Hoa Kỳ: Nạn bạo lực trên máy bay vẫn bùng nổ

Tình trạng “loạn cào cào” trên các chuyến hàng không dân dụng ở Mỹ vẫn không hề giảm, thậm chí còn tăng. Tại sao?
Minh họa: Chris Brignola/Unsplash

Đầu năm nay, Cơ quan Không lưu Liên bang Mỹ (FAA) đã thông qua chính sách không khoan nhượng đối với những hành khách quấy rối và bạo hành trên các chuyến bay. Đến Tháng Tám, cơ quan này đã thu được khoản tiền phạt hơn $1 triệu của những hành khách vi phạm. Ví dụ, Tháng Tám qua, một hành khách bị khép tội ném hành lý vào một hành khách khác rồi nằm soài trên lối đi, túm cổ chân một tiếp viên và… chui đầu vào váy cô ta. Hệ quả là khoản phạt $45,000 và lệnh cấm bay. Trong bản cập nhật mới nhất, FAA cho biết đã có 4,941 báo cáo hành khách gây rối trong năm nay.

Một cuộc khảo sát công bố vào Tháng Bảy của Hiệp hội Tiếp viên Hàng không (Association of Flight Attendants-AFA) cho thấy, trong số 5,000 tiếp viên được khảo sát, 85% thừa nhận họ từng phải đối phó với những hành khách gây rối trong năm nay! Hành vi gây rối có nhiều dạng thái, từ sử dụng ngôn ngữ (61%) mang tính phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc, kỳ thị người thuộc tính khác đến tấn công thể xác (17%). Nói chung, thế giới trên độ cao 9,000 mét là thế giới ngày càng bạo lực.

Làm tiếp viên hàng không cho một hãng hàng không giá rẻ, Mitra Amirzadeh, cư dân bang Florida, cho biết cô được tự do khám phá thế giới, từ Kenya, Pháp đến Tây Ban Nha và nhiều nữa… Khi đại dịch lan rộng, các điều thú vị trong công việc của cô giảm dần. Hiện Amirzadeh chỉ còn được bay trên các chuyến bay nội địa Mỹ với nỗi sợ không chỉ Covid-19, mà còn sợ bị hành khách tấn công do biến động tâm lý trong đại dịch. Cô tâm sự: “Tôi phải chịu áp lực rất lớn ngoài sự tưởng tượng. Hóa ra những đứa trẻ ngồi trên máy bay còn cư xử tốt hơn một số người đã trưởng thành!”. Mùa Hè năm nay, hành vi bạo lực của hành khách đã đạt đến mức độ nghiêm trọng mới. Trong một vụ, một hành khách đấm thẳng vào mặt một tiếp viên hãng hàng không Southwest khiến cô bị gãy hai chiếc răng. Một video lưu hành trên mạng xã hội cho thấy một hành khách bị khóa vào chỗ ngồi sau khi ông ta đấm và sờ soạng nữ tiếp viên của hãng Frontier Airlines.

Minh họa: Gus Ruballo/Unsplash

Allie Malis, một tiếp viên của American Airlines, nói: “Trước thực tế này, phi hành đoàn đang dần kiệt sức, cả về thể chất lẫn tinh thần, vì lúc nào cũng phải sống trong lo lắng! Lo lắng cho sức khỏe, cho sự an toàn và cho công việc. An toàn đang là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”. Số hành khách “giận dữ và dễ nổi nóng” trên máy bay ngày càng đông và khó đoán. Nguy hiểm không đến từ những gì họ mang theo mà đến từ chính đôi tay, đôi chân và cái mồm của họ. Thậm chí trước đại dịch, hành khách ngỗ ngáo đã trở thành vấn đề.

Theo dữ liệu thống kê của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), số vụ đã tăng từ năm 2012 đến năm 2015, một phần do máy bay ngày càng kín chỗ hơn trong khi qui trình kiểm tra an ninh kỹ hơn và mất nhiều thời gian hơn làm hành khách thêm căng thẳng. Ngoài ra, không phải mọi hãng hàng không thuộc IATA đều gửi dữ liệu hay ghi lại mọi trường hợp gây rối trên máy bay; trong khi dữ liệu chính thức của FAA chỉ mới bao gồm những vụ đã được điều tra kết luận từ năm 1995 đến 2019. Số liệu mới chưa có. FAA khẳng định số vụ vi phạm có tăng có giảm chút ít trong 20 năm qua, nhưng năm 2021, con số đã tăng vọt một cách bất thường. Nếu năm 2019, FAA chỉ mở 146 cuộc điều tra thì tính đến thời điểm này của năm 2021, đã có 727 vụ được điều tra.

Covid-19 dường như đã làm trầm trọng thêm một vấn đề đã tồn tại, ít nhất là ở Mỹ. Amirzadeh nhớ lại những chuyến bay “im lặng lạ thường” vào mùa Xuân năm 2020 khi mọi thành viên phi hành đoàn đều quá sợ hãi, thậm chí không dám nhìn vào hành khách hoặc nói chuyện với phi hành đoàn máy bay khác vì… sợ lây virus! Đến mùa Hè năm 2020, số báo cáo về sự gián đoạn của một số chuyến bay do hỗn loạn giữa hành khách với tiếp viên hoặc giữa hành khách với nhau bắt đầu tăng.

Qui định khẩu trang của một số hãng hàng không vào thời điểm đó (FAA chưa có qui định) cũng dẫn đến tranh cãi, đánh nhau. Nhiều vụ gây rối liên quan đến việc không mang khẩu trang. Đây là nguyên nhân xuyên suốt trong đại dịch, kể cả khi việc mang khẩu trang trên máy bay đã thành luật liên bang và FAA bắt buộc phải thực hiện nếu hành khách muốn lên máy bay. “Có vẻ bức bối về khẩu trang đã khiến một số hành khách cực đoan hơn, điều mà năm ngoái chưa thấy” – Malis nói và cảm thấy số vụ vi phạm khẩu trang tăng đều kể từ sau cuộc tấn công ngày 6 Tháng Một vào Điện Capitol, trụ sở Quốc hội.

Khi các hành vi gây rối trên máy bay quá phổ biến, Hiệp hội Tiếp viên Hàng không-CWA (AFA) Quốc tế – tổ chức đại diện cho các tiếp viên hàng không Mỹ thuộc 17 hãng hàng không – phải ra tuyên bố: Những kẻ tham gia cuộc bạo loạn trên, không nên được phép lên những chuyến bay nội địa. Trong một thông cáo báo chí ngày 19 Tháng Tám, FAA cho biết đã nhận được khoảng 3,889 báo cáo về hành vi gây rối của hành khách kể từ ngày 1 Tháng Một, trong đó có 2,867 hành khách không chịu đeo khẩu trang.

Căng thẳng khiến các tiếp viên dễ trở thành “túi đấm xả stress cho hành khách. Nhưng nghĩ thế là không đúng, vì chúng tôi phải cách ly khỏi gia đình để phục vụ các bạn. Chúng tôi không phải là lý do khiến chuyến bay của bạn bị hủy, hay lý do khiến bạn thất vọng” – một tiếp viên nói. Việc các hành khách gây rối đưa tình huống của họ lên các mạng xã hội để kéo vây cánh cũng dẫn đến sự bắt chước. Để đối phó với số vụ hành hung tăng, các hãng máy bay đang thuê người huấn luyện cho các tiếp viên thêm cách tự bảo vệ, ít ra là cho đến lúc có người trợ giúp. Cục An ninh Giao thông vận tải cũng tổ chức các khóa huấn luyện. Công đoàn AFA đang hỗ trợ nhân viên bằng các buổi trị liệu tâm lý. Hiện các tiếp viên hàng không khá thành thạo về cấp cứu y tế, cứu hỏa đến đối phó với khủng bố tiềm ẩn trên máy bay.

Tiếp viên hàng không không thể buộc hành khách đeo khẩu trang, nên cách xử lý của tiếp viên trong một số trường hợp là theo dõi việc đeo khẩu trang ngay từ lúc khách vừa bước lên máy bay và sẽ đưa ra lời nhắc thân thiện trước. Nếu khách không tuân thủ, tiếp viên sẽ trao cho khách tấm thẻ, trong đó nhắc họ có thể bị báo cáo và mất đặc quyền đi lại. Khi báo cáo được gửi lên FAA, họ có thể phải phạt tiền và các chế tài khác. Gần đây, FAA đã phát động chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng, gồm cả một video trên các mạng xã hội. FAA cũng yêu cầu các sân bay Mỹ tuân thủ nghiêm túc việc thực thi pháp luật trên mặt đất, các hãng máy bay báo cáo thường xuyên các vụ bạo hành trên máy bay và có chính sách hợp lý về đồ uống có cồn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: