“Đại pháo đài” của quân đội Mỹ ở Guam                       

Guam, lãnh thổ lớn cỡ thành phố Chicago của tiểu bang Illinois bị lãng quên của Mỹ, đã trở thành tiền đồn mới chống lại Trung Quốc...
B-2 Spirit tại Guam (ảnh: HUM Images/Universal Images Group/Getty Images)

Guam, hòn đảo xa xôi ở Thái Bình Dương với những bãi biển đẹp, được xem là điểm nóng tiềm tàng trong bất kỳ cuộc xung đột nào trong tương lai ở châu Á. Bên cạnh một con đường cắt xuyên qua khu rừng rậm rạp, căn cứ Thủy quân Lục chiến mới đầu tiên của Mỹ trong gần 70 năm đang dần hình thành. Sau một hàng rào phía trên phủ dây kẽm gai, cần cẩu vẫn tiếp tục xây dựng những điểm huấn luyện cho chiến tranh đô thị và bắn vũ khí thật. Căn cứ Blaz (chính thức khai trương vào đầu năm tới) là dấu hiệu mới nhất cho thấy Guam đang trở nên quan trọng hơn đối với các chiến lược gia quân sự Mỹ khi Washington tập trung vào châu Á trong mối quan ngại sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Các quan chức quân sự Mỹ nói rằng hòn đảo này, nơi đặt các căn cứ Không quân và Hải quân Mỹ từ lâu, sẽ là điểm tập kết chính cho máy bay ném bom, tàu ngầm và quân đội trong bất kỳ cuộc xung đột nào liên quan đến Mỹ ở Thái Bình Dương, kể cả Đài Loan nếu Mỹ muốn can thiệp. Cần biết, Guam rất dễ rơi vào tầm ngắm khi Trung Quốc mở rộng khả năng quân sự. Khoảng sáu năm trước, Trung Quốc đã loan bố một loại tên lửa mới, được các nhà phân tích quốc phòng Mỹ gọi là “Sát thủ đảo Guam”, có thể vươn tới hòn đảo cách Philippines khoảng 1,500 dặm về phía Đông.

Trong một video tuyên truyền năm ngoái, Trung Quốc đã trình diễn một màn tấn công mô phỏng vào Guam. Những màn “diễu võ dương oai” của Bắc Kinh đã buộc các lãnh đạo quân sự Mỹ phải tìm nguồn ngân sách bổ sung hàng trăm triệu đôla để tăng cường khả năng phòng thủ cho Guam, để bảo vệ các căn cứ và khoảng 150,000 dân thường sống ở đó. Trong đánh giá mới nhất về các nguồn lực toàn cầu, Ngũ Giác Đài nhấn mạnh tầm quan trọng của Guam và cam kết nâng cấp căn cứ không quân và các cơ sở hạ tầng khác trên đảo.

Căn cứ không quân Andersen tại Yigo, Guam (ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Tầm quan trọng chiến lược của Guam

Mối đe dọa tên lửa của Trung Quốc đối với Guam và sự gia tăng mạnh mẽ hơn trong sản xuất vũ khí của Trung Quốc đã trở thành một trong những mối quan tâm an ninh hàng đầu của Washington. Đánh giá hàng năm gần đây của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ về quân đội Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh đang tăng nhanh sản xuất tàu chiến, máy bay và vũ khí hạt nhân. Mùa Hè qua, Trung Quốc đã thử nghiệm hai tên lửa siêu thanh, trong đó có một tên lửa bắn nối thêm một quả đạn khi tiến gần mục tiêu, một công nghệ mới mà chưa quốc gia nào thử nghiệm.

Các nhà phân tích và quan chức quân sự Mỹ cho rằng Trung Quốc muốn ngăn chặn Mỹ và các đồng minh hoạt động ở Tây Thái Bình Dương bằng cách gây nguy hiểm hơn cho họ, răn đe họ can thiệp vào bất kỳ cuộc xung đột nào, cho dù Bắc Kinh xâm chiếm Đài Loan, một hòn đảo tự trị mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Dù Mỹ chưa cho biết có can thiệp vào bất kỳ cuộc tấn công nào vào Đài Loan hay không, nhiều chiến lược gia quân sự tin rằng Mỹ có thể can thiệp.

Biển Đông, nơi Trung Quốc mở rộng hoạt động quân sự ở các đảo tranh chấp, là một điểm nóng khác. Guam đặc biệt quan trọng trong bất kỳ cuộc xung đột tiềm tàng nào vì Căn cứ Không quân Andersen (chiếm phần lớn phần phía Bắc của hòn đảo) là căn cứ duy nhất của Mỹ ở phía Tây Thái Bình Dương mà máy bay ném bom hạng nặng có thể hoạt động được trong thời gian dài. Các tàu ngầm từ căn cứ Hải quân của Guam cũng có thể nhanh chóng lặn xuống vùng nước sâu, giảm nguy cơ bị phát hiện.

Quân đội Mỹ có nhiều thuận lợi hơn về thời gian và địa điểm hoạt động huấn luyện và chuẩn bị tác chiến trên đảo Guam so với các tiền đồn lớn khác của Mỹ ở châu Á. Trong nhiều năm, Tokyo đã áp lực Mỹ giảm bớt sự hiện diện ở đảo Okinawa, nơi có khoảng 50,000 lính Mỹ đồn trú, trong khi Hàn Quốc, dù có gần 30,000 lính Mỹ bảo vệ, lại cần thêm sự hiện diện của Mỹ tại khu vực trước đe dọa của Trung Quốc.

Đảo Guam do Mỹ quản lý từ cuối thế kỷ 19, trừ một vài năm bị Nhật chiếm sau trận tấn công Trân Châu Cảng (Thủy quân Lục chiến Mỹ chiếm lại đảo và sử dụng nó như một trung tâm chỉ huy và hậu cần cho quân đội trong giai đoạn cuối của cuộc chiến). Ngày nay, cư dân của Guam là công dân Hoa Kỳ, dù họ không có quyền bỏ phiếu bầu tổng thống. Trong khi hòn đảo chủ yếu được biết đến như một điểm du lịch cho các kỳ nghỉ trăng mật của du khách Nhật và Hàn Quốc, vẫn có hơn một phần tư diện tích thuộc sở hữu của Bộ Quốc phòng Mỹ với khoảng 22,000 quân nhân thường trú. Hoa Kỳ dần mở rộng sự hiện diện trên đảo Guam từ 10 năm trở lại đây.

Mỹ cấp tập phòng thủ với nhiều chọn lựa

Năm 2013, Mỹ đã chuyển đến Guam hệ thống bắn hạ tên lửa đạn đạo “Phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối” (Terminal High-Altitude Area Defense-Thaad), sau khi Triều Tiên đe dọa bắn tên lửa vào đảo. Khi Bắc Kinh “khoe” tên lửa (Đông Phương) Dong Feng-26 có thể bắn tới Guam, Mỹ tin tưởng Thaad hoàn toàn có thể ngăn chặn chúng. “Guam được bảo vệ rất tốt” – Tướng John Hyten tuyên bố vào năm 2017 khi ông còn là tư lệnh trưởng Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ. Căn cứ Thủy quân Lục chiến mới dự kiến sẽ nhận khoảng 5,000 binh sĩ từ Okinawa chuyển sang vào giữa thập niên này, theo cam kết rút bớt quân số ở Nhật Bản – theo Wall Street Journal (17-12-2021).

Trong đánh giá hàng năm về quân đội Trung Quốc, Lầu Năm Góc ước tính kho dự trữ tên lửa DF-26 của Bắc Kinh hiện đã tăng gần gấp ba so với khoảng 100 quả trước đó, khiến Trung Quốc có thể áp đảo hệ thống phòng thủ của Guam. Nguy hiểm hơn là DF-26 có thể mang theo đầu đạn hạt nhân. “Chúng tôi là một mục tiêu và tình hình rất căng thẳng” –  Thống đốc Guam Lou Leon Guerrero nhận định. Mục tiêu của quân đội Mỹ là xây dựng các lớp bảo vệ cho đảo Guam để chặn tên lửa đạn đạo phóng từ không gian và tên lửa hành trình. Gần đây quân đội đã thử nghiệm hệ thống phòng thủ Iron Dome (Vòm Sắt) do Israel chế tạo trên Guam để chống lại tên lửa hành trình.

Các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ đang xem xét bổ sung thêm hệ thống Aegis trên tàu chiến để tăng khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo. Nhưng Quốc hội vẫn chưa chấp thuận hầu hết các yêu cầu, vì muốn biết rõ hơn về các khoản chi. Tướng Mark Holler, Tư lệnh lực lượng phòng thủ tên lửa khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, cho biết các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có như tổ hợp Patriot ở khu vực Thái Bình Dương có thể chuyển đến Guam ngay trong đêm nếu xảy ra khủng hoảng. Mối quan tâm cốt lõi hiện nay là bảo đảm bất kỳ hệ thống phòng thủ nào cũng phải có hiệu quả trước tên lửa Trung Quốc. Nhưng tiến bộ kỹ thuật nhanh chóng của Bắc Kinh đã khiến mục tiêu này trở nên khó khăn hơn. Chính vì vậy mà Cơ quan Phòng thủ Tên lửa (The Missile Defense Agency) đã đệ trình một báo cáo mới về các phương án và đang chờ Ngũ Giác Đài duyệt xét.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: