California: Làm cầu vượt lớn nhất thế giới cho thú hoang dã

Nhiếp ảnh gia Steve Winter (phải) đứng cạnh tấm bảng giới thiệu dự án cầu vượt Wallis Annenberg. Steve Winter là người chụp bức ảnh nổi tiếng con sư tử núi P-22 lang thang tại Griffith Park gần bảng chữ Hollywood (ảnh: Mel Melcon/Los Angeles Times via Getty Images)

California bắt đầu xây dựng cây cầu vượt trên cao dành cho các động vật hoang dã để chúng có thể vượt qua 10 làn đường của đường cao tốc Quốc lộ 101 ở phía Tây Bắc Los Angeles một cách an toàn. Đây cũng là công trình loại này lớn nhất thế giới.

Các loài động vật hoang dã ở Nam California sẽ sớm có thêm bãi cỏ để dạo chơi ngay phía trên dòng xe cộ qua lại với tốc độ cao nhờ “đường giao thông động vật hoang dã lớn nhất thế giới” giúp liên kết môi trường sống bị chia cắt, với lối đi an toàn từ rặng núi Santa Monica, băng qua xa lộ vào Đồi Simi thuộc rặng núi Santa Susana.

Sư tử núi (mountain lion), thường kiếm ăn và giao phối trên vùng lãnh thổ dài 150-200 dặm, sẽ thuộc số các động vật được “hưởng lợi” từ cây cầu vượt mới. “Tuần này, một con sư tử núi 18 tháng tuổi vừa sống tự lập khỏi mẹ khi một mình qua đường đã bị xe tông chết trên xa lộ 405” – Ana Cholo, phát ngôn viên Dịch vụ Công viên Quốc gia (NPS) nói với truyền thông. Cầu vượt Wallis Annenberg Wildlife Crossing kinh phí $87 triệu được đặt tên theo chủ tịch kiêm giám đốc điều hành hội Annenberg Foundation, một quỹ gia đình hỗ trợ các tổ chức phi lợi nhuận.

Ông Tony Tavares, Quyền giám đốc của CalTrans thuộc Bộ Giao thông Vận tải California nhận định: “Hơn 5,000 cá nhân đã đóng góp xây dựng cầu vượt. Công trình dành cho thú này cũng sẽ bảo vệ những người lái xe khỏi tai nạn không mời mà đến!”. Thượng nghị sĩ Mỹ Alex Padilla phát biểu tại lễ khởi công dự án: “Cầu vượt là minh chứng chúng ta có thể bảo vệ các hệ sinh thái của California mà không gây nguy hiểm cho giao thông vận tải và việc phát triển cơ sở hạ tầng rất cần cho dân số ngày càng tăng”. Thống đốc California Gavin Newsom, cùng dự lễ khởi công, hứa sẽ chi $50 triệu cho các dự án tương tự trên toàn tiểu bang với quy mô nhỏ hơn.

Thống đốc California Gavin Newsom tại lễ động thổ dự án cầu vượt Wallis Annenberg (ảnh: Mel Melcon/Los Angeles Times via Getty Images)

Cầu vượt Annenberg Wildlife Crossing là “điểm sáng” trong sự hợp tác giữa Liên đoàn Động vật Hoang dã Quốc gia (National Wildlife Federation) và Tổ chức Bảo tồn Núi Santa Monica (Santa Monica Mountains Conservancy). CalTrans chịu trách nhiệm xây dựng cây cầu. Wade Crowfoot, Thư ký tài nguyên thiên nhiên của California nhận định: “Dự án thực sự đáng kinh ngạc. Nhiều thập niên sau, khi nhìn lại chúng ta sẽ thấy cầu vượt cho thú đã mở ra một kỷ nguyên mới về bảo tồn và kết nối lại thiên nhiên bị chia cắt”.

Tổ chức nghiên cứu báo sư tử NPS, có kinh nghiệm nghiên cứu về báo sư tử ở khu vực Los Angeles trong hai thập niên, cho biết: “Sư tử đòi hỏi một lãnh thổ rộng lớn nên việc chia nhỏ thành những ‘hòn đảo đô thị’ khiến chúng khó ‘hẹn hò’, do đường cao tốc ngăm cách. Sư tử núi sẽ phát triển mạnh khi có một lãnh thổ rộng lớn hơn để săn bắt và giao phối. Chúng ta đang đưa những con sư tử núi trở lại lãnh thổ mênh mông của chúng”.

P-22, một trong những con sư tử núi đang được NPS theo dõi rất nổi tiếng vì hay đi lang thang qua Hollywood Hills. Nó từng bị bệnh vì ăn phải thuốc diệt chuột và giết chết một con gấu túi tại Vườn thú Los Angeles ở Công viên Griffith. Có tài khoản mạng xã hội riêng, có “Ngày P-22” hàng năm và có thương hiệu sản phẩm, con sư tử này đã thu hút được một lượng lớn người theo dõi. Theo NPS, những con báo cougar của California cũng được chia sẻ lợi ích cầu vượt cùng với sư tử, giảm thiểu sự đe dọa tồn vong của chúng trong không gian hẹp. Nay lãnh thổ được mở rộng, nguy hiểm sẽ ít hơn.

Cầu vượt cũng cung cấp môi trường sống rộng hơn cho sói đồng cỏ, linh miêu, hươu, nai, rắn, thằn lằn, cóc và thậm chí cả… kiến! Theo CNN, nhà từ thiện Wallis Annenberg bộc bạch tại lễ khởi công: “Chúng ta có thể cùng tồn tại song song với tất cả loài hoang dã thay vì chia cách với chúng. Một giải pháp khéo léo cho động vật hoang dã và hệ sinh thái đô thị như cầu vượt không chỉ giúp chúng tồn tại mà còn phát triển. Sự kết nối sẽ hòa quyện các lãnh thổ lân cận với nhau, có lợi cho cả đất đai và các loài thực vật bản địa.  Quỹ Santa Monica Mountains Foundation đã tạo ra một vườn ươm đặc biệt để tất cả các loài động vật sử dụng khi cây cầu hoàn thành vào năm 2025”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: