California lại bùng nổ cơn sốt đào vàng

Giá vàng tăng là một trong những nguyên nhân đẩy nhanh cơn sốt đào vàng ở California (ảnh: David Paul Morris/Getty Images)

Loạt công ty đang tìm cách mở các mỏ khai thác vàng cũ và khám phá thêm các khu vực có triển vọng mới, bất chấp sự phản đối của nhiều người cư dân địa phương.

The Washington Post thuật, tại Grass Valley, nơi Sacramento Valley đâm thẳng vào Sierra Nevada, môi trường xung quanh không còn vắng lặng mà đang thay đổi nhanh. Một mỏ vàng lâu ngày không hoạt động đã có dấu hiệu hồi sinh. Từng là mỏ vàng có sản lượng cao thứ hai trên toàn quốc, mỏ Idaho-Maryland một lần nữa lọt vào tầm ngắm của các nhà thăm dò và khai thác khoáng sản. Lần này, một công ty có trụ sở tại tiểu bang Nevada đề nghị mở lại khu mỏ đã ra đời cách đây hơn một thế kỷ rưỡi, lúc cao điểm của cơn sốt “Gold Rush”. Vẫn còn rất nhiều vàng trong những ngọn đồi và rất nhiều tiền đang được nhắm đến.

Người dân địa phương phản đối dự án khai thác vàng tại mỏ Idaho-Maryland của công ty Rise Grass Valley (ảnh: Carlos Avila Gonzalez/The San Francisco Chronicle via Getty Images)

Từng dựa vào lịch sử đào vàng để thu hút khách du lịch và đưa quá khứ Gold Rush vào viện bảo tàng, bây giờ chính quyền thị trấn cổ này lại thay đổi quan điểm, khi bật đèn xanh cho hoạt động khai thác vàng, dù đây là ngành kinh doanh độc hại tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ngay cả khi công nghệ khai thác được cải thiện nhiều so với trước kia.

Sự quan tâm vấn đề khai thác mỏ vàng ở California bắt đầu trở lại khi giá vàng tăng vọt. Các mỏ đá cứng không còn hoạt động và xa hơn về phía Nam, các đường đứt gãy địa chất giàu bụi vàng bỗng trở thành mục tiêu thèm muốn của các công ty sẵn sàng bỏ qua sự phản đối của cộng đồng và các quy định nghiêm ngặt về môi trường của California. Khi Rise Gold Corp mua mỏ Idaho-Maryland vào năm 2017, giá vàng trung bình khoảng $1,260/ounce. Đến nay, các dự đoán đều cho thấy giá sẽ tăng lên $1,830/ounce (tăng 45%) và là mức cao kỷ lục nếu dự đoán đúng. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (U.S. Geological Survey), $10 tỷ vàng đã được khai thác tại Mỹ vào năm ngoái, phần lớn từ các bang phía Tây.

Gold Rush ở American River gần Sacramento, California hồi giữa thế kỷ 19 (ảnh: Gado/Getty Images)

Ước tính hoạt động khai thác vàng (không kể nhiên liệu hóa thạch) sẽ tạo ra hơn nửa tỷ đôla hàng năm cho nền kinh tế tiểu bang California. Sau khi chạm đáy vào đầu thập niên 2000, sản lượng vàng khai thác của California đã tăng đều mỗi năm. Elizabeth Holley, phó giáo sư tại khoa kỹ thuật khai thác mỏ của trường Colorado School of Mines cho biết: “Vàng được dùng như lá chắn đối phó với bất ổn kinh tế và điều này rất dễ nhìn thấy những năm gần đây. Tại mỏ Idaho-Maryland, các phương pháp khai thác đã cải tiến vượt bậc giúp khai thác hiệu quả hơn và thu được nhiều vàng hơn. Khi giá cao, mối quan tâm đến vàng bắt đầu lan rộng ra ngoài các bang khai thác vàng truyền thống ở phía Tây nước Mỹ”.

Tuy nhiên, nguy cơ vượt tầm kiểm soát của việc khai thác vàng đã dẫn đến sự phản kháng công chúng, với câu hỏi: “Liệu Golden State (California) có thực sự cần vàng nữa không?”. Ralph Silberstein, một cư dân 24 năm, người đứng đầu Tổ chức Vận động Môi trường Cộng đồng (Community Environmental Advocates Foundation) và MineWatch, nhóm phản đối dự án Grass Valley, cho biết: “Không cần cơn sốt vàng mới, vì nó chỉ là một thứ xa xỉ. Có rất nhiều mỏ vàng cũ quanh đây và tất cả đều có một lịch sử độc hại. Công nghệ mới không cải thiện được bao nhiêu”. Những người phản đối cũng viện dẫn các vấn đề giao thông tiềm ẩn và rủi ro môi trường liên quan đến một ngành công nghiệp sử dụng asen, thủy ngân và các hóa chất độc hại khác trong lọc đãi vàng.

Nhiều mỏ vàng cũ nay được mở lại với những dự án khai thác mới. Trong ảnh là Mỏ Empire mở vào năm 1850 – một trong những mỏ vàng sâu nhất, dài nhất và nhiều vàng nhất California; hoạt động đến năm 1957 và hiện là Bảo tàng State Historic Park, ở Grass Valley, Bắc California (ảnh: Nik Wheeler/Corbis via Getty Images)

Sự bùng nổ Cơn sốt Vàng mới đây tại Grass Valley bắt nguồn từ việc người ta phát hiện những khối thạch anh nhỏ nằm rải rác trên sa mạc phía Đông dãy Whitney, cách Grass Valley khoảng 300 dặm về phía Nam. Ở đâu có thạch anh, ở đó thường có vàng. Các công ty đang thăm dò tại các khu vực trong và quanh Walker Lane, một phần của đứt gãy địa chất nằm gần biên giới California-Nevada. Để khai thác những khu vực xa xôi hẻo lánh này, đòi hỏi một quy trình khác với quy trình được sử dụng ở chân núi Sierra, có nhược điểm là tốn nước hơn. Công ty K2 Gold của Canada đề xuất một dự án lớn để khai thác Conglomerate Mesa thông qua một hệ thống lọc đãi lộ thiên, sử dụng quy trình hóa học dùng xyanua xuyên qua đất để kéo vàng ra ngoài!

Mỏ Idaho-Maryland có diện tích khoảng 175 mẫu Anh. Mỏ sản xuất 2.4 triệu ounce vàng trước khi bị chính phủ liên bang đóng cửa vào năm 1942. Khu mỏ mở cửa lại sau chiến tranh, nhưng chưa bao giờ đạt được năng suất cũ; và đóng cửa lần nữa vào năm 1956. Dù diện tích bề mặt không lớn, nhưng mỏ có thể mở rộng tới 2,585 mẫu Anh dưới lòng đất. Rise Gold Corp đang xin giấy phép 80 năm để vận hành mỏ bảy ngày một tuần, một minh chứng cho thấy họ tin còn rất nhiều vàng trong lòng đất.

“Mục tiêu của công ty là khai thác khoảng 1,000 tấn đá chứa vàng mỗi ngày – Ben Mossman, giám đốc điều hành công ty nói – Chúng tôi hy vọng doanh thu hàng năm sẽ vượt quá $190 triệu, chiếm khoảng 4% nền kinh tế của địa hạt Nevada (Nevada County, thuộc khu vực Sierra Nevada, California)”. Mossman cho biết dự án sẽ mang lại hơn 300 việc làm mới cho cộng đồng. Cần biết, tỷ lệ thất nghiệp của địa hạt Nevada là 6%, cao hơn mức trung bình 4.3% của tiểu bang. Rise Gold Corp hứa sẽ bỏ ra $3 triệu làm sạch những ô nhiễm cũ của khu mỏ.

Ở Nevada City gần khu mỏ Grass Valley, có một trung tâm thành phố đẹp như tranh vẽ với các tiệm rượu, tiệm cà phê và cửa hàng. Việc phát hiện vàng ở đây vào năm 1848 đã làm gây những cú sốc choáng váng người bản địa Nisenan, dẫn đến sự  lũ lượt ra đi, kéo dân số từ khoảng 9,000 người vào thời điểm đó xuống chỉ còn dưới 150 người. Nơi này cũng có một bảo tàng từng tổ chức cuộc triển lãm mang tên “Đã xóa sổ!”, với nội dung nhắc lại Cơn sốt Vàng và nhấn mạnh đến việc từng có hơn 300,000 người tìm vàng đổ xô về Grass Valley, làm lây lan dịch bệnh, chiếm đất đai của dân bản địa khiến họ phải tha phương cầu thực.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: