CDC: Người nhiễm COVID-19 chỉ cần cách ly 5 ngày

Cách tốt nhất để kiểm tra xem bệnh nhân nhiễm COVID-19 hay cảm lạnh, cúm thông thường là phải đi xét nghiệm. Hình chụp tại Holy Spirit Catholic Church. (Đ. Tr/SGN)

Để hạn chế những vụ gián đoạn hoạt động kinh tế do số trường hợp nhiễm biến thể Omicron gia tăng, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) quyết định giảm một nửa thời gian bắt buộc cách ly từ 10 ngày xuống còn năm ngày.

Theo hướng dẫn mới ban hành hôm nay Thứ Hai 27 Tháng Mười Hai, những người Mỹ có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 nhưng không có triệu chứng thì có thể ngừng cách ly sau năm ngày miễn là họ tiếp tục đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác, thay vì phải cách ly 10 ngày như trước đây.

Hướng dẫn mới của CDC được đưa ra vào lúc biến thể Omicron có sức lây lan nhanh đang khiến số ca nhiễm hàng ngày tăng mạnh, gây thiếu hụt lao động trong các ngành kinh tế và buộc các hãng hàng không phải hủy bỏ hàng ngàn chuyến bay.

CDC cũng đang nới lỏng hướng dẫn cách ly sau khi nhiễm COVID-19 đối với những người Mỹ chưa được tiêm chủng hoặc những người đủ điều kiện nhưng chưa tiêm mũi bổ sung. Hiện CDC khuyến nghị người bị nhiễm COVID-19 tự cách ly năm ngày, sau đó là năm ngày đeo khẩu trang nghiêm ngặt, nhưng nói rằng nếu việc tự cách ly là “không khả thi” thì có thể bỏ qua miễn là người nhiễm luôn đeo khẩu trang trong 10 ngày sau khi xét nghiệm dương tính.

CDC cho biết những người được tiêm chủng đầy đủ và đã tiêm mũi tăng cường thì không cần phải cách ly sau khi nhiễm, miễn là họ không có triệu chứng.

“Biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng và có khả năng ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của xã hội chúng ta. Các khuyến nghị cập nhật của CDC về cách ly là nhằm cân bằng những gì chúng ta biết về sự lây lan của virus và hiệu quả bảo vệ của việc tiêm chủng, của mũi tiêm tăng cường. Những hướng dẫn cập nhật này bảo đảm mọi người có thể tiếp tục cuộc sống hàng ngày một cách an toàn,” Giám đốc CDC, Tiến sĩ Rochelle Walensky, cho biết trong một tuyên bố.

Tuần trước CDC đã công bố rút ngắn thời gian cách ly cho nhân viên y tế, trong bối cảnh nhiều bác sĩ, y tá phải ngừng làm việc để tự cách ly trong lúc số ca bệnh gia tăng do biến thể Omicron, làm cho hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã căng thẳng càng thêm khó khăn.

Nhiều cộng đồng hiện đang chứng kiến ​​số lượng ca nhiễm COVID-19 cao kỷ lục và số ca nhập viện gia tăng. Trên toàn quốc, mức trung bình hàng ngày của các trường hợp nhiễm COVID mà CDC thống kê được đã tăng nhanh đến một tốc độ chưa từng thấy kể từ khi số ca chết người gia tăng vào mùa Đông năm ngoái. Trong bảy ngày tính đến Thứ Sáu tuần trước, số người nhiễm COVID-19 trung bình hàng ngày của cả nước là 197,000 người, tăng 65% so với mức trung bình 14 ngày trước đó; số tử vong cũng tăng thêm 3%, lên mức trung bình 1,345 người mỗi ngày, theo dữ liệu của The New York Times.

Các tiểu bang Delaware, Hawaii, Massachusetts, New Jersey, New York và lãnh thổ Puerto Rico ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 trong tuần qua là cao hơn bất kỳ tuần lễ nào trước đây, và các chuyên gia cảnh báo sự gia tăng số ca nhiễm mới, cộng với tình trạng hàng chục triệu người Mỹ không chịu tiêm chủng, có thể gây quá tải cho hệ thống y tế và khiến nhiều người tử vong hơn nữa.

Một số ngành kinh tế cho biết sự gia tăng gần đây của số trường hợp nhiễm Omicron đã làm tê liệt phần lớn lực lượng lao động của họ. Hàng nghìn chuyến bay đã bị hủy trong kỳ nghỉ cuối tuần, do các phi công, tiếp viên và các nhân viên hàng không bị buộc phải cách ly sau khi nhiễm Omicron dù đã tiêm ngừa đầy đủ.

Khi quyết định rút ngắn thời gian cách ly, CDC cho biết dữ liệu cho thấy phần lớn sự truyền nhiễm Omicron “xảy ra sớm trong quá trình bệnh”, trong vòng hai ngày trước khi các triệu chứng bắt đầu và ba ngày sau khi có triệu chứng.

Những phát hiện ban đầu từ các cuộc nghiên cứu về virus ở nước ngoài cũng cho thấy quá trình nhiễm biến thể Omicron tiến triển nhanh hơn so với biến thể Delta, với thời gian ủ bệnh trung bình – thời gian từ khi một người nào đó tiếp xúc với virus cho đến khi họ phát triển các triệu chứng – giảm xuống chỉ còn ba ngày.

Cho đến nay, dữ liệu của CDC vẫn chứng tỏ tiêm vaccine là biện pháp phòng vệ hữu hiệu nhất chống lại việc nhiễm bệnh nặng. Những người không tiêm vaccine có nguy cơ mắc COVID cao hơn năm lần, nguy cơ tử vong cao hơn 14 lần so với những người đã tiêm chủng đầy đủ.

Tuy vậy, hiện mới chỉ có 62% người Mỹ được tiêm chủng đầy đủ trong lúc hệ thống chăm sóc y tế đã có dấu hiệu nguy hiểm sau hai năm đại dịch, các bệnh viện đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân viên do họ bị kiệt sức và xin nghỉ hưu sớm. 

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: