Những gì Donald Trump muốn dư luận quên

Donald Trump luôn muốn được nhắc đến và rất sợ bị quên lãng. Nhưng đây là những gì mà ông có lẽ muốn dư luận đừng bao giờ nhắc đến khi nói về mình…

Những cáo buộc của người vợ đầu

Thời kỳ hoàng kim những năm 1980, Donald Trump nổi như cồn với các tòa nhà, hãng hàng không, sòng bạc. Thương hiệu “The Donald” và vợ Ivana Trump là hình ảnh bộ đôi quyền lực ở Manhattan, đặc biệt khi ông mua lại khách sạn Plaza nổi tiếng và giao cho bà điều hành. Cuộc hôn nhân không kéo dài. Vụ Donald ngoại tình với diễn viên Marla Maples đã dẫn đến một cuộc hỗn chiến trên báo lá cải và cuối cùng là cuộc ly hôn. Theo Harry Hurt III, tác giả Lost Tycoon: The Many Lives of Donald J. Trump xuất bản năm 1993, Ivana cáo buộc người chồng tức giận Donald đã cưỡng hiếp mình một cách thô bạo… Vụ ly hôn giải quyết khi Ivana đồng ý được bồi thường 14 triệu USD.

“Thành tích” phá sản

Donald Trump là tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ kết hôn ba lần – và số lần phá sản trong kinh doanh của ông nhiều hơn “phá sản” trong hôn nhân. Lần phá sản đầu tiên xảy ra vào năm 1991, sau khi sòng bạc Taj Mahal ở Atlantic City nợ 900 triệu USD. Năm sau, Trump Castle Associates nộp đơn xin phá sản, liên quan Plaza Hotel ở New York City, Trump Plaza Hotel & Casino và Trump Castle Casino Resort ở Atlantic City. Tiếp đó, Trump đã “phá kỷ lục” sau hơn một thập niên không bị phá sản bằng loạt vụ phá sản các sòng bài ở Atlantic City – Los Angeles Times đưa tin vào năm 2004. Năm 2009, Trump đệ đơn lần thứ tư khi Trump Entertainment Resorts không thể thanh toán trái phiếu trị giá 53,1 triệu USD. Năm 2014, những sòng bài có dính đến Trump lại khai phá sản – CNN cho biết.

Mối liên hệ với Jeffrey Epstein

Tỷ phú bí ẩn Jeffrey Epstein chết trong phòng giam vào năm 2019, được cho là do tự sát, sau khi bị bắt và bị buộc tội buôn bán trẻ vị thành niên. Donald Trump rất muốn mọi người quên đi lịch sử mối quan hệ của mình với Epstein. Năm 2019, NBC tung ra đoạn phim từ năm 1992 cho thấy cảnh hai người trong buổi tiệc trác táng cùng gái đẹp trong khu nghỉ Mar-a-Lago của Trump. Trong một bài báo năm 2002 trên New York Magazine, Trump từng nói: “Tôi đã biết Jeff 15 năm. Một anh chàng tuyệt vời. Anh ấy rất vui khi ở bên cạnh. Người ta thậm chí nói anh ấy, cũng như tôi, rất thích gái đẹp”.

Cuốn băng Access Hollywood

Không đầy một tháng trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, Washington Post tung ra đoạn video được quay khi Donald Trump đang được phỏng vấn bởi Billy Bush của Access Hollywood vào năm 2005. Tưởng rằng mic đã tắt, Trump nói oang oang với Bush rằng khi ông nhìn thấy phụ nữ “xinh đẹp”, “tôi chỉ bắt đầu hôn họ… Tôi thậm chí không muốn chờ. Và khi anh là ngôi sao thì họ để anh làm điều đó… Bất cứ điều gì anh muốn. Cứ thoải mái sờ soạng. Anh có thể làm bất cứ gì”. Trong cuộc tranh luận tổng thống sau đó, người điều khiển chương trình Anderson Cooper hỏi Trump, “Ông khoe ông đã quấy rối tình dục phụ nữ. Ông có hiểu điều đó không?”. Trump trả lời, “Không, tôi không nói như thế. Tôi không nghĩ anh hiểu… Đó là cuộc nói chuyện trong phòng thay đồ thôi”.

Lời “vàng ngọc” của Putin

Cộng đồng tình báo Mỹ liên tục cảnh báo sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Một báo cáo Thượng viện năm 2020 cũng nói rằng khả năng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ 2020 là “nghiêm trọng”. Tuy nhiên, quan hệ giữa Donald Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin là rất khó hiểu. Khi gặp Putin ở Helsinki (Phần Lan), Trump đã dùng chính lời Tổng thống Nga để tuyên bố rằng Nga không can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016.

“Tổng thống Putin nói rằng đó không phải là Nga. Tôi thấy không có lý gì để nói như thế cả”. Trong khi đó, Paul Ryan, lúc đó là Chủ tịch Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát, khẳng định: “Không nghi ngờ gì về chuyện Nga can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng ta và tiếp tục các nỗ lực phá hoại nền dân chủ ở đây cũng như trên khắp thế giới. Đây không chỉ là phát hiện của cộng đồng tình báo Mỹ mà còn của Ủy ban Tình báo Hạ viện. Tổng thống phải nhận thức rõ rằng Nga không phải là đồng minh chúng ta”.

Tổ chức từ thiện Donald Trump làm gì?

Quỹ Donald J. Trump, thành lập năm 1987, bề ngoài là tổ chức từ thiện nhằm phản ánh hoạt động từ thiện của người sáng lập. Tuy nhiên, thực tế lại khác xa khi Tổng chưởng lý New York Letitia James đệ đơn kiện tổ chức này vào năm 2018. Năm sau, Donald Trump bị tòa án ra lệnh giải tán “tổ chức từ thiện” Donald J. Trump Foundation, vốn thực chất là nơi bơm tiền vào chiến dịch tranh cử tổng thống. Letitia James nói trong một tuyên bố: “Không chỉ Trump Foundation bị đóng cửa vì hành vi sai trái mà tổng thống còn bị buộc phải trả 2 triệu USD vì lạm dụng quỹ từ thiện cho lợi ích chính trị riêng”. Ngoài ra, Trump và các con Ivanka Trump, Donald Trump Jr. và Eric Trump – những người trong hội đồng quản trị Trump Foundation – đều bị cấm không bao giờ được phục vụ cho bất kỳ tổ chức phi lợi nhuận nào.

“Đại học Donald Trump”

Donald Trump Foundation không phải là nơi duy nhất bị phát hiện dính vào các hoạt động mờ ám. “Đại học Trump” (Trump University) – mà tờ USA Today mô tả “không phải là trường đại học mà chỉ là địa điểm tổ chức các hội thảo vì lợi nhuận” – đã bị kiện vào năm 2013 bởi Tổng chưởng lý New York bấy giờ là Eric Schneiderman. “Đại học Trump” bị buộc tội lừa hàng nghìn “sinh viên” với tổng số tiền lên đến 40 triệu USD. Theo USA Today, Trump đồng ý trả 25 triệu USD để kết thúc hai vụ kiện tập thể; trong khi vụ kiện dân sự của Schneiderman cáo buộc tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ “lừa đảo hàng nghìn người Mỹ hàng triệu đôla”.

Các cộng sự của Trump

Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống, Donald Trump thường xuyên khẳng định cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về mối quan hệ của ông với Nga là “trò lừa bịp” và một “cuộc săn phù thủy rởm”. Tuy nhiên, nhiều người trong quỹ đạo của Trump đã bị buộc tội vì những tội danh liên quan cuộc điều tra trên. Paul Manafort, từng đứng đầu chiến dịch tranh cử tổng thống của Trump, bị kết tội gian lận thuế và lừa bịp ngân hàng vào tháng 8-2018; tháng sau, ông ta nhận tội liên quan các cáo buộc rửa tiền, giả mạo nhân chứng và nhiều tội danh khác. Một cộng sự của Manafort, Roger Stone, bị kết tội nói dối trong vụ điều tra Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ; bản án của ông sau đó đã được tổng thống giảm nhẹ. Kế đó là tướng Michael Flynn, từng là cố vấn an ninh quốc gia của chính quyền Trump, bị cáo buộc nói dối FBI về mối quan hệ của mình với các nhà ngoại giao Nga.

Tờ khai thuế “đẹp”

Richard Nixon là tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ công khai bản khai thuế. Kể từ đó, mọi ứng cử viên tổng thống đều tự nguyện công khai bản khai thuế, ngoại trừ Donald Trump. “Nếu tôi quyết định tranh cử, tôi hoàn toàn phải khai thuế”, Trump nói với đài Ireland AM năm 2014. Tuy nhiên, Trump luôn né điều này. Ông nói với Anderson Cooper (CNN) vào năm 2016 rằng các tờ khai thuế “rất đẹp” (“very beautiful”) giờ trở nên “phức tạp” (“complicated”) để có thể công bố. Khi Trump tranh cử nhiệm kỳ hai vào năm 2020, những tờ khai thuế vẫn là “bí mật”. New York Times tiết lộ, trong thời gian 11 năm trong tổng cộng 18 năm “khai thuế” của Trump mà New York Times kiểm tra, Trump không hề đóng thuế. Kể từ khi trở thành tổng thống, Trump nộp thuế tổng cộng 750 USD.

Loạt tố cáo quấy rối tình dục

Business Insider đã liệt kê có đến 26 phụ nữ buộc tội tổng thống thứ 45 về các hành vi sai trái tình dục ở các mức độ khác nhau, từ những năm 1970. Trump bác bỏ tất cả. Tuy nhiên, một số người tố cáo hiện đang kiện Trump. Chẳng hạn, nhà báo E. Jean Carroll, trong hồi ký 2019, cho biết Trump đã tấn công tình dục mình trong phòng thay đồ ở một siêu thị Manhattan vào thập niên 1990. Trump nói, Carroll “hoàn toàn bốc phét”, và cô ấy “không phải là mẫu người của tôi”.

Khoản vay 400 triệu USD

Ngoài tiết lộ việc Trump chỉ trả 750 USD thuế vào năm 2017, New York Times còn cho biết Trump đã nợ hơn 420 triệu USD. Theo Vox, phần lớn số tiền đó là nợ ngân hàng Deutsche Bank. Những khoản nợ đó sẽ đến hạn thanh toán trong vòng bốn năm. Tin tức về khoản nợ khổng lồ của Trump đã gây chấn động cộng đồng tình báo Hoa Kỳ. Robert Cardillo, cựu Phó giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng, nói với Time rằng nếu Trump là bất kỳ nhân viên chính phủ nào khác, khoản nợ đó sẽ khiến ông ta không thể được hưởng qui chế an ninh, vì một khi là con nợ thì người ta có thể gây áp lực, trong khi Trump lại là tổng thống và là người có thể mang lại những ảnh hưởng xấu đến các quyết định liên quan an ninh quốc gia Hoa Kỳ. Quan điểm này được chia sẻ bởi Richard Painter, cựu luật sư về vấn đề đạo đức của Nhà Trắng trong chính quyền George W. Bush.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: