Mỹ vật lộn tìm giải pháp gỡ toàn bộ kỹ thuật mạng Trung Quốc

Văn phòng Huawei tại Silicon Valley, Mountain View, California (ảnh: Smith Collection/Gado/Getty Images)

Chính phủ Hoa Kỳ vẫn đang vật lộn để xử lý dứt điểm việc chia tay vĩnh viễn với các công ty viễn thông Trung Quốc mà Tổng thống Donald Trump từng bắt đầu thực hiện bốn năm trước. Vấn đề ở chỗ, các hệ thống mạng nhỏ được trang bị thiết bị cũ của Trung Quốc, phần lớn ở những vùng nông thôn, bây giờ đối diện tình trạng không có tiền để thực hiện. Các công ty cho biết họ muốn từ bỏ công nghệ Trung Quốc nhưng các khoản tiền đã hứa từ Quốc hội chưa đến kịp hoặc không đủ.

Giới chức an ninh Hoa Kỳ đã cảnh báo dưới thời chính quyền Trump lẫn Biden rằng hai công ty Trung Quốc – Huawei và ZTE – là mối đe dọa an ninh quốc gia đối với Mỹ. Họ chỉ ra rằng khả năng gián điệp và can thiệp từ Trung Quốc là rất cao, nếu bộ định tuyến, ăng-ten và radio Trung Quốc không bị loại khỏi mạng điện thoại di động và internet của Hoa Kỳ.

Sự việc liên quan gần 200 nhà mạng của Mỹ vốn đã “nhúng” thiết bị của hai gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc vào hệ thống mạng của họ. Politico cho biết, sự thiếu hụt kinh phí đang làm phức tạp thêm việc tung ra các khoản trợ cấp và làm dấy lên lo ngại rằng việc xử lý dứt điểm có thể bị trì hoãn vào năm 2023 hoặc lâu hơn. Tuần trước, Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) cho biết số tiền cần thiết để thực hiện việc này sẽ cao hơn $3.08 tỷ so với $1.9 tỷ dự kiến được phân bổ để trả cho các công ty Mỹ nhằm loại bỏ Huawei và ZTE. Sở dĩ có tình trạng sử dụng hàng Trung Quốc ở một số vùng nông thôn là do các công ty viễn thông khổng lồ của Mỹ như AT&T và Verizon từ lâu luôn không mặn mà cung cấp thiết bị cho những khu vực nghèo hẻo lánh.

Các doanh nghiệp nhỏ cho biết họ không đủ khả năng chi trả trước số tiền có thể lên đến hàng chục triệu. Triangle Communications, nhà cung cấp viễn thông nhỏ phục vụ khoảng 17,000 người ở Montana, đang xoay sở kiếm khoảng $20 triệu trợ cấp. Triangle Communications hiện thay thế một số thiết bị Huawei bằng công nghệ mạng không dây từ một nhà cung cấp của Mỹ có tên Mavenir, với hy vọng sau này sẽ thu lại được một phần chi phí từ chính phủ. Tại Florida, Hotwire Communications hiện không thể tháo bỏ thiết bị Trung Quốc và thay thế bằng thiết bị khác cho khoảng 60,000 khách hàng cho đến khi nguồn tài trợ xuất hiện.

Việc xem xét thiết bị Trung Quốc liên quan an ninh quốc gia bắt đầu được tăng cường sau một báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ viện năm 2012 làm dấy lên những nghi ngờ xung quanh các hoạt động của Huawei và ZTE, mặc dù phải mất nhiều năm những lo ngại đó mới chuyển thành những nỗ lực chính sách hiện tại. Trong cùng khoảng thời gian, tiền tài trợ băng thông rộng thời Tổng thống Barack Obama thậm chí còn hỗ trợ dự án kết nối Navajo Nation dựa trên thiết bị LTE của hãng ZTE. Và trong suốt năm năm qua, giới giám đốc điều hành của Huawei vẫn đường hoàng xuất hiện và phát biểu tại hội nghị công nghệ CES ở Las Vegas.

Việc buộc các công ty Hoa Kỳ từ bỏ thiết bị Trung Quốc xuất hiện vào năm 2019, cùng năm đó, các ủy viên FCC (Federal Communications Commission) đã bỏ phiếu để chặn các khoản trợ cấp viễn thông chảy sang các nhà mạng Hoa Kỳ làm việc với hai công ty Trung Quốc. Mãi đến Tháng Mười Hai 2020, FCC mới thiết lập chương trình trợ cấp, gọi là “lột bỏ và thay thế” (“rip-and-replace”), theo sau các yêu cầu trong một sắc luật được lưỡng đảng ủng hộ, được Quốc hội chuẩn y với ngân sách $1.9 tỷ. Kết quả, 181 hồ sơ đã gửi đến FCC xin được cấp ngân sách để “rip-and-replace”.

Mới đây, Chủ tịch FCC Jessica Rosenworcel thừa nhận rằng “vấn đề thật khó khăn” trong việc “lột” sạch thiết bị Trung Quốc khỏi toàn bộ hệ thống mạng Hoa Kỳ ở các vùng nông thôn toàn quốc; và rào cản lớn nhất vẫn là tiền.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: