Kinh tế tăng mạnh sao người Mỹ vẫn bi quan?

GDP của Mỹ tăng trưởng nhanh hơn dự báo của các tổ chức kinh tế quốc tế.
Thời Sự
Thời Sự
Kinh tế tăng mạnh sao người Mỹ vẫn bi quan?
/

Nền kinh tế Hoa Kỳ đã phục hồi rất mạnh mẽ sau trận đại dịch do COVID-19 gây ra cách đây hai năm. Nhưng nhìn chung, người dân Mỹ vẫn cảm thấy bi quan về tình hình kinh tế đất nước và triển vọng tài chính cá nhân, khiến cho tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Joe Biden tiếp tục suy giảm.

GDP tăng cao nhất 40 năm

Số liệu kinh tế 2021 do Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố ngày thứ Năm 27 Tháng Giêng 2022 cho thấy, tổng sản lượng nội địa (GDP) trong năm ngoái đã tăng trưởng 5.7% sau khi bị giảm 3.4% trong năm 2020 do dịch COVID-19 làm trật bánh nền kinh tế toàn cầu và xóa sổ 21 triệu việc làm của nước Mỹ.

Đây là năm có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất trong vòng bốn thập niên qua, kể từ năm 1984 dưới thời Tổng thống Ronald Reagan. Kinh tế đặc biệt tăng nhanh trong quý cuối cùng của năm 2021, đạt tốc độ tăng hàng năm là 6.9% bất chấp lạm phát tăng cao gây căng thẳng cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Theo các nhà kinh tế, sự kết hợp của các biện pháp nới lỏng tài chính và tiền tệ chưa từng có cùng sự phát triển nhanh chóng của vaccine COVID-19 là yếu tố giúp nền kinh tế phục hồi nhanh. Chi tiêu của các hộ gia đình tăng vững chắc cùng với các công ty gia tăng mua hàng để lấp đầy các kho hàng bị trống rỗng và khắc phục những sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng cũng đã giúp nền kinh tế tăng tốc. 

Đến tháng Mười Hai vừa qua, thị trường lao động Mỹ đã khôi phục tất cả số việc làm bị mất do đại dịch, tiền lương tăng mạnh và chi tiêu của người tiêu dùng tăng cao hơn mức trước đại dịch.

Sao người Mỹ vẫn chưa vui?

Thị trường chứng khoán tăng nhẹ vào sáng thứ Năm 27 Tháng Một sau khi số liệu cho thấy kinh tế 2021 tăng trưởng mạnh, nhưng ngay sau đó đã quay trở lại xu hướng giảm đã có từ đầu năm đến nay. Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones giảm 0.3%, chỉ số S&P 500 giảm 0.7% và chỉ số công nghệ Nasdaq giảm tới 1.4% – cho thấy nhà đầu tư vẫn bi quan về tình hình kinh tế trong thời gian tới.

Các nhà kinh tế phân tích rằng, các yếu tố tạo ra sự gia tăng GDP mạnh mẽ trong năm 2021 đang bị phai nhạt dần. Các hộ gia đình đã tiêu hết số tiền trợ cấp kích thích kinh tế mà Quốc Hội phát ra; và mức tiền lời thấp kỷ lục sắp bị đảo ngược sau khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Fed) khẳng định hồi đầu tuần rằng Fed sẽ tăng lãi suất từ tháng Ba sắp tới để kiềm chế lạm phát.

Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát năm 2021 đã lên 6.5% trong quý bốn năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 1982. Lạm phát, hay giá cả tăng vọt, đã xói mòn lòng tin của người tiêu dùng, làm cho thu nhập thực của người lao động chẳng những không tăng lên theo đà tăng lương mà còn giảm đi trong thực tế. Thêm nữa, mặc dù vaccine ngừa COVID-19 đang dư thừa nhưng cuộc sống vẫn chưa quay trở lại tình trạng bình thường như người ta mong đợi.

Trên bình diện vĩ mô, số liệu mới về GDP cho thấy nền kinh tế Mỹ đã hồi phục hoàn toàn sau cú sụt giảm mạnh do đại dịch vào đầu năm 2020; nhưng nếu trừ đi phần lạm phát do giá cả hàng hóa tăng thì đà tăng GDP năm 2021 vẫn chưa theo kịp xu hướng tăng trưởng của thời trước đại dịch. Biểu đồ mà báo The New York Times xây dựng theo dữ kiện của Bộ Thương mại cho thấy so với năm 2017 (năm đầu tiên của chính quyền Trump) GDP danh nghĩa năm 2021 đã tăng tới 25% (đường xanh nhạt) nhưng nếu trừ đi phần lạm phát thì mức tăng chỉ còn hơn 10% (đường xanh đậm) và thấp hơn xu hướng tăng của kinh tế Mỹ nếu không có đại dịch COVID-19 cản phá (đường đứt khúc). 

Lạm phát cao làm cho tăng trưởng GDP của Mỹ không còn nhiều ý nghĩa.

Đối với cá nhân và gia đình, sức nặng của lạm phát được cảm thấy trong từng hoạt động hàng ngày. Người lao động thấy tiền lương tăng nhanh hơn so với các năm trước nhưng họ phải bỏ ra nhiều tiền hơn để mua thực phẩm, xăng dầu và các sản phẩm cần thiết khác; nhiều người nói rằng “paycheck” lớn hơn nhưng có giá trị nhỏ hơn, mua được ít đồ hơn năm trước.

Thị trường lao động phục hồi, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ngày càng giảm và trong tuần qua chỉ còn 30,000 đơn nhưng hàng triệu người Mỹ vẫn chưa muốn đi làm việc vì vướng bận con cái hoặc lo ngại lây nhiễm virus COVID-19.

Lạm phát, giá cả tăng cao và dịch COVID-19 chưa chấm dứt là các yếu tố quan trọng nhất làm cho người dân Mỹ cảm thấy bi quan về hiện tình kinh tế đất nước. Một cuộc khảo sát ý kiến của Viện Gallup hồi đầu tháng ghi nhận chỉ có 29% người Mỹ cho rằng nền kinh tế đang được cải thiện so với 61% tin rằng đời sống sẽ khó khăn hơn. Dữ kiện về kỳ vọng của người tiêu dùng do Fed chi nhánh New York thực hiện cho thấy 26.3% người Mỹ lo ngại tình hình tài chính của họ cuối năm nay sẽ tệ hơn cuối năm 2021 – con số cao hơn gần ba lần so với 9.9% có lo ngại như vậy vào cuối năm 2019, tức là ngay trước khi đại dịch bùng phát.

Thách thức chính quyền Biden và đảng Dân Chủ

Tâm lý bi quan của người dân Mỹ đang gây khó khăn cho Tổng thống Joe Biden khi chỉ còn 10 tháng nữa là đến cuộc bầu cử Quốc Hội giữa kỳ. Sự suy giảm niềm tin của người dân vào nền kinh tế – và vào năng lực của ông Biden trong việc giải quyết nó – sẽ là một thách thức lớn của đảng Dân Chủ trong nỗ lực duy trì vị thế đa số ở cả Thượng Viện và Hạ Viện.

Ông Biden và các cố vấn cao cấp đang ra sức vận động người dân hướng tới những mặt tích cực; nhấn mạnh vào tốc độ hồi phục nhanh của nền kinh tế, tiền lương tăng lên, cố gắng của chính phủ khắc phục tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và xây dựng lại cơ sở sản xuất công nghiệp trong nước. “Chúng ta cuối cùng đang xây dựng nền kinh tế Hoa Kỳ cho thế kỷ 21, với tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong bốn mươi năm, cùng với tăng trưởng công ăn việc làm cao nhất trong lịch sử,” ông Biden nói trong tuyên bố phát ra ngay sau khi dữ liệu về kinh tế được công bố hôm nay thứ Năm 27 Tháng Một.

Tuy vậy, vấn đề thực tế nằm ở chỗ chính phủ phải làm gì để chấm dứt đại dịch COVID-19, phục hồi cuộc sống bình thường và làm giảm đà gia tăng của lạm phát để cuộc sống người lao động được cải thiện thực sự chứ không chỉ tăng trưởng trên giấy tờ.

Đà tăng giá hàng hóa có thể sẽ chậm lại và giảm trong năm nay khi Fed tăng lãi suất và Quốc Hội ngừng phát ra những gói cứu trợ khổng lồ. Điều đó có nghĩa là tiền bạc trong túi người dân sẽ ít đi, vay mượn sẽ khó khăn hơn, sức mua của thị trường sẽ giảm theo và làm cho nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Kinh tế tăng nhanh đi cùng với lạm phát cao hoặc lạm phát thấp và tăng trưởng chậm là một sự lựa chọn không dễ dàng cho những người hoạch định chính sách. Fed dự tính đến cuối năm 2022 tỷ lệ lạm phát ở Mỹ sẽ chỉ còn khoảng 2.6%, bằng một nửa mức lạm phát hôm nay, nhưng có thực hiện được hay không là chuyện chưa thể khẳng định.

Số người nhiễm COVID-19 ở Mỹ đã giảm; ngày hôm qua 26 Tháng Một cả nước ghi nhận 618,231 ca nhiễm, giảm 21% trong vòng 14 ngày, nhưng số tử vong lại gia tăng lên 2,466 người, tăng 34% trong 14 ngày, theo dữ kiện của báo The New York Times. Chính quyền Biden đã có những nỗ lực đáng ghi nhận để vận động người dân tiêm chủng, coi tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất để chống lại đại dịch, nhưng nỗ lực của chính quyền liên bang đã vấp phải rất nhiều sự cản trở từ các tiểu bang, các tổ chức chính trị và tư pháp, khiến cho đến nay hàng triệu người Mỹ vẫn chưa tiêm chủng và có nguy cơ bị nhiễm bệnh.

Đảng Cộng Hòa đối lập đang xoáy vào các sự thất bại của chính quyền Biden trong việc kiểm soát đại dịch và kiềm chế lạm phát, từ đó phản đối các chính sách điều hành kinh tế của chính phủ với tham vọng giành được lá phiếu của cử tri trong cuộc bầu cử sắp tới.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: