Ngũ Giác Đài giới thiệu oanh tạc cơ B-21 thế hệ mới

Oanh tạc cơ B-21 (ảnh: Staff Sgt. Jeremy Mosier/U.S. Space Force Public Affairs)

Loại máy bay ném bom mới có tên B-21 Raider được hứa hẹn sẽ tiên tiến hơn bất kỳ loại máy bay nào hiện có trong kho vũ khí của quân đội Mỹ.

Tăng khả năng răn đe và tấn công cho quân đội

Ngày 2 Tháng Mười Hai 2022, Ngũ Giác Đài và nhà thầu quốc phòng Northrop Grumman đã phối hợp giới thiệu loại máy bay ném bom tương lai của quân đội Mỹ. Đây là loại máy bay được giữ bí mật suốt nhiều năm qua và sau khi xuất xưởng sẽ trở thành “xương sống tác chiến” của Lực lượng Không quân Mỹ (Air Force) trong nhiều thập niên tới.

Oanh tạc cơ B-21 Raider, với hình dạng cánh dơi đặc biệt, được kéo ra khỏi nhà chứa máy bay trong ánh sáng xanh tràn ngập và nhạc phim cùng sự hò reo của những người có mặt. Buổi lễ được tổ chức tại Nhà máy Không quân 42 (do chính phủ sở hữu và được bảo vệ nghiêm ngặt) ở phía Bắc Los Angeles, nơi diễn ra một số chương trình vũ khí bí mật nhất của quân đội Mỹ.

Phát biểu trước nhà chứa máy bay, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin nhấn mạnh: “Chiếc máy bay này là bằng chứng cho thấy sự cam kết lâu dài của Bộ Quốc phòng trong việc tăng cường khả năng ngăn chặn xâm lược không chỉ hôm nay mà cả ngày mai với những công nghệ tiên tiến nhất”. Ông nói:

“B-21 Raider là tích hợp 50 năm tiến bộ của công nghệ tàng hình mà ngay cả những hệ thống phòng không tinh vi nhất cũng rất khó phát hiện ra chúng trên bầu trời. B-21 trông thật hùng mạnh, nhưng những gì nằm dưới khung thép và lớp phủ bên ngoài lấy cảm hứng từ kỷ nguyên không gian còn ấn tượng hơn. Nền quốc phòng Mỹ được xây dựng trên khả năng răn đe và việc phát triển B-21 một lần nữa là biểu tượng cho khả năng này khi chúng ta nói rõ với các kẻ thù tiềm năng: Rủi ro và chi phí của hành vi xâm lược sẽ vượt xa mọi tính toán lợi ích đem lại và nằm ngoài sự tưởng tượng”.

Công nghệ thế hệ thứ sáu

B-21 là chiếc đầu tiên của quân đội Mỹ sử dụng công nghệ thế hệ thứ sáu, gồm trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến, hệ thống máy tính thông minh và kết hợp dữ liệu từ nhiều nguồn để hỗ trợ phi công thực hiện các phi vụ ném bom tầm xa ngay trên không phận của kẻ thù, có thể vào ra an toàn mà không sợ bị phát hiện và bắn hạ. Lực lượng Không quân cũng đang tìm hiểu xem liệu B-21 có thể điều khiển từ xa hay không và hy vọng nó sẽ làm được điều này trong tương lai không xa lắm.

Phần lớn chương trình sản xuất B-21 Raider được giữ bí mật, ngay cả khi các quan chức quốc phòng cấp cao và các giám đốc điều hành Northrop Grumman bày tỏ sự hài lòng về tiến trình sản xuất. Các phương tiện truyền thông tham dự sự kiện ra mắt máy bay ở Palmdale được yêu cầu tuân theo một loạt quy tắc an ninh cơ bản, từ cấm sử dụng điện thoại di động tại khu vực đậu máy bay đến hạn chế chụp hình.

Northrop Grumman cho biết có sáu nguyên mẫu B-21 Raider và chuyến bay thử nghiệm đầu tiên dự kiến ​diễn ra vào năm tới. Hiện máy bay trong giai đoạn “thử nghiệm trên mặt đất”, với các kỹ thuật viên của Lực lượng Không quân và Northrop Grumman tiến hành các bài kiểm tra căng thẳng, đánh giá hiệu quả của lớp sơn làm chệch hướng radar và xem xét kỹ những chức năng cơ bản như lăn bánh.

Hơn 8,000 quan chức và công nhân tham gia các công đoạn của chương trình sản xuất B-21 và các bộ phận máy bay được sản xuất tại 40 bang. Theo kế hoạch, B-21 Raider sẽ được Ngũ Giác Đài dùng thay thế các máy bay ném bom B-2 Spirit và B-1B Lancer đã cũ (loại bỏ dần cho đến thập niên 2040). Máy bay ném bom B-52 tồn tại hàng chục năm, cũng bị thay thế bằng B-21 trong những năm tới.

Năm 2006, Bộ Quốc phòng tin rằng ba loại máy bay ném bom cũ có thể hoạt động đến năm 2037, nhưng đến năm 2014, Ngũ Giác Đài bắt đầu nghiên cứu loại máy bay thay thế và khởi động cuộc cạnh tranh hợp đồng giữa các công ty để chế tạo một loại máy bay ném bom tầm xa mới. Trong nhiều năm, quân đội Mỹ đã gặp phải nhiều trở ngại do đội giá thành sản xuất và sự chậm trễ trong việc phát triển một số hệ thống vũ khí quan trọng, kể cả máy bay chiến đấu tiên tiến F-35 (dự kiến có thể phối hợp với B-21 trong các hoạt động tác chiến tương lai).

Phí tổn là vấn đề

Ước tính, chương trình sản xuất 100 B-21 Raider ​​sẽ tốn ít nhất $80 tỷ! Chi phí để nuôi chúng trong vòng đời nhiều năm còn tốn hơn nữa. Trong cuộc trò chuyện với các phóng viên vào ngày giới thiệu B-21, Lực lượng Không quân và các quan chức của Northrop Grumman cho biết chương trình đáp ứng tương đối tốt bài toán chi phí dù phải điều chỉnh liên tục.

Theo báo cáo của Cơ quan Kiểm toán Quốc hội công bố năm ngoái, năm 2010, Lực lượng Không quân hy vọng mỗi chiếc máy bay B-21 sẽ có giá khoảng $550 triệu, nhưng đến năm 2019, giá đã tăng lên $639 triệu và ​​vẫn tiếp tục tăng. Tướng Charles ‘CQ’ Brown, tham mưu trưởng Lực lượng Không quân nói với truyền thông trong nhà chứa máy bay trước chiếc B-21 còn phủ kín:

“Quá trình phát triển B-21 là sản phẩm hợp tác giữa chúng tôi và Northrop Grumman. Biệt danh Raider phát xuất từ Doolittle Raiders, biệt đội phi công Mỹ thực hiện cuộc ném bom đường dài và táo bạo xuống lãnh thổ Nhật Bản vào Tháng Tư, 1942, chỉ vài tháng sau cuộc tấn công bất ngờ của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng ở Hawaii (đưa Hoa Kỳ vào Đại chiến Thế giới lần thứ 2).

Cũng trong ngày giới thiệu, bà Kathy Warden, giám đốc điều hành Northrop Grumman tiết lộ công ty đã làm hàng ngàn phiên bản của máy bay trước khi chọn được thiết kế tốt nhất, đáp ứng được các yêu cầu. Để giảm tốn kém, công ty tìm các lỗi bằng mô hình thử nghiệm trên máy tính trước khi bắt tay vào sản xuất các phần cứng. “Theo nhiều cách, công ty chúng tôi đã và đang chứng minh tính ưu việt của các công nghệ tương lai và hội nhập chúng trong chiếc máy bay này” – bà nói, dẫn lại từ The Washington Post.

___________

Blog quốc phòng

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: