Silicon Valley và bài học Elizabeth Holmes

Elizabeth Holmes (trái) bắt đầu ngồi tù (với bản án 11 năm) từ ngày 30 Tháng Năm 2023 (ảnh: Yichuan Cao/NurPhoto via Getty Images)

Khi nữ doanh nhân công nghệ Elizabeth Holmes vào tù, Silicon Valley có học được bài học nào không?

Elizabeth Holmes đã cố gắng tìm cách thoát vòng lao lý, nhưng nữ doanh nhân ở Thung lũng Silicon này cuối cùng cũng phải ngồi tù từ ngày 30 Tháng Năm. Tội của Holmes không liên quan gì đến “cách vận hành và văn hoá” của trung tâm công nghệ Mỹ, vốn bị xem là nguyên nhân dẫn đến nhiều sai phạm, cả chủ quan lẫn khách quan.

Cách nay năm năm, các công tố viên liên bang đã truy tố Holmes về nhiều tội danh âm mưu làm trái và lừa gạt từ các nhà đầu tư đến người bệnh thông qua công ty khởi nghiệp Theranos “khai trương ồn ào nhưng làm ăn mờ ám”. Bị kết luận là “có tội” vào đầu năm 2022 với bốn tội danh nhưng đến nay mới phải nhận bản án 11 năm ba tháng tù giam, Holmes đã trình diện tại một trại tù cách thành phố Houston của tiểu bang Texas khoảng 160 km.

Ngay sau khi đối mặt với cuộc điều tra hình sự, Holmes đã tiến hành nhiều nỗ lực để thoát án tù bằng các thủ đoạn câu giờ được nhóm luật sư biện hộ lặp đi lặp lại làm tiêu tốn của bà hơn $30 triệu! Thậm chí, theo cáo trạng, Holmes còn lên kế hoạch dự đào thoát sang Mexico. Nhưng con người đa mưu này vẫn không thoát khỏi cánh tay pháp luật. Kể từ khi bị xem là có tội, Holmes và người bạn đời Billy Evans đã kịp mang thai đứa con thứ hai sinh vào Tháng Hai qua.

Bà từng “khoe” trên tờ New York Times mình là tình nguyện viên của một đường dây nóng (hotline) chuyên thông tin về cuộc khủng hoảng hiếp dâm. Câu chuyện của Holmes được xem là một ví dụ về cách hoạt động và văn hoá kinh doanh của Silicon Valley, nơi phổ biến tâm lý “fake it till you make it” (Hãy giả vờ cho đến khi bạn làm được điều đó) trong số các công ty mới thành lập (start-up) và là một ví dụ điển hình về sự “hiểu và làm không đúng” trong lĩnh vực công nghệ. Tâm lý và lối suy nghĩ này đã được nhiều chuyên gia công nghệ cảnh báo sẽ có ngày phải trả giá.

Làm thế nào mà một người phụ nữ lại phải ngồi tù trong khi Silicon Valley với không ít thiên tài, vẫn luôn che chở cho một số lượng đáng kể những người có quyền lực đã và đang thoải mái kiếm tiền mà không sợ bị trả giá? Khi phiên tòa xét xử Holmes bắt đầu vào Tháng Chín 2021, nhiều thông tin về vụ án đã tiết lộ một số điều đáng sợ về một ngành công nghiệp đã giúp “thay đổi thế giới” nhưng không phải lúc nào cũng làm cho thế giới tốt đẹp hơn.

Gần đây, một cuộc tranh luận về vụ lợi cá nhân trong vụ Holmes đã bộc phát với kết luận: Holmes có thể phạm bất cứ tội gì ngoài việc… lừa gạt các nhà đầu tư. Thực tế, Holmes được trắng án về tất cả các tội liên quan đến lừa gạt bệnh nhân; và bồi thẩm đoàn không thể thống nhất về việc liệu bà có lừa gạt các nhà góp vốn đầu tiên của Theranos.

Điều đó có nghĩa là Holmes bị tống giam vì đã lừa được những người có số tiền lớn như Rupert Murdoch và Betsy DeVos, còn lừa các nhà đầu tư nhỏ lẻ khác thì không. Phán quyết kiểu này rõ ràng đã “cứu một bàn thua trông thấy” cho các công ty khởi nghiệp bị nghi ngờ về mục tiêu huy động vốn.

Nhìn chung, hoạt động đầu tư và góp vốn của Silicon Valley vẫn không bị ảnh hưởng dù nguy cơ xuất hiện một chuyên gia lừa đảo liên quan việc dụ những con nai tơ góp vốn cho mình như trường hợp Elizabeth Holmes vẫn chực chờ. Các khoản đầu tư vào những công ty đứng sau “cuộc cách mạng ChatGPT” đang rất “hot” đã tăng hơn 10 lần, lên $4.5 tỷ vào năm ngoái so với năm 2018, báo hiệu một “cơn sốt vàng mới” bắt đầu. Ba công ty Apple, Microsoft và Alphabet (công ty mẹ của Google) có giá trị vốn hoá hơn $1 ngàn tỷ. Nvidia, công ty bán chất bán dẫn dùng cho các máy điện toán lưu trữ “các mô hình ngôn ngữ lớn” để cung cấp năng lượng cho các ứng dụng AI đã thay thế Intel để trở thành “ông trùm” thống trị chip.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: