Học giả Mỹ gốc Việt và sách về 50 năm cộng đồng Việt

Phỏng vấn Giáo sư Tường Vũ - Chủ biên hai công trình nghiên cứu
Văn Hóa - Văn Nghệ
Văn Hóa – Văn Nghệ
Học giả Mỹ gốc Việt và sách về 50 năm cộng đồng Việt
/

Hai quyển sách “Xây Dựng Một Quốc Gia Cộng Hòa tại Việt Nam, 1920-1963” và “Hướng tới Xây dựng Ngành học Người Mỹ gốc Việt: Lịch sử, Cộng đồng và Ký ức” sẽ được giới thiệu trong tour hội thảo và ra mắt sách (*) buổi đầu tiên diễn ra tại Little Saigon.

________________

Đọc thêm: Thể chế VNCH: Luôn cần nhìn lại một cách xác đáng

________________

Nhân dịp này, SGN có cuộc phỏng vấn qua điện thoại với chủ biên của hai công trình nghiên cứu trên – Giáo sư Tường Vũ, hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên Cứu Việt-Mỹ, Trưởng khoa Khoa Chính trị Học tại Đại học Oregon.

Giáo sư Tường Vũ (đứng). (ảnh: nhân vật cung cấp)

Nói về hai quyển sách vừa được phát hành hồi Tháng Giêng năm 2023, Gs. Tường Vũ, cho biết:

Gs. Tường Vũ: Đây là hai quyển sách đặc biệt có giá trị, vì cộng đồng Việt ở Mỹ đã gần 50 năm, chiến tranh kết thúc cũng gần nửa thế kỷ, nhưng sách nghiên cứu về Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và cộng đồng người Mỹ gốc Việt rất ít, rất sơ sài. Hai quyển sách là công trình nghiên cứu tương đối cơ bản về chủ nghĩa cộng hòa ở Việt Nam và lịch sử phát triển của cộng đồng người Việt tự do tại Mỹ, mà chúng ta có thể dùng trong trường học như giáo trình chính để giảng dạy cho học sinh trung học và sinh viên đại học, cũng như nghiên cứu sau đại học.

SGN: Theo giáo sư, việc quy tụ nhiều học giả người Mỹ gốc Việt tham gia công trình nghiên cứu tập thể này có đặc điểm gì mang ý nghĩa quan trọng?

Gs. Tường Vũ: Sách có sự đóng góp của các tác giả trẻ người Mỹ gốc Việt và một số học giả tại Việt Nam. Điều này có nghĩa: chúng ta viết về chúng ta. Hơn nữa, hiện nay có nhiều học giả người Mỹ gốc Việt nhưng hoặc không biết tiếng Việt, hoặc chỉ nói bập bẹ, nhưng hầu hết các tác giả trẻ của hai quyển sách này (14 trong số 17 tác giả) giỏi tiếng Việt, nghiên cứu lịch sử Việt và có cái nhìn thông cảm, hiểu biết đối với cộng đồng. Nếu viết về lịch sử của cộng đồng Việt mà không biết tiếng Việt, không dùng tài liệu tiếng Việt, thì cách họ viết và quan điểm sẽ là của người Mỹ, chứ không phải của đại đa số cộng đồng Việt.

Sự quy tụ nhiều học giả như thế cho thấy cộng đồng người Mỹ gốc Việt ngày càng có nhiều ảnh hưởng trong xã hội Mỹ và cả ở Việt Nam.

Màn biểu diễn của các em thiếu nhi CLB Tình Nghệ Sĩ tại buổi diễu hành Tết Quý mão 2023 trên Đại lộ Bolsa. (ảnh: doantrang)

SGN: Thưa, Ông nhận định thế nào về ngành học “Người Mỹ gốc Việt”?

Gs. Tường Vũ:  “Hướng tới Xây dựng Ngành học Người Mỹ gốc Việt: Lịch sử, Cộng đồng và Ký ức” là một công trình mới mẻ. Nghiên cứu của các học giả trước về người Mỹ gốc Việt chỉ là từ năm 1975. Nếu thế, coi như chúng ta không có lịch sử gì cả, thậm chí lịch sử Việt Nam được nhìn dưới con mắt coi thường. Ví dụ như cách họ xem ‘chiến tranh Việt Nam là giữa Đế quốc Mỹ và dân tộc Việt Nam do cộng sản đại diện’, hay vì ‘Đế quốc Mỹ thua nên chúng ta mới có mặt ở đây’… Đại khái họ coi cộng đồng Việt ở Mỹ là vọng ngoại và không phải đại diện cho dân tộc Việt. Cách hiểu này sai lạc và có sự nhục mạ lý tưởng của người Việt ở Mỹ.

Ba chương đầu quyển sách nói về nền chính trị và văn hóa của VNCH mà người Mỹ gốc Việt đem sang Mỹ và tiếp tục có ảnh hưởng mạnh trong cộng đồng, từ cách chúng ta sinh hoạt cho đến tổ chức cộng đồng. Tinh thần yêu nước và chống Cộng mạnh mẽ là một ví dụ: tinh thần này có lịch sử lâu dài ở Việt Nam trước khi Mỹ can thiệp. Đây là quan điểm mới mà chúng tôi hy vọng khi được vào trường học, các nhà nghiên cứu Mỹ gốc Việt và học sinh sinh viên có thể hiểu thêm về lịch sử cộng đồng Việt một cách đúng đắn hơn.

Hàng ngàn người đứng chật hai bên đường xem diễu hành Tết Quý Mão trên Đại lộ Bolsa (ảnh: doantrang)

SGN: Phải mất bao lâu để hoàn thành được hai công trình đặc biệt này, thưa giáo sư?

Gs. Tường Vũ: Chúng tôi bắt tay thực hiện từ trước đại dịch COVID-19, và hoàn thành vào đầu năm 2023, có nghĩa phải mất 5 năm. Đầu tiên chúng tôi mời học giả tham gia và ấn định thời gian từ chín tháng đến một năm để họ viết, hoặc sửa bài (nếu đã có bài sẵn). Sau đó, các tác giả gửi lại để chúng tôi sửa vòng đầu, cũng như sắp xếp lại cách viết của các tác giả cho thống nhất. Kế đến chúng tôi tìm nhà xuất bản chuyên nghiệp và thực hiện đầy đủ các quy trình xuất bản sách ở đại học Mỹ. Khi nhận bản thảo, nhà xuất bản đầu tiên xem xét trước coi sách nghiên cứu có tốt không, đúng đắn không, thì mới tiếp nhận để đánh giá thêm.

Sau đó họ sẽ gửi bản thảo cho hai, ba học giả khác để bình duyệt kín. Những học giả này có thể biết chúng tôi, nhưng chúng tôi không được phép biết họ, để họ tự do phê bình một cách khách quan. Nếu các học giả chê, nhà xuất bản sẽ từ chối. Thời gian để các học giả đọc, nhận xét và viết bài phê bình kéo dài ít nhất từ bốn đến sáu tháng, có khi cả năm trời.

Sau khi có nhận xét và phê bình, nếu cần sửa chữa, tôi sẽ phải gửi lại cho các tác giả để họ làm điều này trong vòng vài tháng. Khi các bài đã hoàn chỉnh, tôi gửi lại nhà xuất bản đưa ra hội đồng quyết định có xuất bản hay không. Bước kế tiếp sẽ là sửa lỗi chính tả, văn phạm, trích dẫn, thiết kế, dàn trang và in ấn.

SGN: Cả hai quyển sách đều in bằng tiếng Anh. Thưa giáo sư, có cách nào cho độc giả muốn hiểu đúng đắn về lịch sử nhưng không biết tiếng Anh?

Gs. Tường Vũ: Trong tương lai chúng tôi có thể dịch hai quyển sách này sang tiếng Việt. Nhưng người không rành tiếng Anh, muốn hiểu về lịch sử người Mỹ gốc Việt có thể tham khảo quyển sách mà chúng tôi phát hành trước đây một năm, quyển: “Việt Nam Cộng Hòa 1955-1975: Kinh nghiệm kiến quốc”.

Quyển sách này gồm 16 chương trong đó có 14 chương của 14 nhân vật nổi bật của VNCH như diễn viên điện ảnh Kiều Chinh, nhà văn Nhã Ca, nhà báo Vũ Thanh Thuỷ, nhà văn Trùng Dương, ông Hoàng Đức Nhã, Tiến sĩ Võ Kim Sơn, Đại tá Trần Minh Công, ông Phạm Kim Ngọc…

Những nhân vật này kể về hoạt động chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, báo chí của thời VNCH. Trong đó tôi tin có nhiều điều mà những người sống thời VNCH không phải ai cũng biết. Quyển sách rất sinh động, lý thú và toàn diện về VNCH.

Giáo sư Tường Vũ và quyển sách “Việt Nam Cộng Hòa 1955-1975: Kinh nghiệm kiến quốc”. (ảnh: nhân vật cung cấp)

SGN: Trung Tâm Nghiên Cứu Việt-Mỹ được thành lập năm 2019 nhằm khuếch trương nghiên cứu và giáo dục trong ba lãnh vực: cộng đồng người Việt ở Mỹ, quan hệ Việt-Mỹ, và Việt Nam đương đại. Sắp tới trung tâm có những hoạt động nào liên quan đến cộng đồng Việt tại Mỹ không, thưa giáo sư?

Gs. Tường Vũ: Sắp tới chúng tôi tổ chức hai hội thảo “50 năm người Mỹ gốc Việt” với những tư liệu bằng video rất có giá trị. Hội thảo sẽ mời những nhà hoạt động trong cộng đồng và các học giả trẻ để thảo luận về các vấn đề quá khứ, hiện tại và tương lai của cộng đồng. Hy vọng sau thảo luận chúng ta sẽ phát triển những suy nghĩ mới, giảm bớt bất hòa nếu có, và có thể làm việc chung với nhau vì lợi ích của cộng đồng.

Riêng với tour hội thảo và ra mắt sách sắp tới, chúng tôi mong nhận được sự đóng góp phản hồi của mọi người, nhất là các bạn trẻ, để tiếp tục thực hiện các sản phẩm tốt hơn trong tương lai. Hai quyển sách chỉ là khởi đầu, vì chúng tôi sẽ có những công trình lớn hơn với các đề tài mà chúng ta chưa nghiên cứu hết.

***

(*) Tour hội thảo và ra mắt sách bắt đầu ở Orange County, California vào ngày 11 Tháng Ba, tại Thư Viện Việt Nam: 10872 Westminster Ave #215, Garden Grove, CA 92843, gồm hai buổi: sáng tiếng Việt, chiều tiếng Anh.

Trước đó vào ngày 9 Tháng Ba, các tác giả có buổi nói chuyện tại UCLA, và vào ngày 10 Tháng Ba nói chuyện tại Westminster High School. Từ ngày 19 Tháng Ba, đến Tháng Sáu, 2023, các buổi hội thảo, ra mắt sách sẽ diễn ra tại Boston (Massachusetts), San Jose (California), Washington DC, và Dallas, Houston (Texas).

______________

Đọc thêm: Thể chế VNCH: Luôn cần nhìn lại một cách xác đáng

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: