Đã đến lúc các công chức nên quay lại sở làm

Minh họa: Unsplash

Ngày 26 Tháng Một, công ty vận chuyển khu vực Washington D.C Metro cho biết sẽ tăng cường đáng kể tần suất đưa đón người dân đi làm bằng phương tiện công cộng vào tháng tới bằng cách chạy nhiều chuyến tàu hơn trong những giờ cao điểm, đặc biệt là những ngày có nhu cầu cao đi lại cao như thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm.

Hoạt động kinh doanh dịch vụ bị ảnh hưởng nặng

Sau những lo ngại về nhiễm coronavirus dẫn đến số lượng hành khách sử dụng Metro sụt giảm, nay cơ quan vận chuyển khu vực đang tăng cường phục vụ hành khách để đưa hoạt động vận chuyển công cộng trở lại bình thường. Điều đó có nghĩa chính quyền bắt đầu thực hiện lời kêu gọi của Tổng thống Joe Biden về việc nhân viên liên bang nên quay trở lại làm việc tại văn phòng, ít nhất là một số ngày trong tuần.

Tuy nhiên, nhìn những vỉa hè thiếu sức sống ở trung tâm Washington D.C với những nhà hàng vắng vẻ và cửa hàng đóng cửa sẽ thấy tình hình chưa có gì khả quan. Thành phố vẫn thiếu đi sự năng động và không biết bao giờ mới trở lại trạng thái bình thường đông đúc như trước đại dịch Covid-19. Chính phủ liên bang là nhà tuyển dụng lớn nhất của Washington D.C, chiếm khoảng một phần tư số công chức của thành phố.

Minh họa: Unsplash

The Washington Post cho biết, nhiều cơ quan chính phủ và chính quyền thành phố vẫn tiếp tục duy trì chế độ làm việc từ xa, có lợi cho nhân viên nhưng bất lợi cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp dịch vụ. Trang Politico cho biết thủ đô hiện có tỷ lệ công chức làm việc tại nhà cao nhất toàn quốc. Tờ Wall Street Journal cho biết thêm: “Tỷ lệ văn phòng trống của Washington D.C khá cao, khoảng 20% (một kỷ lục) và khoảng phân nửa số nhân viên liên bang làm việc từ xa”!

Washington D.C không là nơi duy nhất mà số nhân viên dân sự liên bang chiếm tỷ lệ cao trong lực lượng lao động. Nhìn trên khắp bản đồ nước Mỹ, còn có những nơi khác như Quận hạt Houston của tiểu bang Georgia, thành phố San Antonio của tiểu bang Texas, thành phố Ogden của tiểu bang Utah. Các công việc liên bang thường thu hút nhiều người lao động có trình độ học vấn sẵn sàng hy sinh tiền lương cao ở khu vực tư nhân để có được sự ổn định nghề nghiệp, để có sự cân bằng giữa công việc và thời gian nghỉ ngơi. Họ cũng vinh dự và hãnh diện khi được phục vụ người dân như vai trò một công chức.

Thói quen mới bắt đầu tạo ảnh hưởng

Những người ủng hộ làm việc tại nhà lập luận “các cơ quan liên bang nên duy trì chính sách làm việc từ xa để dễ tuyển dụng và giữ chân nhân tài”. Họ bỏ qua yếu tố rằng, chính sự tương tác, dù không chủ ý, của các đồng nghiệp trong văn phòng đã là một “giá trị” không thể có được nếu mọi người chỉ nhìn thấy nhau trên màn hình máy tính. Cơ quan sử dụng lao động cũng gặp khó khăn hơn trong việc truyền đạt các giá trị của cơ quan mình và người lao động không có cơ hội học hỏi trực tiếp lẫn nhau khi mặt đối mặt.

Nghiên cứu cho thấy người lao động làm việc từ xa tạo ra ít ý tưởng mới hơn, ít có tinh thần đổi mới hơn và óc sáng tạo cũng mai một dần. Khi nhiều cơ quan chính phủ Mỹ và chính quyền địa phương vẫn kiên trì “cuộc thử nghiệm lớn” làm việc từ xa mà họ xem là “có lợi đủ bề”, đặc biệt là giảm không gian văn phòng và những chi phí đi kèm, chúng ta không thấy có kế hoạch chuyển đổi hoàn toàn trở lại tình trạng như trước đại dịch. Sẽ cần thêm thời gian và dữ liệu để đánh giá hiệu quả của hai cách làm việc, từ xa và tại chỗ.

Trước mắt, nhiều nhà tuyển dụng tạm lựa chọn dung hoà kiểu làm việc kết hợp, cho phép nhân viên làm việc tại nhà nhưng vẫn buộc họ phải đến văn phòng vài ngày trong tuần. Trung tâm Washington D.C cũng có thể nhân rộng giải pháp này. Làm việc lâu dài ba ngày một tuần có nghĩa là số văn phòng trống cũng nhiều hơn. Dựa vào thực tế này, Thị trưởng Muriel E. Bowser đang tính đến việc bổ sung thêm 15,000 cư dân mới tại các không gian dư ra ở trung tâm thủ đô trong năm năm tới.

Phương án này vừa giúp thành phố thích nghi với chế độ làm việc mới vừa kéo giá nhà ở quá cao đi xuống. Tuy nhiên, kế hoạch sẽ không thực hiện được nếu các nhân viên liên bang không quay trở lại nơi làm việc với số lượng lớn hơn. Không có họ trung tâm thủ đô vẫn trống rỗng, các nhà hàng vẫn vắng vẻ, các cửa hiệu mua sắm vẫn ngáp ruồi chờ khác và thu ngân sách không đủ để thực hiện các chính sách tiến bộ đề xuất có lợi cho những người yếu thế. Trước đại dịch, Washington D.C đã chứng kiến sự bùng nổ kinh tế kéo dài hàng thập niên, có thêm tiền để thực hiện các mục tiêu dân sinh đề ra. Nhưng nay các chính sách tiến bộ này đang gặp nguy hiểm không thể tiếp tục vì… thiếu tiền!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: