Nước Mỹ chuẩn bị như thế nào trước một cuộc tấn công hạt nhân?

Ảnh: SSPL/Getty Images

Một cuộc tấn công hạt nhân rất có thể sẽ nhắm vào một trong sáu thành phố New York, Chicago, Houston, Los Angeles, San Francisco, Washington DC; trong khi đó, nhưng một chuyên gia cho rằng sáu thành phố này không được chuẩn bị trước – theo Business Insider.

Không có gì là không thể xảy ra

Theo chuyên gia này, cả sáu thành phố đều gặp khó khăn trong việc cung cấp các dịch vụ khẩn cấp cho những người bị thương sau một vụ nổ hạt nhân.

Các thành phố cũng không đủ nơi trú ẩn bụi phóng xạ được chỉ định để bảo vệ người dân. Dù khả năng một quả bom hạt nhân tấn công một thành phố của nước Mỹ là rất nhỏ, nhưng các chuyên gia hạt nhân khuyên cáo “không nên quá chủ quan vì nguy cơ vẫn có thể xảy ra”.

Bị tấn công hạt nhân ở một khu vực đô thị lớn là một trong 15 “kịch bản thảm họa” mà Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang Hoa Kỳ (Federal Emergency Management Agency-FEMA) đã soạn sẵn kế hoạch đối phó khẩn cấp, trong đó có cả triển khai nhóm phản ứng đầu tiên, cung cấp nơi trú ẩn cho người sơ tán và khử nhiễm các nạn nhân tiếp xúc với phóng xạ. Đối với dân thường, FEMA có lời khuyên đơn giản: “Hãy vào ngay trong nhà, ở yên đó và theo dõi liên tục tình tình”.

Nhưng theo Irwin Redlener, một chuyên gia y tế công cộng tại Đại học Columbia chuyên về phòng chống thiên tai, những hướng dẫn liên bang như trên là “không đủ để chuẩn bị cho một thành phố trước cuộc tấn công hạt nhân”. Ông nói:

“Hiện không có một khu vực đô thị nào ở Mỹ có kế hoạch đầy đủ để đối phó với một vụ nổ hạt nhân, đặc biệt là sáu thành phố có khả năng cao nhất trở thành mục tiêu: New York, Chicago, Houston, Los Angeles, San Francisco và Washington DC. Những thành phố này không chỉ là một trong những thành phố lớn nhất và đông dân nhất trong cả nước, mà còn là nơi có các cơ sở hạ tầng quan trọng, như nhà máy năng lượng, trung tâm tài chính, các cơ quan chính phủ trọng yếu và hệ thống truyền dẫn không dây. Tất cả đều rất quan trọng đối với an ninh của nước Mỹ”.

Một hướng dẫn đối phó với tình huống bị tấn công bởi vũ khí hạt nhân tại Mỹ vào khoảng năm 1961 (ảnh: Jim Heimann Collection/Getty Images)

Mỗi thành phố có một trang web quản lý tình trạng khẩn cấp thông báo cho người dân về những việc cần làm trong trường hợp khủng hoảng, nhưng hầu hết các trang web đó (ngoại trừ LA và New York) không có từ nào liên quan đến một cuộc tấn công hạt nhân. Điều đó khiến cư dân khó học cách tự bảo vệ mình nếu bị tấn công hạt nhân trong thành phố của họ. “Nổ hạt nhân không phải là dấu chấm hết ngay cuộc sống như nhiều người tưởng mà sẽ là thảm họa khủng khiếp, thảm khốc với rất nhiều hậu quả và di chứng kéo dài” – Redlener nói về viễn cảnh.

Các thành phố sẽ rất vất vả và quá tải để cung cấp các dịch vụ khẩn cấp sau một cuộc tấn công hạt nhân. Nổ hạt nhân sẽ tạo ra những đám mây bụi và các hạt phóng xạ giống như cát phân tán vào khí quyển, được gọi là bụi phóng xạ hạt nhân. Tiếp xúc với bụi này sẽ dẫn đến ngộ độc phóng xạ, các tế bào cơ thể bị phá hủy, dẫn đến cái chết. Các mảnh vỡ hạt nhân mất ít nhất 15 phút để tiếp cận mặt đất sau một vụ nổ, vì vậy phản ứng nhanh của một người trong khoảng thời gian “vàng” đó là vấn đề sinh tử. Mọi người có thể tự bảo vệ khỏi bụi phóng xạ bằng cách ngay lập tức tìm nơi ẩn náu ở các trung tâm di tản hoặc tầng hầm của các tòa nhà làm bằng gạch, thép, bê tông, tốt nhất là không có cửa sổ.

Brooke Buddemeier, nhà vật lý sức khỏe tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore và chuyên viên tư vấn cho các nhà quản lý khẩn cấp về cách bảo vệ người dân khỏi các cuộc tấn công hạt nhân nói với tờ Business Insider: “Một chút thông tin về xử lý sau vụ nổ và cả trước đó có thể cứu rất nhiều mạng sống. Nếu chúng ta đưa được mọi người vào bên trong nơi trú ẩn an toàn, chúng ta có thể giảm đáng kể mức độ tiếp xúc phóng xạ của họ”.

Theo Redlener, kịch bản quan trọng nhất cần chuẩn bị không phải là một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện, mà là một vụ nổ hạt nhân đơn lẻ, ví dụ vụ phóng tên lửa của Bắc Hàn. “Ngay bây giờ, tên lửa Bắc Hàn đã vươn tới được Alaska hoặc Hawaii, nhưng sẽ sớm vươn tới các thành phố dọc Bờ Tây nước Mỹ” – ông nói. Một nguồn tấn công khác có thể là một thiết bị hạt nhân do một tổ chức khủng bố chế tạo, mua hoặc đánh cắp. Tất cả sáu thành phố mà Redlener xác định đều được Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (DHS) liệt kê vào danh sách “các khu vực thuộc Tier 1 (Cấp 1)”, có nghĩa là sẽ bị tàn phá nặng nề nhất khi xảy ra cuộc khủng bố hạt nhân.

Redlener cho biết, tại thành phố New York, vụ nổ của một quả bom cỡ Hiroshima, hoặc thậm chí nhỏ hơn một chút, có thể khiến khoảng 50,000-100,000 người thiệt mạng, tùy thuộc vào thời điểm nổ, vị trí nổ và hàng trăm ngàn người bị thương. Thậm chí có một số ước tính còn cao hơn. Ví dụ, tính toán của Alex Wellerstein, một nhà sử học về vũ khí hạt nhân tại Viện Công nghệ Stevens, nêu rõ: “Một vụ nổ 15 kiloton (như ở Hiroshima) tại thành phố New York sẽ khiến hơn 225,000 người thiệt mạng và 610,000 người bị thương.

“Hiện cả tiểu bang New York có 40,000 giường bệnh thì gần như lúc nào cũng có người. Vì vậy, lúc đó sẽ không có đủ giường bệnh để điều trị số bị thương” – Redlener nói. Ông cũng bày tỏ lo lắng về việc huy động các nhóm ứng cứu khẩn cấp. “Chúng ta có sẵn sàng ra lệnh cho Vệ binh Quốc gia và binh lính Mỹ đi vào các khu vực có mức phóng xạ cao không? Rồi chúng ta có dám yêu cầu các tài xế xe buýt đi vào đón những người nhiễm xạ và đưa họ đến nơi an toàn không? Theo tôi, những phản ứng chiến lược hay chiến thuật trong tình huống khẩn cấp đang có đều chứa đầy những bất cập” – ông nhận định.

Các thành phố lớn không có nơi trú ẩn bụi phóng xạ

Năm 1961, khoảng thời gian đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ đã khởi động Chương trình Nơi trú ẩn cho Cộng đồng (Community Fallout Shelter Program) tại các thành phố trên khắp đất nước, trong đó chỉ định những nơi an toàn để người dân ẩn náu khi xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân. Hầu hết nơi trú ẩn đều ở tầng trên của các tòa nhà cao tầng, vì vậy chúng chỉ nhằm bảo vệ con người khỏi phóng xạ chứ không phải bản thân vụ nổ.

Các chính quyền thành phố chịu trách nhiệm dự trữ thực phẩm, vệ sinh và vật tư y tế cho những nơi trú ẩn đó với kinh phí do chính phủ liên bang chi trả. Khi khoản tài trợ cho chương trình này cạn kiệt vào thập niên 1970, thành phố New York đã chỉ định được 18,000 nơi trú ẩn bụi phóng xạ để bảo vệ 11 triệu người. Nhưng đến năm 2017, các quan chức thành phố bắt đầu cho gỡ bỏ các biển báo màu vàng đánh dấu nơi trú ẩn để tránh hiểu lầm nguy cơ cao vẫn cao.

Redlener cho biết còn một lý do khiến các nơi trú ẩn hết lý do tồn tại: Các thành phố lớn như New York và San Francisco đang cần nhà ở giá cả phải chăng hơn, khiến chính quyền khó biện minh cho việc dành chỗ chứa thực phẩm và vật tư y tế khẩn cấp. Ngoài ra, nhiều chính quyền thành phố lo lắng nếu cứ nhấn mạnh các kế hoạch ứng phó với nguy cơ hạt nhân, cư dân sẽ lo lắng và hốt hoảng. Họ sợ rằng nếu nói công khai: Đây là những khuyến nghị bạn cần làm trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân thì nhiều người sẽ tự suy đoán chính quyền biết điều gì đó mà không dám cho công chúng biết.

“Nhưng thực ra, làm tăng nhận thức của công chúng về một nguy cơ không phải là điều đáng sợ – Buddemeier nói – Ví dụ lời khuyên ‘vào ngay trong nhà ở yên đó và theo dõi các thông tin mới’ là rất hữu ích, giống như cách chỉ cho người khác xử lý khi quần áo của họ bị bắt lửa. Nó không khiến họ sợ lửa, nhưng cho họ cơ hội cứu mạng sống của mình!”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: