Stephanie Murphy – chiếc búa bọc nhung

Dân biểu Hạ Viện người Mỹ gốc Việt Stephanie Murphy (Đặng Thị Ngọc Dung). (ảnh: Tom Williams/CQ-Roll Call, Inc via Getty Images)

Tại buổi điều trần đầu tiên của Uỷ ban Đặc trách Điều tra cuộc Phiến loạn 6 Tháng Giêng vào tối hôm Thứ Năm, nếu để ý kỹ ta sẽ thấy có một thành viên phụ nữ Á châu mặc áo xanh lá cây ngồi ngoài bìa. Tên cô là Đặng Thị Ngọc Dung, tên tiếng Anh là Stephanie Murphy, dân biểu Hạ Viện đến từ Florida.

Công khai phản đối chủ tịch Hạ Viện

Stephanie Murphy (bìa, áo xanh) tại buổi điều trần đầu tiên của Uỷ ban Đặc trách Điều tra cuộc Phiến loạn 6 Tháng Giêng vào tối 9 Tháng Sáu, 2022. (ảnh: Win McNamee/Getty Images)

Stephanie Murphy ra tranh cử Hạ Viện năm 2016. Lúc bấy giờ, cô đang làm cố vấn cho DCCC (Democratic Congressional Campaign Committee), có nhiệm vụ tìm ứng cử viên có khả năng hạ bệ Dân biểu Cộng Hoà John Mica của District 7 vùng Orlando. Bản đồ cử tri của Florida lúc đó mới vừa được vẽ lại nên District 7 cân bằng hơn trước. Vụ xả súng ở nightclub Pulse tại Orlando xảy ra khiến 49 người thiệt mạng đã làm cho Stephanie Murphy quyết định ra tranh cử, với mong muốn thay đổi luật súng đạn. Được sự hậu thuẫn nhiệt tình của DCCC, Murphy thắng Mica 3 điểm và trở thành phụ nữ gốc Việt đầu tiên tại Quốc Hội Hoa Kỳ.

Nhờ sự khôn khéo trong lý luận và khả năng dung hoà các ý tưởng đối nghịch, cô nhanh chóng được xem như một thành viên quan trọng của cánh Dân Chủ tại Hạ Viện. Không phải vô cớ mà Stephanie Murphy được đồng nghiệp trao tặng biệt hiệu “Velvet Hammer” – chiếc búa bọc nhung. Vào Hạ Viện chưa được bao lâu, Stephanie Murphy đã chứng tỏ bản lãnh khi cô công khai phản đối chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi trong một dự luật về di dân mà cô và một số dân biểu ôn hoà không đồng ý vì cảm thấy nó đi quá đà. Cô giải thích lý do là vì mỗi nghị viên phải bỏ phiếu theo nguyện vọng của cử tri nơi họ đại diện, nhất là ở những khu vực dễ bị mất ghế vào tay đảng đối lập.

Tuy mích lòng bà chủ tịch, nhưng từ đó số thành viên khối Blue Dogs ôn hoà tại Hạ Viện tăng lên gần gấp ba – khoảng 30 người, vào năm 2019, và trở thành một lá phiếu không thể thiếu cho bất cứ dự luật nào. Stephanie Murphy nghiễm nhiên trở thành người lãnh đạo khối này và nắm khá nhiều quyền lực trong tay so với nhiều dân biểu kỳ cựu hơn mình.

Stephanie Murphy (áo đỏ) tại Điện Capitol hôm 16 Tháng Sáu, 2021 khi Quốc hội thông qua đạo luật liên quan đến việc làm đài tưởng niệm quốc gia để tôn vinh các nạn nhân của vụ xả súng hàng loạt vào ngày 12 Tháng Sáu, 2016 khiến 49 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. (ảnh: Alex Wong / Getty Images)

Làm việc âm thầm, thích nói thẳng, nói thật

Sau khi thắng áo đảo nhiệm kỳ thứ nhì, năm 2020 Stephanie Murphy được Dân biểu James Clyburn, House Majority Whip, chọn làm phụ tá với chức vụ Chief Deputy Whip. Tại Hạ Viện cũng như Thượng Viện, Whip là nhân vật chỉ thấp hơn chủ tịch một bậc. Whip có nhiệm vụ thuyết phục các đảng viên cứng đầu, hòng gom góp đủ số phiếu để thông qua các dự luật do đảng đề xuất. Trong vai trò Chief Deputy Whip, Stephanie Murphy chịu trách nhiệm việc truyền đạt nguyện vọng của toàn khối cử tri Dân Chủ đến các nhà lãnh đạo khi họ bàn thảo những dự luật. Nghĩa là cô phải đi nói chuyện với rất nhiều người để lắng nghe xem họ cần gì, muốn gì.

Ngoài ra, Chief Deputy Whip còn được ngồi vào một trong những uỷ ban nhiều thế lực nhất tại Hạ Viện – Steering and Policy Committee, chuyên trách việc đề nghị và bổ nhiệm đảng viên vào các uỷ ban của Hạ Viện. Nói cách khác, ai muốn được chọn vào uỷ ban nào đều phải được Stephanie Murphy đề cử.

Murphy sẵn sàng làm việc với phe đối lập khi cần. Chẳng hạn như sau vụ xả súng tại trường trung học ở Parkland, Florida, năm 2018, cô đã nhận lời mời viếng thăm Tòa Bạch Ốc và dùng cơ hội này để thuyết phục Phó Tổng thống Mike Pence ủng hộ việc tái tài trợ cho chương trình nghiên cứu vấn nạn súng ống của CDC, bị Quốc Hội thắt họng từ thập niên 1990. Nhờ vậy mà chương trình này đã được phép hoạt động lại kể từ năm 2020.

Ngoài biệt hiệu “Velvet Hammer” ra, Stephanie Murphy còn được đồng nghiệp nể phục vì cô luôn luôn nói thẳng, nói thật. Dù họ có đồng ý với cô hay không, ai cũng biết khi cô phát biểu điều gì đó là điều cô suy nghĩ trong đầu. Chính nhờ phong cách làm việc hiệu quả đó mà cô đã thuyết phục được đảng Dân Chủ cắt bớt một số chi tiêu không cần thiết trong Dự luật Hạ tầng Cơ sở để nó có thể được chuẩn thuận bởi Lưỡng viện Quốc Hội, trao cho Tân Tổng thống Joe Biden một chiến thắng vang dội.

Cũng vì cô đại diện cho khối ôn hoà và không sợ tai tiếng mà ông Bennie Thompson, Chủ tịch Uỷ ban Đặc trách Điều tra vụ Phiến loạn 6 Tháng Giêng đã mời Stephanie Murphy vào Uỷ ban. Phải nói đây là một vinh dự hiếm có sau một sự kiện lịch sử có thể sẽ không xảy ra lần nữa.

Stephanie Murphy được đồng nghiệp trao tặng biệt hiệu “Velvet Hammer” – chiếc búa bọc nhung. (ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images)

Quá khứ và vị lai

Đặng Thị Ngọc Dung ra đời năm 1978 tại Sài Gòn. Năm cô một tuổi, gia đình cô vượt biên và được tàu Hải quân Mỹ vớt ngoài khơi biển Đông. Ngọc Dung lớn lên ở vùng Bắc Virginia. Bằng tiền trợ cấp từ Pell Grants và vay ngân hàng, Ngọc Dung tốt nghiệp đại học với tấm bằng cử nhân Kinh tế học tại College of William and Mary ở Williamsburg. Tiếp theo đó cô lấy thêm chiếc bằng Masters môn Ngoại giao học tại Georgetown University.

Ra trường, cô làm việc cho Bộ Quốc Phòng một thời gian như một chuyên viên về an ninh quốc gia. Sau một thời gian làm việc cho chính phủ, Stephanie Murphy dọn về Florida, lập gia đình và làm việc cho công ty tài chánh Sungate Capital. Ngoài ra cô còn là giáo sư dạy môn Business tại Rollins College – Đại học lâu đời nhất Florida. Hiện có hai con nhỏ, một trai một gái, Stephanie Murphy cho biết cô sẽ không tái tranh cử mùa 2022 để dành thì giờ cho gia đình và lo cho con cái.

Có người cho rằng ngoài lý do gia đình, có thể Stephanie Murphy không ra tranh cử phần nữa vì bản đồ District 7 đã được vẽ lại (tuy chưa được toà chấp thuận) và sẽ thiên về phía Cộng Hoà hơn. Trả lời phóng viên, cô nói:

“Những người theo dõi chính trị ít ai nghĩ rằng một người ở tuổi tôi có thể buông bỏ thế giới quyền lực của Washington dễ dàng như vậy trừ phi họ dính xì-căng-đan hay sợ thua cuộc… Nhưng thú thật, lúc này tôi cần phải ở bên cạnh con mình nhiều hơn. Trong các cuộc tranh cử từ trước tới giờ, tôi đánh đâu thắng đó, và tôi tin rằng mình vẫn có thể thắng nữa. Vả lại, giống như khi rời Bộ Quốc Phòng, tôi cảm thấy trước sau gì mình cũng sẽ quay lại với công việc nhà nước. Có điều, nó là việc gì thì tôi chưa biết.”

Đọc thêm:

-Cuộc điều trần 6 Tháng Giêng 2021: Không bất kỳ ai có thể đứng trên Hiến pháp Hoa Kỳ

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: