Dân biểu Dân Chủ Texas “di tản” để phản đối dự luật hạn chế bầu cử

Các dân biểu thuộc đảng Dân Chủ trong Hạ viện tiểu bang Texas đã đồng loạt rời khỏi tiểu bang để tránh dự họp thông qua luật hạn chế quyền bầu cử
Dân biểu Chris Turner, trưởng khối Dân Chủ Hạ viện (Texas) phát biểu với báo chí tại phi trường Dulles ở Washington. Ảnh chụp màn hình ti vi.

Một chuyện hy hữu cho thấy sự phân cực gay gắt trong đời sống chính trị ở Mỹ: toàn bộ các dân biểu thuộc đảng Dân Chủ trong Hạ viện tiểu bang Texas đã đồng loạt rời khỏi tiểu bang để tránh phải dự một kỳ họp sắp diễn ra để bỏ phiếu về một dự luật sửa đổi thể thức bầu cử do đảng Cộng Hòa đề nghị, cùng nhiều đề tài ưu tiên khác của đảng Cộng Hòa.

Báo The Washington Post cho biết có khoảng 50 dân biểu Dân Chủ của Hạ viện Texas đã đến thủ đô Washington hôm nay (thứ Hai 12 tháng Bảy). Cuộc “di tản chiến thuật” này làm cho kỳ họp đặc biệt của Hạ viện Texas không có đủ hai phần ba số dân biểu dự họp – túc số cần thiết để thông qua các dự luật; và làm dấy lên nghi ngờ liệu kỳ họp đặc biệt của Hạ viện, do Thống đốc tiểu bang Greg Abbott (Cộng Hòa) triệu tập, có thể diễn ra trong tuần này hay không.

Phát biểu với báo chí khi đến phi trường Dulles International của thủ đô Washington, các lãnh đạo khối Dân Chủ thiểu số trong Hạ viện Texas cho biết họ sẽ không trở về Texas trước ngày 7 tháng Tám, là ngày bế mạc kỳ họp đặc biệt kéo dài một tháng. Dân biểu Chris Turner, trưởng khối Dân Chủ Hạ viện (Texas) nói: “Chúng tôi quyết tiêu diệt dự luật này”. Ông Turner và bốn đồng viện Dân Chủ cũng đưa ra một tuyên bố cam kết sẽ gây áp lực với Quốc Hội Hoa Kỳ phải thông qua đạo luật liên bang bảo vệ quyền bỏ phiếu của cử tri. “Chúng tôi cần Quốc Hội hành động ngay bây giờ để thông qua Luật Vì Nhân Dân và Luật Quyền Bầu Cử John Lewis để bảo vệ cử tri Texas – và tất cả công dân Hoa Kỳ – khỏi cuộc chiến toàn quốc chống dân chủ từ những người Cộng Hòa của Trump”.

Luật Vì Nhân Dân, mã hiệu HR-1, là dự luật bảo đảm quyền bầu cử cho mọi cử tri Mỹ, cải tiến thủ tục bầu cử cho thuận lợi để người nghèo, người da màu có thể dễ dàng thực hiện quyền bỏ phiếu, đã được Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua nhưng việc thảo luận về dự luật bị tắc ở Thượng Viện do không đủ túc số 60 phiếu thuận. Luật Quyền Bầu cử John Lewis – mang tên Dân biểu da đen John Lewis, một nhà đấu tranh cho người da đen, vừa tạ thế năm ngoái – cũng có nội dung củng cố quyền bỏ phiếu của các nhóm thiểu số da màu.

Dù không có bằng chứng nào cho thấy cuộc bầu cử tháng Mười Một năm ngoái bị gian lận như cáo buộc của ông Donald Trump và những người thân tín của ông, các Nghị viện tiểu bang do đảng Cộng Hòa kiểm soát như Texas, Arizona, Georgia… đã nỗ lực soạn thảo và thông qua hàng trăm đạo luật sửa đổi thể thức bầu cử, giảm thời gian mở cửa phòng phiếu, giảm số địa điểm đặt thùng phiếu, tăng cường biện pháp kiểm tra nhân thân cử tri, đặt những điều kiện khó khăn cho việc bỏ phiếu khiếm diện, bỏ phiếu qua thư bưu điện v.v… Có tiểu bang truất quyền chứng nhận kết quả bầu cử của bộ trưởng nội vụ tiểu bang – một chức vụ dân cử – và chuyển quyền đó sang nghị viện tiểu bang… Đảng Dân Chủ và nhiều tổ chức xã hội dân sự lên án những đạo luật sửa đổi này, coi đó là thủ đoạn nhằm hạn chế quyền bầu cử của các cộng đồng thiểu số da màu và thu nhập thấp do đảng Cộng Hòa sợ sẽ bị thua cuộc nếu các cộng đồng này được bầu cử tự do và thuận tiện.

Tại Texas, trong một kỳ họp trước, thảo luận dự luật về bầu cử, các dân biểu Dân Chủ đã đồng loạt đứng dậy ra khỏi hội trường, làm cho việc thông qua dự luật không tiến triển được. Lần này họ đồng loạt rời khỏi tiểu bang để tránh phải dự kỳ họp đặc biệt do Thống đốc Abbott triệu tập.

Những người Cộng Hòa Texas đã nhanh chóng lên án hành động “di tản chiến thuật” của các dân biểu Dân Chủ, và hứa sẽ tiếp tục thực hiện nghị trình lập pháp của họ. Thượng Nghị Sĩ tiểu bang Charles Schwertner nói những người Dân Chủ sẽ đối mặt với sự trừng phạt cho hành động “từ bỏ” nhiệm vụ của họ ở Austin. “Họ cần quay về, Họ cần thảo luận những vấn đề rất quan trọng này ở viện của mình; họ có thể tranh cãi quyết liệt. Nhưng cuối cùng nó cần được giải quyết ở đây, ở nơi họ được bầu lên để phục vụ”. 

Chủ tịch Hạ viện Texas Dade Phelan (Cộng Hòa) hứa “sẽ dùng mọi nguồn lực có sẵn theo Hiến pháp Texas và Luật Hạ viện đã được thông qua để bảo đảm có đủ túc số” – dù không rõ ông Phelan có thể làm gì khi nhiều dân biểu Dân Chủ đã ra khỏi tiểu bang.

Thống đốc Greg Abbott cũng lên tiếng kêu gọi: “Những người Dân Chủ phải gạt sang một bên trò chơi chính trị đảng phái và quay lại làm công việc mà họ được bầu lên để làm. Cử tri không thể bị từ chối những tài nguyên quan trọng này chỉ vì các đại diện của họ không có mặt để làm việc.”

Cuộc “di tản chiến thuật” của các dân biểu Dân Chủ Texas diễn ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Joe Biden công du tới Philadelphia, nơi ông phát biểu nhấn mạnh những nỗ lực của Hành pháp bảo vệ quyền bầu cử trong lúc các nhà lãnh đạo xã hội dân sự đang lo lắng chuyện đảng Cộng Hòa trong toàn quốc đang cố thúc đẩy những đạo luật mới hạn chế quyền bầu cử và việc thông qua các đạo luật bầu cử ở liên bang bị bế tắc. Phó Tổng thống Kamala Harris được Tổng thống Biden giao trách nhiệm đứng đầu nhóm chuyên viên Tòa Bạch ốc thúc đẩy việc thông qua các đạo luật nói trên ở Quốc Hội.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: