Trân Châu Cảng, 80 năm…

USS Missouri ở Trân Châu Cảng nơi du khách có thể lên tham quan. Ảnh: Đ. Trang/SGN

Lễ tưởng niệm hàng ngàn binh lính Hải quân tử nạn trong trận Trân Châu Cảng sẽ diễn ra vào ngày 7 Tháng Mười Hai, 2021, đúng dịp kỷ niệm 80 năm trận chiến lịch sử trên quần đảo Hawaii.

Một buổi sáng của Tháng Mười, 2021, ở Pearl Harbor (Trân Châu Cảng) ít ai tưởng tượng được nơi này đã xảy ra trận tấn công kinh hoàng thế nào gần 80 năm về trước. Trời xanh, mây vẫn bay, không khí tĩnh lặng, yên ả.

Hawaii hấp dẫn du khách ở khắp nơi trên thế giới bằng khí hậu nhiệt đới nắng, gió và hiền hòa, bằng con người hiếu khách, nhiệt tình. Không những thế, suốt gần 80 năm kể từ trận tấn công của Nhật vào Trân Châu Cảng, quần đảo du lịch Hawaii trở thành điểm du lịch nổi tiếng, thu hút du khách từ khắp nơi đổ về.

Khu trại gia binh ở Trân Châu Cảng. Ảnh: Đ. Trang/SGN

Trân Châu Cảng nằm ở phía Tây thành phố Honolulu, trên đảo O’ahu, thuộc Quần Đảo Hawaii. Phần lớn cảng và khu vực xung quanh đều thuộc cảng quân sự của Hải quân Hoa Kỳ, đây là trung tâm chỉ huy của Hạm đội Thái Bình Dương.

Khu văn phòng làm việc của quân đội. Ban đêm khi mọi người ra về, nơi đây vắng lặng không ai qua lại. Ảnh: Đ. Trang/SGN

Khu gia binh vắng lặng. Thỉnh thoảng mới có vài người đẩy xe chở con đi dạo. “Đó là ban ngày, chứ ban đêm ít thấy bóng dáng ai, vì cho đến tận bây giờ thỉnh thoảng người ta vẫn nghe văng vẳng tiếng rên la, đau đớn vì bị cháy của những binh lính Hải quân trẻ,” cô bạn dẫn chúng tôi đi, kể.

Vợ một lính Hải quân đang đẩy xe đưa con đi dạo trong khu gia binh. Ảnh: Đ. Trang/SGN

Câu chuyện về những oan hồn được truyền tai nhau, khiến chúng tôi vẫn có cảm giác rờn rợn, dù là giữa trưa, trời nắng gắt.

Chiến tích vẫn còn nguyên ở tòa nhà màu vàng, nơi sửa chữa tàu và bị bom phá nát phần bên trong, nhưng bốn bức tường vẫn còn nguyên. Chỉ có điều, màu vôi đã ố vàng. 80 năm rồi còn gì!

Tòa nhà nơi sửa chữa tàu hư bị bom phá sập nhưng bốn bức tường vẫn còn nguyên. Ảnh: Đ. Trang/SGN

Trận Trân Châu Cảng được phía Nhật trù tính sẽ ngăn ngừa và giữ chân Hạm Đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ không can thiệp đến cuộc chiến mà Nhật Bản đang hoạch định nhằm xâm chiếm Đông Nam Á, chống lại Anh Quốc, Hà Lan và Hoa Kỳ. Cuộc tấn công bao gồm hai đợt không kích với tổng cộng 353 phi cơ xuất phát từ sáu hàng không mẫu hạm Nhật Bản.

Hai quả ngư lôi đầu tiên đã đánh trúng USS Oklahoma. Toàn bộ binh lính trên tầu chết cháy. Loạt ngư lôi tiếp theo đánh trúng chiếc USS Utah, vốn là một thiết giáp hạm đã 33 năm đi biển, được tháo bỏ mọi vũ khí để trở thành chiếc tàu bia dành cho huấn luyện.

Khu tưởng niệm các chiến sĩ hải quân tử tạn trên USS Oklahoma. Ảnh: Đ. Trang/SGN

USS Arizona gần như tan xác dù bị ngư lôi đánh hụt, nhưng lại bị các máy bay thả năm trái bom chính xác. Một trong năm trái đó lọt vào ống khói xuống bên dưới làm nổ hầm chứa đạn. Chiếc tàu phát nổ long trời lở đất và cháy suốt 9 phút với cột khói và lửa cao cả 300m. Tàu bị gãy làm đôi và chìm xuống biển, mang theo 1,777 thuyền viên. Xác của hai con tàu này vẫn nằm lại nơi chúng bị đắm và USS Arizona nay trở thành một bảo tàng chiến tranh.

Riêng USS Utah có nổi lên một phần. Rêu cỏ bám xanh rì trên “cục sắt” vô tri.

Rêu xanh mọc trên một phần USS Utah nổi trên mặt nước. Ảnh: Đ. Trang/SGN

Ngoài ra, quân Nhật còn đánh chìm hoặc phá hoại ba tàu tuần dương, ba tàu khu trục và một tàu thả mìn, phá hủy 188 máy bay, gây tổn thất về nhân mạng là 3,000 người tử trận và 1,282 người khác bị thương.

Khu trưng bày những chiếc US Air Force một thời oanh liệt. Ảnh: Đ. Trang/SGN

Cuộc tấn công bất ngờ vào Trân Châu Cảng bị dư luận quốc tế xem là đánh lén (sneak attack), và Tổng thống Franklin D. Roosevelt tuyên bố rằng ngày 7 Tháng Mười Hai, năm 1941, là ngày “sẽ sống mãi trong sự ô nhục” (“A date which will live in infamy”).

Một cây đại thụ được chăm sóc chu đáo suốt hơn 80 năm qua ở Trân Châu Cảng. Ảnh: Đ. Trang/SGN

Giờ đây, gần 80 năm sau, người Mỹ và mọi người từ khắp nơi sẽ tụ họp lại để tỏ lòng thành kính đối với những người phục vụ trong quân ngũ và hy sinh. Một lễ diễn hành tưởng niệm sẽ diễn ra tại Trân Châu Cảng, đúng vào ngày mà nước Mỹ mất đi hàng ngàn binh sĩ Hải quân, 80 năm trước.

Đây sẽ là một lời nhắc nhở quan trọng về cái ngày định mệnh đó, với niềm hy vọng rằng, từ xung đột và sự tàn phá của chiến tranh, hòa bình và hữu nghị có thể xảy ra. Mục đích của cuộc diễn hành nhằm tôn vinh và bày tỏ sự kính trọng đối với những người sống sót sau trận Trân Châu Cảng, các cựu chiến binh, quân nhân tại ngũ và gia đình của họ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: