Lãnh đạo Mỹ – Đức hội đàm, củng cố quan hệ và giải quyết bất đồng

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ có cuộc gặp chính thức với Thủ tướng Đức Angela Merkel vào thứ Năm tuần tới để khẳng định mối quan hệ "sâu sắc và lâu dài" giữa các đồng minh NATO đồng thời giải quyết một số lĩnh vực bất đồng
Thủ tướng Đức Angela Merkel (hàng ngồi, bìa trái) và Tổng thống Joe Biden (hàng ngồi, bìa phải) tại hội nghị thượng đỉnh G7 tại Anh quốc mới đây. Ảnh Andrew Parsons / No10 Downing St – Flickr.com

WASHINGTON – Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ có cuộc gặp chính thức với Thủ tướng Đức Angela Merkel vào thứ Năm tuần tới để khẳng định mối quan hệ “sâu sắc và lâu dài” giữa các đồng minh NATO đồng thời giải quyết một số lĩnh vực bất đồng, Tòa Bạch ốc cho biết hôm nay Thứ Sáu 09 Tháng Bảy, hãng Reuters đưa tin.

Thư ký Báo chí Tòa Bạch ốc Jen Psaki cho biết hai nhà lãnh đạo Mỹ – Đức sẽ thảo luận về các cuộc tấn công điện toán bằng mã độc tống tiền đã tấn công các công ty Mỹ và trên thế giới, về dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 từ Nga đến Đức mà Washington phản đối, cũng như về đề nghị bãi bỏ tạm thời bản quyền sáng chế các loại vaccine COVID-19.

Bà Psaki nói đây sẽ là một “chuyến thăm làm việc chính thức” nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác giữa hai nước và xác định các cách thức để tăng cường hợp tác hơn nữa.

Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của bà Merkel tới Washington kể từ khi ông Biden nhậm chức vào Tháng Giêng. Bà Merkel, hiện đang trong nhiệm kỳ thứ tư, cho biết bà sẽ từ chức sau cuộc tổng tuyển cử quốc gia ở Đức vào Tháng Chín và một thủ tướng mới được bầu lên.

Bà Psaki nói rằng Tổng thống Biden tiếp tục coi đường ống Nord Stream 2 trị giá $11 tỷ dẫn khí đốt từ Nga đến Đức và cung cấp cho châu Âu thay cho đường ống đi qua Ukraine hiện nay là một “thỏa thuận tồi”. Nhưng bà Psaki từ chối cho biết liệu hai nhà lãnh đạo có thể đạt được thỏa thuận về việc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với công ty Nord Stream 2 AG, công ty Đức thực hiện dự án đường ống dẫn khí đó hay không. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hồi Tháng Năm kết luận rằng công ty Nord Stream 2 AG và Giám đốc điều hành Matthias Warnig – một đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin – có các hoạt động có thể bị trừng phạt bằng thuế. Nhưng Ngoại trưởng Antony Blinken ngay lập tức đình chỉ các lệnh trừng phạt, nói rằng đó là lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ.

Ông Biden cho biết ông muốn cải thiện quan hệ với Đức, một đồng minh mà ông cần để giúp đối phó với các vấn đề rộng lớn hơn bao gồm biến đổi khí hậu, phục hồi kinh tế và quan hệ với Iran và Trung Quốc. Ngay trước khi ông Biden nhậm chức vào đầu năm nay, chính phủ Đức – lúc đó là Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Châu Âu – đã thúc đẩy việc kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định Đầu tư Toàn diện với Trung Quốc, gọi tắt là CAI, tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc đầu tư, thâu tóm các công ty công nghệ Âu châu, bất chấp sự can ngăn của Hoa Kỳ. Hiện Nghị viện châu Âu – cơ quan lập pháp chung của khối EU -đã tạm thời đình chỉ việc xem xét và phê chuẩn hiệp định CAI, sau khi Bắc Kinh ra biện pháp trừng phạt một số quan chức và nghị sĩ châu Âu để trả đũa việc châu Âu lên án chính sách của Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. 

Ngoài ra Berlin và Washington vẫn đang bất đồng về việc từ bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm vaccine ngừa COVID-19 để các nước đang phát triển có thể tự sản xuất vaccine tiêm chủng cho dân chúng của họ. Đề nghị tạm từ bỏ bản quyền vaccine COVID-19 đang được các thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới xem xét; Hoa Kỳ ủng hộ việc từ bỏ, nhưng Đức phản đối. Khi được hỏi liệu Tổng thống Biden có tìm cách thuyết phục Thủ tướng Merkel ủng hộ việc từ bỏ bằng sáng chế hay không, bà Psaki nói tổng thống là “người ủng hộ mạnh mẽ”, nhưng đó chỉ là một trong một số công cụ có thể được sử dụng để tăng tỷ lệ tiêm chủng COVID-19 trên khắp thế giới. .

Các quan chức Đức cho biết họ hy vọng sẽ giải quyết được các vấn đề vào Tháng Tám và cuộc gặp cấp cao Mỹ – Đức, giữa ông Biden và bà Merkel có thể tạo động lực quan trọng để hai bên đi đến một thỏa thuận.

Bà Psaki cho biết hai nhà lãnh đạo Mỹ – Đức cũng sẽ thảo luận về các cuộc tấn công mạng bằng mã độc tống tiền ransomware, sau khi ông Biden gây sức ép với Tổng thống Nga Vladimir Putin, yêu cầu ông Putin có hành động phối hợp để chống lại hoạt động tội phạm mạng. Trong cuộc điện đàm với ông Putin vào sáng nay Thứ Sáu 09 Tháng Bảy, Tổng thống Biden vừa hối thúc Tổng thống Putin “có hành động ngăn chặn” các tổ chức tội phạm mạng ở nước ông ta, vừa khẳng định Hoa Kỳ sẽ thực hiện “bất kỳ hành động cần thiết nào” chống lại các tin tặc đang phát động các cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền (ransomware) từ bên trong lãnh thổ Nga.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quà cho Mẹ
Lễ Vu Lan, mùa báo hiếu, cô giáo Thúy giải thích ý nghĩa của mùa lễ đặc biệt này và hướng dẫn học trò làm món quà cho mẹ. Sau…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: