Không quân Mỹ đổi mới cách đào tạo phi công

Ảnh: Red6

Phi công của Không lực Hoa Kỳ (U.S. Air Force) sẽ sử dụng mũ thực tế tăng cường (augmented reality-AR) để huấn luyện nhằm đối phó với các máy bay chiến đấu tiên tiến của Trung Quốc và Nga.

Tốt hơn, đào tạo nhanh hơn và rẻ hơn

Khoảng một năm kể từ bây giờ, phi công máy bay chiến đấu Hoa Kỳ sẽ bắt đầu được huấn luyện với mũ (helmet) trang bị kính che mặt (visor) có tính năng AR để hiển thị “bản sao kỹ thuật số” máy bay chiến đấu tiên tiến của đối phương trong tầm nhìn của họ. Mũ giống mũ bình thường, nhưng kính che mặt hiển thị các tình huống chiến đấu mà phi công có thể phản ứng trong khi nhìn thấy thế giới xung quanh.

Lần đầu tiên, các phi công huấn luyện sẽ được bay trên không với công cụ này để thực hành cách đối phó với các máy bay thế hệ mới của các quốc gia thù địch như Trung Quốc và Nga. Đây là một phần trong khoản đầu tư hàng tỷ đôla của quân đội Mỹ vào thực tế ảo (virtual reality-VR), trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence-AI) và các thuật toán (algorithm) để hiện đại hóa cách quân đội tác chiến trên chiến trường.

Giải pháp đào tạo phi công, do công ty khởi nghiệp công nghệ quân sự Red6 đảm trách, sẽ được triển khai trước cho Không quân theo hợp đồng trị giá $70 triệu. Công ty và các cựu quan chức quân đội cho biết công nghệ mới là “giải pháp an toàn, rẻ và thực tế” để đảm bảo các phi công Mỹ được chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu với các chiến đấu cơ hiện đại nhất trên thế giới. Daniel Robinson, người sáng lập và giám đốc điều hành Red6 nhận định: “Tốt hơn, nhanh hơn, rẻ hơn là châm ngôn đào tạo phi công của chúng tôi trong tương lai”.

Đáp ứng với các thách thức mới

The Washington Post cho biết, trong nhiều thập niên, phương pháp đào tạo phi công chiến đấu của Mỹ chỉ thay đổi rất ít. Các phi công thuộc Không quân và Hải quân thường bắt đầu khóa huấn luyện bay trên máy bay phản lực Northrop T-38 với giáo trình đã có từ thập niên 1960! Sau đó, họ tiếp tục được huấn luyện trên những chiếc máy bay như máy bay chiến đấu F-22 hoặc F-35 mà họ sẽ bay trong suốt sự nghiệp của mình. Một thành phần quan trọng của công tác huấn luyện là “mô phỏng trận chiến”. Để làm như vậy, quân đội Mỹ cho các phi công huấn luyện kết hợp giữa máy bay mô phỏng và bay thực tế để trau dồi kỹ năng tác chiến.

Chương trình huấn luyện “Strike Fighter Tactics Instructor” của Hải quân, thường gọi là “Top Gun”, đã truyền cảm hứng cho loạt phim bom tấn đưa hàng triệu người đến với các lò đào tạo phi công. Nhưng quân đội đang đối mặt những thách thức mới trong việc đào tạo phi công chiến đấu. Chủ tịch hội đồng quản trị Red6 và Tướng không quân đã nghỉ hưu Mike Holmes giải thích: “Sử dụng mô phỏng không thể tái tạo cảm giác đang bay trên không và cơ động chống lại đối thủ, dù tiết kiệm hơn. Còn đưa phi công lên không trung để huấn luyện lại rất tốn kém, từ $15,000 đến $100,000 cho mỗi giờ bay tùy vào loại máy bay và độ nguy hiểm. Các tai nạn bay huấn luyện cũng gia tăng với 72 vụ trong năm tài khoá 2020.

Hơn nữa, khi các phi công bay lên trên không để trau dồi kỹ năng, họ phải có đối thủ để chiến đấu. Những công ty chuyên cung cấp “máy bay địch” thường dùng các loại máy bay cũ như máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm mà quân đội Trung Quốc và Nga sử dụng. Theo Holmes, đây là điều đáng lo ngại. “Trong hai thập niên, các phi công Mỹ được huấn luyện để chiến đấu chống lại các mục tiêu ở Trung Đông với các máy bay cũ; nhưng hiện nay, Trung Quốc và Nga là những ưu tiên cao hơn với các phi đội máy bay chiến đấu mạnh và tiên tiến hơn trong khi các phi công Mỹ chưa được đối đầu trực diện với chúng. Để nâng cấp đào tạo, chúng ta cần có sự thay đổi thực chất trong vài năm tới” – ông nói.

Xuất xứ của Red6 và phương pháp đào tạo mới

Daniel Robinson, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Red6 (cựu phi công chiến đấu thuộc Lực lượng Không quân Hoàng gia của Vương quốc Anh), cho biết ý tưởng thành lập Red6 và chương trình đào tạo AR xuất hiện vào năm 2017. Đó là khi ông gặp người đồng sáng lập công ty, Glenn Snyder, cha đẻ của một hệ thống thực tế ảo (VR) giúp đào tạo các tay đua xe bằng cách mô phỏng các đường đua khác nhau.

Robinson cho biết ông đã liên hệ với Không quân Hoa Kỳ và được biết họ đang tìm kiếm những cách tốt hơn, rẻ hơn để đào tạo phi công. Từ đó, Robinson và nhóm của ông bắt đầu điều chỉnh công nghệ VR đua xe sang huấn luyện bay. Họ sử dụng dữ liệu độc quyền từ công ty tình báo quân sự khu vực tư nhân Janes và các cơ quan tình báo của chính phủ Hoa Kỳ, để đảm bảo các mô hình kỹ thuật số gần với mô phỏng thực tế thao tác của các máy bay địch tiên tiến.

Theo Robinson, việc cho phép các phi công huấn luyện với các mô phỏng chính xác trên không, thay vì với các phi công con người sẽ an toàn cho họ hơn. Vào Tháng Tám 2021, Red6 ký được hợp đồng năm năm trị giá $70 triệu với Không quân để triển khai công nghệ này. “Trong tương lai, phương thức huấn luyện mới cũng có thể được dùng cho các lực lượng khác như Hải quân” – một lãnh đạo công ty nhận định.

Charlie Plumb, một phi công hải quân đã nghỉ hưu từng bay tại “Top Gun” và thuộc ban cố vấn của Red6, nhận định: “Việc mô phỏng các kịch bản không chiến với máy bay tiên tiến của đối phương trên không là điều cấp thiết để giữ an toàn cho phi công trong các tình huống chiến đấu thực tế”. Plumb từng lái máy bay chiến đấu F-4 bị bắn rơi và bị giam hơn sáu năm thời Chiến tranh Việt Nam. Mark Cancian, một Đại tá Thủy quân lục chiến nghỉ hưu, nói: “Công cụ huấn luyện thực tế tăng cường cho phép phi công huấn luyện trên không chống lại máy bay địch mô phỏng là rất tiết kiệm và hợp lý”.

_______

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: