Giá tăng, dân Mỹ né hàng hiệu, mua hàng bình dân

Lạm phát tăng nhanh, giá cả hàng hóa leo thang đang làm thay đổi thói quen mua sắm tiêu dùng của người Mỹ
Giá thực phẩm thiết yếu đã tăng hơn 6%, khiến nhiều gia đình phải giảm mua hoặc mua thực phẩm giá rẻ ở các cửa hàng giảm giá – Minh họa: gemma/Unsplash

Morgan Moore là một người thiết kế đồ họa làm việc tự do ở Gilmer, Texas. Gần đây, hóa đơn mua hàng tạp hóa của cô lên quá cao khiến cô phải né các nhãn hiệu quen thuộc và chuyển sang mua hàng hóa hiệu Great Value – nhãn hàng bình dân của tập đoàn Walmart. Trong lần đi chợ mới đây, cô muốn mua thịt heo xông khói (bacon) nhưng đành quay mặt đi bởi vì nó quá đắt. Giá bacon đã tăng 2.3% trong Tháng Mười Một và tăng 17.8% so với cùng kỳ năm ngoái. Giờ đây, Moore đi tới các tiệm Dollar Tree nhiều hơn để mua thịt chế biến sẵn, sữa và trứng. Cô thấy “giá hàng ở đó rẻ hơn một chút, nhưng không rẻ tới mức tôi muốn”.

Giá hàng hóa tăng cao đang gây áp lực lên ngân sách tiêu dùng của người Mỹ, buộc họ phải thay đổi thói quen mua thực phẩm và hàng hóa thiết yếu. Tháng trước, giá hàng tạp hóa tăng 6.4% so với năm ngoái, mức tăng cao nhất trong hơn một thập niên qua.  So với cùng kỳ năm trước, giá năng lượng (xăng dầu, điện, khí đốt) tăng 33%, giá thực phẩm tăng 6%, còn giá xe hơi và xe tải đã sử dụng tăng tới 31%.

Một số người tiêu dùng ứng phó bằng cách giảm số lượng hàng hóa mua ở các cửa tiệm và chuyển sang các cửa tiệm có giá rẻ hơn như Dollar Tree. Ông Matt Larson, một giáo viên ở Salt Lake City, tiểu bang Utah, cho biết bây giờ ông mua thịt bò xay mỗi tháng một lần thay vì mua hằng tuần như trước; ông cũng giảm bớt việc mua sữa. Giá thịt bò xay đã tăng 0.9% trong Tháng Mười Một, và cao hơn 13.9% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá sữa cũng tăng tương ứng ở mức 0.9% và 4.5%.

Theo dữ kiện từ cuộc khảo sát hồi Tháng Chín của công ty nghiên cứu thị trường Numerator thực hiện với 14,000 người tiêu dùng, có 20% người cho biết họ sẽ chuyển sang mua hàng của các nhãn hiệu giá rẻ, 17% nói họ đang đổi “chợ”, nhắm đến những nơi có hàng hóa giá rẻ hoặc giảm giá, 10% nói họ sẽ bớt đi chợ và chỉ có 11% cho biết họ vẫn giữ nguyên thói quen mua sắm từ trước đến nay.

Giá tăng làm cho lượng hàng hóa bán ra bị sụt giảm. Theo dữ liệu của công ty IRI, chuyên thu thập số liệu từ các máy tính tiền ở các siêu thị, cửa hàng bán sỉ và các kênh mua sắm khác, trong bốn tuần lễ cuối của Tháng Mười Một, cứ 100 mặt hàng thực phẩm thì có 78 mặt hàng giảm số lượng bán ra. Giá cao có xu hướng dẫn tới sụt giảm doanh số. Sức mua giảm mạnh nhất ở các mặt hàng thiết yếu như thịt, sữa, trứng, ngũ cốc, kem ăn, bánh mì, hải sản và rượu vang. 

Áp lực lên ngân sách gia đình có phần được giảm nhẹ nhờ những khoản tiền trợ cấp cho trẻ em mà chính quyền liên bang mới ban hành và nhờ những bữa ăn trưa miễn phí cho học sinh. Mặc dù nhiều gia đình được hưởng lợi nhờ tăng lương, nhờ tiền trợ cấp của chính phủ trong thời gian dịch bệnh, nhờ chương trình hỗ trợ thực phẩm (food stamp) được mở rộng nhưng vẫn có nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát làm thay đổi thói quen mua sắm của người Mỹ: Thay vì mua “hàng hiệu” của các công ty có tên tuổi trên thị trường nhưng giá cao, người ta nhắm đến sản phẩm của những công ty không nổi tiếng nhưng có giá vừa phải. Các nhãn hàng riêng, giá bình dân của các chuỗi siêu thị như nhãn hàng Great Value, Mainstay của Walmart, Kirkland của Costco… đang bắt đầu được ưa chuộng.

Giám đốc tài chính chuỗi siêu thị Costco Richard Galanti nhận xét, lạm phát “đã giúp chút ít cho Costco vì chuỗi siêu thị này có chính sách giảm giá đều đặn”. Tổng quản trị của Dollar Tree – chuỗi cửa hàng chuyên bán đồng giá $1 mỗi món hàng, nói rằng khách hàng “đang cảm nhận sức ép lạm phát”. “Và tôi cho rằng, đây là lúc khách hàng dựa nhiều vào các mặt hàng có giá rẻ”. Dollar Tree mới đây đã thông báo thay đổi giá biểu, nâng giá các món hàng từ $1 lên $1.25 theo đà lạm phát.

Nhiều chuyên gia cho rằng giá cả tăng và nguồn cung cấp hàng hóa bị gián đoạn “sẽ có tác động đến cách khách hàng chọn lựa và mua sắm hàng hóa”. Điều đó sẽ có lợi cho các công ty bán lẻ chuyên về các mặt hàng giá rẻ và gây khó khăn cho các nhãn hàng, các thương hiệu xưa nay vẫn được coi là hàng cao cấp, giá cao.

Để ngăn chặn đà lạm phát, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp chính sách tiền tệ hai ngày Thứ Ba và Thứ Tư vừa qua đã quyết định chấm dứt việc tung tiền mua trái phiếu kho bạc (T-bond) từ Tháng Ba 2022 và sẽ tăng lãi suất căn bản ba lần trong năm 2022. 

(tham khảo CNN)

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: