Tại sao mọi thứ đang ngày càng “già chát khú đế”?

Trong mọi lĩnh vực, độ tuổi trung bình, khi xét đến yếu tố của thành tích và quyền lực cá nhân, đang ngày càng tăng, đặc biệt tại Mỹ. Tại sao lại như thế?
Share:
Minh họa: patrick-tomasso-unsplash

Mọi thứ ở Mỹ ngày càng trở nên cũ kỹ và già sọm. Trong hầu hết lĩnh vực, ở đâu cũng thấy toàn ông già bà cả, dù không đến nỗi lụm khụm còng lưng, nhưng rõ ràng là rất già – từ chính trị, kinh doanh, học thuật, khoa học, thể thao, đến thậm chí văn hóa đại chúng.

Sân khấu chính trị Mỹ ngày càng già. Joe Biden là tổng thống già nhất lịch sử Hoa Kỳ. Mà ông vẫn còn “trẻ” hơn so với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (82 tuổi) và Lãnh đạo Đa số Hạ viện Steny Hoyer (83 tuổi). Lãnh đạo thiểu số Thượng viện Mitch McConnell cũng là một ông cụ bát tuần. Nói chung, Thượng viện Hoa Kỳ thời điểm hiện tại là thượng viện qui tụ nhiều bô lão nhất lịch sử Mỹ.

Không chỉ trong chính trị. Độ tuổi trung bình của tân CEO tại các công ty trong danh sách Fortune 500 rất có thể sẽ ở mức “già” kỷ lục. Mà không chỉ với ghế CEO, toàn bộ lực lượng lao động cũng già hơn. Từ thập niên 1980 đến đầu những năm 2000, người Mỹ dưới 45 tuổi chiếm đa số lao động. Điều đáng nói là qua năm tháng, thế hệ Baby Boomer (sinh năm 1946-1964) vẫn hiện diện trong lực lượng lao động lâu hơn các nhóm trước đây.

Dạ bẩm, cụ Steny Hoyer vẫn chưa nghỉ hưu ạ? (ảnh: Brian Stukes/Getty Images)

Rồi giới khoa học nữa. Họ ngày càng già, không chỉ ở Mỹ mà trên khắp thế giới. Nhớ lại thời xưa, việc tìm tòi khám phá là chuyện của giới trẻ. Khi cùng đồng nghiệp phát hiện cấu trúc DNA, James Watson mới 24 tuổi; và Albert Einstein mới 26 tuổi vào thời điểm ông công bố nghiên cứu chấn động về hiệu ứng quang điện và thuyết tương đối. Nhưng vài thập niên qua, những thành tựu khoa học được công bố đều thuộc về những người lớn tuổi. “Độ tuổi Nobel” ngày càng cao trong hầu hết lĩnh vực, đặc biệt lý và hóa.

Độ tuổi trung bình của một điều tra viên tại Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (National Institutes of Health – NIH) đã tăng từ 39 vào năm 1980 lên 51 vào năm 2008; và tuổi trung bình của các điều tra viên chính nhận được trợ cấp NIH đã tăng từ khoảng 36 vào năm 1990 lên chừng 45 vào năm 2016. Trong thực tế, tất cả các học viện-đại học đang “già” đi: Độ tuổi trung bình của các hiệu trưởng đại học Mỹ đã tăng đều trong 20 năm qua. Từ 1995 đến 2010, tỷ lệ giảng viên có việc làm trên 60 tuổi đã tăng gần gấp đôi.

Trong văn hóa đại chúng, “cái cũ” không còn “lỗi thời” như trước kia. Nhà văn Ted Gioia nhận xét rằng người Mỹ đã đổi gout thích nghe ca khúc “thời xa xưa ấy” hơn là nhạc mới. Trong điện ảnh, độ tuổi trung bình của các minh tinh tăng đều đặn kể từ năm 1999, theo một phân tích của The Ringer. Tính đến năm nay (2022), bảy bộ phim Mỹ có doanh thu cao nhất là phần tiếp theo hoặc dựng lại. Các môn thể thao như tennis và bóng đá được thống trị bởi các siêu sao mà lý ra theo thường tình thì họ đã phải nhường sân cho thế hệ đàn em. Tóm lại là chuyện quái gì đang xảy ra?

Tuổi thọ kéo dài hơn nhờ cuộc sống tốt hơn

Người Mỹ hiện tại sống lâu hơn. Người Mỹ giàu thậm chí sống lâu hơn người Mỹ nghèo nhất ít nhất 10 năm, và khoảng cách này đang tăng. Trong phần lớn thế kỷ 21 tính đến thời điểm hiện tại, một phần tư người giàu nhất đã tăng thêm khoảng 0.2 tuổi vào tuổi thọ mình mỗi năm. Nếu ngoại suy sự gia tăng hàng năm đó cho cả thế kỷ, nó sẽ cho thấy những người giàu đã thêm khoảng bốn năm vào tuổi thọ của họ kể từ năm 2000. Độ tuổi trung bình của các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, trên thực tế, đã tăng từ 59.8 vào năm 2001 lên 64.3 vào năm 2021.

Minh họa: brooke-lark-unsplash

Như Derek Thompson viết trên The Atlantic ngày 3 Tháng Tám 2022, có lẽ chúng ta nên xem xét không chỉ tuổi thọ (life spans) mà cả tuổi sức khỏe (health spans). Chẳng hạn, trong thể thao, sự hiểu biết vượt trội về chế độ ăn uống, tập luyện và y học đã giúp các ngôi sao kéo dài sự nghiệp.

Các ngôi sao banh nỉ Novak Djokovic, 35 tuổi và Rafael Nadal, 36 tuổi, đã có thể được xem là “già” đối với môn thể thao của họ nhưng họ vẫn giành được 15 trong 17 giải Grand Slam Nam. Ba trong năm Giải vận động viên sáng giá nhất NFL (Most Valuable Player Awards) gần đây đã thuộc về những tiền vệ trên 36 tuổi: Tom Brady năm 2017 và Aaron Rodgers năm 2020 và 2021. Trong bóng rổ, LeBron James gần đây đã trở thành vận động viên NBA già nhất (ở tuổi 37) đạt trung bình 30 điểm mỗi trận trong một mùa giải…

LeBron James (ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

Đam mê làm việc (một cách thái quá)

Điều này đã tạo ra cái mà nhà văn Paul Millerd gọi là “sự chặn cửa của thế hệ Boomer” (Boomer blockade) ở cấp cao nhất của nhiều tổ chức, khiến thế hệ sau họ (Gen-X và Millennial) không được thăng chức. Tuy nhiên, như Derek Thompson viết trên The Atlantic, cái gọi là “chủ nghĩa làm việc” (workism) không phải xấu khi nhiều người vẫn tiếp tục cống hiến nhưng nó cũng chẳng tốt hẳn, vì “phòng làm việc” nói chung “không được thiết kế để hoạt động như một ngôi đền”; và chẳng có bộ não nào làm việc mãi mà không bị xơ cứng thậm chí dẫn đến trống rỗng về tinh thần.

Cụ Warren Buffett, CEO của Berkshire Hathaway, 91 tuổi (ảnh: Kevin Dietsch/Getty Images)

“Gánh nặng kiến thức”

Tuổi thọ cao hơn nhờ sức khỏe tốt, cùng với cái gọi là “chủ nghĩa làm việc”, có thể giải thích tại sao độ tuổi của các nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh ngày càng cao nhưng hai điều này không giải thích được những “bí ẩn” lớn nhất trong lĩnh vực khoa học. Chẳng hạn tại sao độ tuổi trung bình của những người đoạt Nobel lại tăng hoặc tại sao các nhà nghiên cứu trẻ thành danh đột phá lại ngày càng hiếm? Câu trả lời nằm ở lý thuyết “gánh nặng kiến ​​thức”.

Khi ngày càng có quá nhiều kiến thức, khi con người có thể học hỏi và tiếp cận bất kỳ chủ đề nào, thì việc đào sâu hơn để tìm cái mới hẳn nhiên phải mất nhiều thời gian hơn. Hai trăm năm trước, bạn có thể nghiên cứu gen bằng cách xem hạt đậu mọc ở sân sau nhà và sử dụng khả năng quan sát để hình thành một lý thuyết về sự kế thừa.

Bây giờ, chúng ta biết quá nhiều về gen, về gen trội và gen lặn, và còn lập bản đồ gen, thì việc nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực này thực sự vô cùng phức tạp. Để hiểu được nền tảng di truyền của một căn bệnh phức tạp như bệnh tâm thần phân liệt, hàng trăm người trên khắp hành tinh phải tổng hợp dữ liệu về sự tác động lẫn nhau vô cùng phức tạp của gen và môi trường.

Lượng kiến thức và sự hiểu biết của con người ngày càng trở thành kho dữ liệu khổng lồ đến mức bất kỳ khoa học gia trẻ nào muốn tạo đột phá cũng ngày càng trở nên vô cùng khó khăn (minh họa: Unsplash)

Gánh nặng kiến ​​thức, cuối cùng, ảnh hưởng đến độ tuổi trung bình của các nhà khoa học. Việc đạt được khả năng làm chủ lĩnh vực nghiên cứu khi còn trẻ bắt đầu trở nên vất vả nhiêu khê hơn. Các nhà khoa học bây giờ phải học rất nhiều và mất nhiều thời gian hơn để tạo được một “cuộc cách mạng” trong lĩnh vực của mình. Ngoài ra, các tổ chức tài trợ khoa học, chẳng hạn Viện Y tế Quốc gia và Quỹ Khoa học Quốc gia, thường trao tài trợ cho các nhà nghiên cứu lớn tuổi, vì họ có thành kiến ​​với các nhà nghiên cứu trẻ, những người mà họ cho rằng chưa vượt qua được “gánh nặng kiến ​​thức” trong lĩnh vực của mình.

Một bồn tắm ấm áp của nỗi nhớ

Trên The Atlantic, Derek Thompson viết: Văn hóa đại chúng năm 2022 là “một bồn tắm ấm áp của nỗi nhớ”. Bài hát được nghe nhiều nhất của mùa Hè 2022 rất có thể là Running Up That Hill của Kate Bush, được phát hành cách đây 37 năm. Bộ phim bom tấn lớn nhất trong năm 2022, Top Gun: Maverick, là phần tiếp theo của bản gốc năm 1986. Nhiều album “trẻ” đã bị người nghe lờ tịt không thèm chú ý đến mức The Wall Street Journal (trong bài báo ngày 29-7-2022) gọi là “lời nguyền âm nhạc mới”. Mỗi năm trong thập niên qua, ít nhất một nửa trong 10 phim hàng đầu ở Mỹ là phần tiếp theo (sequels), chuyển thể (adaptations) và dựng lại (reboots).

Khi Beyoncé tung ra album mới ‘Renaissance’ cuối Tháng Bảy 2022, Wall Street Journal đặt ngay câu hỏi: Liệu cô ấy có thể phá được “lời nguyền âm nhạc mới”, khi thính giả dường như tránh xa cái mới và chỉ nghe cái cũ (ảnh: Mason Poole/A.M.P.A.S. via Getty Images)

Tại sao có hiện tượng này? Tất cả đều xuất phát từ những nghiên cứu thị trường của giới sản xuất, khi người ta nhận thấy (từ khảo sát thực tế) rằng, khán thính giả có khuynh hướng đón nhận những cái cũ! Trong âm nhạc, đó là hiệu ứng Shazam. Shazam là một ứng dụng nghe nhạc. Với ứng dụng này, ngành công nghiệp âm nhạc có thể theo dõi và từ đó dự đoán thị hiếu thính giả, bằng cách nhận biết rằng phần lớn thính giả thích nghe đi nghe lại cùng một thứ như thế nào. Thế là các đài phát thanh cứ phát đi phát lại những “best of the 80’s”… Với dân công nghiệp âm nhạc và điện ảnh, những khảo sát như vậy là thước đo để họ đầu tư sao cho không thất bại.

_______

Tóm lại, cái gì cũng có lý do. Vài diễn giải ở trên cho thấy chẳng phải tự nhiên mà nước Mỹ ngày càng trở nên già ở mọi lĩnh vực. Việc sống lâu hơn và khỏe hơn hẳn nhiên là tốt; nghe đi nghe lại Hotel California của nhóm Eagles chẳng có gì là xấu; bỏ phiếu cho những ông già bà già có kinh nghiệm cũng chẳng có gì sai… Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, làm thế nào để tạo ra một nhận thức rằng giới trẻ là những người quyết định tương lai mới là điều cần thiết cho một quốc gia già nua biết học được cách vui thú tuổi già một cách đúng đắn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: