CIA quay lại cách do thám truyền thống?

Sau hơn 20 năm tập trung vào các hoạt động chống khủng bố, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) bắt đầu quay trở lại với những phương thức cơ bản của “nghệ thuật do thám” truyền thống mang tính “kinh điển”. Ưu tiên lúc này của CIA không còn là “chống khủng bố dàn trải” như từ sau thảm kịch 11 Tháng Chín mà là Trung Quốc và một số quốc gia thù nghịch khác. 

Thay đổi để đối phó với các thách thức mới

Theo những nguồn thạo tin trong cộng đồng tình báo Mỹ, CIA đang “làm mới” cách tuyển dụng, đào tạo và quản lý mạng lưới điệp viên của mình như một phần trong nỗ lực rộng lớn nhằm chuyển từ cuộc chiến chống khủng bố dây dưa hơn 20 năm sang các đối thủ tầm cỡ như Trung Quốc và Nga. 

Nếu đúng như thế thì sau hai thập niên tiến hành ráo riết những hoạt động bán quân sự chống lại các nhóm khủng bố Hồi giáo như al-Qaeda và “Nhà nước Hồi giáo” (IS), CIA đang quay trở lại phương thức do thám “thủ công truyền thống”, trong đó chủ yếu là dùng con người và thầm lặng tối đa để thu thập những thông tin tình báo về những quốc gia có chế độ phi dân chủ, đặc biệt là Trung Quốc. 

Trong nội bộ, các quan chức cấp cao của CIA cũng công khai thừa nhận cơ quan đang đối mặt với các thách thức lớn nhất và phải có sự thay đổi càng sớm càng tốt. Về lý thuyết, thay đổi sẽ cho phép CIA cử nhiều nhân viên giỏi đến các điểm nóng được coi là quan trọng của trọng trách: Ngăn chặn Trung Quốc; ví dụ đến Tây Phi, nơi Trung Quốc có nhiều đầu tư cơ sở hạ tầng trong “lá bài địa chính trị” mở rộng tầm ảnh hưởng. 

Sự thay đổi cũng sẽ giúp CIA huy động nguồn lực để phát triển lâu dài đội ngũ điệp viên có chuyên môn sâu, kiến thức rộng, đáp ứng được các mục tiêu mới của cơ quan. 

Ngoài việc tuyển dụng thêm những người nói thành thạo tiếng Quan Thoại và đầu tư nhiều hơn vào công nghệ, một trọng tâm khác của CIA vào lúc này là tuyển dụng điệp viên ngay tại những quốc gia thù địch thay vì chỉ sử dụng đơn thuần vệ tinh, máy bay trinh sát và các thiết bị bay không người lái. Nói rõ hơn là quay trở lại với nghệ thuật do thám truyền thống thay vì quá tập trung vào công nghệ và do thám từ xa. 

Tạo điều kiện cho các điệp viên nâng cao nghiệp vụ và tiến thân

Sự thay đổi trong tuyển dụng và bố trí nhân sự có thể tác động đáng kể đến cuộc sống và triển vọng nghề nghiệp của các điệp viên, đặc biệt là những người mới vào nghề. 

Vài năm sau thảm kịch 11/9, các điệp viên CIA có thể được điều chuyển từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác một cách linh hoạt thay vì chuyên biệt trong một quỹ đạo như trước đây (hoạt động tại một khu vực hay theo dõi một vấn đề chuyên biệt). 

Phương thức mới này cho phép CIA bổ sung ngay biên chế cho các điểm nóng chiến sự nhưng cũng gây tranh cãi trong nội bộ. Một số than phiền do không trụ lâu tại một vị trí nên họ khó xây dựng được mối quan hệ giúp đỡ lẫn nhau và ảnh hưởng đến phát triển nghề nghiệp. 

Theo chính sách mới, cái gọi là “Trung tâm Sứ mệnh” (phụ trách một khu vực địa lý cụ thể hoặc một vấn đề xuyên quốc gia) sẽ có nhiều quyền hạn hơn, cả về điều động nhân sự lẫn mở các khóa đào tạo và dạy ngôn ngữ cho nhân viên tân tuyển. Các điệp viên CIA cũng không còn lo bị luân chuyển quá nhiều như trước. 

Thad Troy, một cựu điệp viên hoạt động thực địa từng là trưởng trạm ở một số thủ đô châu Âu, nhận định: “CIA có vẻ đang cố gắng tái lập một số hoạt động hiệu quả trước đây, khi cuộc chiến chống khủng bố chưa là mối quan tâm ưu tiên của nó. Ràng buộc nhân viên vào một khu vực địa lý hoặc một vấn đề sẽ giúp họ phát triển và hoàn thiện kiến thức địa-chính trị và cho họ một nơi yên vị để trưởng thành và tiến thân”. 

Một phát ngôn viên của CIA cũng nói tương tự: “Mục tiêu của chúng tôi hiện nay là phát triển nguồn nhân lực một cách chuyên nghiệp và xây dựng một đội ngũ chuyên gia thành thạo về khu vực họ hoạt động hoặc về vấn đề họ tham gia. Con người luôn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”. 

Trung Quốc là chiến trường khó cho CIA

CIA từ chối bình luận về chi tiết cụ thể của bất kỳ thay đổi nào trong quản lý nhân sự. Các nguồn tin cho biết, sự thay đổi không chỉ nhằm chống lại Trung Quốc. Giám đốc CIA Bill Burns đã liệt kê danh sách “những ưu tiên hàng đầu” của CIA và chúng thường là chủ đề trong các cuộc thảo luận công khai về tương lai của cơ quan. 

“Vào thời điểm này chúng tôi rất tập trung vào Trung Quốc nhưng cũng cần nói rõ, CIA là Cục Tình báo Trung ương chứ không phải là Cục Tình báo về Trung Quốc!” – Phó Giám đốc CIA David Cohen nói vui tại một hội nghị tình báo gần đây. 

Tuy nhiên, ông nói thêm: “Chúng tôi cũng ý thức về việc tăng cường và đồng bộ hóa thực chất các nỗ lực của CIA xung quanh Trung Quốc”.  Đảng Cộng sản Trung Quốc là cái mà nhiều chuyên gia tình báo gọi là “mục tiêu khó xâm nhập”, kể cả bằng công nghệ và gián điệp con người. 

Các quan chức tình báo hiện tại và trước đây của CIA đều cho rằng tình báo Mỹ bên trong Trung Quốc, đặc biệt là tình báo con người, kém cỏi một cách đáng thất vọng, vì nhiều lý do. Họ hy vọng thay đổi mới về chính sách có thể giúp vượt qua thách thức đó thông qua đội ngũ chuyên gia địa-chính trị và đưa họ đến đúng nơi, đúng công việc phù hợp. 

“Theo tôi, điều quan trọng khi tiến hành một điệp vụ là phải có kiến ​​thức chuyên môn về một khu vực địa lý hoặc về một vấn đề – Troy nói – Nhưng bạn không thể có được một chuyên viên như thế chỉ sau sáu tháng đào tạo mà phải qua quá trình 10 năm hoặc hơn làm việc tại khu vực đó hay vấn đề đó”. 

Theo The New York Times, từ 2010, Bắc Kinh đã phá vỡ thành công mạng lưới điệp viên được CIA tuyển dụng tại Trung Quốc, giết hoặc bỏ tù hơn chục nguồn cung cấp tin cho CIA chỉ trong hai năm. Để có một mạng điệp viên như thế, CIA phải bỏ ra ít nhất 10 năm để phát triển nên rất khó phục hồi nếu không nói là không thể! 

Một số nhà quan sát tin rằng việc CIA quá tập trung vào nhiệm vụ chống khủng bố (hầu như đã trở thành một phần trong sự nghiệp của hầu hết nhân viên CIA thế hệ sau, và thường họ hoạt động trong các chiếc xe bọc thép an toàn ở những quốc gia họ không thông thạo tiếng địa phương) khiến mạng gián điệp truyền thống sử dụng nhân viên địa phương không được tiếp máu và lụi tàn dần. 

Trong báo cáo năm 2020 về khả năng chống lại Trung Quốc của cộng đồng tình báo, Ủy ban Chọn lọc Hạ viện về Tình báo vạch rõ: “Khi nhiệm vụ chống khủng bố được mở rộng hơn, CIA đã đẩy phương thức tình báo truyền thống xuống hàng thứ yếu. Cho đến gần đây, thái độ xem nhẹ các mối đe dọa chiến lược và các đe dọa mới nổi lên hầu như vẫn còn nguyên. Chống khủng bố vẫn là ưu tiên hàng đầu!”. 

Trong khi đó, sự gia tăng nhanh chóng của “dữ liệu lớn” (big data) và sự phổ biến của công nghệ “thẩm tra lý lịch” tinh vi đã khiến việc điều động điệp viên khó khăn hơn trước nhiều. 

Rất khó tạo lớp vỏ bọc an toàn

CIA thừa nhận đã qua rồi thời kỳ một điệp viên đến hoạt động tại quốc gia khác có thể khoác lớp vỏ bọc dễ dàng bằng một hộ chiếu mới và một danh tính mới. Họ sẽ bị bóc mẽ ngay lập tức. 

Jennifer Ewbank, Phó Giám đốc phụ trách Đổi mới Kỹ thuật số (Digital Innovation) của CIA, nhận định tại một hội nghị tình báo gần đây: “Trung Quốc đang nổi lên như một thách thức nghiêm trọng và lớn nhất cho chúng tôi. Các kế hoạch và ý định của những kẻ xấu và khủng bố ngày càng khó bị phát hiện bằng các phương tiện truyền thống”. 

Nhiều quan chức cấp cao khẳng định dù chú ý nhiều hơn đến Trung Quốc, CIA chưa bao giờ rời mắt khỏi “những mục tiêu cần quan tâm” trong cuộc chiến chống khủng bố. Tại Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Giám đốc điều hành The Wall Street Journal mới đây, khi được hỏi ai đã làm ông ta mất ngủ, Burns nhắc đến Trung Quốc, Nga, Iran và “Những thách thức khủng bố khác mà chúng tôi không thể xem thường”. 

Sự thay đổi trong cách CIA quản lý các nhân viên hoạt động thực địa của mình là một trong nhiều thay đổi mà CIA đang thực hiện để tăng cường khả năng do thám và phân tích. Gần đây, cơ quan đã thành lập “Trung tâm phụ trách Sứ mệnh Trung Quốc” (China Mission Center) và đây là trung tâm duy nhất của CIA chỉ tập trung vào một quốc gia thay vì một khu vực trên thế giới. 

Burns cũng công khai tiết lộ cơ quan ông đang tìm các chuyên gia về Trung Quốc để đưa họ đến những quốc gia mà cả Mỹ và Trung Quốc đều có hoạt động gián điệp. Ngoài ra, Cohen cho biết mỗi tuần Burns đều có một cuộc họp tập trung vào Trung Quốc và cơ quan cũng phân bổ nhiều ngân sách hơn cho lĩnh vực này. 

Theo Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (Office of the Director of National Intelligence), cộng đồng tình báo Mỹ đã tăng gần 20% chi tiêu liên quan đến Trung Quốc trong năm tài chính vừa qua. “Có vẻ CIA cần thêm nhiều nhân viên có chuyên môn sâu về ngôn ngữ và hoạt động thực địa để đẩy mạnh hoạt động thu thập tin tình báo tại Trung Quốc”- một cựu sĩ quan tình báo nói.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: