Chấn động: Ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ sụp đổ

Khách hàng chờ trước trụ sở Ngân hàng SVB tại Santa Clara, California vào sáng thứ Sáu 10/03/2023. Ngân hàng SVB đã bị cơ quan điều hành đóng cửa vào sáng thứ Sáu và chuyển giao quyền kiểm soát cho Quỹ Bảo hiểm tiền gửi Liên bang. Trước đó giá cổ phiếu của SVB bị ngừng giao dịch do giảm tới 60% vào sáng thứ sáu sau khi giảm 60% vào thứ Năm 9/03/2023, gây lo ngại một tác động dây chuyền tới các tổ chức tài chính khác. Ảnh Justin Sullivan/Getty Images

Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) – ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ, đã bị ngừng hoạt động từ sáng nay thứ Sáu 10 Tháng Ba 2023 sau khi giá cổ phiếu của nó giảm tới 80% trong hai ngày qua, gây lo ngại sâu sắc về tác động dây chuyền đầy tai họa cho thị trường tài chính Hoa Kỳ.

Ngân hàng SVB có trụ sở chính tại Santa Clara miền Bắc California, là tổ chức tài chính yêu thích của các công ty khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ ở Thung lũng Silicon. Tính đến ngày 31 Tháng Mười Hai năm ngoái, SVB có tổng tài sản khoảng $209 tỷ, theo số liệu của Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Fed).

Vào sáng thứ Sáu 10 Tháng Ba, Sở Bảo vệ và Đổi mới Tài chính California (California Department of Financial Protection and Innovation) công bố họ sẽ tiếp quản SVB và đóng cửa ngân hàng đang gặp khó khăn này để bảo vệ tiền gửi của khách hàng, đồng thời chỉ định Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (Federal Deposit Insurance Corporation) làm đơn vị tiếp nhận quyền điều hành SVB.

Cơ quan FDIC sẽ thành lập một thực thể riêng biệt có tên là Ngân hàng Bảo hiểm Tiền gửi quốc gia Santa Clara (Deposit Insurance National Bank of Santa Clara), nhận chuyển giao toàn bộ các khoản tiền gửi hiện có ở SVB.

Người phát ngôn của FDIC cho biết việc đóng cửa SVB đánh dấu sự thất bại lớn nhất của ngành ngân hàng Mỹ kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 – bắt đầu từ vụ sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers – và là vụ phá sản ngân hàng lớn thứ hai được ghi nhận sau vụ sụp đổ của Ngân hàng Washington Mutual (WaMu) – tổ chức tài chính lớn nhất nước trong lĩnh vực cho vay và nhận tiền gửi tiết kiệm.

Giống như các ngân hàng thành viên khác của FDIC, SVB bảo đảm tiền gửi của khách hàng được bảo hiểm lên tới $250,000. Những khoản tiền gửi dưới $250,000 được FDIC bảo đảm hoàn trả đầy đủ, còn những khoản tiền gửi trên $250,000 sẽ được nhận “chứng chỉ” (receivership certificate) để giải quyết sau. Cơ quan FDIC cho biết họ đang “làm việc suốt cuối tuần” để xác định có bao nhiêu tiền gửi của SVB được bảo hiểm và khách hàng có những khoản tiền gửi được bảo hiểm vẫn có thể rút tiền của họ từ thứ Hai 13 Tháng Ba 2023.

Một thông tin từ SVB cho biết, phần lớn tiền gửi ở ngân hàng không phải là tiền tiết kiệm của khách hàng cá nhân hay hộ gia đình mà là tiền của các công ty khởi nghiệp công nghệ, quỹ đầu tư và những nhà quản lý doanh nghiệp ở Silicon Valley – hàm ý các khoản tiền gửi ở đây có giá trị lớn.

Việc đóng cửa SVB diễn ra sau một buổi sáng thứ Sáu đầy biến động – trong đó giao dịch cổ phiếu của SVB bị tạm dừng sau khi giá cổ phiếu giảm hai con số trước khi thị trường mở cửa. Sự sụt giảm đó diễn ra sau đợt giảm hơn 60% vào hôm qua thứ Năm.

Những nỗi lo về sự sụp đổ của SVB có thể gây ra tác động dây chuyền đã khiến các nhà đầu tư chứng khoán bán phá giá các cổ phiếu ngân hàng khác. Cổ phiếu của những ngân hàng nổi tiếng ở Bờ Tây đã giảm mạnh vào sáng thứ Sáu, bao gồm Ngân hàng First Republic, PacWest Bancorp và Western Alliance Bancorporation.

Báo The Wall Street Journal ghi nhận, trong ngày thứ Năm 9 Tháng Ba 2023, giá trị vốn cổ phần của bốn ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đã sụt giảm khoảng $52 tỷ, chỉ số chứng khoán ngân hàng giảm mạnh nhất trong ba năm qua và đà giảm giá tiếp tục kéo sang phiên giao dịch cuối tuần vào thứ Sáu khiến một số cổ phiếu ngân hàng bị tạm ngừng giao dịch.

Quá trình sụp đổ của SVB diễn ra rất nhanh. Do Fed tăng mạnh lãi suất để chống đỡ lạm phát, các công ty khởi nghiệp công nghệ không muốn tiếp tục vay vốn để hoạt động, thay vì vậy họ rút tiền dự trữ ở ngân hàng. Lãi suất tăng cũng xói mòn giá trị khối trái phiếu khổng lồ mà SVB nắm giữ trong thời kỳ lãi suất cực thấp.

Hồi đầu tuần này, SVB công bố bán ra $21 tỷ cổ phiếu và dự kiến phát hành $2 tỷ trái phiếu doanh nghiệp để chống đỡ sự sụt giảm bất ngờ của dòng tiền gửi. Sau thông tin đó, giá cổ phiếu của SVB lao dốc mạnh, khách hàng ồ ạt rút vốn vì lo ngại về sức khỏe của ngân hàng còn các nhà đầu tư thắc mắc vì sao SVB cần huy động nhiều tiền đột ngột như vậy. Nó cũng làm dấy lên mối lo ngại của những người gửi tiền, nhiều người trong số họ đột nhiên tự hỏi liệu tiền của họ có còn an toàn hay không.

Trước tình hình hỗn loạn, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen – một cựu Thống đốc Fed – nói với các nhà lập pháp Hạ viện vào sáng thứ Sáu 10 Tháng Ba rằng bà đang theo dõi cẩn thận diễn biến của tình hình và đây là một vấn đề cần quan tâm nhiều hơn.

Nhiều người lo ngại kịch bản sụp đổ thị trường tài chính năm 2008 sẽ tái diễn, kéo theo sự  trì trệ nhiều năm của nền kinh tế Mỹ, nhưng những chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng điều đó sẽ không xảy ra.

Mike Mayo, một nhà phân tích ngân hàng tại Wells Fargo Securities nhận định hệ thống ngân hàng nói chung hiện nay có nhiều hàng rào bảo vệ vững chắc hơn so với 15 năm trước nhờ các chính sách được ban hành sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, chẳng hạn như các quy định về vốn và thanh khoản mạnh mẽ hơn.

Học bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008, các cơ quan điều hành hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính Mỹ cũng phản ứng nhanh hơn với các dấu hiệu rủi ro của thị trường mà việc FDIC tiếp quản SVB sáng nay là một minh chứng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: