Mỹ-EU: cuộc thương chiến kế tiếp?

HIẾU CHÂN

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ, Tổng thống Donald Trump nói rằng châu Âu (EU) phải ký kết thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ để tránh bị áp thuế trừng phạt. Các nhà lãnh đạo của châu lục này thì cho rằng, hai bên có nhiều không gian để hợp tác và nếu Hoa Kỳ mạnh tay thì EU sẽ trả đũa.

Các chính trị gia châu Âu nói họ sẵn sàng tự bảo vệ và sẽ trả đũa thích đáng biện pháp tăng thuế của Hoa Kỳ, sau khi Tổng thống Trump nhắm tới châu lục này như là mặt trận kế tiếp trong trận chiến thương mại toàn cầu của ông.

Ông Trump nói ông muốn đạt được một thỏa thuận thương mại với EU trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống sắp tới và ông dọa sẽ tăng thuế nếu đàm phán thất bại. ”Họ [EU] phải ký kết thỏa thuận, bởi vì họ phải ký. Họ phải ký. Họ không có lựa chọn nào khác,” ông Trump trả lời phỏng vấn truyền hình bên lề WEF.

Đáp lại, ông Bruno Le Maire, Bộ trưởng Tài chính Pháp cũng đang có mặt tại WEF, nói với báo Wall Street Journal: “Nếu chúng tôi bị Mỹ đánh bằng thuế, chúng tôi không có lựa chọn nào khác là trả đũa.” Ông Le Maire nhắc lại trước đây khi bị Mỹ áp thuế lên thép châu Âu nhập khẩu, EU đã trả đũa. “Nhưng một cuộc thương chiến Mỹ-EU sẽ là một thất bại toàn diện cả về chính trị lẫn kinh tế,” ông Le Maire nói thêm.

Nếu xảy ra thương chiến với Mỹ, EU có lợi thế hơn Trung Quốc; một là vì Mỹ bán sang châu Âu lượng hàng hóa có giá trị gấp ba lần so với bán sang Trung Quốc; hai là chính sách thương mại của EU không có tính chất “biến đối tác thành ăn mày” như Trung Quốc; và ba là EU là một đối tác chiến lược lâu năm của Hoa Kỳ. Phát động cuộc thương chiến xuyên Đại Tây Dương, do vậy, ông Trump sẽ không nhận được sự tán thành và ủng hộ của dân chúng và chính giới Hoa Kỳ như trong cuộc thương chiến với Trung Quốc.

Tuy vậy, là nền kinh tế thiên về xuất khẩu hàng công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp xe hơi hết sức quan trọng, EU sẽ không chọn thương chiến.

Và cũng như mọi cuộc chiến khác, thương chiến Mỹ-EU sẽ làm cho “bên sứt đầu, bên mẻ trán” mà ngư ông đắc lợi lại chính là Trung Quốc. Kinh tế EU đang trì trệ, thêm đòn trừng phạt của Mỹ có thể khiến châu lục này rơi vào suy thoái; còn đòn trả đũa bằng thuế của EU vào kinh tế Hoa Kỳ có thể gây phiền toái về chính trị cho cuộc vận động tái cử của ông Trump.

Nhưng ông Trump luôn bị ám ảnh bởi các con số thâm hụt thương mại, với EU cũng như với các đối tác khác. Thống kê cho thấy trong năm 2019, thâm hụt của Mỹ trong buôn bán hàng hóa với EU lên tới 162,6 tỷ USD.

Bên lề WEF Davos, ông Trump đã có cuộc đàm luận với bà Ursula von der Leyen, tân Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) – nhánh hành pháp của Liên minh EU. Sau cuộc hội đàm, ông nói với kênh CNBC “nếu chúng ta không đạt được gì đó thì tôi sẽ hành động, và hành động sẽ là áp thuế suất rất cao lên xe hơi và các sản phẩm khác xuất vào đất nước chúng ta.” Trong khi đó, bà Von der Leyen lại cho biết: “Tôi tin chúng ta có thể gắn kết trong một nghị trình Mỹ-EU tích cực cả về thương mại, công nghệ, năng lượng và nhiều lĩnh vực khác.”

Còn theo ông Le Maire, sẽ tốt hơn nếu Mỹ và EU làm việc cùng nhau để đối xử với cung cách thương mại bất công của Trung Quốc liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ, quyền tiếp cận thị trường và trợ cấp của nhà nước. Trong tuần này, chính phủ Pháp thông báo sẽ đình hoãn cho đến cuối năm, thay vì từ tháng 4-2020, việc thu thuế lợi tức của các công ty công nghệ kỹ thuật số [như Google, Amazon, Facebook… của Mỹ] để chờ thỏa thuận quốc tế về vấn đề này; thực chất là cũng để nhằm né việc Mỹ áp thuế lên rượu vang, túi xách và các sản phẩm khác mà Pháp xuất vào Mỹ.

Trước khi ông Trump lên nắm quyền, Mỹ và EU đã đàm phán và sắp đi đến kết thúc một hiệp định Đối tác xuyên Đại Tây Dương; nhưng hiệp định dang dở này cũng bị bãi bỏ cùng số phận với hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bây giờ, thách thức với ông Trump là làm sao đạt được một thỏa thuận thương mại tự do với EU trong năm bầu cử tổng thống, còn sử dụng vũ khí thuế suất là điều quá rủi ro.

Một cuộc thương chiến Mỹ-EU có lẽ là rủi ro lớn nhất về kinh tế mà không một nhà đầu tư, một thị trường nào muốn chấp nhận trong thời gian tới.

(theo WSJ)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: