Người nhập cư cao tuổi ở ‘tiểu bang vàng’ bị bỏ rơi?

(minh họa: Getty Images)

“Từ hai vụ xả súng hàng loạt bi thảm xảy ra ở Monterey Park và Half Moon Bay mới đây, chúng ta có thể học được những bài học gì về cuộc sống của những người lớn tuổi nhập cư? Hai vụ xả súng ở California đều do những người đàn ông lớn tuổi gây ra, như đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng về sự cô đơn và bị cô lập của những người lớn tuổi nhập cư, cũng như việc thiếu các nguồn lực chăm sóc sức khỏe tâm thần phù hợp về văn hóa và ngôn ngữ,” bà Sandy Close, Giám đốc Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) mở đầu trong cuộc hội thảo qua Zoom vào ngày 3 Tháng Hai, 2023, mang chủ đề “Are We Taking Care of Immigrant Elders?” (Liệu người nhập cư cao tuổi có đang được chăm sóc?”

Năm diễn giả đều là những người có nhiều hoạt động ủng hộ cộng đồng và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần đều nói về những thách thức mà người lớn tuổi phải đối mặt: Nhiều người đang chạy trốn khỏi các quốc gia bị chiến tranh tàn phá và vẫn phải vật lộn với chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn. Mặt khác, những người cao niên không có giấy tờ tùy thân vẫn tiếp tục làm việc tại các công trường xây dựng, trang trại và tại nhà của người khác, bất chấp cơ thể già nua và ốm yếu.

Từ trái sang hàng trên: Sandy Close, Rita Medina, Laura Som. Hàng dưới từ trái: Brett Sevilla, Helen Zia, Linda Yoon. (ảnh chụp qua màn hình Zoom)

Helen Zia, diễn giả đầu tiên, cho biết trong cuốn sách gần đây nhất, cô đã phỏng vấn khoảng 100 người Trung Quốc nhập cư ở độ tuổi 70, 80 và 90. “Tôi hỏi thăm các bác ấy về cuộc sống của họ và những điều họ đã trải qua khi còn nhỏ, khi là những người di cư, những người lưu vong. Kể xong, có nhiều bác thủ thỉ, rằng họ chưa bao giờ nói với ai về những điều tôi vừa được nghe,” Zia nói.

Đó là những câu chuyện như thế nào, mà được giấu kín? “Đó là những mẩu chuyện buồn. Họ không bao giờ nói với bất kỳ ai về việc quãng thời gian trước khi tìm cách chạy trốn ra sao,” Zia nói tiếp. “Họ kể, họ đã từng phải đi bộ đến trường gian nan như thế nào; về hình ảnh những đứa trẻ chết bị chó cắn chết trên đường; hay những nỗi ám ảnh khi chứng kiến người bị chặt đầu kinh hãi ra sao. Rất nhiều người đã trải qua chiến tranh, nạn đói, nội chiến, chấn thương lớn mà họ là nhân chứng lịch sử, nhưng vì quá khủng khiếp, nên họ không bao giờ kể lại cho con cái, họ không muốn chúng phải nghe những chuyện kinh hoàng như thế.”

Buổi thắp nến cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ xả súng hàng loạt ở Half Moon Bay vào ngày 27 Tháng Giêng năm 2023 tại Half Moon Bay, California. (ảnh: Liu Guanguan/China News Service/VCG via Getty Images)

Rita Medina, Phó Giám đốc Chính sách và Vận động chính sách của Nhà nước tại Liên minh vì Quyền của Người nhập cư Nhân đạo Los Angeles (CHIRLA), diễn giả thứ hai, đặt câu hỏi: “Tại sao ở độ tuổi 70, nhiều người đi dịnh cư vẫn làm việc? Lẽ ra họ được trải qua thời kỳ vàng son chứ, những năm tháng tươi đẹp của tuổi thanh xuân, nhưng họ phải làm việc quần quật để kiếm sống. Khi ở tuổi xế chiều, nhiều người vẫn không có kế hoạch nghỉ hưu.”

Medina khẳng định, CHIRLA biết trong số họ, nhiều người đóng thuế An sinh xã hội đàng hoàng, nhưng họ không thể nhận được những lợi ích đó, đơn giản là họ không có giấy tờ. Chính vì thế, họ cứ phải tiếp tục làm công việc giúp việc gia đình, trong các trang trại, trên các công trường, ngay cả tuổi tác kéo sức khỏe của họ xuống tới mức gần như kiệt sức, mà họ vẫn phải làm việc.

“California đang thực hiện Kế hoạch Tổng thể về Người cao tuổi. Và khi tiểu bang phát triển kế hoạch này sẽ phải xem xét những người cao niên không có giấy tờ hợp lệ,” Medina cho biết.

Trung tâm MAYE được xem là nơi để chữa lành những người sống sót sau chấn thương, bị áp bức, bị phân biệt chủng tộc có hệ thống, có văn phòng ở Long Beach. Laura Som, Người sáng lập Trung tâm MAYE, diễn giả thứ ba, cho biết cô là người tị nạn Campuchia, lớn lên ở Mỹ và chứng kiến những người cao niên trong cộng đồng người Campuchia bị sa sút sức khỏe tâm thần do hậu quả của chiến tranh, bạo lực, và sự thờ ơ của cộng đồng chính thống.

“Biết tin về hai vụ xả súng khiến nhiều người mất mạng, chúng ta vô cùng đau buồn. Chúng ta sống trong sợ hãi khi phải rời khỏi không gian an toàn trong nhà và cộng đồng của mình. Dấn thân vào công chúng đồng nghĩa với việc phải đối mặt với dịch bệnh, xả súng hàng loạt trong cộng đồng,” Som nói. “Đây là thời điểm trào dâng những cảm xúc mãnh liệt và sâu sắc đối với tất cả chúng ta, đặc biệt là gia đình của các nạn nhân và thủ phạm. Hãy bắt đầu bằng cách tự hỏi vấn đề gì khiến người ta lại coi thường sự sống như thế!”

Với tội phạm giết người hàng loạt, Som cho rằng “chúng ta đang lặng thinh đứng nhìn các vụ xả súng trong trường học và ở những nơi người cao niên tìm nơi tựa nương.”

Một người phụ nữ được nhìn thấy trên sân của Trung tâm Phục hồi và Chăm sóc Gateway ở Hayward, California, vào Thứ Tư, ngày 8 Tháng Tư năm 2020. (Jane Tyska/Digital First Media/East Bay Times via Getty Images)

Bác sĩ Brett Sevilla, Giám đốc Y tế của Trung tâm Tư vấn và Điều trị Châu Á Thái Bình Dương, Los Angeles, nơi chỉ cách Monterey Park một dặm, đưa ra những câu hỏi: “Bạn phản ứng thế nào khi cả nạn nhân và thủ phạm đều là cư dân của cộng đồng? Làm thế nào để bạn đồng thời hỗ trợ những người đang đau buồn và những người có thể đang đấu tranh với cảm giác bị từ chối, trở thành nạn nhân, oán giận và thậm chí là ý tưởng trả thù cho những người đang đau buồn?”

Sevilla cho biết, Trung tâm tư vấn của ông đã phối hợp với các tổ chức cộng đồng Á châu khác để hỗ trợ tinh thần cho các nạn nhân. Nhân viên nói hai thứ tiếng của trung tâm tiếp xúc với trường học gần nơi xảy ra vụ xả súng, và hỗ trợ khoảng 30 học sinh được xác định là bị ảnh hưởng về tâm thần. May mắn là các em đã cảm thấy tốt hơn, nhưng các phản ứng đối với chấn thương thì chậm hơn hoặc bị từ chối và có thể xuất hiện dưới dạng các triệu chứng thực thể.

“Vì vậy, có khả năng chúng ta sẽ không thấy được tác động đầy đủ của thảm kịch này trong một thời gian dài, và chúng ta sẽ không biết được có bao nhiêu người đang đau khổ, đơn giản là họ sẽ không đến với chúng ta,” Sevilla nói. “Tôi phải nhấn mạnh rằng, tôi chưa bao giờ đánh giá người đàn ông bị buộc tội nổ súng, vì vậy không thể nói bất cứ điều gì cụ thể về sức khỏe tâm thần của ông ấy. Nhưng nói chung, các loại hành vi đã được báo cáo, rằng lừa đảo, tức giận, cáu kỉnh, thù địch, tích trữ vũ khí đều là những dấu hiệu cảnh báo về bệnh thần kinh, tâm lý, lạm dụng chất kích thích hoặc tội phạm tiềm ẩn.”

Một thông điệp được nhìn thấy vào Thứ Ba, ngày 31 Tháng Giêng năm 2023 tại đài tưởng niệm tạm thời dành cho các nạn nhân vụ xả súng hàng loạt ở Monterey Park tại Tòa thị chính Monterey Park. (ảnh: Sarah Reingewirtz/MediaNews Group/Los Angeles Daily News via Getty Images)

Zia cho rằng trong cộng đồng, những người lớn tuổi bị coi là vô hình, thậm chí bị cô lập và đa số gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Theo cô, những chuyện kể ra đây không phải bêu xấu ai, mà để làm sáng tỏ một số vấn đề mà không phải lúc nào cũng được đưa vào báo cáo.

Còn theo Medina, các cộng đồng nhập cư đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 và quá trình phục hồi diễn ra chậm hơn, đặc biệt nếu mọi người không thể trở lại làm việc. Vì vậy, ý tưởng về sức khỏe tài chính cần được chú ý nhiều hơn.

Là người làm việc trong môi trường phục vụ những người cao niên nhập cư Á châu, Linda Yoon, Đồng sáng lập Yellow Chair Collective, liệu pháp đáp ứng văn hóa của người Mỹ gốc Á cho biết cô rất bàng hoàng khi hai vụ xả súng xảy ra vào dịp Tết Nguyên Đán. Nhiều người lớn tuổi thích đi khiêu vũ, và bây giờ họ cảm thấy căng thẳng và luôn trọng trại thái phải đối phó, mỗi khi muốn giải trí với sở thích của mình.

Emily Wu Truong, ở Arcadia, tạo hình trái tim từ hoa hồng cho các nạn nhân vụ xả súng hàng loạt ở Monterey Park vào Thứ Ba, ngày 31 Tháng Giêng năm 2023. (ảnh: Sarah Reingewirtz/MediaNews Group/Los Angeles Daily News via Getty Images)

“Những người cao niên nhập cư gốc Á là nhóm dân số rất dễ bị tổn thương,” Yoon nói. “Người cao niên nói chung ít được để mắt đến. Nhưng ăn sâu vào tâm khảm của người Á châu, rằng ai cũng muốn giữ thể diện nên chúng tôi không cho người khác thấy những điểm yếu hoặc những điều khiến người khác cảm thấy xấu hổ.”

Sau khi tốt nghiệp, công việc đầu tiên của Yoon là làm việc ở khu nhà dành cho người cao tuổi có thu nhập thấp, nơi có khoảng 500 cư dân, hầu hết họ là người lớn tuổi nhập cư gốc Á. Yoon nói, cô từng lân la trò chuyện với các cụ già, có khi cả tiếng đồng hồ, để nghe các cụ tâm sự. “Gần một nửa trong số họ đã khóc, kể cho tôi nghe về sự cô đơn và những khó khăn mà các cụ, các bác đang trải qua,” Yoon cho biết.

Hầu như các diễn giả đều cho rằng, vấn đề liên quan đến người nhập cư cao niên cần phải được quan tâm nhiều hơn vì những gì họ gặp phải, đừng để họ mang cảm giác bị quên lãng, bỏ rơi.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: