Cảng California ngộp thở hàng tồn đọng vì Covid-19 Omicron

Ảnh: Barrett Ward/Unsplash

Hàng gửi từ Việt Nam qua Mỹ để bà con ăn Tết có thể không thể xuất ra khỏi cảng được vào dịp giáp Tết Âm lịch vì hàng hóa cụm cảng California đang chất đống nằm ụ. Biến thể Covid-19 Omicron đang cản trở nỗ lực dỡ hàng tồn của khoảng 100 tàu container đậu kín mít khu phức hợp cảng bận rộn nhất của nước Mỹ…

Theo Hiệp hội Hàng hải Thái Bình Dương (Pacific Maritime Association – PMA), khoảng 1/10 lực lượng lao động hàng ngày tại các cảng Los Angeles và Long Beach đã không thể làm việc vì những lý do liên quan Covid, chủ yếu là những công nhân có kết quả xét nghiệm dương tính, đang cách ly hoặc chờ kết quả xét nghiệm. PMA cho biết số ca lây nhiễm hàng ngày đối với công nhân hải cảng California nói chung đã tăng nhanh chóng những tuần gần đây, từ vài ca mỗi ngày lên hàng chục ca và sau đó đạt khoảng 150 ca/ngày vào tuần trước.

Tình hình dịch bệnh khiến hai tàu container tại khu liên hợp cảng đang neo chờ bốc dỡ vào hôm Thứ Hai bị thiếu hụt công nhân bốc xếp; trong khi 13 tàu khác không có bất kỳ công nhân nào để bốc dỡ hàng. Trong khi đó, 102 tàu container đang đậu ngoài khơi, chờ cập cảng. Nhiều tàu đã bị yêu cầu nằm tuốt ngoài khơi nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng nay mà không được cập cảng Los Angeles và Long Beach vì nhiều tàu trong cảng thiếu người bốc hàng. Số tàu bị tồn đọng hàng không thể bốc xuống đã tăng lên 100 tàu vào cuối Tháng Mười Một và đạt kỷ lục 106 tàu vào ngày đầu năm 2022. Trước đại dịch, việc hơn một con tàu nằm chờ ngoài bến là điều bất thường và gần như rất hiếm xảy ra.

Alan McCorkle, Giám đốc Điều hành của Yusen Terminals LLC tại Cảng Los Angeles, cho biết sự gia tăng các ca nhiễm coronavirus đã kéo dài tình trạng thiếu nhân công, bắt đầu vào dịp Giáng sinh và năm mới, và nếu dồn ứ thế này thì cần rất nhiều thời gian mới có thể giải quyết được và biến hoạt động trở lại bình thường. Nói chung là đại dịch Covid tiếp tục làm căng thẳng chuỗi cung ứng toàn cầu, gây ra tình trạng tồn đọng hàng khiến chi phí tăng cao. Giờ đây, một số công ty đang tìm các giải pháp dài hạn để chuẩn bị cho các cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng trong tương lai, ngay cả khi những chiến lược đó phải trả giá đắt.

Frank Ponce De Leon, viên chức thuộc liên đoàn International Longshore and Warehouse Union (đại diện giới công nhân cảng Bờ Tây), cho biết dịch bệnh lan mạnh và nhanh ngoài dự tính. Los Angeles County, nơi có nhiều công nhân cảng sinh sống, ghi nhận 200,000 trường hợp dương tính với coronavirus trong tuần kết thúc vào ngày 8 Tháng Một! Tình trạng thiếu lao động gây tắc nghẽn các cụm cảng Nam California đã ảnh hưởng cực mạnh đến chuỗi cung ứng nước Mỹ lẫn một phần thế giới, khiến hàng loạt nhà máy Mỹ phải đình đốn sản xuất; một số nhà máy thậm chí đóng cửa; đồng thời làm tắc nghẽn các cảng ở Trung Quốc. Công ty tư vấn hàng hải Sea-Intelligence ApS, trụ sở tại Đan Mạch, cho biết trong một báo cáo hôm Thứ Ba ngày 11 Tháng Một 2022 rằng tình trạng tắc nghẽn trở nên mỗi lúc mỗi tồi tệ hơn tại các cảng ở Mỹ và châu Âu.

Khu liên hợp cảng Nam California là cửa ngõ đại dương chính cho hàng hóa nhập cảng của Hoa Kỳ từ châu Á, xử lý khoảng 40% hàng hóa đóng container. Năm 2021, các cảng đã bắt đầu vật lộn để xử lý khối lượng hàng hóa nhập khẩu kỷ lục, tăng khoảng 20% ​​so với mức trước Covid vào năm 2019, khi các doanh nghiệp đổ xô “châm hàng” (restock) và người Mỹ chuyển việc tiêu dùng từ dịch vụ sang hàng hóa. Năm 2021, chính phủ liên bang đã thực hiện một số biện pháp nhằm giảm lượng hàng tồn đọng, trong đó có việc yêu cầu một số terminal ở Nam California hoạt động 24 giờ nhưng vẫn thể chưa giải quyết rốt ráo được. Phó Giám đốc Điều hành Cảng Long Beach, Noel Hacegaba, cho biết các terminal của cảng vẫn mở cửa và tiếp tục huy động công nhân làm thêm giờ, dù tình trạng lây nhiễm vẫn đang tiếp tục tăng. Trong khi đó, nơi điều hành Cảng Los Angeles đang thỉnh cầu Hiệp hội Hàng hải Thái Bình Dương tìm cách “giải cứu” họ về việc thiếu lực lượng lao động.

Jim McKenna, Giám đốc Điều hành hiệp hội PMA, nói rằng cụm cảng California có thể bớt căng thẳng nếu các nhà máy ở châu Á giảm hoạt động vào dịp Tết Nguyên đán (đầu Tháng Hai Dương lịch). Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng ​​lượng hàng hóa sẽ tiếp tục tăng trong sáu tháng tới, nếu không muốn nói là đến cuối năm 2022.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: