Trụ sở Nghị viện Texas (ảnh: Tamir Kalifa/Getty Images)

Bryan Slaton, nghị viên Cộng Hoà ở tiểu bang Texas, vừa đề xuất dự luật mở cuộc trưng cầu dân ý nhằm tách Texas ra khỏi Liên Bang. Nếu dự luật TEXIT này được Nghị Viện chấp thuận, Tháng Mười Một 2023, cử tri Texas sẽ có cơ hội quyết định số phận của tiểu bang đông dân thứ nhì nước Mỹ sau California.

TEXIT là một cách chơi chữ (Texas + Exit), bắt chước cuộc trưng cầu dân ý Brexit bên Anh cách đây bảy năm với việc tách Anh Quốc ra khỏi Liên Minh Châu Âu (EU). Nhưng khác với EU, Liên Bang Mỹ Quốc (USA) có luật lệ rành rẽ cấm chuyện ly khai (secession). Song điều đó không những chẳng làm sờn lòng những người thuộc thành phần pro-secession, mà còn khiến họ quyết tâm hơn nữa vì cho rằng đó là một hình thức chính phủ Liên Bang lạm quyền, chèn ép tiểu bang.

Tại Texas, những người này lập ra một tổ chức mang tên Texas National Movement với tiêu chí “giành lại độc lập” cho Texas. Và để nhấn mạnh ý tưởng cũ nhưng mới ấy, Bryan Slaton đã chọn ngày 6 Tháng Hai để đưa ra dự luật TEXIT của mình. 6 Tháng Hai là kỷ niệm ngày Alamo thất thủ cách đây 187 năm (1836). Sẽ có người hỏi, Alamo thì mắc mớ gì tới chuyện ly khai khỏi nước Mỹ?

Bryan Slaton (bryanslaton.com)

Thưa, chuyện nó hơi dài dòng. Số là ngày xửa ngày xưa, vùng đất này là thuộc địa của Tây Ban Nha và trải rộng đến tận bờ Thái Bình Dương. Sang thế kỷ 19, sau khi Mexico giành được độc lập, nó trở thành đất của Mễ. Những thập niên đầu thế kỷ 19, chính quyền Mễ khuyến khích di dân đến đây khai khẩn đất hoang. Người Âu Châu, đa phần gốc Đức và Tiệp Khắc, sang Tejas [tê-hát] khá đông. Họ lập ra các làng mạc phố thị mang tên Đức như New Berlin, New Braunfels, Muenster, Boerne, Gruene v.v. (Hàng năm những nơi này vẫn ăn mừng Oktoberfest rất lớn.)

Những người gốc Âu, gốc Mễ, gốc Tây Ban Nha và thổ dân trong vùng sống hoà trộn với nhau và được gọi chung là Texians. Sau một thời gian, người da trắng trở thành số đông. Đa số muốn biến Tejas thành một nước riêng, không nằm dưới quyền cai trị của chính phủ Mễ nữa. Nhưng muốn “thoát Mễ” là một chuyện; thoát được hay không là chuyện khác.

Ngày 2 Tháng Ba 1836, các nhà lãnh đạo Texians lập bản “Tuyên Bố Độc Lập” – Declaration of Independence. Chiến tranh bùng nổ. Các trận đánh diễn ra từ ranh giới sông Rio Grande lên đến San Antonio về hướng Bắc và Galveston về hướng Đông. Tại San Antonio de Bejar, gần hai trăm quân binh Texians, được hỗ trợ bởi một số viện binh đến từ nhiều nơi trên nước Mỹ, đã tử thủ trong giáo viện Alamo và bị giết sạch bởi binh đoàn của tướng Santa Ana vào ngày 6 Tháng Ba. Trong số tử vong có David Crockett, cựu dân biểu từ tiểu bang Tennessee, và Jim Bowie, một nhà thám hiểm đồng thời là một tay buôn lậu nô lệ khét tiếng.

Hai tuần sau, trong một trận đánh khác tại làng Goliad, Santa Ana đã ra lệnh hành quyết 342 tù binh Texians. Sam Houston, thủ lĩnh đội quân Texians, trả đũa trong trận đại chiến Battle of Jacinto vào Tháng Tư. Quân binh của Houston reo hò “Remember the Alamo! Remember Goliad!” trước khi đánh bại và bắt sống được Santa Ana, bấy giờ đang lẩn trốn một cách nhục nhã trong quân phục một anh lính trơn ẩn núp dưới đầm lầy.

Samuel Houston (1793-1863), tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Texas (ảnh: Stock Montage/Getty Images)

Santa Ana bị ép ký hoà ước Treaties of Velasco và được Houston tha mạng, cho phép trở về Veracruz trong an toàn. Texas coi như “giành được độc lập” dù chính quyền Mexico City không tôn trọng hiệp ước Velasco vì cho rằng Santa Ana không có thẩm quyền điều đình thay chính phủ. Song Republic of Texas vẫn xem mình như một quốc gia độc lập; Sam Houston được bầu lên làm tổng thống. Tuy nhiên ngoài Hoa Kỳ chỉ có vài nước ở Âu Châu công nhận Cộng Hoà Texas, phần lớn vì Texas vẫn còn là “slave state” (90% kinh tế dựa vào kỹ nghệ bông vải cotton nên cần rất nhiều nô lệ).

Sau chiến tranh, Texas bị nợ ngập đầu nhưng không có cách nào trả. Quốc Hội Mỹ thì do dự, cân nhắc việc sát nhập Texas vào Liên Bang vì không muốn nghiêng cán cân về phía pro-slavery. Cuối cùng vào năm 1845, Texas được phép gia nhập Liên Bang như một “slave state” cùng lúc với Wisconsin là “free state,” giữ quân bình cho cả hai phe. Texas nhờ đó được nhà nước bảo kê và giúp trả nợ. Song sự kiện này lại một lần nữa dẫn đến chiến tranh giữa Mỹ và Mexico vì lý do biên giới chưa được vạch rõ từ lúc Houston đánh bại Santa Ana.

Trong cuộc chiến Mexican-American War, quân đội Mỹ thắng lớn, tiến vào đến tận Mexico City. Chính phủ Mễ phải đầu hàng và nhượng lại cho Mỹ một vùng đất rộng lớn bao gồm New Mexico, Arizona, Nevada và California với giá cực rẻ – $15 triệu. Nói cách khác, chính nhờ Texas giành độc lập mà ngày nay ta mới có California. Bởi vậy nên giờ đây nghe dân Texas đòi ly khai để trở lại làm Republic of Texas, ta chớ cười khỉnh và xem như chuyện đùa.

Tuy nhiên, dẫu cho những người trong khối Texas National Movement có lý, có tình hoặc có số đông cách mấy chăng nữa, đòi hỏi của họ vẫn sẽ không được pháp luật cho phép. Bởi vì cuộc Nội Chiến Bắc-Nam (1861-1865) đã giải đáp một cách rốt ráo câu hỏi làm thế nào để một tiểu bang có thể secede – ly khai ra khỏi Liên Bang. Trong một vụ kiện mang tên Texas v. White năm 1869 (bốn năm sau Nội Chiến), Chánh thẩm phán Salmon P. Chase của Tối Cao Pháp Viện đã phán quyết:

The union between Texas and the other States was as complete, as perpetual, and as dissoluble as the union between the original states.”

Nghĩa là tuy Texas gia nhập Liên Bang trễ, nhưng sự liên đới giữa Texas và các bang nguyên thủy vẫn được xem là hoàn chỉnh, vĩnh viễn và bất khả hủy. Ông còn nói thêm:

There was no place for reconsideration or revocation, except through revolution or through consent of the States.

Tức là không có gì để phải xét lại hoặc thu hồi tình trạng ấy – trừ trường hợp được các tiểu bang khác đồng ý hoặc do khởi nghĩa cách mạng.

Nói cách khác, không những TEXIT là một hành động vi hiến mà rất có thể nó sẽ dẫn đến vũ lực. Thành thử dự luật của Bryan Slaton, dù có được Nghị Viện thông qua và 50.01% dân Texas đồng ý chăng nữa, vẫn sẽ không đi tới đâu, trừ phi các tiểu bang khác cũng đồng thuận hoặc chiến tranh xảy ra.

Hy vọng các nhà lập pháp Texas của cả hai đảng đủ sáng suốt và bình tĩnh để tránh cho nước Mỹ phải dính thêm một cuộc khủng hoảng chính trị không cần thiết vào lúc này. Thay vào đó, họ có thể ủng hộ một dự luật khác, cũng của ông Slaton, nghe “hấp dẫn” hơn nhiều:

Gia đình càng đông con càng được bớt thuế nhà đất. Mỗi cặp vợ chồng (có hôn thú) nếu có ba đứa con sẽ được bớt 30% thuế, bốn đứa được 40%, v.v.

Rất tiếc người viết đã qua cái tuổi sung mãn, chớ nếu không cũng ráng sản xuất thêm chừng chục đứa con để được miễn 100% thuế. TEXIT hay không kệ tía nó!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: