Đàm phán dự luật cứu trợ bị bế tắc

H.C.

Các quan chức đại diện chính phủ và lãnh đạo đảng Dân Chủ ở Quốc hội Hoa Kỳ đã kết thúc ba giờ đàm phán vào tối nay thứ Năm 06-08 mà không đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ đại dịch coronavirus; và có khả năng Tổng thống Trump sẽ sử dụng sắc lệnh hành pháp để đưa ra các biện pháp cứu trợ tạm thời.

Đại diện chính phủ có Bộ trưởng Ngân khố Steven Mnuchin và Đổng lý Văn phòng Tòa Bạch ốc Mark Meadows, họp với Thượng nghị sĩ Charles E. Schumer – lãnh đạo khối Dân Chủ thiểu số tại Thượng viện và Dân biểu Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện. Tổng thống Trump được biết cũng gọi điện thoại nhiều lần tới cuộc họp, nhưng hai bên vẫn chưa giải quyết được những vấn đề căn bản.

Sau cuộc họp, Bộ trưởng Mnuchin nói rằng nếu hai bên quyết định không cần đàm phán thêm trong ngày mai thứ Sáu thì Tổng thống Trump có thể sẽ đơn phương ban hành sắc lệnh hành pháp để giải quyết một số vấn đề như tiền trợ cấp thất nghiệp cho người lao động bị mất việc vì đại dịch.

Vụ bế tắc chính trị xảy ra vào lúc đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành dữ dội ở Mỹ, nhiều tiểu bang và địa phương phải hủy bỏ lệnh tái mở cửa, lập lại biện pháp phong tỏa trong khi tác dụng của các biện pháp cứu trợ trước đây đã phai nhạt. Khoản trợ cấp thất nghiệp của liên bang trị giá 600 đô la Mỹ/tuần/người, theo đạo luật CARES hồi tháng Ba, đã hết hạn vào ngày 31-07 và hiện có 30 triệu người vẫn đang bị mất việc; biện pháp hỗ trợ người thuê nhà không bị “đuổi nhà” cũng đã hết hạn, chương trình cho công ty nhỏ vay tiền để duy trì đội ngũ nhân viên (PPP) và hỗ trợ sinh viên vay vốn học tập cũng sắp hết hạn trong vài hôm nữa.

Đảng Dân Chủ muốn thông qua một đạo luật cứu trợ mới, trị giá khoản 3.400 tỷ đô la; nhưng Tòa Bạch ốc và đảng Cộng Hòa muốn một gói cứu trợ nhỏ hơn, khoảng 1.000 tỷ đô la.

Hai bên đã có 11 cuộc đàm phán và cuộc họp chiều nay là cuộc họp thứ chín giữa chính phủ và đảng Dân Chủ, đôi khi có những dấu hiệu tiến bộ trong một vài điều khoản, chẳng hạn như việc phát thêm khoản cứu trợ thứ hai, 1.200 đô la/người cho người dân có thu nhập thấp; nhưng có những điều khoản hai bên không nhân nhượng nhau, chẳng hạn như đề nghị của đảng Dân Chủ dành 1.000 tỷ đô la hỗ trợ các tiểu bang và địa phương bị dịch tàn phá làm cho số thu của ngân sách địa phương bị sút giảm trong khi nhu cầu chi tiêu để chống dịch tăng lên.

Bộ trưởng Mnuchin gợi ý mở cuộc họp giữa Tổng thống và lãnh đạo hai đảng trong ngày mai thứ Sáu, nhưng chưa rõ cuộc họp có tiến hành hay không.

Sáng nay thứ Năm, Tổng thống Trump nói rằng ông đã chỉ thị cho các phụ tá chuẩn bị các sắc lệnh hành pháp để chính phủ đơn phương ban hành các biện pháp trợ cấp thất nghiệp, hoãn thu thuế thu nhập (payroll tax), bảo đảm người thuê không bị đuổi nhà và hỗ trợ sinh viên vay tiền. Vẫn chưa rõ tổng thống có đủ thẩm quyền để làm những việc này hay không vì theo luật, thẩm quyền chi tiêu ngân sách quốc gia thuộc về quốc hội. Ông Trump nói ông có thể sẽ hành động sớm nhất vào ngày mai thứ Sáu.

Một số quan sát viên nói rằng, biện pháp trợ cấp của Tổng thống Trump, nếu được thực thi, sẽ có quy mô nhỏ hơn nhiều so với các gói cứu trợ mà Quốc hội đang bàn thảo, có người nói tổng thống sẽ sử dụng các khoản tiền cứu trợ còn lại, chưa dùng đến từ đạo luật CARES, nhưng cũng có người cho rằng, sắc lệnh của tổng thống sẽ vấp phải những trở ngại pháp lý dẫn tới tranh tụng kéo dài trong tòa án.

Phát biểu với báo chí tại trụ sở Thượng viện, lãnh đạo hai đảng đổ lỗi cho nhau bằng những lời lẽ gay gắt. Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo khối Cộng Hòa đa số tại Thượng viện nói rằng, sở dĩ người thất nghiệp không tiếp tục được trợ cấp vì các nghị sĩ Dân Chủ không chấp nhận giải pháp gia hạn tạm thời khoản trợ cấp đó; trong khi đảng Dân Chủ nói các nghị sĩ Cộng Hòa của Thượng viện coi thường hậu quả của dịch coronavirus; bằng chứng là Hạ viện đã soạn thảo và thông qua một dự luật cứu trợ hồi tháng Năm, trong đó đề nghị duy trì khoản trợ cấp thất nghiệp từ liên bang 600 đô la/tuần/người cho đến tháng Giêng năm 2021 nhưng hơn hai tháng qua, Thượng viện đã không để mắt tới dự luật này, không đưa ra được một đề nghị khác để bàn thảo và đến khi họ đưa ra đề nghị thì đã muộn.

Hồi giữa tháng Bảy, đảng Cộng Hòa trong Thượng viện đề nghị giảm mức trợ cấp thất nghiệp xuống còn 200 đô la/tuần/người và chỉ kéo dài đến hết tháng Chín 2020, nhưng khối Dân Chủ không đồng ý. Dân Chủ đề nghị dành 1.000 tỷ đô la cho các tiểu bang và địa phương đã bị Cộng Hòa bác bỏ, vì cho rằng làm như thế là “cứu trợ” các chính quyền tiểu bang quản trị sai lầm; sang đầu tuần này, Chính phủ đề nghị hỗ trợ các tiểu bang nhưng chỉ ở mức tối đa 150 tỷ đô la.

Nhiều vấn đề khác như trợ cấp cho hệ thống trường học, chăm sóc trẻ em, cho ngành bưu chính (Postal Service) các bên cũng không đồng ý với nhau được.

(WP)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: