Ngũ Giác Đài thay máu công nghiệp quốc phòng

Trong một số lĩnh vực cụ thể, các công ty tư nhân linh hoạt tỏ ra linh hoạt hơn những đại công ty vũ khí và có thể thỏa mãn được nhiều yêu cầu của Ngũ Giác Đài (ảnh: Artur Widak/NurPhoto via Getty Images)

Để theo kịp Trung Quốc (TQ), Bộ Quốc phòng Mỹ đang cố gắng thu hút vốn tư nhân bằng cách lôi kéo các công ty khởi nghiệp (startup) của Thung lũng Silicon tham gia vào đội ngũ các nhà sản xuất vũ khí.

Mở rộng cửa hơn cho tư nhân

Ngũ Giác Đài đang tìm cách thu phục các công ty khởi nghiệp trong nỗ lực tài trợ và phát triển công nghệ vũ khí mới, cũng như có thêm các nhà cung cấp nhanh hơn, khi quân đội Mỹ đang phải tăng tốc để bắt kịp những tiến bộ quân sự của TQ. Việc tăng cường khai thác vốn tư nhân diễn ra trong bối cảnh lo ngại ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ đang phụ thuộc quá nhiều vào một số công ty lớn sống nhờ tài trợ của chính phủ cho hoạt động nghiên cứu phát triển khiến nhu cầu đổi mới và óc sáng tạo bị cản trở.

Theo một số quan chức Ngũ Giác Đài đang tại nhiệm và về hưu, TQ đã vượt Mỹ trong một số công nghệ then chốt, từ máy bay không người lái nhỏ đến tên lửa siêu thanh, nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ của Bắc Kinh trong quốc sách tận dụng các quỹ công-tư. Steve Blank, đồng sáng lập trung tâm đổi mới an ninh Gordian Knot Center for National Security Innovation tại Stanford University cảnh báo: “Một số ước tính cho thấy nguồn vốn Bắc Kinh rót vào lĩnh vực công nghệ đã hơn $1 ngàn tỷ. Quốc phòng TQ được tổ chức giống như Silicon Valley trong khi Ngũ Giác Đài giống như hãng sản xuất xe hơi Detroit! Đây không phải cuộc chạy đua ngang hàng”.

Gần đây, chính quyền Biden gần đây đã yêu cầu cung cấp  $115 triệu tài trợ cho một đơn vị mới của Ngũ Giác Đài có tên là Văn phòng Vốn Chiến lược (Office of Strategic Capital) được thành lập để giúp tăng đầu tư, đặc biệt là đầu tư mạo hiểm (ventual Capital-VC) vào các công ty sản xuất công nghệ và các sản phẩm quan trọng đối với quân đội.

Đây là nỗ lực mới nhất trong một loạt cố gắng do Ngũ Giác Đài đề xuất nhằm huy động các ý tưởng sáng tạo từ bên ngoài “sân chơi” quốc phòng truyền thống chịu sự thống trị của các tập đoàn tư nhân lớn. Những nỗ lực này trùng hợp với sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư VC vào lĩnh vực quân sự, trước sự thành công của các công ty tư nhân như SpaceX của tỷ phú Elon Musk khi họ giành được các hợp đồng béo bở với Ngũ Giác Đài.

Theo PitchBook Data Inc (công ty chuyên theo dõi nguồn vốn tư nhân), hàng năm có khoảng $6 tỷ vốn tư nhân đổ vào quốc phòng và hàng không vũ trụ Mỹ, tăng từ khoảng $1 tỷ của năm 2017. Sự liên kết giữa công nghệ và quân đội Mỹ đang phát triển nhanh đi kèm với những phức tạp đặc thù. Theo các quan chức chính phủ và công nghệ, làn sóng lớn từ sự sụp đổ nhanh chóng của Silicon Valley Bank trong Tháng Ba qua đã lan sang Ngũ Giác Đài, nơi có nhiều công ty khởi nghiệp làm việc trong các dự án quốc phòng có tài khoản ở ngân hàng này.

Công nghệ tư nhân có thể cạnh tranh với những người khổng lồ

Mike Brown, cựu Giám đốc Đơn vị Đổi mới Quốc phòng (Defense Innovation Unit) thuộc Ngũ Giác Đài (được thành lập với mục đích tăng cường quan hệ giữa quân đội và các công ty khởi nghiệp công nghệ) nhận định: “Nếu chính phủ không can thiệp, một số hoạt động sản xuất quân sự sẽ gặp rủi ro, thậm chí tạo ra ngay lập tức vấn đề nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng. Một số nhà cung cấp cho các chương trình bí mật đã đứng trên bờ vực”. Brown hiện là đối tác liên doanh tại Shield Capital, chuyên đầu tư vào các công ty khởi nghiệp liên quan đến quốc phòng.

Theo Trae Stephens, một đối tác tại quỹ đầu tư mạo hiểm Founders Fund, các nhà đầu tư mạo hiểm đang chuyển đầu tư vào quốc phòng vì động lực đã thay đổi trong thị trường khởi nghiệp. Ông nói: “Quan điểm của các VC là: Bạn thực sự không thể chôn vốn vào tiền điện tử nữa, cũng không thể chôn vốn vào thương mại điện tử nữa. Vậy chúng ta nên triển khai vốn ở đâu? Có một hạng mục đứng ngoài suy thoái kinh tế, đó là quốc phòng”.

Nhiều năm qua, Bộ Quốc phòng đã bắt đầu quan tâm đến việc hợp tác với các nhà cung cấp phi truyền thống (kể cả các startup) trong lĩnh vực công nghệ, nhưng có rất ít thành công. Nhưng tình hình đã thay đổi từ năm 2016, khi công ty khởi nghiệp phần mềm Palantir Technologies Inc đệ đơn kiện để được tranh thầu trong một hợp đồng với Ngũ Giác Đài. Trae Stephens, Giám đốc điều hành (CEO) của Palantir vào thời điểm đó cho biết, Palantir đã thiết kế thành công một hệ thống cho phép người dùng sàng lọc các hồ sơ dữ liệu tình báo lớn.

Công ty khuyến cáo Ngũ Giác Đài nên xem xét sản phẩm của họ thay vì gọi thầu để phát triển một hệ thống mới tốn kém. Vụ việc phải đưa ra phân xử, và Palantir đã thắng. Đây là bước ngoặt đối với các công ty tư nhân. SpaceX của Musk cũng phải kiện trước khi Space Exploration Technologies Corp (tên chính thức của công ty) giành được hợp đồng của Ngũ Giác Đài. Gần đây hơn, Anduril đã được trao cho một hợp đồng quân sự mà không cần cuộc chiến pháp lý. Trae Stephens hiện là đồng sáng lập Anduril Industries Inc, một công ty khởi nghiệp sản xuất máy bay không người lái và hệ thống giám sát.

Gilman Louie, CEO và đồng sáng lập America’s Frontier Fund (một quỹ đầu tư vào các công nghệ giải quyết vấn đề an ninh kinh tế và quốc gia) kiêm điều hành In-Q-Tel (Cơ quan đầu tư mạo hiểm của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ-CIA) nhận định: “Những công ty tư nhân thắng kiện đã chứng minh Ngũ Giác Đài đang mở rộng cửa cho các công ty khởi nghiệp. Thực tế cho thấy các startup trẻ hơn, có tính sáng tạo hơn đang thống trị không gian mạng, trí tuệ nhân tạo (AI) và phần mềm.

Các con cá mập công nghiệp vũ khí không còn thống trị?

Các khoản đầu tư hậu hĩnh và hợp đồng quốc phòng đã giúp một số công ty khởi nghiệp sống sót, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu những công ty có thể ghi được các dấu ấn lớn hay không. Warren Katz, người đứng đầu hiệp hội công nghiệp Liên minh Công nghệ Thương mại trong Chính phủ (Alliance for Commercial Technology in Government) trả lời: “Bạn có thể tin tưởng vào những công ty có các nhà sáng lập tỷ phú đủ sức rót thêm vốn nhiều lần cho đến khi thành công đáng kể”. Cũng khó xác định mức độ “chiếu cố” của Bộ Quốc phòng đối với các công ty khởi nghiệp và các nhà cung cấp mới.

Năm ngoái, Bill LaPlante, Giám đốc phụ trách các hợp đồng mua bán của Ngũ Giác Đài, đã phàn nàn về sự chậm trễ của các nhà sản xuất quốc phòng truyền thống và Silicon Valley khi ông đặt câu hỏi về vai trò của các công nghệ “nóng” như trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán lượng tử trong cuộc chiến pháo binh ở Ukraine. Ông nói: “Những người anh em công nghệ Mỹ không giúp chúng tôi nhiều tại chiến trường Ukraine”.

Trả lời tờ The Wall Street Journal, Bill LaPlante giải thích rõ hơn: “Một số công ty công nghệ lớn, gồm cả SpaceX (công ty có internet vệ tinh rất quan trọng đối với quân đội Ukraine) trên thực tế đã giúp đỡ đáng kể trong cuộc xung đột. Điều tôi thực sự đề cập ở đây là các công nghệ mới chưa được phát triển kịp thời để tác động đến chiến trường Ukraine”.

Ông Blank của Stanford University nhận định: “Việc cho phép các công ty phi truyền thống đóng góp trên quy mô rộng hơn sẽ đòi hỏi phải đại tu triệt để hệ thống mua lại của Ngũ Giác Đài, tức là chấm dứt hệ thống hiện tại đang bị một số nhà thầu quốc phòng lớn thống trị. Nếu bạn không thấy 10 cái tên công nghệ mới trong ba năm tới trong danh sách hợp đồng tư nhân với Ngũ Giác Đài thì chúng ta đã thất bại trong việc tích hợp công nghệ thương mại vào Bộ Quốc phòng”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: