Tình báo Hoa Kỳ trước thách thức của thời đại “thuật toán”

An ninh mạng là mối quan tâm hàng đầu đối với cộng đồng tình báo Hoa Kỳ (minh họa: Pankaj Patel/Unsplash)

Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, cộng đồng tình báo Mỹ vẫn không thích ứng được với các thách thức mới, cả trong tư duy lẫn các ưu tiên hành động mà vẫn loay hay với các nhiệm vụ cũ: Đánh cắp các bí mật và cài người vào hàng ngũ kẻ thù. Đó là suy nghĩ của tác giả Amy Zegart qua bài viết mới trên tờ The Atlantic số Tháng Chín, 2021. Zegart là thành viên cao cấp tại Viện Hoover và Viện Freeman Spogli thuộc Đại học Stanford. Bà là tác giả của cuốn sách sắp xuất bản Spies, Lies và Algorithm: The History and Future of American Intelligence (Nhà xuất bản Đại học Princeton)…

Đòn đau nhưng giúp nước Mỹ bừng tỉnh

Hai mươi năm trước, những kẻ không tặc al-Qaeda đã tiến hành vụ tấn công khủng bố tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ và ngay trên đất Mỹ, giết chết 2,977 người vô tội. 11 Tháng Chín cũng là ngày thất bại tồi tệ nhất của tình báo Mỹ trong hơn nửa thế kỷ khi nó bị bất ngờ trước một cuộc tấn công lẽ ra… không bất ngờ! Nghiên cứu cho thấy rằng khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và các mối đe dọa đã thay đổi vào thập niên 1990, cộng đồng tình báo Mỹ vẫn chưa thích ứng được với tình hình mới. Chỉ sau thất bại 11 Tháng Chín, các điệp viên Mỹ mới tìm biết và học được nhiều hơn về tổ chức khủng bố al-Qaeda và cách chống lại nó.

Tuy nhiên, al-Qaeda không còn là vấn đề toàn cầu duy nhất mà còn nhiều mối đe dọa khác phức tạp hơn nhiều, đặc biệt là tấn công mạng và sự leo thang của nó trong thời gian gần đây. Trung Quốc trỗi dậy, sự hung hăng của Nga, phát triển vũ khí hạt nhân ở Iran, Bắc Hàn và sự khốc liệt của biến đổi khí hậu… đều là những thách thức cấp bách. Nhưng một lần nữa, các cơ quan tình báo Mỹ lại chật vật để bắt kịp thời đại. Tại sao? Bởi vì dù cho các chính trị gia và các nhà lãnh đạo Mỹ có nói gì, dù có nhìn thấy rõ “hình dạng” của những kẻ thù mới thì tình báo Mỹ nói riêng và các cơ quan chính phủ nói chung vẫn chưa thể vượt qua căn bệnh… quan liêu!

Thói quan liêu được thiết kế để các cơ quan duy trì quyền lực, để sống sót chứ không phải để thích ứng với thực tế. Trong khi các doanh nghiệp phải giải thể, phải phá sản nếu thất bại, thì các cơ quan chính phủ Mỹ không bao giờ chết. Trái lại, tuổi càng cao, càng xơ cứng trong khi ngân sách tăng vọt, và “văn hóa sinh hoạt nội bộ” bệnh hoạn. Những thay đổi trước đây dần bị lỗi thời. Cũng có vài cảnh báo được đưa ra từ những cá nhân can đảm muốn hành động nhanh, nhưng sự thay đổi thường rất chậm. Lối mòn vẫn như bệnh mạn tính, trong khi kẻ thù ngày càng lớn mạnh và nước Mỹ dễ bị tổn thương hơn.

Giám đốc CIA William Burns (ảnh: Tasos Katopodis-Pool/Getty Images)

Thất bại của tư duy tình báo kiểu cũ với những ưu tiên lỗi thời

Dẫn chứng là trong suốt thập niên 1990, khi các điệp viên cảnh báo về mối nguy hiểm ngày càng tăng của al-Qaeda, nước Mỹ vẫn không thể thoát khỏi “tư duy Chiến tranh Lạnh” trong “danh sách kẻ thù”. Tiền đổ vào các thiết bị do thám mới để làm sao đếm được chính xác các đầu đạn của Liên Xô từ không gian vượt xa tiền dành cho các nỗ lực cài người vào các nhóm khủng bố trên mặt đất! George Tenet, Giám đốc CIA lúc New York bị tấn công, từng cố gắng nhưng không thành công khi ông kêu gọi nâng cấp năng lực chống khủng bố của CIA và kêu gọi chính phủ liên bang hãy điều phối tốt hơn các thông tin tình báo chống khủng bố từ các cơ quan khác nhau.

Dù nhiều năm trước sự kiện 11 Tháng Chín, FBI luôn nói chống khủng bố là ưu tiên số một nhưng đến năm 2001, chỉ 6% nhân viên FBI phụ trách chống khủng bố! Mỗi năm, các đặc nhiệm FBI được nghỉ phép nhiều ngày hơn số ngày dành cho huấn luyện chống khủng bố. Một nỗ lực lớn nhằm cải thiện năng lực chống khủng bố của FBI tại các văn phòng thực địa đã kết thúc trong thảm họa: Chỉ vài tuần trước ngày 11 Tháng Chín, một báo cáo nội bộ phát hiện tất cả 56 văn phòng đều không đạt yêu cầu! Đánh giá “đáng xấu hổ” này được xếp vào tài liệu mật cấm phổ biến! Chính những điểm yếu về mặt tổ chức đã khiến CIA và FBI bỏ lỡ 23 cơ hội thâm nhập để bẻ gẫy âm mưu 11 Tháng Chín.

Ví dụ, các điệp viên CIA từng xác định được hai nghi can có mặt trong một cuộc họp lên kế hoạch khủng bố của al-Qaeda ở Malaysia, biết được họ tên, một kẻ có visa Mỹ, một kẻ từng đến Mỹ. Hơn 50 quan chức CIA xem được thông tin này, nhưng… hơn một năm sau mới có người báo cáo với Bộ Ngoại giao và FBI (trước 11 Tháng Chín, không có lớp huấn luyện “phòng ngừa” chính thức nào, không có ưu tiên cảnh báo nào cho các cơ quan Mỹ về những kẻ khủng bố nguy hiểm có thể đến đất Mỹ). Cuối cùng, khi thông báo với FBI, 19 ngày trước ngày 11 Tháng Chín, CIA cũng chỉ xếp việc truy lùng hai nghi can vào cấp độ “thông lệ” (routine), mức ưu tiên thấp nhất. Tệ hơn nữa là nhiệm vụ này được giao cho một tân binh vừa tốt nghiệp!

Sai lầm như thế là chuyện “thường ngày” của FBI, khi cơ quan này xem việc bắt những tội phạm đang bị truy lùng là quan trọng hơn nhiều so với thu thập tin tình báo để phá vỡ một âm mưu tấn công khủng bố tiềm tàng. Lúc đó, cả hai nghi can khủng bố trên đều đã có mặt tại Mỹ, thoải mái sử dụng tên thật trong hợp đồng thuê nhà, thẻ tín dụng và các giao dịch khác. Một người thậm chí có cả tên trong danh bạ điện thoại thành phố San Diego! Tại San Diego, chúng bắt đầu chuẩn bị “hành động” dù FBI cài được một đặc vụ chìm cùng phòng. Cuối cùng chúng đã không tặc và đâm chuyến bay 77 của American Airlines vào Ngũ Giác Đài!

Đổi mới tư duy tình báo và mục tiêu

Ngày nay, các cơ quan tình báo Mỹ còn phải đối mặt với một nhiệm vụ tương đối mới cần khả năng thích ứng nhanh chóng. Đó là những mối nguy hiểm đến từ công nghệ, gồm cả trí tuệ nhân tạo (AI), internet, công nghệ sinh học và kỹ thuật thu nhỏ vệ tinh (satellite miniaturization). Các hoạt động liên quan đến công nghệ đang làm thay đổi sâu sắc kinh tế và chính trị toàn cầu, thêm sức mạnh cho cả kẻ thù lẫn đối thủ cũ của nước Mỹ, tạo ra các mối đe dọa và thách thức không thể xem thường.

Chưa bao giờ thế giới chứng kiến cuộc cách mạng công nghệ có nhiều tiến bộ và phong phú như thế. Không gian mạng đang mang lại cho kẻ thù nhiều vũ khí và cơ hội tấn công đối thủ từ khoảng cách xa mà không cần bắn viên đạn nào. Trung Quốc đã tổ chức thành công và lâu dài chiến dịch đánh cắp một lượng lớn tài sản trí tuệ của nước Mỹ để tạo lợi thế kinh tế và quân sự. Liên bang Nga cũng sử dụng thành thạo không gian mạng để can thiệp vào bầu cử Mỹ và phá hoại các nền dân chủ.

Tháng Chín 2020, Phó Giám đốc FBI David Bowdich họp báo công bố chiến dịch tấn công mạng được thực hiện bởi nhóm APT 41 với năm công dân Trung Quốc bị cáo buộc đột nhập vào hệ thống mạng của hơn 100 công ty Mỹ (ảnh: Tasos Katopodis-Pool/Getty Images)

Các nhóm tội phạm thì tấn công đòi tiền chuộc nhằm vào các thành phố, các nhà cung cấp năng lượng, phân phối, dịch vụ và các cơ sở hạ tầng quan trọng khác của nước Mỹ. Nước Mỹ chưa bao giờ phải đối mặt với các mối đe dọa lớn như hiện nay, khi không gian mạng đang giúp kẻ yếu mạnh lên và làm kẻ mạnh dễ bị tổn thương hơn. Các nền dân chủ công nghiệp tiên tiến đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề bởi các hành vi tội ác trên mạng, một phần vì việc tôn trọng quyền tự do ngôn luận đã cho phép những kẻ xấu hoành hành. Công nghệ còn làm giảm khả năng hiểu chính xác về thế giới của cộng đồng tình báo Mỹ.

Vì vậy cộng đồng tình báo cần một loại tư duy và tưởng tượng khác để thích nghi với kỷ nguyên mới. Đánh cắp bí mật không còn là lợi thế, dù vẫn còn quan trọng, mà lợi thế sẽ tăng lên khi khai thác tốt nhất các thông tin mở, các dữ liệu có sẵn trên không gian mạng và khả năng sàng lọc để tìm những gì mình cần. Muốn thế, phải có một cơ quan mới, độc lập dành riêng cho “tình báo nguồn mở”. Dù CIA, Cơ quan An ninh Quốc gia và các cơ quan khác của cộng đồng tình báo Mỹ đang làm việc với các nguồn tin, dữ liệu mở, nhưng ưu tiên của họ vẫn là tìm kiếm những bí mật và tiến hành các nhiệm vụ mật. Vì vậy, phải có một cơ quan riêng cho cuộc chiến trên không gian mạng, nếu Mỹ muốn giành chiến thắng.

Để cơ quan này hoạt động hiệu quả sẽ cần những tài năng công nghệ thông tin, thứ không có ở các điệp viên của thời đại cũ (vốn được đánh giá về khả năng sống sót sau khi đột nhập vào hàng ngũ đối phương). Những người giỏi nhất và sáng giá nhất ngày nay thường chuyển việc nhiều lần trong đời và làm việc trong những lĩnh vực có sự cạnh tranh gay gắt của khu vực tư nhân. Ngày nay, đội ngũ hoạch định chính sách, bảo vệ quốc gia không chỉ sống ở Washington và giữ các thông tin về an ninh mà bao gồm cả các giám đốc điều hành có công ty riêng và vận hành 85% cơ sở hạ tầng quan yếu của nước Mỹ – phần lớn dễ bị tấn công mạng – và các nhà lãnh đạo công nghệ có các “siêu xa lộ” như mạng xã hội. Nói chung, an ninh quốc gia không còn là “đặc quyền” của chính phủ và khu vực công như trước đây.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: