Margo Long quyết định kết hôn với một người đàn ông Mỹ gốc Phi vào năm 1965, trở thành trụ cột của một gia đình đa chủng tộc, với nguồn gốc Do Thái-Hồi giáo-Latinh-Âu châu và người Mỹ gốc Phi.
Ở độ tuổi đôi mươi cách nay gần 60 năm, Margo Long, một phụ nữ Do Thái da trắng lập gia đình với John khi mà ở Mỹ, cuộc hôn nhân của họ bị cho là bất hợp pháp.
Hiện nay, bà đã 81 tuổi, một nhà giáo đã nghỉ hưu, và bà rất tự hào về những đứa cháu là con cháu của gia đình đa chủng tộc và đa văn hóa của mình. “Tôi chẳng có gì để có thể tự hào hơn được nữa,” bà cười, nói.
Bà Margo Long ngồi trước ly rượu trong ngôi nhà ở Pasadena của mình, kể, hồi đó, cha mẹ của bà không cấm cản gì, thậm chí hài lòng với quyết định (lập gia đình với người Mỹ gốc Phi) của bà, nhưng ông nội của bà thì không. Ông nói với cha của bà: “Con không thể để Margo làm điều đó.” Cha bà khi ấy trả lời: “Cha ơi, con muốn tôn trọng quyết định của Margo.” Sự bất đồng đó cuối cùng trở thành một cuộc chiến tranh lạnh suốt đời giữa ông nội và cha của Margo. Kể cả bà ngoại của Margo, khi biết tin, cũng không đồng ý, nói nếu Margo lấy John và có con, “chúng sẽ là những con ngựa vằn.”
Nhiều thập niên sau, một trong những cháu gái của Margo, Nadia, 21 tuổi, coi cuộc hôn nhân đó là “một hành động phản kháng”. “Hành động của ông bà tôi thật đáng khâm phục. Tôi khao khát có được lòng dũng cảm như bà”, Nadia Ngom nói. Cô tự nhận mình là người Mỹ lai Do Thái, Hồi giáo, người Mỹ gốc Phi và người da trắng. Mẹ của Nadia là luật sư Rhonda – con gái của Margo, kết hôn với một người đàn ông Hồi giáo đến từ Senegal.
Laurien Alexandre, em gái út của Margo, hiện nay 70 tuổi, thì có hai đời chồng, đều là người Argentina, cho biết: “Khi chị gái tôi kết hôn với John, ông bà tôi chuyển đi xa thiệt xa, tới Florida lận.”
Margo Long và ba anh chị em của cô, hậu duệ của người Do Thái Âu châu, lớn lên ở California. Từ những người Do Thái nhập cư, mấy thế hệ sau, họ trở thành một đại gia đình mà theo Laurien mô tả: “Chúng tôi là người da đen da trắng, người Do Thái-Hồi giáo-người theo đạo được rửa tội”. (Black-white, Jewish-Muslim-Baptist.)
Lauien nói: “Chúng tôi thường cười vì ngoài ông bà, các bác cũng không đồng ý chuyện cháu của họ lấy người da đen – đại loại, họ nghĩ cha mẹ tôi không dạy dỗ chúng tôi ra hồn. Tôi nghĩ đã có một sự thay đổi từ truyền thống cổ xưa của Âu châu, khi cha mẹ tôi tin tưởng rằng cứ sống cuộc đời như bạn muốn, miễn là làm theo nguyên tắc.”
Laurien, hiện đang là hiệu trưởng Trường Cao học về Lãnh đạo và Thay đổi của Đại học Antioch, nói. “Không chỉ chị Margo kết hôn với người đàn ông da đen, anh trai Gordon của tôi là một người cộng sản, và tôi bị đuổi khỏi trường vì phản đối chiến tranh, vì phản đối quy định về trang phục và tổ chức hội sinh viên cấp tiến… chúng tôi từng có sự chia rẽ như vậy.”
Margo và John ly hôn sau 18 năm chung sống, nhưng ông vẫn giữ liên lạc với các con gái của mình: Rhonda và Dayna. Về phía Margo, bà luôn nói với các con, rằng chúng là người da đen và được lớn lên với ý thức đó. Bà cho biết thêm: “Tôi luôn thích những sự đa dạng và hòa nhập được tôn vinh, không chỉ dành cho Người da đen mà còn cho tất cả mọi thứ. Thay vì đi Hawaii, chúng tôi đến Jamaica. Thay vì gặp ông già Noel da trắng ở trung tâm mua sắm, chúng tôi đến gặp ông già Noel da đen ở Công viên Laimert (lúc đó là khu vực của người Mỹ gốc Phi ở Los Angeles).”
Bây giờ, Margo đã có hai cháu ngoại. Cô con gái thứ hai, Dayna, một bác sĩ phòng cấp cứu, là mẹ của ba cậu con trai, chồng cô là người gốc Jamaica, mặc dù ông lớn lên ở London.
Trong dịp Lễ Vượt Qua hồi Tháng Tư vừa qua của người Do Thái, Margo nói: “Lễ Vượt Qua thực sự là một lời kêu gọi hành động mang tính lịch sử trong gia đình chúng tôi, và đó là sự phản ánh cũng như hướng tới tương lai, mang tính chính trị hơn là tôn giáo và rất toàn diện.”
Vì vậy, thay vì ăn mừng bằng việc kể lại câu chuyện về Cuộc di cư của Môi-se và dân Israel khỏi Ai Cập (Exodus of Moses and the Israelites from Egypt) gia đình bà tụ họp và bắt đầu bằng lời cầu nguyện từ Kinh Qur’an – một phần của bài đọc bằng tiếng Tây Ban Nha và bữa ăn Seder truyền thống “rất ủng hộ nữ quyền” như lời Margo.
Laurien, một người vô thần, nói rằng gia đình bà không sùng đạo. “Chúng tôi chỉ sống theo văn hóa người Do Thái. Lần cuối cùng tất cả mọi người trong nhà tôi đến giáo đường Do Thái cùng nhau là khi Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát,” Laurien nói. Bây giờ, bà thường tự hỏi cha mẹ bà sẽ nghĩ gì về gia đình và làm thế nào họ có thể theo kịp và chấp nhận tất cả những hướng đi khác nhau mà những đứa con mình nổi loạn như thế nào. Laurien vẫn còn giữ một bức thư bà viết cho bố mẹ ở trường đại học, phàn nàn về những bất công mà bà nhìn thấy trong hệ thống giáo dục.
“Tôi ước gì mình có thể ngồi xuống với bố mẹ và hỏi xem làm thế nào cha mẹ có thể giải quyết việc ‘Hãy loại bỏ chế độ gia trưởng tư bản chủ nghĩa,” bà cười, nói. “Nhưng cha mẹ chúng tôi đã đứng lên chống lại ông bà, và để chúng tôi được là chính mình.”
Bài viết là một phần của loạt bài “Love Across Colorlines” sự hợp tác của hơn 20 hãng truyền thông sắc tộc về các chủng tộc ở California, vào thời điểm của nạn thù ghét gia tăng.
(Nguồn: EMS – Chuyển ngữ: Trang Nguyên)