Nước Mỹ báo động đỏ về gián điệp Trung Quốc

Hôm thứ Sáu 4-12-2020, giáo sư Trung Quốc Bo Mao đã chính thức bị cáo buộc tội đánh cắp công nghệ Mỹ cho tập đoàn Huawei Technologies Co, kết thúc một chương trong cuộc điều tra của Bộ Tư pháp đối với công ty khổng lồ Huawei lẫn các hành động bất hợp pháp của một số nhà nghiên cứu ở Mỹ dính dáng Trung Quốc. Vài năm gần đây, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đặc biệt chú ý việc Huawei sử dụng các giáo sư đại học mà tập đoàn này tài trợ để tiếp cận công nghệ tiên tiến Mỹ (Huawei chi nhánh Mỹ từng tặng 100.000 USD cho một trường đại học ở Texas mà ông Mao sau này làm việc).

Vô số những kẻ gián điệp đội lốt “cừu”

Ông Bo Mao là phó giáo sư Đại học Hạ Môn ở Phúc Kiến, Trung Quốc và cũng làm việc trong khoa khoa học máy tính tại Đại học Texas-Arlington từ năm 2018. Tháng 12-2016, Mao liên hệ với “công ty nạn nhân” (từ sử dụng trong cáo trạng) để có được một bo mạch cho phép kiểm tra ổ cứng thể rắn (solid-state drive-SSD). Công nghệ này giúp các trung tâm dữ liệu khổng lồ có thể quản lý khối lượng thông tin ngày càng tăng từ các ứng dụng trí tuệ nhân tạo lẫn các ứng dụng tiên tiến khác. Bo Mao bị bắt ngày 14-8-2020. Vụ Bo Mao chỉ là một phần rất nhỏ trong hiện tượng ngày càng có nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc làm việc tại Mỹ hoặc thậm chí nhà nghiên cứu Mỹ bị Trung Quốc mua chuộc đang bùng nổ.

Tháng 1-2020, Charles Lieber, nhà tiên phong của Đại học Harvard trong lĩnh vực công nghệ nano, đã bị buộc tội nói dối với các nhà điều tra khi được hỏi về hơn 1,5 triệu USD mà ông nhận được với bàn tay Trung Quốc phía sau. Cùng ngày, Bộ Tư pháp công bố cáo trạng liên quan một nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Boston, tội không tiết lộ bà ta là trung úy quân đội Trung Quốc. Tháng 6-2020, Wang Xin, nhà nghiên cứu y sinh Trung Quốc, khách mời của Đại học California-San Francisco (UCSF), bị Hải quan Phi trường Quốc tế Los Angeles thẩm vấn khi chuẩn bị bắt chuyến bay cùng vợ và con về Thiên Tân. Theo hồ sơ tòa, Wang thừa nhận mình mang cấp bậc tương đương thiếu tá quân đội Trung Quốc và rằng ông khai gian khi xin thị thực về chuyện mình đã ra khỏi quân đội Trung Quốc vào năm 2016.

Vài tuần sau vụ bắt Wang, Đại sứ quán Trung Quốc triệu tập một nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Duke, được xác định là “L.T.”, đến Washington. Tại đó, hồ sơ cho biết, bà “L.T.” cùng bốn người khác gặp một người đàn ông mà họ gọi bằng kính ngữ “thầy”. Ông “thầy” đã hướng dẫn họ xóa hoặc cài đặt lại các thiết bị điện tử. Tại sân bay Los Angeles ngày 12-7, “L.T.” cho biết nhân viên hãng hàng không Xiamen Airlines nói với bà rằng Hải quan Mỹ sẽ thẩm vấn, do đó bà cần xóa mọi dữ liệu trong các thiết bị cá nhân. “L.T.” hoảng hốt dùng ứng dụng WeChat để gọi Đại sứ quán Trung Quốc và được khuyên nên làm theo hướng dẫn và giữ bình tĩnh. Cuối cùng, L.T. vẫn được rời khỏi Mỹ.

Vụ “L.T.” chưa lắng thì ngay hôm sau, đặc vụ FBI lại đối mặt Song Chen, nhà thần kinh học tại Đại học Stanford, với bức ảnh chụp bà trong bộ quân phục Trung Quốc. Trong đơn xin visa, Song khai rằng mình làm việc cho một bệnh viện ở Trung Quốc. Công tố viên Hoa Kỳ cho biết, một lá thư mà bà Song gửi Lãnh sự quán Trung Quốc mang nội dung rằng bà được lực lượng không quân PLA cho phép gia hạn thời gian ở lại Hoa Kỳ. Nhân viên điều tra Mỹ tìm thấy bức thư trong một thư mục mà bà Song đã xóa khỏi ổ cứng. Công tố viên coi đây là bằng chứng về việc bà tham gia quân đội Trung Quốc và sự lừa dối được hỗ trợ bởi các quan chức lãnh sự.

Ngày 17-7-2020, một số quan chức Lãnh sự quán Trung Quốc ở Chicago đã đi khoảng 250 dặm đến Bloomington, Indiana; trong khi đó, theo luật Mỹ, họ được yêu cầu phải giải thích lý do đi hơn 25 dặm từ nơi trú. Trong trường hợp này, họ nói với Bộ Ngoại giao Mỹ rằng họ đi gặp một phụ nữ để chuyển đồ dùng y tế cho học sinh. Thật ra họ gặp một nghiên cứu sinh tiến sĩ tên Zhao Kaikai chuyên về trí tuệ nhân tạo tại Đại học Indiana. Zhao, khi khai hồ sơ xin visa, cũng đã không đề cập việc mình làm trong quân đội Trung Quốc. Cuộc gặp nói trên kéo dài 45 phút tại một công viên gần căn hộ của sinh viên…

Lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco cũng từng đón một nhà nghiên cứu khác, Tang Juan, sau khi bà bị FBI thẩm vấn giữa tháng 6, về việc bà không khai mình từng ở trong quân đội Trung Quốc trong hồ sơ xin visa; trong khi trên mạng vẫn còn một bức ảnh cho thấy bà mặc quân phục. Bà Tang Juan có mặt tại Đại học California-Davis để thực hiện nghiên cứu ung thư theo học bổng của Chính phủ Trung Quốc. Công tố viên cho biết việc khám xét thiết bị điện tử của Tang đã làm lộ ra nhiều tài liệu quân sự Trung Quốc, cũng như cho thấy Tang được chỉ thị tập trung nghiên cứu vào những gì “liên quan thuốc giải cho các tác nhân sinh học”. Bà Tang ở lại Lãnh sự quán Trung Quốc một tháng và bị FBI bắt 23-7-2020 khi đi ra ngoài…

Giám đốc Cơ quan tình báo Quốc gia Hoa Kỳ cảnh báo gì?

Phải nói là Trung Quốc đã cài cắm gián điệp rất sâu vào nước Mỹ bằng đủ hình thức, đặc biệt gần đây là những kẻ khoác áo nhà nghiên cứu. Mới đây, trên Wall Street Journal (3-12-2020), Giám đốc Cơ quan tình báo Quốc gia Hoa Kỳ John Ratcliffe đã báo động về tình trạng này. Ông viết:

“Với tư cách Giám đốc Tình báo Quốc gia, tôi được giao quyền tiếp cận nhiều thông tin tình báo hơn bất kỳ thành viên nào của Chính phủ Hoa Kỳ ngoài tổng thống. Tôi giám sát các cơ quan tình báo và văn phòng của tôi đệ trình Bản tóm tắt hàng ngày của Tổng thống nêu chi tiết các mối đe dọa mà đất nước phải đối mặt. Nếu tôi có thể truyền đạt một điều cho người dân Mỹ từ vị trí thuận lợi duy nhất này thì đó là việc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đang trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ ngày nay cũng như là mối đe dọa lớn nhất đối với nền dân chủ và tự do trên toàn thế giới kể từ Thế chiến thứ hai… Tôi gọi cách tiếp cận gián điệp kinh tế của họ là “cướp, tái tạo và thay thế”. Trung Quốc cướp tài sản trí tuệ của các công ty Hoa Kỳ, sao chép công nghệ và sau đó thay thế các công ty Hoa Kỳ trên thị trường toàn cầu…

“Tôi đã thông báo cho Ủy ban Tình báo Hạ viện và Thượng viện rằng Trung Quốc đang nhắm mục tiêu vào các thành viên Quốc hội với tần suất gấp 6 lần Nga và gấp 12 lần Iran. Để giải quyết những mối đe dọa này và hơn thế nữa, tôi đã chuyển nguồn lực bên trong ngân sách tình báo 85 tỷ USD hàng năm để tăng sự tập trung vào Trung Quốc. Sự thay đổi này phải tiếp tục để đảm bảo tình báo Hoa Kỳ có các nguồn lực cần thiết nhằm có thể cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách những hiểu biết sâu sắc về ý định và hoạt động của Trung Quốc…

“Chúng ta không nên cho rằng nỗ lực kéo thế giới trở lại bóng tối của Bắc Kinh sẽ thất bại chỉ vì những thế lực tốt đã chiến thắng trước đó trong thời hiện đại. Trung Quốc tin rằng một trật tự toàn cầu không có họ đứng đầu là một sai lệch lịch sử. Họ muốn thay đổi điều đó và đảo ngược sự lan rộng của tự do trên toàn thế giới. Bắc Kinh đang chuẩn bị cho một giai đoạn đối đầu mở với Hoa Kỳ.

Washington cũng nên chuẩn bị. Các nhà lãnh đạo phải làm việc dựa trên tinh thần vượt qua sự chia rẽ đảng phái để hiểu mối đe dọa, để nói về nó một cách cởi mở và để hành động. Đây là thử thách chỉ có một lần trong thế hệ chúng ta. Người Mỹ đã luôn vươn lên cho đến thời điểm này, từ việc đánh bại tai họa chủ nghĩa phát xít đến việc hạ gục Bức màn sắt. Thế hệ này sẽ được đánh giá bởi phản ứng của nó đối với nỗ lực Trung Quốc nhằm định hình lại thế giới theo hình ảnh của chính họ và thay thế Mỹ trở thành siêu cường thống trị. Thông tin tình báo đã rõ ràng. Phản ứng của chúng ta cũng phải như vậy”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: