Nước Mỹ hỗn loạn chia rẽ dữ dội

Hai phe đụng nhau – một “mặt trận” mới trong một “cuộc chiến” mới của nước Mỹ! (ảnh: Bill Clark/CQ-Roll Call, Inc via Getty Images)
Thời Sự
Thời Sự
Nước Mỹ hỗn loạn chia rẽ dữ dội
/

Phán quyết của Tối Cao Pháp Viện (TCPV) đảo ngược luật Roe v. Wade (Roe) về quyền phá thai liên bang đã khơi mào cho cuộc chiến điên cuồng giữa hai phe Pro-life (cấm phá thai) và Pro-choice (ủng hộ phá thai).

Niềm vui của người này là nỗi buồn của người khác

TCPV biện minh phán quyết của họ là cần thiết để chấm dứt những tranh cãi gay gắt trong gần nửa thế kỷ qua. Tuy nhiên, phán quyết ngay lập tức làm cho cuộc chiến càng khốc liệt hơn so với phán quyết công nhận Roe, và chắc chắn sẽ kịch tính và gây chia rẽ nhiều hơn nữa tại một đất nước vốn đã chia rẽ.

Tại Florida, dù gần đây đã thông qua lệnh cấm phá thai sau 15 tuần, các nhà lập pháp đang thúc Thống đốc Ron DeSantis triệu tập phiên họp đặc biệt để xem xét giảm lệnh cấm xuống còn sáu tuần! Ủy ban Quốc gia về Quyền được sống (National Right to Life Committee-NRLC) còn vận động sửa đổi Hiến pháp Mỹ để cấm phá thai trên toàn quốc! NRLC và các nhóm chống phá thai khác cam kết sẽ trừng phạt các công tố viên nào tuyên bố không thực thi lệnh cấm phá thai. Thậm chí họ hứa tìm cách hạn chế khả năng tiếp cận phá thai, kể cả luật cấm thai phụ ra ngoài tiểu bang để phá thai hoặc mua thuốc phá thai ở nơi khác.

Không chịu thua, các nhóm bảo vệ quyền phá thai cũng quay trở lại tòa án với phiên điều trần vào ngày Thứ Hai để ngăn chặn lệnh cấm phá thai sau 15 tuần. Tại tiểu bang Ohio, Freda J. Levenson, Giám đốc pháp lý của Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ Ohio (Ohio American Civil Liberties Union) cho biết tổ chức của bà và tổ chức ủng hộ phá thai Planned Parenthood of Ohio sẽ đệ đơn kiện vào đầu tuần này nhằm ngăn chặn thực hiện lệnh cấm phá thai, với lý lẽ quyền phá thai đã được bảo vệ trong Hiến pháp Ohio.

Phe ủng hộ phá thai (ảnh: Yasin Ozturk/Anadolu Agency via Getty Images)

Khắp nước Mỹ, loạt biểu tình từng có hàng trăm ngàn người tham gia sau khi Donald J. Trump nhậm chức tổng thống nay bắt đầu trở lại với các cuộc xuống đường trong một “Mùa Hè thịnh nộ” (Summer of Rage). Họ thề không bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử sơ bộ cho những ứng viên Dân chủ từng đồng lõa bổ nhiệm những thẩm phán TCPV bảo thủ. Vào Thứ Hai, các nhà lập pháp tiểu bang California dự kiến ​​sẽ thêm vào lá phiếu điều khoản bảo vệ quyền sinh sản vào Hiến pháp tiểu bang. Tại Michigan, Thống đốc Dân chủ Gretchen Whitmer đã đệ đơn kiện để ngăn lệnh cấm phá thai có hiệu lực.

Cuộc thăm dò CBS News/YouGov được tiến hành ngay sau khi TCPV đưa ra quyết định cho thấy đa số người Mỹ không tán thành phán quyết ngày Thứ Sáu và họ xem đây là một “bước lùi” của quốc gia. Gần 60% người được hỏi và 2/3 phụ nữ không tán thành phán quyết này. 58% đồng ý đưa quyền phá thai hợp pháp vào luật liên bang. 56% phụ nữ cho biết phán quyết mới sẽ khiến cuộc sống của họ trở nên tồi tệ hơn, so với 16% số người nói rằng nó sẽ cải thiện cuộc sống phụ nữ.

Trong khi đó, những người phản đối việc phá thai ăn mừng chiến thắng lớn nhất sau nửa thế kỷ. Kristan Hawkins, Chủ tịch nhóm chống phá thai Students for Life of America (SLA) cho biết công việc chính của nhóm bây giờ là ngăn chặn thai phụ uống thuốc phá thai. SLA cũng thảo luận các dự luật phá thai mới, phỏng theo luật Texas có hiệu lực từ Tháng Chín, trong đó cấm phá thai sau sáu tuần (luật nhịp tim) và cho phép công dân bình thường kiện bất kỳ ai cung cấp dịch vụ phá thai trên khắp tiểu bang. Bà Hawkins nói: “Cuối cùng, sứ mệnh của chúng tôi trong phong trào ủng hộ sự sống đã thành công. Hành động phá thai là không thể tưởng tượng được và không nên xảy ra tại đất nước này”.

Cuộc đối đầu không khoan nhượng giữa hai phe

Làn sóng vui mừng và tức giận bùng phát ngay sau quyết định hôm Thứ Sáu tiếp tục kéo dài suốt tuần, trên sóng phát thanh, truyền hình, mạng xã hội và trên bục giảng cũng như tại các cuộc biểu tình trong cái nóng oi ả mùa Hè. Một ngàn người biểu tình đã hô vang phản đối quyết định của TCPV bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở thành phố Oklahoma, nơi Thống đốc Kevin Stitt, một đảng viên Cộng hòa, đã ký một trong những lệnh cấm phá thai nghiêm ngặt nhất vào tháng trước.

Hàng trăm người ủng hộ quyền phá thai xuống đường tại Birmingham, Huntsville và Montgomery ở tiểu bang Alabama vốn nổi tiếng cực kỳ bảo thủ. Đối với những người bảo thủ, Chủ Nhật là một ngày đáng nhớ. Tại Nhà thờ Baptist Austin ở Texas, mục sư Jonathan Spencer đã dành hai bài giảng buổi sáng để ăn mừng quyết định của TCPV. “Tôi vui mừng về lòng nhân từ và ân điển của Chúa trong việc giúp loại bỏ những gì tôi tin là một trong những thảm kịch lớn nhất của thế hệ chúng ta, hơn 63 triệu trẻ em bị giết vì phá thai kể từ ngày có Roe. Tuy nhiên, trận chiến chưa kết thúc…”.

Đúng là “trận chiến chưa kết thúc”. Những người ủng hộ tổ chức Planned Parenthood dẫn đầu Cuộc diễu hành Tự hào tại trung tâm Manhattan (New York) hô vang: “Hãy đứng lên vì quyền phá thai!”. Tại nhà thờ Baptist Mount Zion ở Nashville, Giám mục Joseph Walker III ghi nhận vai trò phụ nữ tại tuyến đầu của rất nhiều cuộc đấu tranh trên phạm vi quốc gia lẫn toàn cầu. “Nhìn những đứa trẻ xinh đẹp này, cuộc sống là một điều may mắn. Không ai có quyền bảo phụ nữ phải làm gì với cơ thể họ vì đó là việc giữa họ và Chúa”.

Phe chống phá thai (ảnh: Yasin Ozturk/Anadolu Agency via Getty Images)

Sẽ còn dẫn đến đâu?

Giờ đây, sau khi Roe bị lật đổ và chấm dứt quyền phá thai trong Hiến pháp liên bang, cả hai phe đều đang cân nhắc phải làm gì tiếp theo. Một số ủng hộ cách tiếp cận thực tế hơn thời hậu Roe, bằng cách vận động tạm ngưng thực thi phán quyết của TCPV trong ba tháng ở các bang ôn hòa và duy trì các ngoại lệ đối với trường hợp bị hiếp dâm và loạn luân. Số đông hơn xem đây là khoảnh khắc chỉ có một lần trong thế hệ mình và là “mệnh lệnh đạo đức” để thúc đẩy chấm dứt hoàn toàn nạn phá thai, đặc biệt là ở các bang phe bảo thủ nắm quyền. Thậm chí họ xem phá thai là hành động giết người.

Hiện có khoảng sáu tiểu bang đã ban hành lệnh cấm phá thai mới. Nhưng ngay cả ở những bang lệnh cấm đã được áp dụng hoặc có khả năng áp dụng, vẫn có những cuộc tranh luận về việc luật sẽ đi bao xa. Một cuộc thăm dò trên tờ Wall Street Journal gần đây cho thấy 57% người được hỏi đã đồng ý rằng phụ nữ có thể phá thai hợp pháp nếu muốn vì bất cứ lý do gì, và 84% nói có thể phá thai nếu việc mang thai là kết quả của hiếp dâm hay loạn luân. Ở các bang như FloridaVirginia, một số người phản đối việc phá thai muốn có lệnh cấm phá thai trong những tuần đầu của thai kỳ, nhưng ban lãnh đạo Cộng hòa địa phương lại do dự không muốn đi xa như thế.

Tại hai tiểu bang Arkansas và Louisiana, quốc hội địa phương đã thông qua dự luật cấm phá thai kể cả khi bị hiếp dâm và loạn luân, dù có sự phản đối của các thống đốc. Thống đốc Arkansas Asa Hutchinson thuộc GOP khi ký dự luật cấm phá thai vào năm ngoái cũng mong tiểu bang sớm xem hiếp dâm và loạn luân là ngoại lệ. Ở Louisiana và các bang khác, những người chống phá thai kỳ cựu đang đối mặt với một bộ phận thiểu số chống lại án tù cho những người phá thai trái luật. Dân biểu tiểu bang Danny McCormick thuộc GOP đã bị trục xuất khỏi một uỷ ban vì muốn xếp phá thai vào tội giết người.

Tại Arizona, lệnh cấm phá thai sau 15 tuần đã được thông qua vào mùa Xuân, nay muốn giảm thêm nữa. Thượng nghị sĩ bang Arizona Nancy Barto thuộc GOP nói: “Sau phán quyết TCPV, lệnh cấm hoàn toàn nên được ưu tiên để bảo vệ càng nhiều thai nhi càng tốt”. Bà Marjorie Dannenfelser, Chủ tịch tổ chức Susan B. Anthony Pro-Life America, một trong những nhóm chống phá thai lớn nhất nước, cho biết bà ủng hộ các lệnh cấm phá thai hoàn toàn nhưng cảnh báo “những người chống phá thai đừng đi quá giới hạn!” Nhóm đã đánh giá thực tế tại khoảng 30 tiểu bang có thống đốc, cơ quan lập pháp và tòa án ủng hộ chống phá thai. Dannenfelser nói: “Tham vọng của phong trào là ủng hộ sự sống, nhưng không thể vượt quá ý chí của người dân ở bang đó”.

_________

Florida, chiến trường chính giữa phe chống và ủng hộ phá thai

Hollywood và các công ty phản ứng khi luật phá thai liên bang bị huỷ

Chấn động với phán quyết của TCPV về quyền phá thai

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: