Dù 70 tuổi nhưng “gã mập béo xấu xí” vẫn bay tốt

Một pháo đài bay B-52 của Không lực Mỹ hạ cánh xuống sân bay quân sự RAF Fairford (Anh) khi quân Nga bắt đầu rục rịch áp sát biên giới Ukraine vào giữa Tháng Hai 2022 (ảnh: Ben Birchall/PA Images via Getty Images)

Từ khi tốt nghiệp khóa huấn luyện đặc biệt trở thành phi công lái pháo đài bay B-52 vào năm 2017 đến nay, thiếu tá Andrew D. đã nhiều lần cùng kíp bay thực hiện những chuyến bay liên lục địa, từ Mỹ đến tận châu Á-Thái Bình Dương. Viên thiếu tá này là cháu nội của một người Sài Gòn vốn cũng từng là người lính năm xưa…

B-52 chuẩn bị một chiến dịch oanh tạc Việt Cộng ở chiến trường Việt Nam (Getty Images)

Bảy mươi năm về trước, ngày 15 Tháng Tư 1952, lần đầu tiên một pháo đài bay Boeing B-52 Stratofortress cất cánh. Thời gian qua nhanh, trải qua nhiều cuộc chiến, B-52 hiện vẫn còn bay tốt. Chiếc máy bay ném bom to đùng, dáng kềnh càng nặng nề, bị gán cho cái tên nghe phát ngượng là BUFF (Big Ugly Fat Fellow) vẫn tiếp tục được sử dụng trong quân đội Hoa Kỳ. Thời điểm 1952, chiếc xe bán chạy nhất Buick Roadmaster được bán với giá $3,453; ca khúc You Belong to Me Jo của Jo Stafford chiếm hạng nhất danh sách Billboard các đĩa 45rpm bán chạy nhất; và I Love Lucy là show truyền hình được người dân Mỹ ưa thích nhất. Ngày nay, xe Roadmaster đã là vật trưng trong bảo tàng; chẳng biết có ai còn nghe Jo Stafford; và có ai còn muốn xem lại I Love Lucy… nhưng Boeing B-52 Stratofortress thì vẫn cất cánh…

B-52 Stratofortress là phóng pháo cơ lớn nhất, nặng nhất và mạnh nhất được xây dựng hoàn chỉnh từ một kế hoạch chỉ khai sinh một năm trước khi Thế chiến thứ hai kết thúc. Khi ấy, sơ đồ B-52 trên bản vẽ là một máy bay với hai cánh ngang góc 45 độ so với thân, và được gắn bốn động cơ cánh quạt. Thời đó, Liên Xô cũng có pháo đài bay Tupolev Tu-95 với bốn động cơ cánh quạt (các nước phương Tây gọi chiếc này là Bear) và cũng cất cánh bay lần đầu năm 1952.

Tuy nhiên, B-52 tốt hơn hẳn vì có thể đảm nhiệm nhiều loại phi vụ mà lịch sử Không lực Hoa Kỳ (USAF) đã chứng minh. Nó có thể chở từ máy bay siêu thanh thử nghiệm X-15 đến máy bay không người lái… Góp phần quan trọng cho sự thành công B-52 là cỗ máy phản lực J57 phát triển do công ty Pratt & Whitney sản xuất. Tháng Sáu 1955, các chiếc BUFF đầu tiên bắt đầu thực hiện các phi vụ quân sự; và khi dây chuyền sản xuất siêu pháo đài bay Stratofortress được khép lại vào năm 1962 thì đã có tổng cộng 744 chiếc xuất xưởng.

Trong nhà máy sản xuất B-52 tại Wichita thập niên 1950 (Getty Images)

Hiện có 58 chiếc B-52H vẫn hoạt động. Nhiều thập niên qua, B-52 lần lượt trực thuộc các bộ chỉ huy khác nhau. Đầu tiên là Strategic Air Command (Bộ Chỉ huy Không quân Chiến lược), tức thời Chiến tranh Lạnh và Chiến tranh Việt Nam. Kế đến, sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt năm 1992 thì nó thuộc Air Combat Command (Bộ Chỉ huy Không quân Tác chiến), tức thời Chiến tranh Vùng Vịnh; Chiến tranh Afghanistan và Chiến tranh Iraq. Và từ năm 2010 đến nay thì trực thuộc Air Force Global Strike Command (Bộ Chỉ huy không kích toàn cầu).

B-52 đã trải qua nhiều lần cải tiến, hiện đại hóa cho phù hợp với nhu cầu tác chiến thời mới. Những chiếc BUFF còn lại hiện nay khác hẳn những chiếc từng rải thảm bom dọc Đường mòn Hồ Chí Minh và các mặt trận nóng bỏng khác… Tại sao B-52 vẫn được sử dụng? Vì chi phí khai thác B-52 vẫn thấp hơn chi phí khai thác B-1 Lancer của hãng Rockwell và B-2 Spirit của hãng Northrop Grumman.

Không chỉ là oanh tạc cơ, B-52 còn được dùng để phóng máy bay hỏa tiễn X-15 (rocket plane) – ảnh: Dean Conger/Corbis via Getty Images

Nếu ông lão 70 đến tuổi cần được giải phẫu cườm mắt, thay xương đùi… thì B-52 cũng đã được lắp động cơ mạnh hơn, hệ thống điều khiển tối tân hơn… và từ năm 2021 nó có thêm tấm màn che… ô vệ sinh cá nhân. Sự bổ sung này phát sinh từ nhu cầu thực tế rằng ngày càng có nhiều phụ nữ Mỹ trẻ trở thành phi công BUFF. Năm 2021, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết họ đã dành cho Rolls-Royce Corporation ở Indianapolis, bang Indiana một hợp đồng $2.6 tỷ để sản xuất 608 động cơ mới, cải tiến từ loại động cơ hiện đại dùng cho các máy bay dân dụng. Động cơ mới Rolls-Royce F130 sẽ được trang bị cho các chiếc B-52H, tức dòng cải tiến gần đây nhất, thay cho động cơ TF33-PW-103 vốn được trang bị cho các chiếc B-52 từ những năm 1960. Dự kiến từ năm 2050, những “gã béo mập xấu xí” mới bắt đầu về hưu. Khi ấy, một lớp phi công trẻ hơn Đại úy Andrew D. cũng đã cầm lái B-52 ít nhất 7-8 năm.

Hỏa tiễn hành trình AGM-109 Tomahawk được phóng từ B-52 Stratofortress (ảnh: HUM Images/Universal Images Group via Getty Images)

SỰ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT VÀ CẢI TIẾN B-52

(Theo cuốn B-52 Stratofortress – The Complete History of the World’s Longest Serving and Best-Known Bomber của Bill Yenne, bản tái bản năm 2018)

*X/YB-52: 2 chiếc

*B-52A: 3 chiếc

*B-52B: 50 chiếc

*B-52C: 35 chiếc

*B-52D: 101 chiếc sản xuất tại nhà máy Boeing ở Seattle và 60 chiếc sản xuất tại nhà máy Boeing ở Wichita

*B-52E: 42 chiếc (nhà máy Seattle) và 58 chiếc (nhà máy Wichita)

*B52F: 44 chiếc (nhà máy Seattle) và 45 chiếc (nhà máy Wichita)

*B-52G: 193 chiếc (nhà máy Wichita)

*B-52H: 102 chiếc (nhà máy Wichita)

NHIỆM VỤ TẠI CHIẾN TRƯỜNG VIỆT NAM

*Phi vụ đầu tiên của chiến dịch Arc Light được thực hiện với 27 chiếc B-52D đậu ở căn cứ không quân Anderson AFB trên đảo Guam, thuộc hai Không đoàn Oanh tạc 7 và 320. Mục tiêu là nơi đóng quân của bốn tiểu đoàn VC tại Bến Cát.

*Phi vụ B-52 cuối cùng trong chiến dịch Linebaker II ở Bắc Việt kết thúc lúc 17 phút trước nửa đêm 29 Tháng Mười Hai 1972.

*Phi vụ B-52 cuối cùng của chiến dịch Arc Light (phía dưới vĩ tuyến 20) được thực hiện đúng ngày Hiệp định Hòa bình được ký tại Paris, 27 Tháng Một 1973.

*Phi vụ B-52 cuối cùng ở chiến trường Đông Dương kết thúc tại Lào vào giữa Tháng Tư 1973; tại Campuchia ngày 15 Tháng Tám 1973.

___________________

Oanh tạc cơ B-52 – 70 năm vẫn “chạy” tốt!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: