Giải quyết nạn vô gia cư, chuyện không của riêng ai

Những người vô gia cư đi dưới mưa trên đường phố ở Los Angeles hồi Tháng Mười, 2021. (ảnh: Nick UT/Getty Images)

“Ai cũng có thể trở thành ngươi vô gia cư, cả bạn và cả tôi. Và tôi tin rằng câu chuyện người vô gia cư không phải của cá nhân ai mà là của cả cộng đồng,” Mary Scott, một trong các diễn giả của cuộc họp trực tuyến do Tổ chức Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) tổ chức cuối tuần qua, nói.

‘Functional zero’

Lý do EMS mời các diễn giả nói về tình trạng vô gia cư, vì đây là một trong những mối quan tâm hàng đầu của hầu hết các thành phố trên khắp cả nước. Đây cũng là dịp để đại diện ba thành phố đạt được thành tựu đáng kể trong việc giải quyết “cuộc khủng hoảng vô gia cư” chia sẻ kinh nghiệm, là Bakersfield, California; Columbus, Ohio, và Houston, Texas.

Mary Scott – diễn giả đầu tiên, là Trưởng nhóm Điều hành của Open Door Network (trước đây là Trung tâm Vô gia cư Bakersfield và Liên minh Chống Bạo lực Gia đình và Tấn công Tình dục.)

Trong nhiệm kỳ của mình, Scott chịu trách nhiệm thiết kế chương trình và phát triển các chương trình quản lý trường hợp chăm sóc sau và mở rộng các chương trình nhà ở của The Open Door Network. Cô đã tham gia vào các Ủy ban hợp tác cho người vô gia cư khu vực Bakersfield của Kern County trong vòng tám năm qua, hợp tác với các tổ chức cộng đồng đang làm việc với người vô gia cư. Mary Scott được công nhận là Nhà lãnh đạo Da đen trong phong trào chấm dứt tình trạng vô gia cư ở Kern County.

Hàng trên từ trái: Mary Scott, Ana Rausch. Hàng dưới từ trái: Matthew Lewis, Marcus J. Salter. (ảnh chụp qua màn hình Zoom)

Là người có tới 17 năm làm công việc liên quan đến người vô gia cư, Scott cho rằng, bất cứ ai cũng có thể rơi vào tình trạng vô gia cư. “Nếu không có công ăn việc làm, mất thu nhập, không có người hỗ trợ, bạn trở thành người vô gia cư như chơi,” Scott nói.

Tùy nhu cầu của từng nhóm người, Open Door Network chia thành năm nhóm để tiện việc giúp đỡ, gồm: Người khuyết tật, cựu quân nhân, thanh thiếu niên, người lớn tuổi và gia đình vô gia cư. Cách mà Bakersfield giúp người vô gia cư có chỗ ở là hợp tác với cơ quan gia cư của thành phố để biến các nhà trọ cũ thành chỗ ở dài hạn cho họ. Ngoài ra, thành phố này cũng làm việc với nhiều chủ nhà để họ cho người vô gia cư thuê nhà.

Nói về Kern County, nổi tiếng là vùng nông nghiệp, trồng trọt và khai thác dầu mỏ. Bakersfield là thành phố lớn nhất của quận hạt này. Kern County từng có hơn 1,600 người vô gia cư, không nghề nghiệp và thiếu nhà ở một cách trầm trọng. Nhưng từ Tháng Giêng 2020, nạn vô gia cư ở Bakersfield đạt được trạng thái “functional zero”, mà theo giải thích của Scott là trong cộng đồng luôn luôn có ít hơn ba người không nhà.

Một trong những buổi thăm, tặng quà, cắt tóc cho người vô gia cư của một nhóm thiện nguyện viên hoạt động độc lập ở Little Saigon. (ảnh: Trang Nguyên/SGN)

Thiếu nhà, bài toán khó giải

Marcus J. Salter, chuyên gia làm việc tại cơ quan chuyên về ổn định gia cư trong cộng đồng ở Ohio. Năm 2018, Columbus giải quyết nhà ở cho cư dân rất thành công, đạt tỷ lệ 70%. Ông có nhiều kinh nghiệm liên quan đến người vô gia cư, từng là trưởng nhóm tại Access Ohio có nhiệm vụ hỗ trợ việc thực hiện Chương trình Điều hướng mới được triển khai vào ngày 1 Tháng Mười 2014 – trong toàn bộ hệ thống dành cho người vô gia cư ở Columbus, Ohio. Chương trình này tạo cơ hội tác động tích cực đến cuộc sống của những cá nhân trải qua tình trạng không nơi cư ngụ đưa họ vào sống ở khu nhà ở giá cả phải chăng.

Theo ông Salter, cách mà Columbus giúp người vô gia cư có chỗ ở là tạo ra mạng lưới ngăn chặn tình trạng vô gia cư. Mạng lưới này là sự hợp tác của các cơ quan gia cư, cơ quan y tế tâm thần và những mạnh thường quân có khả năng giúp đỡ. Bất cứ ai và gia đình nào cũng có thể tự báo cáo mình là người vô gia cư để được giúp đỡ. Salter cũng cho rằng giáo dục đóng một phần quan trọng để tránh tình trạng vô gia cư. Theo ông, làm sao để người ta đừng bị mất nhà. Đồng thời phải xây dựng thêm nhiều nhà, để kịp thời có chỗ cho những người sa cơ thất thế.

Có những người vô gia cư không phải vì họ làm biếng, mà do thiên tai. Trong hình, bà Sophie Stevens băng qua đường cao tốc 10 ở Metairie, LA với một chiếc xe đẩy hàng chứa một ít thức ăn và nước uống. Bà mất hết tất cả từ sau cơn bão Katrina – thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. (ảnh: Craig F. Walker/ Getty Images)

Vấn đề là nhà đâu để bố trí người vô gia cư? Câu chuyện đau đầu này được diễn giả Matthew Lewis, đề cập. Matthew Lewis là Giám đốc Truyền thông tại California YIMBY – một tổ chức phi lợi nhuận nhắm vào mục tiêu chấm dứt tình trạng thiếu nhà ở trên toàn tiểu bang California. Lewis công nhận thiếu nhà ở là một trở ngại lớn mà thành phố lớn nào ở Hoa Kỳ cũng gặp phải. Ngay cả cư dân của thành phố thiếu nhà, thì làm sao đủ nhà cho người vô gia cư. Đó là lý do mà California YIMBY luôn tìm cách để giải quyết tình trạng thiếu nhà ở “tiểu bang vàng” này.

Lewis đưa ra số liệu, ở Houston, từ năm 1990 đến 2007, chỉ có 9/1,000 cư dân nhận được giấy phép nhà ở; ở Los Angeles tệ hơn, chỉ có một người; New York có khoảng hai người. Tình trạng này không khá hơn trong thập niên từ 2008 đến 2018, kể cả ở những thành phố có nhiều người được cấp giấy phép xây dựng hơn Houston, Los Angeles, con số cũng đang giảm, nghĩa là nhà thiếu vẫn thiếu.

Chuyện không của riêng ai

Cách đây đúng một năm, Ana Rausch tiếp cận với nhóm người vô gia cư ở một bãi đậu xe ở phía Tây Bắc của Houston. Cô biết đường hầm của cao tốc gần đó là nơi một số ít người sống trong những chiếc lều và những tấm bìa cứng. Với tư cách là Phó Chủ tịch Điều hành Chương trình tại The Coalition for the Homeless, Houston, Rausch nhanh chóng tiếp cận với mục đích phải giải tán nhóm người này, đưa họ vào nơi ở ổn định.

“Ban đầu, người ta nghĩ giải tỏa khu vực này chắc cũng giống như những lần giải tỏa ở các thành phố như Los Angeles và Austin – nơi số lượng người vô gia cư đang tăng vọt cùng với sự ‘bó tay’ của chính quyền,” Rausch nói. Nhưng trong hơn một tháng, Rausch và các đồng nghiệp phối hợp với các quan chức của Harris County, cũng như với văn phòng thị trưởng và các chủ nhà địa phương.

Nhóm của cô chia nhau đến gặp và nói chuyện với những người vô gia cư. Kết quả là bây giờ, khi những chiếc lều của họ vừa dỡ bỏ, thì họ được chuyển thẳng vào căn hộ một phòng, đẹp và khang trang. Có người ở một năm, một số khác ở lâu hơn. Nhiều người sau đó chia tay với nơi được gọi là “ngôi nhà” chứ không phải “nơi ở tạm” tại các shelter.

Những chiếc lều của người vô gia cư trên vỉa hè đường phố ở Los Angeles hồi Tháng Mười, 2021. (ảnh: Nick UT/Getty Images)

Trong thập niên qua, Houston, thành phố đông dân thứ tư của quốc gia, đã chuyển hơn 25,000 người vô gia cư đến trực tiếp các căn hộ và nhà ở. Số người bị coi là vô gia cư ở vùng Houston đã giảm 63% kể từ năm 2011, theo số liệu mới nhất từ ​​các quan chức địa phương.

“Chúng tôi có mặt không phải để giải quyết vấn đề đói nghèo. Chúng tôi không ở đây để giải quyết vấn đề nhà ở giá cả phải chăng”, Rausch đặt vấn đề. Theo Rausch, cứ 14 người Mỹ thì có một người trải qua tình trạng vô gia cư tại một thời điểm nào đó. Xóa bỏ tình trạng vô gia cư sẽ bao gồm việc giải quyết nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống, tái thiết sức khỏe tâm thần của quốc gia, hệ thống hỗ trợ gia đình và giảm lạm dụng chất kích thích, tăng lương, mở rộng chương trình nhà ở liên bang và xây dựng thêm hàng triệu ngôi nhà được trợ cấp cho người có nhu cầu.

Một nhóm trong cộng đồng người Việt ở Little Saigon, California chuẩn bị cho quần áo, các vận dụng cần thiết, tập vở và bút vào ba lô để đem tặng người vô gia cư (ảnh: Kieudiem cung cấp)

Ngoài ra, ở Houston cũng từng bị hành vì “thủ tục hành chính”. Mười năm trước, có những người vô gia cư là cựu chiến binh – nhóm người được chính phủ liên bang hỗ trợ, phải đợi 720 ngày và phải thực hiện 76 bước “quan liêu” để từ người không nhà không cửa được sắp xếp vào nơi ở ổn định. Hiện nay với sự hỗ trợ của các cố vấn dịch vụ xã hội, một quy trình được sắp xếp hợp lý hơn, thời gian chờ đợi để có nhà ở là 32 ngày.

Kinh nghiệm của Bakersfield, theo Mary Scott, giải quyết nạn vô gia cư cần sự “hợp đồng tác chiến” của nhiều cơ quan, nhiều hội đoàn, của cả một tập thể. “Đây không phải là vấn đề của cá nhân, mà là vấn nạn của một cộng đồng,” Scott nói. Đồng tình với quan điểm này, Rausch cho rằng vô gia cư không phải là chuyện của riêng ai, nên muốn giải quyết phải có kế hoạch và cùng nhau thực hiện.

Đọc thêm:

-California nhức đầu với vấn đề người vô gia cư

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: