Trần nợ là gì và tại sao nước Mỹ có thể vỡ nợ?

Liệu Hoa Kỳ có bị vỡ nợ do không trả được tiền lời và tiền vốn cho những khoản nợ đã vay hay không?
trần nợ
Lãnh đạo khối Cộng Hòa tại Thượng Viện, ông Mitch McConnell nhiều lần phản đối dự luật nâng trần nợ của đảng Dân Chủ. Ảnh Chen Mengtong/China News Service via Getty Images

Liệu Hoa Kỳ – siêu cường số một thế giới – có phải tuyên bố vỡ nợ do không trả được tiền lời và tiền vốn cho những khoản nợ đã vay để chi dùng hay không?

Rất có thể, nếu như “trần nợ” không được nâng lên vào tháng tới để cho phép chính phủ liên bang vay thêm tiền, vừa để chi dùng vừa để trả nợ. Bà Janet Yellen, Bộ trưởng Tài chính, đã vài lần cảnh báo chính phủ sẽ hết tiền vào khoảng giữa tháng Mười, và yêu cầu Quốc Hội có biện pháp nâng “trần nợ” lên. Nhưng các nghị sĩ đảng Cộng Hòa trong Thượng Viện nói họ sẽ không bỏ phiếu cho phép nâng trần nợ.

Vậy trần nợ là gì, có gây ra vỡ nợ không, có liên quan gì tới việc đóng cửa chính phủ và tại sao bây giờ nó trở thành đề tài nóng trong chính sự Hoa Kỳ?

1- Trần nợ (debt-ceiling) là một cái ngưỡng, một giới hạn mà Quốc Hội đặt ra cho chính phủ liên bang, chỉ cho phép chính phủ được vay tiền tới một mức nào đó để trang trải các khoản chi tiêu. Có một đạo luật nói rằng, mỗi khi tổng số nợ mà Bộ Tài Chính vay đã lên “đụng trần” thì Bộ này phải chạy tới Quốc Hội để yêu cầu Quốc Hội “nâng” trần lên, nếu không thì không vay thêm được. 

Do chính phủ Mỹ chi nhiều hơn thu nên thường xuyên xảy ra tình trạng ngân sách thâm hụt, buộc chính phủ phải đi vay để bù vào chỗ thâm hụt đó nhất là trong những giai đoạn kinh tế suy thoái, thiên tai dịch bệnh. Cách vay thông thường của chính phủ là phát hành công trái, trái phiếu ngắn và dài hạn, tức là các T-bills (Treasury Bills), T-notes và T-bonds… Người dân và nhà đầu tư, cả các chính phủ và ngân hàng nước ngoài, bỏ tiền đầu tư mua các loại công trái này, được hưởng tiền lời và được trả tiền vốn khi đáo hạn, và cũng có thể đem bán chúng trên thị trường chứng khoán để thu hồi vốn. Nhưng thẩm quyền ấn định chi tiêu ngân sách thuộc về Quốc Hội nên không phải chính phủ muốn phát hành bao nhiêu công trái cũng được mà phải tuân thủ “trần nợ” đã được Quốc Hội đặt ra.

Để chấm dứt tình trạng vung tay quá trán của các cơ quan chính phủ, năm 1917 các nhà lập pháp Hoa Kỳ lần đầu tiên đặt ra giới hạn “trần nợ”. Nhưng do Mỹ bị thâm hụt ngân sách triền miên nên hầu như Quốc Hội cũng thường xuyên “nâng” trần nợ lên để chính phủ không bị vỡ nợ. 

2- Theo thời gian, trần nợ dần dần trở thành một công cụ chính trị để các đảng trong Quốc Hội và chính quyền liên bang “mặc cả” với nhau: Quốc Hội (hoặc các đảng Dân Chủ, Cộng Hòa) sẽ bỏ phiếu đồng ý nâng trần nợ nếu chính phủ đồng ý đưa các dự án ưu tiên của đảng họ vào kế hoạch chi tiêu ngân sách. Nếu mặc cả không thành thì trần nợ không được nâng lên, chính phủ có nguy cơ vỡ nợ, điểm xếp hạng tín dụng quốc tế sẽ bị rơi xuống, công trái bán ra sau này phải chịu số phân lời cao hơn và nhiều hậu quả xấu khác.

3- Khi cuộc mặc cả về trần nợ bị bế tắc thì để tránh nguy cơ vỡ nợ, Quốc Hội có thể chọn biện pháp “treo” (suspend) trần nợ; không chính thức nâng trần nợ lên nhưng cho phép chính phủ tiếp tục vay tiền một thời gian nữa cho đến khi Quốc Hội đạt được thỏa thuận về mức trần nợ mới. Các nghị sĩ hai đảng ngày càng mâu thuẫn nhau, việc đàm phán để đạt được sự đồng thuận về trần nợ ngày càng kéo dài nên việc “treo” trần nợ cũng kéo dài theo, có khi đến cả năm.

4- Hiện thời mức trần nợ của Mỹ là vào khoảng $28.4 ngàn tỷ, tương đương với khoảng 128% tổng sản lượng quốc gia (GDP). Chính phủ Mỹ phải vay rất nhiều tiền, không chỉ để chi dùng hàng ngày và đầu tư cho các chương trình quốc gia mà còn để trả tiền lời và tiền vốn cho khoản nợ 28 ngàn tỷ đó. Sau khi đảng Cộng Hòa đề ra luật cắt giảm thuế 2017 dưới thời Tổng thống Donald Trump làm cho tiền thu thuế bị giảm mạnh, chính phủ Mỹ phải vay thêm nhiều ngàn tỷ để bù lại, đưa “trần nợ” lên thêm $7.8 ngàn tỷ từ mức $20.5 ngàn tỷ cuối thời Tổng thống Barack Obama.

5- Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã đôi lần yêu cầu Quốc Hội nâng trần nợ lên càng sớm càng tốt vì dự báo sẽ “đụng trần” trong tháng Mười 2021. Nhưng hai đảng trong Quốc Hội đang chơi trò mèo vờn chuột: đảng Dân Chủ muốn dự luật nâng trần nợ phải được thảo luận và thông qua Quốc Hội theo thủ tục thông thường chứ không ràng buộc vào dự luật đầu tư ngân sách $3.5 ngàn tỷ sẽ được thông qua theo thủ tục “hòa giải” (reconciliation), chỉ cần đa số phiếu Thượng Viện là đủ.  

Để được thông qua theo thủ tục thông thường, dự luật nâng trần nợ cần phải có 60 phiếu thuận ở Thượng Viện, tức là có ít nhất 10 thượng nghị sĩ Cộng Hòa bỏ phiếu thuận cùng với 50 thượng nghị sĩ Dân Chủ. Nhưng ông Mitch McConnell (Cộng Hòa – Kentucky), lãnh đạo khối thiểu số Thượng Viện, nói rằng, vì Dân Chủ nắm cả hai nhánh hành pháp và lập pháp và đang muốn chi tiêu hàng ngàn tỷ đôla cho các chương trình ưu tiên của họ nên đảng Dân Chủ có trách nhiệm giải quyết vấn đề trần nợ.

Theo các chuyên gia, ý kiến của ông McConnell có hai chỗ không hợp lý: một là vấn đề nâng trần nợ gần như luôn là việc thống nhất của cả hai đảng; và hai là, nâng trần nợ hôm nay có một phần là để trả tiền lời tiền vốn cho các khoản nợ đã vay trước đây, khi đảng Cộng Hòa nắm các nhánh quyền lực dưới thời ông Trump. Do đó không thể nói đảng Dân Chủ phải lo chuyện nợ mà họ đã gây ra được.

“Vụ vỡ nợ nếu xảy ra sẽ có thể khiến nền kinh tế Mỹ mất đi sáu triệu công việc làm, làm bốc hơi $15 ngàn tỷ tài sản của các hộ gia đình và khiến cho tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 9% từ mức 5% hiện nay.”

– Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng, Công ty xếp hạng tín dụng quốc tế Moody’s Analytics

6- Điều gì sẽ xảy ra khi chính phủ vỡ nợ? Nếu các món nợ như công trái đáo hạn mà chính phủ không hoàn trả được tiền vốn và tiền lời cho nhà đầu tư (người cho vay) thì khi đó chính phủ bị coi là vỡ nợ (default)

Báo The Washington Post dẫn nghiên cứu của chuyên gia Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của công ty xếp hạng tín dụng quốc tế Moody’s Analytics cho rằng, vụ vỡ nợ nếu xảy ra sẽ có thể khiến nền kinh tế Mỹ mất đi sáu triệu công việc làm, làm bốc hơi $15 ngàn tỷ tài sản của các hộ gia đình và khiến cho tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 9% từ mức 5% hiện nay.

Trong quá khứ, nước Mỹ đã có lần suýt vỡ nợ và bị các tổ chức xếp hạng tín dụng hạ một bậc tín nhiệm. Năm 2011, dưới thời Tổng thống Barack Obama, Hạ Viện do đảng Cộng Hòa kiểm soát đã không chấp nhận nâng mức trần nợ nếu chính phủ không cắt giảm chi tiêu; cuối cùng ông Obama phải nhượng bộ. Từ đó, trần nợ trở thành cuộc đấu tranh thường xuyên giữa hai đảng.

Theo tính toán của Sở Nghiên cứu của Quốc Hội (Congressional Research Service), một cơ quan phi đảng phái, mối đe dọa vỡ nợ rất có hại cho sức khỏe ngân sách, làm suy giảm vị thế tài chính của quốc gia và làm cho việc vay vốn sau này trở nên đắt đỏ hơn kể cả sau khi Quốc Hội thông qua quyết định về trần nợ.

7- Trần nợ và đóng cửa chính phủ. Yêu cầu nâng trần nợ hiện thời lại xảy ra cùng lúc với việc bố trí ngân sách để chính phủ tiếp tục hoạt động sau ngày 30 tháng Chín. 

Đảng Dân Chủ cố ý ghép hai dự luật vào nhau – dự luật phân bổ ngân sách cho chính phủ hoạt động và dự luật nâng trần nợ công – với hy vọng đảng Cộng Hòa sẽ rút lại lời đe dọa bỏ phiếu chống nâng trần nợ.

Hôm thứ Ba 21 tháng Chín, Hạ Viện do đảng Dân Chủ kiểm soát đã thông qua điều khoản “treo” (suspend) trần nợ trong dự luật ngân sách của chính phủ để chính phủ liên bang được tiếp tục vay tiền hoạt động. Nhưng tại Thượng Viện, dự luật ngân sách này cần có ít nhất 10 thượng nghị sĩ Cộng Hòa bỏ phiếu thuận cùng với 50 thượng nghị sĩ Dân Chủ thì mới có thể thông qua được. 

Lãnh đạo khối Cộng Hòa thiểu số tại Thượng Viện, Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell (Kentucky) nói rằng khối của ông ta sẽ không bỏ phiếu thuận. Dường như đảng Cộng Hòa đang cố buộc Tòa Bạch Ốc và đảng Dân Chủ phải nhượng bộ một số vấn đề về chi tiêu ngân sách, điều mà Tòa Bạch Ốc nói họ sẽ không nhượng bộ.

Hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa sẽ còn làm những trò gì nữa là điều mà giới chính trị, cộng đồng kinh doanh và người dân khắp nơi đang theo dõi sát. Cả hai đảng dường như đều cố đẩy tình hình tới chỗ cực đoan, kiểu “bên miệng hố chiến tranh” (brinkmanship) theo cách hoàn toàn có thể buộc chính phủ liên bang phải đóng cửa ngừng hoạt động, thậm chí đất nước bị vỡ nợ – lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ. 

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: