Lại một xì căng đan tham nhũng chấn động Hải quân Hoa Kỳ

Các nhân viên thực thi pháp luật liên bang Mỹ đang điều tra một vụ án tham nhũng nữa trong lực lượng Hải quân Hoa Kỳ và vụ mới này có thể còn lớn hơn vụ bê bối “Fat Leonard” năm 2013 – một vụ án dính đến gái, tiền, tham nhũng với nhiều chi tiết không ngờ liên quan đến tận giới lãnh đạo chóp bu của Hải quân Hoa Kỳ…

“Cứ làm tốt như thế nhá!”

Theo hồ sơ tòa án vừa được công khai, một nhà thầu quốc phòng đang bị truy nã về tội hối lộ ít nhất $50 triệu cho các quan chức Hải quân Mỹ để được tùy tiện “thổi giá” các dịch vụ tiếp liệu của công ty do ông ta làm chủ trên những con tàu Hải quân Mỹ cập cảng nước ngoài. Bộ Tư pháp đang tìm cách dẫn độ nhà thầu Frank Rafaraci, 68 tuổi, Giám đốc điều hành công ty dịch vụ vận tải Multinational Logistics Services (MLS), từ Malta, một hòn đảo ở Địa Trung Hải, nơi ông ta bị bắt vào tuần trước trong cuộc truy nã quốc tế để đưa về Mỹ. Rafaraci mang hai dòng máu Mỹ-Ý, chia thời gian sống tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và đảo Sicily của Ý.

Kể từ năm 2010, Hải quân và các cơ quan liên bang đã trao cho MLS các hợp đồng trị giá $1.3 tỷ để tiếp tế hàng và tiếp liệu cho các tàu chiến của Mỹ cập cảng Trung Đông, châu Á và các khu vực khác. Nhưng ông ta đã đánh lừa Hải quân và lận túi hàng chục triệu đôla bằng việc tăng thêm giá trị hóa đơn thanh toán cho các dịch vụ từ 2011-2018; bằng thủ thuật hối lộ. Trong một vụ, khi tàu sân bay USS Carl Vinson ghé cảng Manama, thủ đô của Vương quốc Bahrain ở Vịnh Persic, vào Tháng Một 2015, MLS đã lập hóa đơn $231,000 “phí cảng vụ” chuyển cho Hải quân thanh toán, dù cơ quan quản lý cảng Manama chỉ tính $12,686! (theo hồ sơ tòa án).

Cơ quan thực thi pháp luật Mỹ khép Rafaraci vào hai hai tội danh rửa tiền và hối lộ. Lệnh cho thấy ông ta đã gặp một quan chức Hải quân Mỹ giấu tên tại khách sạn Diplomat ở Manama vào Tháng Tám 2015, đưa một phong bì $20,000 tiền mặt kèm lời khen “Cứ làm tốt như thế nhá!”. Ba năm sau, tại một khách sạn ở Miami, Rafaraci chuyển một phong bì $13,500 nữa cho cùng quan chức này. Quan chức Hải quân không được nêu tên từng là sĩ quan liên lạc ở Bahrain vài năm trước khi chuyển sang quân đội. Hồ sơ tòa án cho thấy quan chức này đã nhận tội vào Tháng Sáu với cáo buộc hối lộ, và đồng ý làm nhân chứng hợp tác với chính phủ trong vụ án. Nhân dạng và hồ sơ của ông ta được giữ kín.

Trở lại vụ “Leonard béo”

Các cáo buộc chống lại Rafaraci và MLS làm nhớ lại vụ bê bối tham nhũng “Fat Leonard” (Leonard béo) nổi tiếng từng làm rung chuyển nội bộ Hải quân Mỹ nổ ra vào năm 2013. Ở vụ này, Leonard Glenn Francis, một nhà thầu quốc phòng người Malaysia, đã nhận tội hối lộ hàng chục sĩ quan Hải quân Mỹ bằng tiền mặt, gái mại dâm, tiệc tùng xa hoa… để ông ta có thể được Hải quân thanh toán hóa đơn hậu hĩnh cho các dịch vụ cảng ở châu Á. Nhiều khoản thanh toán “ma” được trả cho các nhà thầu phụ “ma” và các cơ quan quản lý cảng không có thực. Trong lịch sử, Hải quân Mỹ thường dựa vào các nhà thầu tư nhân để cung cấp nước ngọt, nhiên liệu, thực phẩm, an ninh, tàu kéo, sà lan và các thiết bị, dịch vụ khác khi neo đậu tại các cảng nước ngoài.

Thời điểm đó, trong suốt vài tháng, nhóm điều tra Hải quân và các công tố viên liên bang Mỹ đã bí mật đề ra các phương án truy lùng Leonard Glenn Francis, mệnh danh “Leonard béo”. Có thể bắt Francis từ quê hương ông ta ở châu Á rồi chuyển về Mỹ? Hay tạm giam ông ta trên một tàu chiến Mỹ cập cảng trong khi chờ dẫn độ? Kế hoạch càng khó hơn khi Francis được xem là bậc thầy về hoạt động gián điệp, biết nhiều bí mật quân sự Mỹ để cản trở những nỗ lực đưa ông ta ra ra trước công lý. Hơn nữa, mục tiêu bị truy nã không phải là khủng bố, gián điệp nước ngoài, hay trùm ma túy mà là một nhà thầu quốc phòng, bạn của nhiều lãnh đạo Hải quân Mỹ thích xì gà, rượu và gái mỗi khi họ ghé các cảng châu Á.

Cuối cùng, các đặc vụ liên bang cũng tìm được cách bắt Fat Leonard. Đó là dụ ông ta đến tiểu bang California ngày 16 Tháng Chín 2013. Francis bị bắt trong một căn phòng khách sạn nhìn ra bến cảng San Diego. Đây là thành công mở đầu trong cuộc truy quét lớn tại ba tiểu bang và bảy quốc gia. Hàng trăm nhân viên thực thi pháp luật bắt giữ nhiều đồng phạm và thu giữ đống hồ sơ phạm tội khổng lồ của đế chế kinh doanh Francis. Cuối cùng Francis, 51 tuổi, nhận tội gian lận và hối lộ.

Cuộc điều tra còn tiết lộ Francis thao túng Hạm đội 7 phụ trách khu vực Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương như thế nào. Dùng tình và tiền mua chuộc nhiều sĩ quan Hải quân, Francis đã tiếp cận được các tài liệu tuyệt mật về kế hoạch di chuyển của tàu chiến và tàu ngầm Mỹ. Một số “đường dây nội bộ” còn tiết lộ cho ông ta thông tin các hợp đồng mật, thậm chí cả hồ sơ về các cuộc điều tra đang tiến hành với công ty của ông ta! Francis không sợ bị bắt vì ông ta biết quá nhiều về Hải quân Mỹ. Một sĩ quan Hải quân đã nghỉ hưu (giấu tên) từng làm việc với Francis nhận định: “Liên Xô không thể thâm nhập Hải quân Mỹ bằng Francis. Con người này có những kỹ năng vượt trội. Ông ta có thể mua chuộc bạn nhanh đến mức bạn không kịp đề phòng. KGB không thể thâm nhập vào toàn bộ ban lãnh đạo Hải quân Mỹ như Francis đã làm”. “Tôi tự hỏi, có vụ hối lộ lớn như thế này từng xảy ra trong lịch sử của đất nước chúng ta không?” – Robert Huie, một trợ lý luật sư chính phủ tại San Diego, đặt câu hỏi tại phiên tòa xử Francis.

Cho đến nay, chính phủ Mỹ và Singapore đã truy tố hình sự 14 người. Tổng cộng, Hải quân Mỹ đã điều tra hơn 400 người trong đó có nhiều đô đốc, buộc một số đô đốc phải hưu non; đô đốc Robert Gilbeau bị xử 18 tháng tù tội nói dối các nhà điều tra (trở thành đô đốc tại nhiệm đầu tiên trong lịch sử Hải quân Hoa Kỳ bị bắt giam). Cho đến tận nay, vụ “Fat Leonard” vẫn chưa kết thúc. Đương sự đang đối mặt bản án 25 năm tù, dù đã đồng ý trả lại $35 triệu, số tiền mà đương sự “tính lố” Hải quân trước kia.

Vụ nóng hổi Rafaraci sẽ như thế nào?

Trở lại với vụ nóng hổi Frank Rafaraci đang gây nhốn nháo Hải quân Hoa Kỳ thượng tuần Tháng Mười 2021. Điều tra viên của Cơ quan điều tra hình sự Hải quân (Naval Criminal Investigative Service -NCIS) và Cơ quan điều tra hình sự Quốc phòng (Defense Criminal Investigative Service-DCIS) đang phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật khác trên toàn cầu để làm rõ tội danh của Rafaraci. Tuy nhiên, việc dẫn độ một nhà thầu quốc phòng của nước ngoài đến Mỹ là không hề dễ dàng. Cần nhớ, Leonard Glenn Francis chỉ bị bắt sau khi các đặc vụ của NCIS và DCIS dụ ông ta đến San Diego với lý do bịa: “Các đô đốc Hải quân rất muốn gặp để bàn về các cơ hội kinh doanh mở rộng”.

Hiện Mỹ chưa có hiệp ước dẫn độ với UAE. Các điều tra viên quân đội theo dõi hành tung của Rafaraci biết được vào ngày 26 Tháng Chín, ông ta có kế hoạch ghé chớp nhoáng Malta, nơi MLS đặt trụ sở chính. Khi Rafaraci đến Malta, chính quyền địa phương đã bắt giữ ông ta tại một khách sạn ở St. Julian’s, một thị trấn trên bờ biển phía Đông gần thủ đô Valletta. Nhưng kế hoạch sớm bị phá sản. Tại phiên tòa đầu tiên vào ngày 27 Tháng Chín, một thẩm phán người Malta đã ra phán quyết trả tự do cho Rafaraci trong thời gian tiến hành thủ tục dẫn độ!

Không giống Leonard Glenn Francis, người thích phô trương sự giàu có, hào hoa và thích mời các đô đốc Hải quân đến dự tiệc tối tại các nhà hàng đẳng cấp gắn sao Michelin, Rafaraci là người rất ít xuất hiện trước công chúng và chọn lối sống kín kẽ. Hiếm khi ông ta được nhắc đến trên trang web của công ty của mình ngoại trừ một trang trình bày chi tiết quy tắc đạo đức kinh doanh của MLS, trong đó cam kết “Tôi và công ty sẽ làm việc theo tôn chỉ lấy lương tâm, ý thức chung và tuân thủ luật pháp, quy định của chính phủ làm đầu”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: