Chính sách mới của Mỹ đối với Triều Tiên: Không cần những “hội nghị rỗng tuếch”

Mức độ làm việc của “Team Biden” là rất nhanh. Từ nội chính đến đối ngoại, Nội các Tổng thống Joe Biden đang tạo ra những thay đổi quyết liệt. Chiến lược dành cho châu Á được quan tâm với những điều chỉnh cấp thời, trước mắt là nhân sự. Mới đây, Jung Pak, một học giả người Mỹ gốc Hàn và là cựu đặc vụ Cục Tình báo Trung ương (CIA), đã được bổ nhiệm làm Phó Trợ lý Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Việc bổ nhiệm Pak diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn bế tắc và Bình Nhưỡng tiếp tục củng cố kho vũ khí hạt nhân và hỏa tiễn. Từng chỉ trích các cuộc gặp thượng đỉnh phô trương của cựu Tổng thống Donald Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, bà Jung Pak cho rằng Washington nên duy trì các biện pháp trừng phạt để đạt được phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Pak sẽ làm việc dưới sự chỉ đạo của quyền Trợ lý Bộ trưởng Sung Kim, cũng là một người Mỹ gốc Hàn và là cựu đại sứ tại Indonesia, Philippines và Hàn Quốc.

Pak lớn lên ở thành phố New York và tốt nghiệp Đại học Colgate. Bà từng là nghiên cứu sinh của chương trình Fulbright tại Đại học Yonsei ở Seoul, trước khi làm giáo sư lịch sử tại Hunter College ở New York từ năm 2006-2008. Bà Jung Pak được đánh giá là một trong những chuyên gia hàng đầu của Mỹ về các vấn đề liên quan bán đảo Triều Tiên nói chung. Từ năm 2014 đến năm 2016, Jung Pak làm việc tại Hội đồng Tình báo Quốc gia thuộc Phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI). Trong thời gian làm việc cho DNI, Pak phụ trách nhóm nghiên cứu chiến lược của cộng đồng tình báo Hoa Kỳ về các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên.

Pak cũng giữ những vị trí quan trọng trong CIA, nơi bà giành được sự khen ngợi với  thành tích phân tích xuất sắc. Bà cũng có chân trong Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đông Á của Viện Brookings. Bà nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải học hỏi từ kinh nghiệm của các cuộc đàm phán và thất bại trong quá khứ để giúp cải thiện chính sách và chiến lược trong tương lai.

Có bằng tiến sĩ Đại học Columbia chuyên về lịch sử Hoa Kỳ, bà Jung Pak đã dùng kiến thức và kỹ năng nghiên cứu sử học để viết quyển Becoming Kim Jong Un: A Former CIA Officer’s Insights into North Korea’s Enigmatic Young Dictator (ấn hành năm 2020). Không như các phân tích gia tình báo khác về Triều Tiên, Jung Pak ủng hộ cách tiếp cận toàn diện hơn trong việc đối phó với Kim Jong Un. Jung Pak tin rằng Kim có đủ lý trí để không gây chiến tranh với Mỹ trong khi không dễ dàng từ bỏ vũ khí hạt nhân, bởi vũ khí hạt nhân trên thực tế là “dấu ấn cá tính” của Kim.

Theo bà Jung Pak, Kim muốn kinh tế quốc gia phát triển nhưng điều này phải đi theo hướng của ông ta, sao cho sự phát triển không phải trả giá bằng sự tuột mất quyền lực cá nhân. Đây là điểm mà chính quyền Trump đã sai – bà Jung Pak phân tích.

Trump cho rằng, với tình hình kinh tế tồi tệ của Triều Tiên, Kim Jong Un sẵn sàng đánh đổi vũ khí hạt nhân để lấy một gói lợi ích kinh tế hấp dẫn mà Mỹ cung cấp. Jung Pak chỉ trích việc Trump đi lạc khỏi chính sách “áp lực tối đa” mà thoạt đầu Trump đưa ra, khi tổ chức những hội nghị thượng đỉnh trực tiếp với Kim vốn mang nặng tính phô diễn, trong khi lại không đủ cứng rắn trong việc thực thi các lệnh trừng phạt.

“Giải pháp cấm vận là cách giúp chúng ta an toàn” – Jung Pak nói trong một cuộc phỏng vấn với CNA vào tháng 8-2020. Việc Trump chuyển từ chính sách “áp lực tối đa” sang “linh hoạt tối đa” đã khiến Kim trở nên táo bạo trong hành xử, hơn là biết tự kiềm chế.

Bên cạnh các biện pháp trừng phạt, bà Jung Pak đưa ra một số đề nghị: ủng hộ việc khôi phục vị trí đặc phái viên về nhân quyền Triều Tiên; Washington cần chủ động hơn trong việc đối phó với các vi phạm nhân quyền của Bình Nhưỡng; cần thiết phải tăng cường liên minh. Mục tiêu cuối cùng của Mỹ là làm sao có thể dỡ bỏ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên bằng những hành động cứng rắn gây áp lực cụ thể chứ không chỉ là những “hội nghị thượng đỉnh rỗng tuếch”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: