Sau 17 năm tân tạo và trùng tu, Ngũ Giác Đài (NGĐ) đã có bộ mặt mới, từ mùa Hè 2011. Hiện “Di sản NGĐ” chỉ còn trong ký ức. Ngoài mặt tiền bằng bê tông và đá vôi, rất ít những gì còn sót lại của kiến trúc xây dựng ban đầu.
May là vào phút cuối cùng, chính phủ Mỹ đã quyết định giữ lại khu vực 1,600 feet vuông “di tích cũ” để du khách có thể chiêm ngưỡng thiết kế NGĐ của thời kỳ Thế chiến II. “Dự án tân tạo hoàn thành trước thời biểu và dưới kinh phí dự trù,” Sajeel Ahmed, Giám đốc dự án tân tạo NGĐ nói. “Khi sứ mệnh của nước Mỹ đã thay đổi và nhiều cuộc chiến tranh diễn ra, việc trùng tu vẫn tiếp tục trên đôi chân của nó”.

17 tháng xây dựng, 17 năm tân tạo
Sau 17 năm, việc tân tạo và trùng tu NGĐ cuối cùng cũng hoàn tất với tổng kinh phí được khép lại: $4.5 tỷ. Dù việc xây dựng tòa nhà chỉ mất 17 tháng trong Chiến tranh Thế giới lần thứ II, nhưng dự án tân tạo và trùng tu này lại kéo dài, dây dưa và tốn kém nhất trong lịch sử xây dựng của nước Mỹ.
Hệ quả là những phần được giữ lại của tòa nhà đầu tiên đã lão hóa. Việc tân tạo kéo dài nên nhiều trang thiết bị lạc hậu theo thời gian phải nâng cấp, kể cả chuông báo cháy, hệ thống điện và cơ khí. Tuy nhiên, việc tân tạo một diện tích rộng 28 acres được xem là thành công trong công nghiệp xây dựng. Thành công đến nỗi một số kỹ thuật thiết kế xây dựng của NGĐ đã được các dự án liên bang khác sử dụng, trong đó có việc xây dựng lại hệ thống đê biển của lực lượng Công binh Mỹ ở New Orleans và xây dựng cơ sở nghiên cứu cho Phòng thí nghiệm Năng lượng tái tạo Quốc gia (NREL) ở bang Colorado.
Tại sao việc tân tạo NGĐ lại kéo dài quá lâu? Lee Evey, phụ trách ban giám sát công trình trong thời hạn năm năm lúc xảy ra thảm kịch 11 Tháng Chín, 2001 (9/11) có câu trả lời: “Chúng tôi chia tòa nhà ra từng khu (một khu là một cạnh trong ngũ giác), hiện đại hóa từng khu, trong khi 20,000 người vẫn liên tục làm việc bên trong”. Không di tản toàn bộ nhân viên NGĐ và các thiết bị mà chỉ di tản từng phần là nguyên nhân chính khiến của công việc kéo dài. Mỗi khu được tháo gỡ đến các cột bê tông và làm mới từ sàn đến trần theo kiểu cuốn chiếu. Bộ Quốc phòng (DOD) vẫn làm việc 24 giờ/ngày, 365 ngày một năm, không ngơi nghỉ.
Được xây dựng từ kỷ nguyên còn dùng máy đánh chữ gõ lóc cóc nay bước sang thời đại của máy vi tính, NGĐ phải được đổi mới lại sao cho đáp ứng được các yêu cầu của công nghệ thông tin và thông tin liên lạc thời hiện đại.
Cuộc tấn công 11 Tháng Chín đã làm lộ ra các thiếu sót về an toàn, nên một số thay đổi cần được bổ sung. Các công nhân lắp đặt khoảng 117 dặm vỏ bọc để mang dây nhợ chạy khắp tòa nhà. “Giống như bạn chuyển từ một kênh truyền hình đen trắng sang kênh truyền hình mầu mà không bỏ sót một chương trình ưa thích nào trong thời gian chuyển đổi” – Evey ví von. Các lão làng NGĐ quen dùng loại cầu thang chật chội của tòa nhà cũ đã thật phấn chấn trước những chiếc thang máy mới có thể vận chuyển được 70 người một lúc với tốc độ cao. Các cafeteria cổ điển và nhà bếp (với những chiếc nồi lớn bằng xe hơi Volkswagen) không còn nữa mà thay thế là những “atrium of terrazzo” hai tầng thông thoáng làm bằng thép không rỉ và kính. Quầy ăn đứng “hot dog” ở khu vườn trung tâm được tân trang thành Center Court Cafe, mà thực đơn có các món mới như panini và quesadilla.

Đón đầu công nghệ trong 50 năm
Theo khẩu hiệu của dự án tân tạo và trùng tu thì “NGĐ được thiết kế và xây dựng sao cho không lạc hậu trong 50 năm tới”, nhưng ai có thể biết được công nghệ sẽ tiến bộ nhanh thế nào để bảo đảm mục tiêu này sẽ đứng vững? Ở đỉnh cao của việc trùng tu, tức là khi khởi động “Dự án Phoenix” sau vụ tấn công khủng bố 9/11, có hơn 3,500 công nhân làm việc tại hiện trường. Tính bình quân, khoảng 15,000 công nhân tham gia xây dựng NGĐ trong 17 năm. Nay chỉ còn lại một nhóm nhỏ hoàn thiện vài công việc lặt vặt và kết toán sổ sách. Các nhà thầu và công nhân tham gia xây dựng đã được tôn vinh trong một buổi lễ xúc động.
Nhưng lễ cắt băng khánh thành sẽ diễn ra vào mùa Hè. “Tâm trạng vui buồn lẫn lộn. Vui vì đã hoàn thành xong một công trình tầm cỡ sau những năm tháng miệt mài, và buồn là sự chia tay của những người tham gia” – Mike Daigler, lãnh đạo một nhóm xây dựng và có mặt từ lúc ban đầu nói. Việc tân tạo và trùng tu NGĐ kết thúc một cách lặng lẽ đến nỗi nhiều nhân viên làm việc ở đây không biết điều này. “Đến khi các nhân viên di tản cuối cùng trở lại phòng làm việc cũ của họ vào cuối Tháng Tư, vẫn còn có người không biết. Hiếm có công trình lớn nào kết thúc công việc lặng lẽ như NGĐ” – Ahmed nói.
Bên trong Trung tâm các Hoạt động Khẩn cấp (IEOC) của NGĐ vào một buổi sáng gần đây, các nhân viên ngồi tại bàn kiểm tra hệ thống cảm biến giám sát tòa nhà và những vùng phụ cận xem có dấu hiệu nào về một vụ tấn công hóa chất, sinh học hay phóng xạ đang diễn ra hay không. Dãy màn hình trên tường hiển thị các hình ảnh từ 500 camera an ninh kiểm tra các bãi đậu xe, hành lang và các lối vào. Một màn hình hiển thị tình trạng của từng hệ thống báo cháy trong tòa nhà.

Đổi mới cách làm việc và hoàn thành trước thời hạn
Khi Evey được giao phụ trách dự án vào nằm 1997, ông mạnh dạn áp dụng các kỹ thuật thiết kế và xây dựng mới. Các nhà thầu và nhà thiết kế làm việc như một đội hỗ trợ thay vì kình chống nhau như trước. Bản phân công được thực hiện với độ chính xác của “mệnh lệnh hành quân”. Tòa nhà được chia thành năm khu vực tương hợp với năm cạnh ngũ giác.
Việc trùng tu được làm theo kiểu “cuốn chiếu”, xong khu vực này mới qua khu vực khác. Nhân viên di tản sẽ vào làm việc trở lại khi khu vực của họ hoàn thành. Đôi khi có một số nhân viên cứ nấn ná, không chịu di tản. Cắt điện là “mẹo” đuổi họ; nếu không, thêm tiếng búa trên mái nhà! Tệ hơn là phải cảnh báo là “có các phân tử asbestos độc trong không khí”!
Khi khu nhà đã được giải tòa, việc dọn dẹp bắt đầu. Hàng tấn thứ để lại phải mang đi, kể cả những tấm dán asbestos. Tất cả hệ thống cơ khí được tháo bỏ. Các phòng làm việc của khu được xây dựng lại theo bản thiết kế hiện đại. Khu nhà đầu tiên vừa hoàn tất vào Tháng Chín, 2001 thì máy bay khủng bố lao vào mặt Tây của NGĐ, ngay nơi vừa trùng tu, giết chết 125 nhân viên NGĐ cùng 59 hành khách và phi hành đoàn trên máy bay. May mắn là khu nhà được lắp cửa sổ chống tiếng nổ, có bộ khung sườn mạnh và hệ thống chữa cháy hoàn hảo. Số người chết cũng giảm nhờ nhiều nhân viên chưa nhận lại phòng mới.
Sau vụ tấn công, chương trình tân tạo bắt đầu triển khai dự án Phoenix Project để xây dựng lại những phần bị phá hủy của tòa nhà trong vòng một năm. Trong năm kỷ niệm đầu tiên thảm kịch, các nhân viên đã có thể trở lại làm việc tại nơi các đồng nghiệp của họ đã chết. Việc tân tạo có tính đến những điểm yếu của kế hoạch cũ mà cuộc tấn công đã làm lộ ra.
Ví dụ, tại Trung tâm các Hoạt động Khẩn cấp, nhân viên có thể tắt các valse nước bằng máy tính và vẫn an toàn trong trường hợp NGĐ gần như bị làm tê liệt bởi một vụ tấn công. Dù nhiều phần mới tân tạo phải làm lại, nhưng thảm kịch 9/11 đã giúp đẩy nhanh tiến độ. Khởi thủy, việc trùng tu dự trù hòan thành vào năm 2007, nhưng năm 1999, nó được triển hạn đến năm 2014. Sau ngày 11 Tháng Chín, Quốc hội Mỹ tăng thêm kinh phí để dự án được hoàn thành sớm vào năm 2011.
Đọc thêm:
-Ngũ Giác Đài nhức đầu với nạn quấy rối tình dục trong quân đội
-Sĩ quan Ngũ Giác Đài bị nghi phạm Austin Lanz đâm chết
-Ngũ Giác Đài bị ‘khóa’ sau vụ nổ súng ở trạm trung chuyển gần đó