Thù ghét người gốc Á gia tăng: cần có hành động

Biểu tình chống nạn kỳ thị, phân biệt chủng tộc ở Los Angeles, California. Hình minh họa. Credit: Mike Von/Unsplash.

“Tôi đang xếp hàng ở một tiệm thuốc thì một người phụ nữ đến gần và xịt Lysol (một loại dung dịch tẩy rửa) khắp người tôi. Bà ta hét lên: ‘Mày là nguồn lây bệnh. Cút về đi. Chúng tao không muốn mày ở đây’. Tôi rất sốc, tôi khóc và rời tòa nhà. Không ai giúp tôi cả.” Đó là lời của một phụ nữ Mỹ gốc châu Á ở thành phố Marietta, tiểu bang Georgia, được báo The Washington Post kể lại. Điều đáng buồn và đáng sợ là cô ấy không phải là người duy nhất trở thành nạn nhân của thành kiến và sự thù ghét chủng tộc.

Chỉ trong vòng một năm, mạng trực tuyến Stop AAPI Hate (Asian American and Pacific Islander), mới thành lập hồi tháng Ba năm ngoái, đã ghi nhận được hơn 3.000 lời tố cáo trực tiếp của những nạn nhân bị phân biệt đối xử, bị lăng mạ bằng lời nói, bị nhổ nước bọt và nhiều hình thức tấn công khác nhắm vào người Mỹ gốc Á, bình quân mỗi ngày có hơn 10 vụ trên khắp nước Mỹ.

Đã có những vụ tấn công được báo chí tường thuật và gây chấn động dư luận như vụ hồi tháng 01-2021 cụ Vicha Ratanapakdee, 84 tuổi gốc Thái Lan, bị xô ngã khi đang đi dạo buổi sáng ở San Francisco và qua đời chỉ hai ngày sau đó; vụ một cụ bà 64 tuổi gốc Việt Nam bị tấn công, hành hung và cướp tiền ở San Jose, California, vụ camera ghi lại cảnh một người đàn ông 91 tuổi bị xô ngã xuống đất ở khu Chinatown thành phố Oakland, vụ một người đàn ông Philippines 61 tuổi bị rạch mặt bằng dao mở hộp trên tàu điện ngầm ở New York hoặc vụ một người phụ nữ 52 tuổi bị xô ngã một cách tàn bạo trong lúc xếp hàng mua bánh mì ở Flushing, hạt Queens ở New York tháng trước… 

Daniel Dae Kim, một diễn viên gốc Nam Hàn, lên án nạn bạo hành người châu Á và nêu phần thưởng cho ai cung cấp thông tin để cảnh sát bắt giữ nghi phạm xô ngã cụ ông Victor Chin ở Oakland hôm 31-1 như trong video an ninh. Ảnh Twitter.

Từ khi đại dịch bùng phát vào mùa xuân năm ngoái, người Mỹ gốc Á đã phải đối mặt với bạo lực phân biệt chủng tộc với tỷ lệ cao hơn nhiều so với các năm trước. Theo báo cáo của Sở Cảnh sát New York trong năm 2020 thành phố này có tới 28 vụ tấn công người Mỹ gốc Á do thù ghét, tăng gần 10 lần so với ba vụ của năm trước. Trong khi bạo lực chống lại người châu Á diễn ra trên toàn quốc và đặc biệt là ở các thành phố lớn, thì sự gia tăng các cuộc tấn công vào năm 2021 đặc biệt tập trung ở Vùng Vịnh, đặc biệt là ở San Francisco và khu Chinatown của Oakland. Một phân tích vừa công bố của Trung tâm Nghiên cứu Sự Thù ghét và Cực đoan thuộc Đại học tiểu bang California (CSU) ghi nhận tội thù ghét (hate crime) trong 16 thành phố lớn nhất California đã giảm khoảng 7% trong năm 2020 nhưng tội thù ghét chống người gốc Á lại tăng thêm 150%. 

Theo kết quả phân tích các vụ tấn công bạo lực nhắm vào người gốc Á đã được ghi nhận thì 41% nạn nhân là người gốc Trung Quốc, 15% gốc Nam Hàn, 8% gốc Việt Nam và 7% gốc Phi Luật Tân. California là điểm nóng nhất với hơn 50% số vụ, kế đến là New York với 13%.

Thực tế có thể cao hơn rất nhiều vì phần lớn các hành động tấn công người gốc Á thường không được nạn nhân báo cáo cho cảnh sát do bất đồng ngôn ngữ và kiến thức pháp luật. Đa số nạn nhân bị tấn công lại là người cao tuổi, khả năng đối phó yếu ớt và đôi khi động cơ tấn công không rõ ràng, là do thù ghét chủng tộc, do thấy có cơ hội cướp bóc hoặc cả hai. Nhưng cho dù thế nào, những vụ tấn công đã gây tâm lý bất an, hoảng sợ trong các cộng đồng người gốc Á và có thể để lại di chứng tâm lý lâu dài. Báo Washington Post cho biết một cô bé 14 tuổi, sau khi bị lăng nhục trong một cửa tiệm, bây giờ rất sợ hãi không dám tới nơi công cộng, nhiều nhân viên tiệm ăn phải đổi lộ trình đi và về; các bậc cha mẹ không yên tâm khi đưa con cái tới trường. “Đó là một lời nhắc nhở lạnh lùng, buồn bã rằng cho dù trạng thái di trú của chúng ta là gì, gia đình chúng ta đã ở Mỹ bao nhiêu thế hệ, chúng ta vẫn bị coi là ‘người khác’, là kẻ ăn nhờ ở đậu”, bà Cynthia Choi, đồng sáng lập mạng Stop AAPI Hate, nói với báo USA Today.

Sự phân biệt đối xử với người sắc tộc thiểu số nói chung, người gốc châu Á nói riêng, đã tồn tại từ lâu trong xã hội Mỹ. Nhưng trước đây, khi nói tới xung đột chủng tộc hầu như người ta chỉ biết tới những vụ va chạm giữa người da trắng và người da đen hoặc người da đỏ bản địa. Gần đây, làn sóng toàn cầu hóa đã đưa nhiều cộng đồng người châu Á đến Mỹ định cư và xung đột với người Mỹ gốc Á bắt đầu xuất hiện.

Từ khi đại dịch Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, tràn vào nước Mỹ đầu mùa xuân năm ngoái và gây nhiều tang tóc cho đất nước này thì sự thù ghét người châu Á được bộc lộ công khai, dẫn tới những cuộc tấn công bạo lực. Nhiều người cho rằng các vụ tấn công người Mỹ gốc châu Á gia tăng trong năm 2020 một phần là do luận điệu bài ngoại của cựu Tổng thống Donald Trump. Ông Trump thường xuyên gọi coronavirus gây đại dịch Covid-19 là “virus Trung Quốc”, tố cáo chính phủ Bắc Kinh đã không kiểm soát được con virus trong biên giới của họ và để cho người Trung Quốc mang nó đi khắp thế giới. Khi phát biểu như vậy, ông Trump đã vô hình chung coi người Trung Quốc như là những sinh vật mang mầm bệnh đến Mỹ, và người Mỹ thì không bao giờ phân biệt được người Trung Quốc với người Việt, người Thái Lan, người Nam Hàn hoặc các sắc dân châu Á khác.

Russell Jeung, đồng sáng lập của “Stop AAPI Hate” và là trưởng khoa Nghiên cứu người Mỹ gốc Á tại Đại học CSU San Francisco, nhận định: “Có mối tương quan rõ ràng giữa những bình luận mang tính kích động của Tổng thống Trump, việc ông ấy khăng khăng sử dụng cụm từ ‘virus Trung Quốc’ và những phát biểu đầy thù ghét sau đó lan truyền trên mạng xã hội với tình trạng bạo lực thù ghét nhằm vào chúng tôi. Nó cho phép mọi người quyền tấn công chúng tôi. Các cuộc tấn công hiện nay nhằm vào người cao tuổi của chúng tôi phần nào cho thấy các luận điệu đó đã tác động đến dân chúng như thế nào.”

“Họ bị buộc phải sống trong sợ hãi cho tính mạng của mình dù chỉ đi bộ trên các đường phố nước Mỹ. Đó là điều sai lầm. Đó không phải là Mỹ. Và chuyện đó phải chấm dứt,”

Tổng thống Joe Biden, 11-03-2021

Chính phủ Biden, dù mới lên cầm quyền và có trăm công ngàn việc cấp bách phải làm, đã bắt đầu quan tâm tới vấn nạn tội phạm thù ghét người gốc Á. Trong bài diễn văn đầu tiên trước toàn thể nhân dân Mỹ vào hôm qua thứ Năm 12-03-2021, Tổng thống Joe Biden đã lên án mạnh mẽ tình trạng thù ghét và quấy rối mà người Mỹ gốc Á đang phải đối mặt. “Họ bị buộc phải sống trong sợ hãi cho tính mạng của mình dù họ chỉ đi bộ trên các đường phố nước Mỹ. Đó là điều sai lầm. Đó không phải là Mỹ. Và chuyện đó phải chấm dứt,” Tổng thống Biden nói. Thông điệp của ông Biden hoàn toàn trái ngược với những lời lẽ nảy lửa của cựu Tổng thống Trump từng kích động nỗi thù ghét đẩy hàng triệu người gốc Á vào vùng nguy hiểm. Nhưng đây chỉ mới là bước đầu, cần có những chính sách và hành động quyết liệt để chấm dứt vấn nạn này.

Một số thành phố lớn như San Francisco và New York đã thành lập các đội đặc nhiệm ứng phó với tội thù ghét người gốc Á và gia tăng sự hiện diện của cảnh sát ở các khu dân cư có đông người châu Á sinh sống. Cộng đồng người Hoa ở thành phố Oakland, California tổ chức các đội tình nguyện viên tuần tra khu Chinatown và hộ tống những người cao niên có việc cần ra phố. Những biện pháp này tỏ ra có hiệu quả nhưng chưa thể ngăn chặn triệt để tình trạng thù địch nhắm vào người châu Á; cần sớm có những chính sách mạnh mẽ và bền bỉ hơn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: