Trào lưu thuê làm việc từ xa bên ngoài nước Mỹ

Share:
Có nhiều cơ hội làm việc từ xa dành cho các nhà khoa học dữ liệu AI (minh họa: Brooke Cargle/Unsplash)

Trào lưu làm việc từ xa tiếp theo của các công ty Mỹ là thuê nguồn bên ngoài (outsource) những công việc có thể làm ở rất xa nước Mỹ, như Ấn Độ và các nước Trung Á, để tận dụng nguồn lao động lành nghề dồi dào ở đó với tiền lương và không gian văn phòng tiết giảm đáng kể, so với làm việc tại Mỹ.

Sáng kiến mới cho làm việc từ xa

Các chuyên gia tư vấn lao động cho biết, để đối phó với tình trạng thiếu lao động kéo dài và lương cao, nhiều công ty Mỹ đang chuyển một số công việc có thể thuê lao động làm từ nước ngoài. Nói rõ hơn, đây vẫn là làm việc từ xa nhưng rất xa bên ngoài nước Mỹ (jobs overseas)! Ý tưởng này đến với Johnny Taylor Jr, giám đốc điều hành Society for Human Resource Management  – một hội nghề nghiệp chuyên quản lý nguồn nhân lực – vào đầu năm ngoái, sau khi một nữ nhân viên nói với ông công việc cô đang làm có thể được thực hiện ở bất cứ đâu, chứ không nhất thiết phải tại trụ sở hội tại thành phố Alexandria thuộc tiểu bang Virginia.

Cô muốn làm việc từ North Carolina, quê hương mình. “Nếu nhân viên này có thể làm việc từ rất xa được thì tại sao những nhân viên khác không thể làm việc từ quốc gia của họ?” ông tự hỏi. “Một tia chớp loé lên trong đầu tôi!”. Taylor thử nghiệm ngay lập tức. Thay vì tìm thuê nhân viên bên trong nước, ông thuê hẳn các nhân viên đang sống ở Ấn Độ. Hiệu quả rõ ràng, 40% chi phí lao động được tiết kiệm.

Chào mừng làn sóng làm việc từ xa “thế hệ tiếp theo”, không phải trong nước Mỹ mà từ những quốc gia có lực lượng lao động công nghệ dồi dào. Trong đại dịch, hàng triệu người Mỹ phải làm việc tại nhà, và nhiều người chuyển đến sống tại các thành phố như Boise, Austin, Phoenix để tiết kiệm mà không sợ ảnh hưởng đến công việc họ đang làm.

Các công ty học được bài học: nhân viên vẫn có thể làm việc hiệu quả từ rất xa nhờ công nghệ hội họp từ xa có sẵn như Zoom, Dropbox. Thay đổi về môi trường làm việc của các công ty thuờng đến từ yêu cầu của những nhân viên nòng cốt muốn có nhiều không gian sống hơn và giá thuê nhà rẻ hơn. Các công ty ngày càng đồng ý với những yêu cầu này để giữ chân nhân viên trong một thị trường lao động cạnh tranh. Theo các chuyên gia tư vấn lao động, ngày càng có nhiều công ty giải bài toán thiếu lao động và lương cao bằng cách gửi một số công việc ra nước ngoài thay vì tuyển người trong nước, đặc biệt là công nghệ thông tin, phần mềm.

Trong cuộc khảo sát vào Tháng Tám, 2022 của Federal Reserve Bank of Atlanta, 7.3% nhà quản lý cấp cao của Mỹ cho biết đang chuyển nhiều công việc ra nước ngoài hơn. Deel, một công ty nhân sự giúp khách hàng tuyển người ngoài nước Mỹ cho biết việc tuyển dụng thông qua nền tảng của họ đã tăng hơn gấp đôi trong năm ngoái và tăng đều từ năm 2019.

Hết dịch bệnh, vẫn có hơn 15% người lao động làm việc từ xa. (minh họa: Unslash)

Giải pháp thay thế hoàn hảo

Dù xu hướng di cư các công việc ra nước ngoài vẫn còn thấp nhưng đang tăng tốc và một số nhà kinh tế nhìn thấy “sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới tuyển dụng”. Nicholas Bloom, nhà kinh tế học tại Đại học Stanford dự báo: “Khoảng 10% đến 20% công việc như phát triển phần mềm, chuyên gia nhân sự và quản trị viên tiền lương có thể chuyển ra nước ngoài trong thập niên tới”.

Gọi là trào lưu, nhưng việc thuê nguồn lực bên ngoài không phải là sáng kiến mới. Các thành phố như Bengaluru của Ấn Độ từ lâu đã chứng kiến xu hướng nay. Điều đang nói hiện nay là nhiều công ty đang chuyển cả các công việc mang tính chuyên nghiệp cao ra nước ngoài. Tình trạng thiếu lao động đồng nghĩa với việc nhiều công ty Mỹ gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động tại chỗ, trong khi hồ sơ nhập cư tồn đọng và thị thực việc làm quá chậm khiến việc thu hút nhân viên nước ngoài vào Mỹ khó khăn hơn rất nhiều.

Thuê làm việc bên ngoài nước Mỹ là giải pháp thay thế hoàn hảo. “Giai đoạn 1980-2019 là sự trỗi dậy của toàn cầu hóa sản xuất nhưng bị đình trệ khi xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ-Trung,” Bloom nói. Từ năm 2020, chúng ta bắt đầu chứng kiến kỷ nguyên toàn cầu hóa làm việc từ xa”.

Nhưng di chuyển một số công việc ra nước ngoài cũng có những thách thức, gồm cả rào cản ngôn ngữ. Phân tán lao động về địa lý cũng gặp khó khăn hơn trong việc đào tạo nhân viên mới. Bloom nhận định: “Việc thuê nhân công làm việc từ nước ngoài cho phép các công ty Mỹ đối phó với tình trạng thiếu lao động tại chỗ, tuyển được người lành nghề và bớt quỹ lương, giảm áp lực lạm phát. Ngược lại, việc tăng thuê nguồn lực ngoài là dấu hiệu cảnh báo mới nhất cho các chủ văn phòng cho thuê ở Mỹ là nhu cầu sẽ còn yếu nữa do làm việc từ rất xa. Đây cũng là tin xấu đối với những lao động Mỹ lành nghề có mức lương vượt quá sức chịu đựng của công ty thuê họ. Nguy cơ bị sa thải là rất cao!”.

Người lao động tiết kiệm được thời gian khi làm từ xa. (minh họa: Unsplash)

Những người trong cuộc nói gì?

Những lao động có tay nghề cao ở các nước đang phát triển sẽ được hưởng lợi bởi trào lưu thuê ngoài. Khi nhân viên công nghệ Benci Ruiz tại Thành phố Mexico nhận được email từ nhà tuyển dụng cho công ty International Business Machines Corp vào Tháng Chín, 2021, suýt nữa cô tưởng đó là thư rác và bỏ qua cơ hội. Nay ngồi nhà cô vẫn có thể kiếm được khoảng $2,000 một tháng nhờ công việc phát triển ứng dụng dành cho thiết bị di động, gấp đôi số tiền cô có thể kiếm được tại một công ty địa phương. Phúc lợi cũng tốt hơn và không phải mất ba giờ đi làm mỗi ngày như trước đây. “Ăn uống và trả tiền thuê nhà xong tôi còn tiết kiệm được một số để đầu tư,” cô nói.

Indy Banerjee, một đối tác và người đứng đầu bộ phận gia công châu Á tại công ty tư vấn kinh doanh McKinsey & Co cho biết ở Bengaluru các công ty phương Tây đang thuê thêm các kế toán và nhà phân tích rủi ro làm việc từ xa. Taylor thuộc Society for Human Resource Management thấy nhiều công ty thuê ngoài làm việc trong cả lĩnh vực pháp lý, tài chính. “Đã có lúc tôi khẳng định ‘không đời nào, chuyên viên pháp lý và tài chính lại có thể làm việc từ rất xa’, nhưng nay tôi xin thay đổi ý kiến. Đại dịch đã chứng minh nghĩ thế là sai!”.

Khi trào lưu giao công việc cho người sống bên ngoài làm lan rộng đến các quốc gia như Ấn Độ, các zoomtown mới cũng hình thành ở đó, nơi các nhân viên làm việc tự xa hội họp với công ty tại Mỹ. Theo Deel, các công ty châu Âu đang tăng cường tuyển dụng nhân viên làm việc từ xa tại các thành phố như Tbilisi (Georgia) và Yerevan (Armenia), nơi có nhiều lao động lành nghề và nhiều người tị nạn tay nghề cao trốn khỏi Nga. Mỹ Latinh, nơi có chung múi giờ với Hoa Kỳ, cũng được hưởng lợi.

CodersLink, một công ty giúp khách hàng tuyển dụng nhân viên công nghệ tại Mỹ Latinh, cho biết số tuyển dụng từ các công ty Mỹ đã tăng gấp bốn trong hai năm qua. Trong năm 2023, công ty tài chính Q2 có trụ sở tại Austin, Texas thuê lao động bên ngoài khoảng 90 công việc kỹ thuật, thiết kế sản phẩm, quản lý dự án… tại Mexico. Bà Kim Rutledge, phó chủ tịch phụ trách nhân sự của Q2 nhớ lại: “Các giám đốc điều hành bắt đầu thảo luận về ý tưởng thuê người bên ngoài từ Tháng Tám, 2020. Cuộc săn tìm chuyên viên công nghệ ở Austin quá khốc liệt nên Q2 phải vất vả mới lấp đầy các vị trí còn trống. Đại dịch đã thuyết phục các CEO là nhiều công việc có thể thực hiện từ rất xa. Q2 chuyển một số công việc cũ sang Mexico sau khi nhiều nhân viên Mỹ rời công ty, nhưng hầu hết các vị trí thuê ngoài đều mới theo đà phát triển của công ty”.

Các nhân viên tại Mexico được CodersLink tuyển dụng làm việc cho Q2 từ xa theo hợp đồng rải rác khắp đất nước. Nhiều người ở hai thành phố Monterrey và Guadalajara. Hiện có khoảng 20% lực lượng lao động của Q2 làm việc từ nước ngoài, chủ yếu ở Ấn Độ và Mexico. Kỳ vọng của Rutledge là con số đó sẽ tăng trưởng khá đáng kể trong vài năm tới.

(theo WSJ)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: