Hạ Viện thông qua luật kiểm soát súng, không chắc qua được Thượng Viện

“Đừng ngoảnh mặt” là khẩu hiệu mà các nhà hoạt động chống bạo lực súng đạn trưng lên trong cuộc biểu tình tại thủ đô Washington hôm nay 8 tháng Sáu, trước lúc Quốc Hội bỏ phiếu về luật an toàn súng đạn, để thúc giục các nghị sĩ phải hành động. Trong ảnh bà bà Đô trưởng thủ đô Washington, Muriel Browser, phát biểu với người biểu tình. Ảnh Yasin Ozturk/Anadolu Agency via Getty Images.

Một cuộc điều trần đầy nước mắt tại Quốc Hội Hoa Kỳ sáng nay thứ Tư 8 tháng Sáu 2022 đã không làm động lòng các vị dân cử trước cuộc thảo luận và bỏ phiếu về một dự luật kiểm soát súng đạn. Dù dự luật “Luật Bảo Vệ Trẻ Em Chúng Ta” (Protecting Our Kids Act) được Hạ Viện thông qua với số phiếu 223/204, theo lằn ranh đảng phái, nhưng chắc chắn nó sẽ không thể qua cửa Thượng Viện, nơi vẫn đang bàn thảo một dự luật “khiêm tốn” hơn và đối lập đảng phái gay gắt khiến không đạo luật nào có đủ túc số 60/40 để biến thành luật.

Những tiếng khóc trong nghị trường

Trước buổi bỏ phiếu, Ủy ban Giám sát Hạ viện (House Oversight Committee) đã mời một số nạn nhân và nhân chứng trực tiếp của hai vụ thảm sát gần đây nhất – ở trường tiểu học Robb, thị trấn Uvalde, Texas và ở siêu thị Tops, thành phố Buffalo, New York – ra điều trần.

Bà Kimberly Rubio, có con gái 10 tuổi là Lexi bị giết trong vụ xả súng hàng loạt tại trường tiểu học Robb ở Uvalde, Texas đã trình bày nỗi đau đớn vô cùng của mình để cầu xin các thành viên Quốc Hội ban hành luật kiểm soát súng. “Chúng tôi cần luật cấm súng trường tấn công và băng đạn lớn,” bà Rubio nói, giọng bà run lên khi kể lại lần cuối cùng bà nhìn thấy con gái và những giây phút kinh hoàng khi biết Lexi đã chết. “Chúng tôi hiểu vì một lý do nào đó mà một số người – những người có tiền, với những người tài trợ cho các chiến dịch chính trị – nghĩ rằng súng quan trọng hơn trẻ em. Nhưng tại thời điểm này, chúng tôi yêu cầu phải tiến tới”. Lời cầu xin đầy xúc động của bà Rubio vang lên khi chồng bà ngồi lặng lẽ khóc bên cạnh.

Cha mẹ của Lexi có sự đồng cảm của tiến sĩ Roy Guerrero, bác sĩ nhi khoa duy nhất ở thị trấn nhỏ Uvalde và một cựu học sinh của trường tiểu học Robb. Bác sĩ Guerro đã làm chứng bằng những hình ảnh chi tiết khủng khiếp về những cơ thể trẻ em bị nghiền nát bởi những viên đạn có sức công phá lớn của khẩu AR-15 mà hung thủ sử dụng trong vụ thảm sát các học sinh lớp 4. Ông lên án các nhà lập pháp đã không hành động khi đối mặt với làn sóng bạo lực súng đạn đang gia tăng ở Mỹ.

Miah Cerrillo, 11 tuổi, học sinh lớp 4 trường tiểu học Robb sống sót sau cuộc tàn sát tại bằng cách bôi máu của một người bạn cùng lớp lên mặt mình và giả vờ như đã chết, đã kể lại khoảnh khắc kinh khủng đó trong một video được cha của Miah đưa tới buổi điều trần vì bé quá đau đớn không thể trực tiếp xuất hiện. “Anh ta đã bắn bạn bên cạnh tôi. Và tôi nghĩ anh ta sẽ quay trở lại”, cô bé nói về tay súng đã giết chết 19 học sinh và hai giáo viên của trường, nói một cách nhẹ nhàng và ít biểu lộ cảm xúc. Cha của Miah đã rời phòng điều trần trong nước mắt.

Tưởng niệm các nạn nhân nhỏ tuổi của vụ thảm sát bằng súng tại trường Robb Elementary School ở Uvalde, Texas Ảnh Michael M. Santiago/Getty Images

Cần phải hành động

Lời khai đầy xúc động của các nạn nhân và nhân chứng diễn ra chỉ vài giờ trước khi Hạ Viện bắt đầu ​​bỏ phiếu về một dự luật kiểm soát súng, bao gồm các biện pháp như cấm bán súng trường bán tự động cho những người dưới 21 tuổi, và cấm bán các băng đạn chứa hơn 10 viên đạn… Tuy nhiên, các nhà quan sát đều cho rằng, những nỗ lực này sẽ không đi đến đâu trong Thượng Viện mà số ghế được chia đều cho hai đảng và không thể hội đủ túc số 60 phiếu thuận để được thông qua vì phe đối lập thuộc đảng Cộng Hòa vẫn cương quyết chống lại mọi dự luật kiểm soát súng đạn.

Các thành viên đảng Dân Chủ hy vọng những câu chuyện từ những nạn nhân và nhân chứng trực tiếp về chấn thương của bạo lực súng đạn sẽ khiến công chúng và các nhà lập pháp phải chú ý đến thực tế nguy hiểm hiện nay và gia tăng áp lực lên những người Cộng Hòa phản đối các biện pháp kiểm soát súng để làm điều gì đó.

“Không thường dân nào cần có súng trường tấn công và Tu chính án thứ Hai không bảo vệ quyền sở hữu vũ khí chiến tranh,” Dân biểu Carolyn Maloney (Dân Chủ-New York) và là Chủ tịch Ủy ban Giám sát của Hạ Viện, cho biết. “Đã đến lúc chúng ta phải cấm súng trường tấn công trên đường phố và nhà của chúng ta.”

Bà Zeneta Everhart, có con trai là Zaire bị thương trong vụ tấn công xả súng vì phân biệt chủng tộc ở Buffalo, New York 10 ngày trước thảm kịch Uvalde, cho biết các nhà lập pháp nào tiếp tục không làm gì để giải quyết tình trạng xả súng hàng loạt thì nên bị bỏ phiếu miễn nhiệm.

Nhưng các thành viên đảng Cộng Hòa trong phòng họp không hề tỏ ra xúc động trước những lời chứng thực và yêu cầu hành động.

Dân biểu Andrew Clyde, (Cộng Hòa – Georgia) nói: “Những việc làm xấu xa không thể vượt qua quyền hiến pháp”. Ông này cho rằng các biển báo cấm súng trong khu vực trường học là một phần của vấn đề và giải pháp là phải củng cố (hardening) các trường học.

Dân biểu James Comer (Cộng Hòa-Kentucky), đảng viên Cộng hòa hàng đầu của ủy ban, đã cảnh báo trong một tuyên bố mở đầu buổi điều trần rằng các “phản ứng mạnh” như đưa ra luật súng mạnh hơn không phải là câu trả lời. Thay vào đó, ông cho rằng vấn đề là những kẻ mềm mỏng với tội phạm và ủng hộ việc giảm tài trợ cho cảnh sát.

Nhiều cuộc biểu tình phản đối bạo lực súng đạn, đòi phải có luật kiểm soát súng đã nổ ra khắp nước Mỹ những ngày gần đây. Ảnh một cuộc biểu tình ở Fairfax, Virginia, ngày 25 Tháng Năm 2022 (ảnh: Kevin Dietsch/Getty Images)

Theo lằn ranh đảng phái

Sang phần bỏ phiếu, Hạ Viện đã trình ra một dự thảo luật gồm có bảy điều khoản chính; trong đó đề ra các biện pháp bảo đảm an toàn súng đạn như nâng tuổi hợp pháp để được mua súng bán tự động và súng săn từ 18 lên 21 tuổi; buộc những người có súng phải cất giữ súng an toàn không cho trẻ em tiếp cận; kết án ít nhất năm năm tù nếu một em bé dùng súng không an toàn giết chết hoặc làm bị thương người khác; quy định mua giúp súng cho người khác, buôn bán súng bất hợp pháp là tội hình liên bang; cấm những tiệm bán súng hợp pháp bán ra loại băng đạn chứa được 15 viên trở lên; cấm mua bán và sử dụng bump-stock, một phụ tùng làm cho súng bán tự động có thể bắn nhanh như súng tự động v.v…

Những biện pháp đề ra trong dự luật được hầu hết các dân biểu Dân Chủ ủng hộ nhưng bị các dân biểu Cộng Hòa phản đối. Lập luận quen thuộc của phe Cộng Hòa là dự luật sẽ tước đoạt quyền hiến định của người Mỹ được mang vũ khí, khả năng dùng súng để tự vệ và dự luật không ngăn chặn được tội phạm. 

Lãnh đạo Dân Chủ ở Hạ Viện yêu cầu các dân biểu bỏ phiếu cho từng điều khoản trong bảy điều khoản kể trên trước khi bỏ phiếu Yes (đồng ý) hoặc Nay (không đồng ý) cho toàn dự luật, dụng ý là để các dân biểu phải bộc lộ thái độ của họ đối với từng biện pháp. Ví dụ, ở điều một – nâng tuổi mua súng từ 18 lên 21 – có 9 dân biểu Cộng Hòa ủng hộ, 2 dân biểu Dân Chủ phản đối; ở điều 5 – cấm mua bán và sử dụng bump-stock – tất cả các dân biểu Dân Chủ và 13 dân biểu Cộng Hòa ủng hộ; điều khoản cấm băng đạn chứa được từ 15 viên đạn trở lên có 4 dân biểu Dân Chủ chống và 4 dân biểu Cộng Hòa ủng hộ – đều là những dân biểu Cộng Hòa sắp về hưu vào cuối năm nay.

Tại Thượng Viện, một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng đang soạn thảo một dự luật khác, có những điều khoản khiêm tốn hơn, tập trung vào việc bảo đảm an ninh cho trường học, ủng hộ luật Cờ Đỏ (Red-Flag) của các tiểu bang, theo đó cảnh sát có quyền tịch thu súng của những người bị tòa án cho là có thể gây hại cho bản thân hoặc cho người khác, thêm điều kiện kiểm tra lý lịch trẻ vị thành niên vào hồ sơ người mua súng và yêu cầu giữ súng ngoài tầm tay của những kẻ có khả năng gây nguy hiểm…

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: