Đại học Mỹ: Được phép bán rượu hay không?

Một trận thi đấu thể thao của sinh viên Mỹ (Unsplash)

Dù đã giảm nhiều trong thời gian đại dịch Covid-19 nhưng an ninh trong khuôn viên trường học vẫn là cơn đau đầu cho các cơ quan quản lý giáo dục Mỹ, khi có nhiều kẻ tấn công thích chọn trường học làm mục tiêu mà nguyên nhân không chỉ có khủng bố mà còn là trả thù hay thù hận màu da, tôn giáo. Một vấn đề gây tranh cãi khác là có nhiều trường đại học Mỹ bán rượu tại các trận thi đấu bóng bầu dục trong khuôn khổ thể thao đại học.

Khi lương của huấn luyện viên các đội bóng bầu dục chuyên nghiệp đại học có lúc lên đến hàng triệu đôla và mất thêm nhiều khoản chi cho vận động viên sinh viên thì các đại học không còn chọn lựa nào hơn là phải tìm mọi cách để tăng doanh thu. Thể thao đại học luôn bị áp lực phải giữ cho được khán giả mà bình quân phải trên 40,000 người.

Trước thực tế này, cồn là thứ duy nhất có thể lôi kéo khán giả trở lại sân vận động thay vì ngồi ở nhà. Lôi kéo được đồng nghĩa với việc có thêm tiền. Rượu tạo không khí hưng phấn và xác lập các mối quan hệ mới trên các khán đài. Giám đốc thể thao của Đại học West Virginia, bà Shane Lyons tâm sự: “Mỗi năm chúng tôi thu được $500,000 nhờ bán rượu bia”! Đã có nhiều đại học đi theo bước chân của West Virginia. Từ 2014, hai Đại học Texas và Maryland thông qua đề nghị cho phép bán rượu bia tại các trận đấu. Tham gia với họ là các Đại học Minnesota, Colorado, Wake Forest, Miami, Syracuse và Louisville. Tất các đều thuộc “Big 5”.

Chỉ có Liên đoàn thể thao các đại học Đông Nam nước Mỹ là tuyệt đối cấm các thành viên của họ bán rượu bia nơi công cộng. Với sự chấp thuận 16/1 của hội đồng thể thao trường, Đại học Maryland đã thử nghiệm một năm mô hình bán rượu bia tại các trận đấu bóng rổ, bóng bầu dục và sẽ đánh giá lại sau khi mùa bóng kết thúc để xem có nên áp dụng lâu dài không. “Theo tôi, đây chỉ là chương trình thử nghiệm. Nếu mọi diễn biến đều tốt sẽ mở rộng hơn” – bà Lyons nói. Bà lưu ý là Maryland và Texas đã tìm lời khuyên từ West Virginia trước khi quyết định bán bia.

Tuy nhiên, không phải ai cũng thoải mái với cách kiếm tiền mới của các đại học đang bị áp lực tài chính. Chủ tịch Đại học West Virginia, ông E. Gordon Gee là người theo giáo phái Mormon nên không uống rượu. Ông cho biết rất do dự khi xem đề xuất bán rượu nhưng Hội đồng quản trị đại học đã thuyết phục ông làm thử. “Tôi như kẻ đứng giữa ngã ba đường. Ai cũng biết rượu bia là thứ gây ra lắm vấn đề cho đại học do sinh viên đôi lúc quá sa đà dẫn đến những hệ luỵ khó lường. Bằng chứng, một sinh viên West Virginia chết vì lượng cồn trong máu cao gấp sáu lần giới hạn cho phép của pháp luật trong một nghi án bị ép uống rượu”.

Bà Emily Golembiewski, một chuyên viên về tâm lý khán giả tại Aecom, công ty chuyên hướng dẫn tìm nguồn tài trợ, cải tiến cách điều hành và cố vấn cho các đại học, cũng rất thận trọng. “Dù là rượu hay bất cứ loại hình mới nào du nhập nào khác vào môi trường đại học thì cũng phải làm sao để sinh viên không đi quá trớn và không làm mất cái nhìn tốt về các cơ sở giáo dục, đào tạo thế hệ tương lai. Biến đại học thành một ‘liên đoàn bóng bầu dục thu nhỏ’ là điều không nên” – bà nói.

Một bài viết điều tra trên tờ Journal of Sports Economics cho thấy không có bằng chứng là bán rượu bia tại các trận đấu sẽ tác động tích cực đến số khán giả tham dự và tăng doanh thu. Nhiều đại học bán rượu bia tại trận đấu cho biết họ làm thế không phải vì lợi nhuận mà là để giảm bớt tệ nạn uống quá mức trong ký túc xá trường. Cảnh sát giữ an ninh tại Làng đại học West Virginia cho biết có sự suy giảm rõ rệt về số vụ bạo lực và bắt giữ trong những trận đấu bóng bầu dục chiều Thứ Bảy. Nguyên nhân là do sinh viên uống điều độ hơn do giá rượu bia đắt hơn tại sân vận động. Thường thì mỗi trường có chính sách khác nhau về thành phần khán giả được mua rượu bia khi xem thi đấu.

Đại học Công nghệ Virginia (Virginia Tech) chỉ bán rượu cho một số nhỏ người hâm mộ tại khu ghế ngồi thượng hạng. Tại Đại học Cincinnati, rượu được bán cho mọi người, một phần bởi vì khán giả thường xuyên muốn như thế. Khi Đại học West Virginia áp dụng việc bán rượu hạn chế đối tượng, đại học muốn loại bỏ cái gọi là “passout” để chỉ những người thường ra khỏi sân vận động vào giờ nghỉ và đến chỗ đậu xe để… nốc rượu.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: