫn thắc mắc, vì sao người thân của họ phải chết? Bà Annette Watkins, mẹ của Damian, nói với tờ The Washington Post: “Chúng ta đang sống trong một xã hội thật kỳ lạ, bạn có chuyện và gọi người đến, thay vì được giúp, bạn lại bị giết! Đừng, đừng bao giờ xảy ra những chuyện như vậy nữa.”

Cái chết của George Floyd đã dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ phản đối cảnh sát bạo hành người da màu và nạn phân biệt chủng tộc trong hệ thống tư pháp Hoa Kỳ. (Minh họa: Munshots/Unsplash)

Sự thật qua những con số

Một cuộc điều tra mới nhất của The Washington Post cho thấy từ năm 2019 đến năm 2021, có ít nhất 178 cuộc kêu gọi xin trợ giúp dẫn đến kết quả thương tâm: Các nhân viên thực thi pháp luật bắn chết người mà họ được gọi đến để hỗ trợ.

Sử dụng cơ sở dữ liệu trên toàn quốc, tờ báo này tổng kết các vụ cảnh sát bắn chết người, cùng với báo cáo công khai xác định của người gọi điện là nạn nhân không hề có biểu hiện nào sắp gây nguy hiểm cho người đến giúp đỡ. Nhiều cuộc gọi cảnh báo người thân họ đang gặp khủng hoảng sức khỏe tâm thần, yêu cầu cảnh sát đến kiểm tra sức khỏe, hoặc người gọi nghi ngờ người thân có ý định tự tử. Có khi chính nạn nhân gọi điện nhờ giúp đỡ, nhưng cũng có khi thành viên gia đình, bạn bè hoặc hàng xóm gọi cầu cứu vì cảm giác bất an cho người thân hoặc người mình quan tâm.

Phản ứng của cảnh sát đối với các cuộc gọi này, thường là cứu được người, nhưng cũng có những trường hợp, mà theo tờ báo xác định, gây nguy hiểm cho người cần hỗ trợ, mà tệ nhất là dẫn đến cái chết cho người cầu cứu, thay vì họ cần được bảo vệ.

Tình hình đáng báo động đến nỗi các chuyên gia khuyến cáo cảnh sát phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ những người cần sự giúp đỡ. Christy Lopez, chuyên gia tại Trường Luật Georgetown nhận định: “Nếu người nhà của bạn bị đau hay gặp vấn đề gì đó nguy hiểm, bạn có thể nhấc điện thoại lên, quay số 911 và an tâm chờ để nhận sự trợ giúp kịp thời, hiệu quả và an toàn của cơ quan thực thi pháp luật. Nhưng không hẳn thế! Niềm tin này là không đúng và cần đối chiếu với thực tế.”

Lopez cho rằng cần phải tạo ra một thế giới, nơi mà tất cả mọi loại phản ứng của cơ quan thực thi pháp luật phải tuyệt đối an toàn cho người cần trợ giúp.

Đọc thêm:

-Phiên tòa xử trắng án cho Kyle Rittenhouse gây tranh cãi

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: