Oanh tạc cơ B-52 – 70 năm vẫn “chạy” tốt!

Chính xác là gần 70 năm, kể từ chuyến bay thử đầu tiên vào năm 1952, Pháo đài bay B-52 đến giờ vẫn còn được sử dụng. Lâu lâu, nó được phái bay qua bay lại biển Đông để “hù” Trung Quốc và Trung Quốc vẫn không thể “không chịu nổi” sự xuất hiện của B-52 – một thông điệp rất rõ: người Mỹ vẫn hiện diện ở đây! Wall Street Journal (24-1-2021) cho biết Ngũ Giác Đài vẫn có kế hoạch duy trì phi đội B-52 cho đến “ít nhất năm 2050”, bất luận Không lực Hoa Kỳ giờ đã có những “siêu chiến đấu cơ” hiện đại gấp nhiều lần so với cụ già hom hem B-52 uống xăng như uống nước!

Sống đủ dai để chứng kiến lễ thượng thọ 100 năm

“Quay lại” – kiểm soát viên không quân Trung Quốc cảnh báo – “Các anh đang tiếp cận không phận Trung Quốc. Quay lại ngay lập tức nếu không các anh sẽ bị chặn lại”. Tuy nhiên, phi hành đoàn của chiếc B-52 ì ạch cách bờ biển Trung Quốc 100 dặm vẫn thong thả bay. Đây là một phần thuộc sứ mệnh của oanh tạc cơ B-52, được thiết kế để chứng tỏ tầm hoạt động lâu dài của quân đội Hoa Kỳ và duy trì quyền thông hành quốc tế trong không phận tranh chấp. Chuyến bay vào tháng 2 bắt đầu vào rạng sáng tại Căn cứ Không quân Andersen ở Guam, khi phi hành đoàn đeo mặt nạ dưỡng khí và bộ quần áo dày tránh lạnh, phòng trường hợp máy bay buộc phải lao xuống biển. Cụ già B-52 chạy lọc cọc trên đường băng, với bảng điều khiển analog và hệ thống radar lạc hậu già chát khú đế, bắt đầu cất cánh, lướt ngoằn ngoèo trên Thái Bình Dương và từ từ lọt vào “vùng nhận dạng phòng không” của Trung Quốc…

Thủy quân lục chiến đang loại bỏ xe tăng và thay vào đó là đầu tư năng lực tác chiến nhắm đến các đảo phía Tây Thái Bình Dương. Lục quân Hoa Kỳ gần đây tiến hành các cuộc kiểm tra khả năng khai thác trí thông minh nhân tạo và mạng lưới cảm biến; trong khi Hải quân đang theo đuổi việc phát triển các tàu không người lái. Trong khi đó, Không quân, dù không thiếu “đồ chơi” dữ dằn, chẳng hạn F-35, vẫn tiếp tục nuôi các cụ già B-52. Trước khi Không lực Mỹ có những oanh tạc cơ tàng hình hiện đại như B-21 “Raider” mà Northrop Grumman đang nghiên cứu và phát triển giúp Mỹ có thể lẻn vào hệ thống phòng không tinh vi của đối phương, thì B-52 Stratofortress vẫn còn có chỗ dụng võ. Do vậy, kế hoạch của Không quân Hoa Kỳ là vẫn sử dụng 76 chiếc B-52 cho đến ít nhất năm 2050. Lúc đó, “cụ” trẻ nhất trong phi đội cũng sấp sỉ 90 tuổi. Vài ông tướng không quân còn nói B-52 có thể sống đủ dai để chứng kiến lễ thượng thọ 100 năm!

Tại sao vẫn là B-52?

Được hình thành vào buổi bình minh của kỷ nguyên hạt nhân, B-52 thoạt đầu có vai trò răn đe rằng nó có thể được tung ra bất kỳ lúc nào cho một cuộc chiến hạt nhân. Chiếc máy bay tám động cơ, với sải cánh gần bằng 2/3 chiều dài sân bóng đá, được đặt biệt danh là BUFF (viết tắt từ “Big Ugly Fat Fellow” – tên mập bự xấu xí). Những năm 1960, 12 chiếc B-52 lắp đầy vũ khí hạt nhân luôn được đặt trong tình trạng báo động để có thể phóng lên trời bất cứ lúc nào. Bụng của chúng sơn màu trắng bóng để phản chiếu sức nóng một vụ nổ hạt nhân tiềm tàng. Tất cả đều nằm dưới một chương trình có mật danh “Chrome Dome”. Được thiết kế để mang hai quả bom hạt nhân, B-52 sau đó được tân trang để chứa khoảng 60.000 pound (hơn 27.000 kg) bom.

Sự phát triển của tên lửa hành trình phóng từ trên không đã đưa B-52 vào tình trạng mà Lầu Năm Góc gọi là khả năng “dự phòng” – tức có thể được sử dụng để phóng hỏa tiển từ một khoảng cách an toàn. B-52 đã đảm nhận vai trò này khi bắt đầu Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, và nó cũng trở thành “bệ phóng” nơi mà người ta phóng ra bom dẫn đường bằng vệ tinh vào các tay súng phiến quân ở Afghanistan, Syria và Iraq. Trong trận chiến giành lại Mosul từ lực lượng Nhà nước Hồi giáo, B-52 cũng thực hiện sứ mạng tương tự.

Phải nói là B-52 thích ứng rất tốt trước những thay đổi của hình thức chiến tranh. Loại máy bay đầu tiên mà người ta tính thay thế B-52 là B-70 – được thiết kế để bay rất nhanh và cao nhưng sau đó phải hủy vì Liên Xô đã kịp điều chỉnh kỹ thuật ứng phó trong hệ thống phòng không của họ. Kế đó, Không quân Mỹ phát triển oanh tạc cơ B-1B “Lancer”, được thiết kế để bay thấp với cánh có thể điều chỉnh (xếp lại gần sát vào thân). Tuy nhiên, khi được đưa vào sử dụng ở Afghanistan và Trung Đông, B-1B “Lancer” lộ ra nhiều nhược điểm. Trong khi đó, máy bay ném bom tàng hình B-2 “Spirit” mà Không quân ứng dụng những kỹ thuật và công nghệ cực kỳ tiên tiến lại trở nên quá tốn kém. Chương trình sản xuất B-2 “Spirit” đã bị cắt còn 21 chiếc so với 132 chiếc ban đầu, đặc biệt khi căng thẳng với Moscow giảm bớt và ngân sách quốc phòng Mỹ bị thắt chặt (chi phí mỗi chiếc B-2 hơn 2 tỷ USD).

Những năm gần đây, với sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ phải tính toán lại việc sử dụng B-52 song song các kế hoạch nghiên cứu cho những phiên bản hiện đại. Năm 2020, các tướng Không quân nói rằng biên chế không lực phải có ít nhất 220 máy bay ném bom cho các nhiệm vụ thông thường, đồng thời duy trì “bộ ba cốt lõi” (nuclear triad) trong đó có máy bay ném bom tầm xa, cộng với hỏa tiễn đất đối không và hỏa tiễn phóng từ tàu ngầm. Hiện thời, phi đội oanh tạc cơ có 158 chiếc.

Một trong những oanh tạc cơ thế hệ mới nhất là B-21, dự kiến ​​đưa vào hoạt động từ giữa đến cuối thập niên 2020, với ít nhất 100 chiếc. Để duy trì phi đội máy bay ném bom với số lượng ổn định, Không quân quyết định kéo dài tuổi thọ những chiếc B-52, để có thể từ từ loại bỏ B-2 và B-1B. Dù to xác, già nua, khó tránh hệ thống phòng không đối phương, động cơ ngốn nhiên liệu…, nhưng B-52 có thể bắn tên lửa tầm xa, mang bom và mìn dẫn đường bằng vệ tinh. Và chỉ B-52 trong số các máy bay ném bom của Không quân Hoa Kỳ hiện nay là có thể được trang bị tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân. Bằng cách đại tu khoang chứa bom, Không quân đã có thể tăng cường hỏa lực cho B-52, cho phép chúng mang tám hỏa tiễn dẫn đường chính xác bên trong bụng, cộng với 12 hỏa tiễn trên cánh, đặc biệt các tên lửa “siêu thanh-siêu nhanh” có thể phóng đến mục tiêu cách 1.000 dặm!

B-52 của thế kỷ 21

Rolls-Royce Holdings PLC, GE Aviation của General Electric và Pratt & Whitney của Raytheon Technologies đang cạnh tranh hợp đồng bán 608 động cơ mới cho B-52, có giá hàng tỷ đồng nhưng vẫn đáng đồng tiền bát gạo vì chúng giúp tiết kiệm nhiên liệu đáng kể. Cuối thập niên 2030, phi đội oanh tạc cơ của Mỹ sẽ được tạo thành từ: B-21 với kiểu dáng đẹp, được thiết kế để vượt qua hệ thống phòng không đối phương; và những chiếc B-52 già nua có thể xịt hỏa tiễn bắn mục tiêu rất xa.

“Chúng tôi là xe tải chở bom” – Trung tá chỉ huy phi đội Dennis Zabka nói – “Chúng tôi mang theo nhiều loại đạn dược nhất trong tất cả các loại máy bay”. Cuối tháng 8-2020, một chiếc B-52 đã xuất hiện tại Hắc Hải, “ranh giới đứt gãy” giữa phương Tây và Nga. Một chiếc Su-27 của Nga cách nó chỉ 100 feet (30 m)! Một tuần sau, hai B-52 lại bay vòng qua bờ biển Ukraine, không xa bán đảo Crimea do Nga nắm giữ. Ngày 17-1-2021, một cặp B-52 đã bay từ Mỹ đến Vịnh Ba Tư và quay trở lại trong chặng bay không nghỉ (non-stop). Mục đích là răn đe Iran. Và ở Tây Thái Bình Dương, B-52 thỉnh thoảng lại xuất hiện…

Guam là tiền đồn quan trọng trong cuộc so găng với Trung Quốc. Không quân Hoa Kỳ đang “nhét” đầy bom vào các boongke kiên cố tại Kho chứa đạn số 1 ở Andersen, biến nó thành một trong những kho chứa tên lửa và bom lớn nhất của quân đội Mỹ. Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ cũng đề xuất xây dựng một mạng lưới phòng không trị giá 1,6 tỷ USD trên hòn đảo này để bổ sung cho hệ thống chống tên lửa Thaad được triển khai ở đó năm 2014. Guam chính là nơi mà Phi đội ném bom số 69, với “căn cứ nhà” ở Minot (North Dakota), thực hiện sứ mệnh bay qua khu vực mà Trung Quốc cho là “vùng” của họ. Phi hành đoàn sử dụng hệ thống phát thanh hàng chục năm tuổi của họ để liên lạc với các kiểm soát viên không lưu ở San Francisco và Nhật Bản trước khi trực chỉ Tây Nam về phía Trung Quốc. Họ luôn sẵn sàng phát ra câu trả lời khi nghe “cảnh báo” từ kiểm soát viên không lưu Trung Quốc: “Tôi là máy bay quân sự Hoa Kỳ, đang thực hiện các hoạt động quân sự hợp pháp trên không phận quốc tế”.

Khi kết thúc chuyến bay kéo dài 12 giờ, điểm dừng đầu tiên của phi hành đoàn là trạm bảo dưỡng, nơi nhóm kỹ thuật làm việc suốt đêm để chuẩn bị cho “cụ B-52” sẵn sàng cho nhiệm vụ tiếp theo. Khả năng thích ứng của B-52 từng khiến nhiều người kinh ngạc. (Cựu) Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, người từng ngắm B-52 từ một nhà máy Boeing gần đó, bay ngang ngôi nhà ở Wichita (Kansas) của mình hồi ông còn nhỏ, đã phải thốt lên: “Đâu có ai ngờ, sau 60 năm, cái thứ quái quỷ này vẫn còn bay nhỉ?”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: