Học đại học sau song sắt nhà tù

“Sinh viên” James Jackson 57 tuổi, thụ án chung thân tội giết người, xúc động trong lễ tốt nghiệp cử nhân tại nhà tù Correctional Institution-Jessup ngày 18 Tháng Năm 2022 (ảnh: Carolyn Van Houten/The Washington Post via Getty Images)

Thứ Tư 18 Tháng Năm 2022, nhà tù Correctional Institution-Jessup ở tiểu bang Maryland đã tổ chức lễ tốt nghiệp cho bốn “sinh viên”. Cũng có những phát biểu đầy xúc động, cũng có những tiếng vỗ tay từ khán giả và những cái bắt tay cùng những tấm ảnh rạng rỡ chụp với thầy hiệu trưởng…

Lễ tốt nghiệp vừa được tổ chức tại Correctional Institution-Jessup là buổi lễ phát bằng cử nhân đầu tiên bên trong một nhà tù Maryland trong ít nhất 25 năm. Nó cho thấy một xu hướng nhắm đến khả năng tiếp cận chương trình đại học rộng hơn cho các nhà tù trên khắp nước Mỹ. Các giáo sư và hiệu trưởng đại học, với chính sách hỗ trợ tài chính mới từ chính phủ liên bang, đang mở rộng việc đào tạo chương trình đại học tại các nhà tù cho bất kỳ tù nhân nào ham học.

The Washington Post cho biết, hệ thống giáo dục đại học đã biến mất khỏi nhiều nhà tù sau khi người ta ban hành luật năm 1994 cấm tù nhân nhận trợ cấp Pell (Pell grants) của liên bang để học đại học. Cuối năm 2020, Quốc hội đã bỏ phiếu bãi bỏ lệnh cấm này và trợ cấp Pell dự kiến được cung cấp rộng rãi cho sinh viên-tù nhân, bắt đầu từ kỳ học mùa thu 2023. Tù nhân đủ điều kiện có thể nhận được $6,895 trong năm học tới.

Ngay cả trước khi luật 1994 được bãi bỏ, một số trường cao đẳng trong những năm gần đây đã bắt đầu tái thiết lập và mở rộng sự hiện diện của họ trong các nhà tù tiểu bang và liên bang thông qua tài trợ từ các nguồn tư nhân và một thử nghiệm liên bang hạn chế được gọi là “Second Chance Pell”. Từ năm 2016 đến 2021, chương trình thử nghiệm “Second Chance Pell” đã cung cấp kinh phí để giúp hơn 28,000 tù nhân tham gia các khóa học đại học sau song sắt. 130 trường cao đẳng và đại học đã tham gia “Second Chance Pell” trong thời gian trên. Bộ Giáo dục Hoa Kỳ cho biết năm nay sẽ có 73 trường nữa tham gia. Bộ trưởng Giáo dục đương nhiệm Miguel Cardona – tương tự Betsy DeVos (người tiền nhiệm của chính quyền Trump) – đã thúc đẩy chương trình thử nghiệm trên.

Ông Kent Devereaux, Chủ tịch Trường Goucher, trong lễ tốt nghiệp Correctional Institution-Jessup ngày 18 Tháng Năm 2022 (ảnh: Carolyn Van Houten/The Washington Post via Getty Images)

Viện Vera (Vera Institute) cho biết, ít nhất 754 tù nhân nhận tài trợ Pell đã lấy được bằng cử nhân trong các nhà tù từ năm 2016 đến năm 2021; trong khi hơn 8,000 người khác được cấp chứng chỉ hoặc bằng cao đẳng. Margaret diZerega thuộc Viện Vera thuật rằng mình từng tham dự lễ tốt nghiệp của Đại học Rutgers bên trong một nhà tù ở New Jersey vài năm trước. Đó là một sự kiện rất xúc động và “tất cả chúng tôi đều khóc”. Năm nay, Đại học Georgetown bắt đầu chương trình đào tạo cử nhân cho 25 sinh viên-tù nhân trong nhà tù Patuxent Institution ở Maryland. Với sự hỗ trợ chương trình trợ cấp Pell của liên bang, Đại học Georgetown dự kiến ​có 125 tù nhân theo học trong vòng năm năm.

Nhà tù Correctional Institution-Jessup hiện không chỉ có giáo sư của Đại học Goucher giảng dạy mà còn có các thầy từ Đại học công lập Baltimore. Goucher từ lâu đã là trường đi đầu trong lĩnh vực giáo dục sau song sắt nhà tù. Họ đã cung cấp các khóa học đại học cho tù nhân nam-nữ trong các nhà tù ở Maryland kể từ Tháng Một 2012 đến nay. Trường dạy khoảng 130 sinh viên mỗi năm trong chương trình giúp đỡ giáo dục cho tù nhân. Nhiều người bắt đầu với các khóa học không tín chỉ (noncredit courses) để cải thiện kỹ năng viết và toán, sau đó chuyển sang các khóa học toàn tín chỉ. Danh mục năm nay dự kiến gồm các khóa học về Shakespeare, tiếng Tây Ban Nha, tôn giáo, lý thuyết âm nhạc, chính trị, và văn chương thời Phục hưng Harlem (Harlem Renaissance).

Theo giám đốc điều hành Eliza Cornejo, chương trình tốn khoảng $1.4 triệu một năm. Các khoản trợ cấp Pell giúp 20-25% chi phí; phần còn lại là các khoản tài trợ và đóng góp tư nhân. Giảng viên từ các trường như Đại học Johns Hopkins, Cao đẳng Cộng đồng Howard và Georgetown đã giảng dạy trong chương trình này. Thời điểm hiện tại, ngành duy nhất được cung cấp là chương trình liên ngành về nghiên cứu Hoa Kỳ.

Giảng viên và học viên phải đối mặt nhiều hạn chế đáng kể bên trong nhà tù, khi tù nhân không được dùng điện thoại di động cũng như không được sử dụng internet để nhận-gửi email hay nghiên cứu. Máy tính chỉ được dùng làm bài tập và có khi cũng không được phép sử dụng. Tù nhân Nyol Robinson, 45 tuổi, người hoàn thành chương trình học vào mùa xuân năm nay, kể rằng mình phải viết bài trên giấy thay vì trên máy tính. Robinson, hiện thụ án với tội lạm dụng tình dục trẻ em và hiếp dâm cấp độ hai, có thể được trả tự do sau khoảng một năm nữa.

Những “sinh viên” tốt nghiệp “Chương trình giáo dục Nhà tù Goucher’ tại Correctional Institution-Jessup, Maryland, Tháng Năm 2022 (ảnh: Carolyn Van Houten/The Washington Post via Getty Images)

James Scott, 62 tuổi, một tù nhân cũng vừa nhận bằng tốt nghiệp cử nhân từ nhà tù Correctional Institution-Jessup, thuật rằng chương trình học đã để lại ấn tượng rất mạnh mẽ đối với mình. Scott, can tội giết người và bị tù từ năm 1983, cho biết ông hy vọng được trả tự do vào năm tới. Trước khi tốt nghiệp đại học trong tù, “thành tích học tập” đáng kể nhất của Scott là lớp sáu. Khi ra tù, Scott hy vọng ông có thể làm việc trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt về trí tuệ cảm xúc. Những ngày trong tù, Scott dạy kèm cho nhiều bạn tù, ghi chép giúp những tù nhân khiếm thính, và thời gian còn lại ông miệt mài đọc. “Thư viện giống như ngôi nhà thứ hai của tôi” – Scott nói.

Walter L. McCoy Jr., 45 tuổi, một tù nhân cũng tốt nghiệp hôm Thứ Tư 18 Tháng Năm 2022, cho biết mình sẽ theo chương trình thạc sĩ khoa học máy tính sau khi ra tù. McCoy, hiện thụ án tội cố ý giết người cấp độ hai, có thể được thả vào năm 2025. Tự hào học xong chương trình cử nhân sau sáu năm, McCoy cho biết mình rất thích các lớp tâm lý học, và một giáo sư người Anh đã “dạy chúng tôi cách thể hiện tiếng nói của mình”. Trong một lớp văn chương vào năm ngoái, McCoy đã sáng tác nhiều bài thơ, trong đó một bài để tưởng nhớ mẹ mình.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: